Thực vậy, trong thời cổ đại, vì
biên giới của Nepal không được xác định rõ, miền đất này chịu ảnh hưởng
rõ rệt của hai nước lớn nằm hai bên sườn Hy Mã Lạp Sơn, phía Nam bên này
là Ấn Độ, phía Bắc bên kia là Tây Tạng.
Nghe qua, ta có thể tưởng Nepal là nơi
không có gì đáng chú ý. Thế nhưng, những ai đã đến thăm Nepal sẽ thấy
đây là miền đất vô cùng thú vị. Thực tế, Nepal chính là chiếc cầu bắc từ
bình nguyên Ấn Độ đi cao nguyên Tây Tạng. Mà Ấn Độ và Tây Tạng đều là
hai vùng có truyền thống sâu sắc của Phật giáo. Do đó, đến Nepal, nếu có
chút tâm yên tĩnh, ta có thể cảm nhận nhiều điều vô cùng sâu lắng.
Nepal
không phải chỉ là mảnh đất bằng phẳng nối liền hai nước mà là chiếc cầu
thang đi ngược từ dưới lên trên, từ bình nguyên Ấn Độ lên cao nguyên
chừng 4.600m của Tây Tạng. Thủ đô Kathmandu của Nepal với độ cao 1.300m
vốn chỉ là thung lũng hiền hòa trong quốc gia chứa khoảng tám đỉnh núi
cao trên 8.000m và 240 đỉnh cao trên 6.000m. Do đó con đường đi từ
Kathmandu, vượt biên giới tại núi Hy Mã, lên Tây Tạng là con đường của
núi non hùng vĩ, của thác nước trắng xóa và của băng vạn niên chói lọi.
Đây hẳn là một trong những con đường đẹp nhất thế gian, đúng như các
sách du lịch đều nhất trí thừa nhận. Con đường len lỏi giữa những thung
lũng xanh rì mà hai bên là những ngọn núi nổi tiếng, một bên là ngọn
Shashi Pangma với độ cao 8.014m, bên kia là những đỉnh bảy tám ngàn mét
mà cách đó chừng 120km là ngọn Everest cao nhất thế giới. Trên độ cao
chưa đến 3.000m, ta còn thấy rừng cây cổ thụ xanh mướt với những dòng
thác như những dải lụa bạc thả vài trăm mét từ trên núi cao. Cao hơn
nữa, rừng nhiệt đới biến mất, nhường chỗ cho thảo nguyên ngút ngàn với
vô số bụi cây dại, thấp sát đất, nở đầy hoa. Thiên nhiên mở rộng vô
biên, xa xa chỉ còn những đỉnh núi chói lọi tuyết trắng. Trên cao
nguyên, bầu trời thường có một màu xanh thẫm như nhung. Lạ thay, bầu
trời lại tối trong lúc mặt đất sáng lên một màu đồng của đá và ánh chiếu
từ băng vạn niên nằm cao trên đỉnh.
Đi qua những cảnh thiên nhiên kỳ diệu
như thế, con người đô thị như chúng ta sẽ choáng ngợp, tâm sẽ chuyển
động cực mạnh. Đến vùng đất vắng người này, con người sẽ chứng kiến sự
kỳ diệu của sắc màu và cảnh quan lạ lùng của tạo hóa. Chỉ cần chút tâm
nhạy cảm, con người sẽ đến với nhận thức, tri kiến khác lạ. Đó là thiên
nhiên xem ra không phải chỉ có đất và đá, gió và tuyết, nước và lửa mà
hình như là sự xếp đặt có ý thức.
Từ sự nhận biết đó, trong cảnh hùng vĩ
của núi sông, băng tuyết, mặt trời, sự vận hành không ngừng trong thiên
nhiên, người ta sớm cảm nhận rằng thế giới này do năng lượng nhất định
tạo nên, dù không mấy ai biết năng lượng đó từ đâu đến. Năng lượng vô
tận nhưng vô hình đang vận hành, đó là điều mà con người khi đứng trên
cao nguyên Tây Tạng, trên "mái nhà thế giới", sẽ cảm nhận một cách vô
cùng rõ nét.
Đứng trước cảnh quan vĩ đại như thế, con
người vừa cảm thấy lòng kính sợ trước chiều sâu thẳm và sinh động của
vũ trụ, mặt khác vừa thấy chính mình cũng là biểu hiện của sự sống, của
năng lượng. Con người vừa thấy mình như là trung tâm, tiêu điểm, trục
quy chiếu để ngắm nhìn thế giới, đồng thời lại thấy mình là sự xuất hiện
vô cùng nhỏ bé bên cạnh những dạng hình khổng lồ khác của năng lượng.
Hai cảm nhận đó thường mâu thuẫn trong đời sống bình thường nhưng nơi
đây lạ một điều là chúng không loại bỏ lẫn nhau nữa. Vì nơi đây dạng
hình to nhỏ không còn đóng vai trò, dường như chỉ có dòng năng lượng
đang vận hành, nó "ứng" vào đâu thì nơi đó có sự hiện hữu.
Con
người bình thường như chúng ta tuy cảm nhận được năng lượng này nhưng
không giải thích được, lý trí không nắm bắt được nghịch lý của nó sinh
ra. Năng lượng này hầu như vừa nằm bên trong, vừa bên ngoài; Vừa tại nơi
đây vừa cùng khắp; Vừa tạo ra thân mình, vừa tạo ra cảnh vật bên ngoài;
Vừa vô hình vừa mang đủ thứ dạng hình. Tuy không định nghĩa và gọi tên
được nó, nhưng điều chắc chắn là người ta thấy nó kỳ diệu. Chỉ cần nhìn
sự cấu tạo và hoạt động của cơ thể chính mình, ta có thể thấy sự kỳ diệu
đó. Nhìn vào sự vận hành của thiên thể trong vũ trụ hay trong những cấu
trúc nhỏ nhất của vật chất, ta cũng thấy sự kỳ diệu đó.
Xưa nay rất nhiều người đã cảm thấy năng
lượng đó. Họ cố tìm một danh tính cho nó. Có người gọi là "Tâm", là
"Đạo", "Tự Tính", "Tính Không", "Thượng Đế". Mỗi người cho nó danh tính
riêng mà nội dung và mức độ sâu xa hẳn cũng rất khác nhau. Nhiều người
tìm cách "tiếp cận" hay "hòa nhập" với năng lượng đó và cũng vì sự khác
biệt trên bước đường tầm cầu mà sinh ra rất nhiều môn phái.
Lại cũng có nhiều người từ chối những
danh tính nói trên. Đối với một số người, những danh tính đó có tính
chất mơ hồ, xa lìa khoa học, trực tiếp dẫn vào lĩnh vực tôn giáo thần
bí. Thậm chí có một số người dị ứng hẳn với vài từ, thí dụ "Thượng Đế",
cho rằng dùng từ này thì chấp nhận có thể trạng nhất định đã sáng tạo
nên thế giới và con người, điều mà khoa học ngày nay cũng như cả một số
tôn giáo bác bỏ.
Hãy gác qua một bên những cuộc tranh
luận vô tận xuất phát từ ngôn từ. Điều mà phần lớn chúng ta đều cảm thấy
là có năng lượng đang luân lưu vận hành. Hãy tạm gọi năng lượng đó là
"Sự Sống" vì tất cả chúng ta đều thấy có "Sự Sống" trong thân mình.
Trong thiên nhiên Sự Sống hẳn cũng hiện diện nên sinh vật và cây cối mới
có thể tăng trưởng và sống còn. Trong vũ trụ hẳn cũng phải có một thứ
năng lượng vĩ đại đang vận động. Liệu năng lượng đó cũng chính là Sự
Sống trong thân chúng ta hay không thì đó là điều mà người bình thường
như chúng ta không ai dám khẳng định.
Câu hỏi vừa nêu thực ra là vấn đề trung
tâm của ngành Bản thể học. Cuối cùng có lẽ người suy tư sẽ chạm trán với
câu hỏi "Có nhiều Sự Sống hay chỉ một". "Một hay nhiều" là thắc mắc
muôn thuở của người tầm cầu mà đầu óc lý luận không thể trả lời thỏa
đáng.
Lục
lại trong quá khứ, chúng ta bắt gặp lời của một số thánh nhân về luận
đề này: "Một nhưng nhiều". Muốn hiểu lời này ta có thể hình dung thanh
nam châm. Thanh nam châm có tính chất, đó là hai cực từ tính của nó ở
mỗi vết cắt. Thế nhưng khi ta cắt ở bất cứ điểm nào thì tại điểm đó đều
sinh ra từ tính như vết cắt trước cả, chất lượng như nhau, không hơn
không kém. Tương tự như thế, chỉ có Sự Sống nhưng nó hiện hữu trong mỗi
cá thể, kỳ diệu như nhau, "thánh không tăng, phàm không giảm". Loại tri
kiến "một nhưng nhiều" là một loại nghịch lý đặc trưng mà ta sẽ gặp khi
đi sâu vào lĩnh vực bí nhiệm của tâm linh. Trong lĩnh vực này con người
có lẽ phải tạm quên khái niệm của không gian xa gần, to nhỏ thì mới có
thể lĩnh hội được.
Đối với nhận thức bình thường của chúng
ta, Sự Sống xem ra là cái gì riêng tư của mỗi người, nó là "của tôi và
do tôi tạo ra". Nhận thức này là nguyên nhân tại sao con người thấy mình
tách biệt với cái còn lại trên thế giới và nói cho cùng nó là nguồn gốc
của mọi sự đau khổ của đời người. Nhận thức đó làm ta sẵn sàng làm điều
ác với đồng loại và nó cũng là tác nhân sinh ra mọi nỗi đau khổ thất
vọng và trầm cảm mà tại phương Đông cũng như Tây con người đều gặp phải.
Những ai có may mắn cảm nhận Sự Sống là
"một nhưng nhiều" có lẽ sẽ đến với nhận thức mới về con người và cả muôn
thú hay thiên nhiên. Người đó tự thấy mình chỉ là dạng xuất hiện của Sự
Sống, cũng bình đẳng như Sự Sống, xuất hiện nơi người khác, sinh vật
khác và thậm chí nơi cả thực vật hay loài "vô sinh". Người đó sẽ thấy
liên đới với mọi dạng của Sự Sống, thấy mình nằm trong mạng lưới vĩ đại
của cái mà ta gọi là thế giới hiện tượng. Người đó đồng thời cũng thấy
mình chứa đầy đủ tính chất và khả năng của Sự Sống nguyên thủy và có
trách nhiệm với dạng hình của mình đang được ban phát, với xã hội của
mình đang nằm xung quanh.
Chúng
ta có lẽ không ai hiểu thấu tất cả những điều nêu trên vì thực ra tri
kiến đó quá sâu xa và siêu việt, vượt mọi tầm mức của con người bình
thường. Nhưng những ai chỉ cần cảm nhận sơ lược điều này đã thấy mừng
run về điều mà các thánh nhân thời cổ đại đã nói tới. Sự Sống sẽ không
những chỉ là "một nhưng nhiều" mà nó còn vô cùng thiêng liêng.
Đối với người đó thì gọi Sự Sống là
"Thượng Đế" hay bất cứ ngôn từ nào khác hay vắng bóng một danh tính đều
được cả. Vì có lẽ người đó chỉ cần nhớ đến hơi thở hay tiếng đập của
trái tim mình là đã "tiếp cận" với cái thiêng liêng. Đời sống đô thị và
xã hội đầy tranh chấp khó làm ta hiểu ngộ tính chất của Sự Sống. Cảnh
quan thiên nhiên có khả năng đánh thức cảm nhận đó của chúng ta, nó đưa
đường dẫn lối cho tri kiến lạ lùng và tuyệt diệu.
Xuân sắp về, cỏ cây và thiên nhiên như
sẵn sàng đón chào nhiều tâm hồn rộng mở. Con đường xuyên núi ở Nepal là
lựa chọn cho những ai đủ điều kiện, như đã nói, ở đâu cũng có Sự Sống,
kể cả trong phố phường chật hẹp nhất.¡
CHÚ THÍCH ẢNH:
1. 2.3. Nepal chính là chiếc cầu bắc từ bình nguyên Ấn Độ đi cao nguyên Tây Tạng.
4. Thiên nhiên xem ra không phải chỉ có đất và đá, gió và tuyết, nước và lửa mà hình như là sự xếp đặt có ý thức.
5. Ở đâu cũng có Sự Sống, kể cả trong phố phường chật hẹp nhất.
6. 7. Chỉ cần nhớ đến hơi thở hay tiếng đập của trái tim mình là đã "tiếp cận" với cái thiêng liêng.