Bản văn ngắn được
trình bày ở đây là một tuyển tập các cuộc đối thoại, lời chỉ dạy, và những quán
chiếu của một vài nhân vật chính yếu trong truyền thống Kadampa, trong đó có
Đức Atisha và Geshe Drom, đệ tử lỗi lạc người Tây Tạng của ngài. Những châm
ngôn này là đặc trưng của phái Kadampa khi nhấn mạnh vào những nội quán căn bản
của Phật giáo như một nền tảng cho toàn bộ con đường Phật giáo dẫn đến giác
ngộ.
Giáo lý của các Đạo
sư Kadampa được chú ý bởi sự thẳng thắn, tính chất đơn giản hầu như không khoan
nhượng của nó. Các Đạo sư này liên tục buộc chúng ta phải đương đầu với những
sự thật căn bản của sự hiện hữu của ta và thách thức ta chấp nhận một đáp ứng
thực tiễn và đầy ý nghĩa với những sự thật đó. Các ngài liên tục lưu ý chúng ta
rằng giống như cuộc đời chúng ta trong thế giới, việc tự lừa dối mình rất có
thể xảy ra trên con đường tâm linh. Để tránh những cạm bẫy như thế, ta phải
thường xuyên chánh niệm về các động lực, mục đích, hứa nguyện thâm sâu, và quan
trọng nhất, cái chết của ta.
Dưới sự hướng dẫn của
Geshe Wangyal, Lạt ma người Mông Cổ, bản văn này được các đệ tử người Mỹ của
ngài dịch sang Anh ngữ lần đầu tiên. Nó được xuất bản như một phần của tuyển
tập các tác phẩm Phật giáo Tây Tạng có tựa đề Cánh cửa Giải thoát vào năm 1975. Bản văn được trình bày ở đây bao
gồm khoảng một nửa của nguyên bản.
Stephen Batchelor
1.
Lời Chỉ dạy của Đức Atisha
Đức Atisha (982-1054)
Có một lần các đệ tử
hỏi ngài Atisha: “Giáo lý tối thượng của con đường tu tập là gì?” Đức Atisha trả lời:
“Thiện xảo tối thượng
nằm trong việc nhận ra tính chất vô ngã.
Cao quý tối thượng
nằm trong việc điều phục tâm bạn.
Hoàn hảo tối thượng ở
trong tâm cố gắng giúp đỡ người khác.
Giáo huấn tối thượng
là sự chánh niệm thường xuyên.
Phương thuốc tối
thượng là hiểu biết tính chất vô tự tánh của mọi sự.
Hoạt động tối thượng
là không theo đuổi các mối bận tâm thế tục.
Thành tựu tối thượng
là sự giảm thiểu và chuyển hóa các đam mê.
Bố thí tối thượng
được tìm thấy trong sự không tham luyến.
Trì giới tối thượng
là một tâm thức an bình.
Nhẫn nhục tối thượng
là sự khiêm tốn.
Tinh tấn tối thượng
là từ bỏ sự dính mắc vào các hoạt động.
Thiền định tối thượng
là tâm không tự phụ, khoe khoang.
Trí tuệ tối thượng là
không bám chấp vào bất kỳ điều gì khi nó xuất hiện.”
Lúc rời miền Tây xứ
Nari, Đức Atisha ban lời khuyên dạy giã biệt sau đây cho tập hội đệ tử của
ngài: “Các bằng hữu, trừ phi các con đã đạt được giác ngộ, con cần có một vị
Thầy tâm linh: vì thế hãy tin tưởng vào vị Thầy tâm linh thánh thiện. Trừ phi
con hoàn toàn nhận ra bản chất của tánh Không, con phải lắng nghe Giáo lý; vì
thế hãy chăm chú lắng nghe giáo huấn của Đạo sư. Chỉ hiểu biết Giáo Pháp thì
không đủ để giác ngộ, con phải thực hành liên tục.
“Hãy tránh xa những
nơi chốn có hại cho việc thực hành của con; luôn luôn sống ở một nơi mang lại
lợi lạc cho đức hạnh. Sự ồn ào huyên náo thì bất lợi trừ phi con đạt được một
tâm thức kiên cố, hãy sống ở một nơi cô tịch. Hãy từ bỏ bạn hữu làm đam mê trói
buộc của con tăng trưởng, hãy tin cậy vào những bằng hữu làm cho con tăng
trưởng đức hạnh. Hãy lưu giữ điều này trong tâm. Công việc chẳng bao giờ chấm
dứt, vì thế hãy hạn chế các hoạt động của con. Cả ngày lẫn đêm, hãy hồi hướng
đức hạnh của con và luôn luôn chánh niệm.
“Một khi đã nhận được
giáo huấn của Đạo sư, con nên luôn luôn thiền định về nó và hành động phù hợp
với lời dạy của ngài. Khi con làm điều này với sự khiêm cung to lớn, kết quả
của nó sẽ hiển lộ tức thời. Nếu con hành động phù hợp với Pháp từ tận đáy lòng,
thực phẩm và những điều cần thiết sẽ đến một cách tự nhiên.
“Các bằng hữu, không
có sự mãn nguyện trong những điều con khao khát. Nó giống như việc uống nước
biển để thỏa mãn cơn khát. Vì thế, hãy hài lòng với những gì con có. Hãy tiêu
diệt mọi hình thức của tánh khoe khoang, tự phụ và kiêu ngạo; hãy điều phục và
an bình. Hãy từ bỏ tất cả những gì một số người gọi là đức hạnh nhưng thực ra
là chướng ngại cho việc thực hành Pháp. Như chất nhầy trong mũi, hãy hỉ sạch
các tư tưởng về thanh danh và tán tụng, bởi chúng chỉ mang sự lọc lừa, dối gạt.
“Bởi hạnh phúc, lạc
thú và bằng hữu con từng tích tập chỉ kéo dài trong chốc lát, hãy quay lưng lại
với những điều ấy. Đời sau dài hơn đời này, vì thế hãy bảo vệ kho tàng đức hạnh
của con để cung cấp cho tương lai. Khi con chết, con sẽ bỏ lại tất cả; chớ tham
luyến bất kỳ điều gì.
“Hãy
bỏ đi sự khinh miệt và phản kháng người khác và phát triển lòng bi mẫn đối với
tất cả những người thấp nhỏ hơn con. Đừng quá dính mắc vào các bằng hữu và đừng
phân biệt đối xử với kẻ thù. Đừng ganh tị hay đố kị với những phẩm tính tốt đẹp
của người khác, với sự khiêm tốn hãy áp dụng những phẩm tính tốt đẹp đó nơi bản
thân. Chớ băn khoăn truy xét lỗi lầm của người khác mà hãy khảo sát lầm lỗi của
chính con. Tẩy sạch các khiếm khuyết của con như thanh lọc máu dơ. Cũng không
nên chú tâm vào đức hạnh của con: đúng hơn, hãy kính trọng các đức hạnh đó như
một người phục vụ đã làm. Hãy trải rộng lòng từ ái đến tất cả chúng sinh như
thể họ là con của con.
“Hãy luôn luôn có một
gương mặt tươi tắn và một tâm thức thương yêu. Hãy nói năng trung thực và không
giận dữ. Nếu con sắp nói những điều vô nghĩa, con sẽ phạm các lỗi lầm; vì thế
hãy tiết chế việc nói năng. Nếu con làm nhiều điều vô nghĩa, thiện hạnh của con
sẽ chấm dứt; hãy từ bỏ các hành động không có tính chất tâm linh. Thật vô ích
khi nỗ lực trong những công việc không cần thiết. Bởi mọi điều xảy đến với con
là nghiệp quả của con từ lâu xa về trước, các kết quả chẳng bao giờ đáp ứng
được những khát khao trong hiện tại của con. Vì thế hãy an định.
“Than ôi! thà chết còn
hơn là nhục mạ một bậc thánh thiện; vì thế con nên luôn luôn trung thực và
không giả dối. Mọi sự khổ đau và hạnh phúc trong đời này đến từ nghiệp của đời
này và những đời trước; chớ đổ lỗi cho người khác về mọi hoàn cảnh của con.
“Trừ phi con điều phục
bản thân, con không thể điều phục người khác; vì thế, trước tiên hãy điều phục
chính mình. Bởi con không thể làm thuần thục người khác nếu không có sự thấu
thị, hãy hết sức nỗ lực để đạt được sự thấu thị.
“Chắc chắn là con sẽ
chết, bỏ lại mọi của cải con từng thâu thập, vì thế hãy cẩn trọng, đừng tích
tập sự ô nhiễm bởi việc thâu thập của cải. Bởi những lạc thú phóng dật không có
thực chất, hãy tự trang điểm bằng đức hạnh của sự bố thí. Luôn luôn gìn giữ
thực hành giới hạnh thanh tịnh bởi nó là điều tuyệt đẹp trong đời này và sự bảo
đảm cho hạnh phúc trong những đời sau. Trong thời mạt pháp này, nơi hận thù quá
sức lẫy lừng, hãy mặc áo giáp nhẫn nhục để hóa giải sân hận. Ta có mặt trong
thế giới này là bởi năng lực của biếng lười; vì thế ta phải kích động sự tinh
tấn như một ngọn lửa lớn để đạt được thành tựu; bây giờ là lúc để thiền định.
Bởi con chịu sự tác động của các tà kiến, con không nhận ra bản chất của tánh
Không. Hãy hăng hái tìm kiếm ý nghĩa của thực tại.
“Các bằng hữu, sinh
tử luân hồi là một đầm lầy bao la trong đó không có hạnh phúc chân thực; hãy
gấp rút đi tới nơi chốn giải thoát. Hãy thiền định về giáo huấn của Đạo sư và
làm cạn khô con sông khổ đau sinh tử.
Hãy luôn luôn lưu giữ
điều này trong tâm. Hãy nghe kỹ lời khuyên dạy này, nó không chỉ là ngôn từ mà
đến thẳng từ trái tim ta. Nếu con tuân theo những giáo huấn này, con sẽ không
chỉ làm ta hạnh phúc mà con cũng mang lại hạnh phúc cho bản thân con và những
người khác. Mặc dù ta là kẻ ngu dốt, ta thôi thúc các con ghi nhớ những lời này.”
Khi Đức Atisha đang ở
Yerpadrak gần Lhasa, ngài ban giáo huấn sau đây: “Các nam tử cao quý, hãy quán
chiếu sâu xa những lời này. Trong thời mạt pháp cuộc đời thật ngắn ngủi và có
nhiều điều để biết. Thọ mạng của các con không xác định được; các con không
biết mình sẽ sống bao lâu. Vì thế giờ đây các con phải hết sức nỗ lực để hoàn
thành những khát khao đúng đắn của mình.
“Đừng tự cho mình là
một tu sĩ nếu con thâu đạt những điều cần thiết của đời sống theo cách của một
cư sĩ. Mặc dù sống trong tu viện và đã từ bỏ những hoạt động thế gian, nếu con
buồn phiền về những gì con đã từ bỏ, con không có quyền cho rằng ‘tôi là tu sĩ
sống trong tu viện.’ Nếu tâm con vẫn cứ khát khao những vật dụng đẹp đẽ và vẫn
sinh khởi những niệm tưởng ác hại thì đừng cho rằng ‘tôi là tu sĩ sống trong tu
viện.’ Nếu con vẫn lang thang đây đó với người thế tục và lãng phí thời giờ
trong những cuộc trò chuyện tầm thường vô nghĩa với người chung quanh, mặc dù
con đang sống trong một tu viện, đừng cho rằng ‘tôi là tu sĩ sống trong tu
viện.’ Nếu con không nhẫn nại và cứ hẹp hòi, nếu thậm chí con không thể làm lợi
lạc chút nào cho người khác, đừng cho rằng ‘tôi là tu sĩ-Bồ Tát.’
Nếu con nói như thế
với những người thế tục, con là kẻ dối láo vĩ đại. Con có thể thành công khi
nói những điều như thế. Tuy nhiên con không thể dối gạt những bậc có nhãn kiến
thấu thị siêu phàm, con cũng không thể lừa dối những bậc có Pháp nhãn toàn tri.
Con cũng không thể lừa dối chính mình, bởi nghiệp quả sẽ theo sau con.
“Điều thiết yếu để
sống trong tu viện là từ bỏ những cách sống thế tục và sự dính mắc vào bằng hữu
và thân quyến. Bằng cách từ bỏ những điều này, con đang giải thoát khỏi mọi
nguyên nhân cho sự dính mắc và tham muốn. Từ nay trở đi, con phải tìm kiếm tâm
giác ngộ cao quý. Con không nên để cho sự dính mắc với những mối quan tâm thế
tục trước đây xuất hiện, dù chỉ trong chốc lát. Trước đây con đã không thực
hành Pháp một cách đúng đắn, và tác động của những tập quán trong quá khứ khiến
năng lực của con suy yếu, con đã thường xuyên sinh khởi những niệm tưởng của
một người thế tục. Bởi những niệm tưởng như thế rất trội vượt, trừ phi con sử
dụng những cách đối trị mạnh mẽ, chẳng ích lợi gì khi sống trong tu viện. Con
chẳng khác gì những con chim và thú hoang sống ở đó.
“Tóm lại, việc sống
trong tu viện sẽ không lợi lạc nếu con không bỏ đi sự dính mắc đối với những
vật dụng đẹp đẽ và không từ bỏ những hoạt động của đời này. Bởi nếu con không
chặt đứt những khuynh hướng ấy, nghĩ rằng con có thể làm việc để đạt được những
mục đích của đời này và những đời sau, con sẽ chẳng thực hiện được điều gì
ngoài thực hành tôn giáo không cần thiết. Loại thực hành này chỉ là thực hành
tự phụ và đạo đức giả được làm vì sự lợi lạc vị kỷ.
“Vì thế, con nên luôn
luôn tìm kiếm các thiện tri thức và tránh xa bè bạn xấu. Đừng sống cố định ở
một nơi hay thâu thập nhiều thứ. Dù làm gì, hãy làm trong sự hòa hợp với Pháp.
Hãy để cho mọi điều con làm trở thành một phương thuốc chữa lành sự trói buộc.
Đây là thực hành tôn giáo thực sự;
hãy hết sức tinh tấn để làm điều này. Khi kiến thức của con tăng trưởng, đừng
bị quỷ ma kiêu ngạo ám chướng.
“Hãy sống ở một nơi
cô tịch, điều phục bản thân. Ít tham muốn và hãy hài lòng với những gì mình có.
Đừng vui thích với sự hiểu biết của mình mà cũng không tìm kiếm lỗi lầm của
người khác. Đừng sợ hãi hay lo lắng. Hãy có thiện chí và không thành kiến. Tập
trung vào Pháp khi bị xao lãng bởi những tư tưởng tà vạy.
“Hãy khiêm tốn, và
nếu con bị thất bại, chấp nhận nó một cách thanh nhã. Hãy bỏ đi tánh khoe
khoang; từ bỏ tham muốn. Luôn luôn phát triển tâm bi mẫn. Dù làm gì, hãy làm
trong sự điều độ. Hãy dễ dàng hài lòng và dễ dàng chấp nhận. Hãy chạy trốn như
một con thú hoang thoát khỏi những cạm bẫy.
“Nếu không từ bỏ hiện hữu thế tục, đừng nói
con là người thánh thiện.
Nếu không từ bỏ đất đai và nông nghiệp, đừng
nói con đã gia nhập Tăng đoàn.
Nếu không từ bỏ tham muốn, đừng nói rằng con
là một tu sĩ.
Nếu không có lòng từ và bi, đừng nói con là
một Bồ Tát.
Nếu không từ bỏ hoạt động, đừng nói con là
một thiền giả vĩ đại.
Đừng ấp ủ các dục vọng của con.
Tóm lại, khi con sống
trong một tu viện, hãy ít tham dự vào các hoạt động và chỉ thiền định về Pháp.
Đừng tạo nguyên nhân cho sự ân hận khi cái
chết đến.”
Một lần khác, Đức
Atisha nói: “Thời mạt pháp không phải là lúc để phô bày khả năng của con; đó là
lúc để kiên trì chịu đựng gian khổ. Đó không phải là lúc để nương tựa vào những
người phục vụ, mà là lúc để nương cậy nơi cô tịch. Cũng không phải là lúc để
điều phục các đệ tử; đó là lúc để điều phục chính mình. Đó không phải là lúc
chỉ nghe những ngôn từ, mà là lúc để suy niệm ý nghĩa của chúng. Cũng không
phải là lúc để viếng thăm đây đó mà là lúc để sống một mình.”
2.
Lời dạy của các Đạo sư Khác
Geshe
Dromtonpa (1005-1064)
Có lần, một người hỏi
Geshe Drom: “Giúp đỡ chúng sinh bằng phương tiện giáo lý hay thực hành ở một
nơi cô tịch, điều nào quan trọng hơn?”
Đạo sư trả
lời: “Những người sơ học không có sự nội chứng thì không thể giúp đỡ chúng sinh
bằng giáo lý. Gia hộ của họ giống như việc rót ra từ một chiếc bình trống không
– sẽ chẳng có gì được rót ra từ đó. Lời chỉ dạy của họ giống như bia chưa lên
men – nó không có thực chất.
“Những người
có hành vi đáng ngưỡng mộ chưa đạt được trí tuệ vững chắc thì không thể hành
động để làm lợi ích chúng sinh. Gia hộ của họ giống như việc rót ra từ một
chiếc bình đầy – khi nó làm đầy chiếc bình khác thì nó trống rỗng. Lời chỉ dạy
của họ giống như một ngọn đèn bơ được cầm trong tay: nó có thể soi sáng những người
khác, nhưng người cầm chiếc đèn thì vẫn ở trong bóng tối.
Tuy nhiên, khi
họ đã đạt được các cấp độ của những bậc tôn quý, tất cả những gì họ làm sẽ mang
lại lợi lạc cho chúng sinh. Sự gia hộ của các ngài như một chiếc bình kỳ diệu –
mặc dù nó rót đầy vô số chiếc bình, tự nó không trống rỗng. Lời dạy của các
ngài như một ngọn đèn bơ đặt trên một cái đế - nó soi sáng những người khác
cũng như người đang cầm nó.
“Vì thế thời
đại mạt pháp này không phải là lúc để người ta giúp đỡ chúng sinh trừ phi họ đã
nuôi dưỡng lòng từ, bi và khao khát đạt được giác ngộ ở nơi cô tịch. Đó là lúc
để canh chừng những đam mê trói buộc. Đó không phải là lúc đốn hạ cây thuốc
thần diệu mà là lúc để vun trồng nó.”
Một hôm, khi
một ông lão đang đi nhiễu quanh tu viện, Geshe Drom nói với ông: “Thưa ông, tôi
rất vui khi thấy ông đi nhiễu, nhưng nếu ông thực hành Pháp thì chẳng phải tốt
hơn sao?”
Suy nghĩ về
điều này, ông lão nghĩ rằng tụng những bộ Kinh linh thánh thì có thể tốt hơn.
Trong khi ông đang đọc Kinh trong sân chùa, Geshe Drom nói: “Tôi rất vui khi
thấy ông tụng Kinh, nhưng nếu ông thực hành Pháp thì chẳng phải tốt hơn sao?”
Đến lúc này
thì ông lão nghĩ rằng có lẽ ông nên thiền định. Ông ngồi tréo chân trên một
chiếc nệm, đôi mắt khép hờ. Ngài Drom lại nói: “Tôi rất vui khi thấy ông thiền
định, nhưng nếu ông thực hành Pháp thì chẳng phải tốt hơn sao?”
Hoàn toàn bối
rối, ông lão hỏi: “Geshela, xin chỉ cho con nên làm gì để thực hành Pháp.”
Ngài Drom trả
lời: “Hãy từ bỏ sự hấp dẫn của cuộc đời này. Hãy từ bỏ nó. Bởi nếu ông không từ
bỏ hấp lực của cuộc đời này, mọi điều ông làm không phải là thực hành Pháp, bởi
ông không siêu vượt những mối quan tâm thế tục. Một khi ông đã từ bỏ những tư
tưởng quen thuộc của cuộc đời này và không còn bị xao lãng bởi những bận tâm
thế tục, mọi điều ông làm sẽ thúc đẩy ông trên con đường giải thoát.”
Potowa hỏi Đạo
sư Drom: “Sự khác biệt giữa Pháp và không phải là
Pháp (phi-Pháp) là gì?”
“Điều gì đối
nghịch với những đam mê trói buộc, điều đó là Pháp. Nếu không, không phải là
Pháp. Nếu nó không phù hợp với người thế tục, đó là Pháp. Nếu nó phù hợp với người thế tục, đó không
phải là Pháp. Nếu nó phù hợp với giáo lý của Đức Phật, đó là Pháp. Nếu nó không
phù hợp, đó không phải là Pháp. Nếu tuân thủ triệt để, đó là Pháp. Nếu tuân thủ
sơ sài, đó không phải là Pháp.”
Yerbay
Shangtsun nói: “Khi ta khát khao giải thoát từ tận đáy lòng, bằng việc thường
xuyên suy niệm về sự chắc chắn của cái chết, ta nên luôn luôn an trụ trong
những tư tưởng và hành động đặt nền trên bốn phẩm tính của các đấng tôn quý.
“Bốn phẩm tính
của các đấng tôn quý là: Hài lòng với pháp phục đơn giản, hài lòng với thực
phẩm đạm bạc, hài lòng với nệm thiền tầm thường, và hài lòng với lương dược tối
thiểu.
“Nói cách
khác, bốn phẩm tính này là: không tham muốn, hài lòng, dễ chấp nhận, và dễ mãn
nguyện. Không tham muốn là không bám luyến mọi của cải và không khao khát nhiều
của cải hay những vật dụng tốt để duy trì bản thân. Hài lòng là vui vẻ với
những vật dụng tầm thường. Dễ chấp nhận có nghĩa là tồn tại với thực phẩm sơ
sài và đạm bạc, một nệm thiền tầm thường, và y phục đơn giản. Dễ mãn nguyện có
nghĩa là hài lòng với vật bố thí ít ỏi và sự biết ơn.
“Một người
sống theo cách này được cho là an trú trong bốn phẩm tính của các bậc tôn quý,
bởi toàn bộ thực hành Pháp của người ấy được hướng tới giác ngộ. Một người hoàn
toàn bị thu hút bởi những tham muốn thế tục không an trụ trong bốn phẩm tính
của các bậc tôn quý. Thay vào đó, người ấy được cho là đang an trú trong những
phẩm tính của quỷ ma, bởi an trụ trong những hoạt động phi đạo đức là nguyên
nhân của sự tái sinh trong những trạng thái thấp của luân hồi sinh tử.
“Nếu giờ đây ta không từ bỏ các tham muốn của đời này, ta sẽ
lại bị tác động của sự tham luyến trong những đời sau. Để từ bỏ các tham muốn
của cuộc đời này, cách đối trị hiệu quả nhất là thiền định liên tục về lẽ vô
thường. Nếu bạn không thiền định về vô thường vào sáng sớm thì bạn sẽ có nhiều
tham muốn vào buổi trưa.”
Một đệ tử cư
sĩ hỏi Geshe Potowa: “Để thực sự thực hành Pháp, điều gì là quan trọng nhất?”
“Điều quan
trọng nhất là thiền định về sự vô thường. Hãy thiền định về lẽ vô thường, về
cái chết nhất định sẽ xảy đến; điều đó sẽ khiến cho bạn bắt đầu thực hành Pháp.
Điều này sẽ tạo ra các điều kiện thúc đẩy bạn làm các thiện hạnh, sẽ trợ giúp
bạn trong việc nhận ra tính chất bình đẳng của mọi sự trong bản tánh hiện hữu
của chúng.
“Thiền định về
sự vô thường cũng khiến cho bạn quyết định từ bỏ những lạc thú của cuộc đời
này, điều đó sẽ tạo nên các điều kiện để bạn thoát khỏi mọi tham muốn thế tục,
và như thế trợ giúp bạn đi vào con đường dẫn đến Niết bàn.
“Khi bạn đã
thiền định về sự vô thường và có được một vài hiểu biết, bạn sẽ tìm kiếm Giáo
Pháp. Điều này sẽ tạo các điều kiện cho việc thành tựu Giáo Pháp và như thế trợ
giúp cho sự thành tựu tối hậu.
“Thiền định về
sự vô thường và tìm ra một vài hiểu biết về nó cũng sẽ khiến cho bạn bắt đầu
trang bị cho bản thân, điều đó sẽ tạo ra những điều kiện để bắt đầu thực hành
tôn giáo. Điều này sẽ trợ giúp bạn trong việc làm quen với giai đoạn không trở
lại (bất lai).”
Trong khi nói
với một nhóm đệ tử, Geshe Chennawa nói: “Tóm lại, Giáo Pháp có thể được phân
chia thành việc từ bỏ những ác hạnh và thực hiện các thiện hạnh lợi lạc. Mọi
giáo lý được bao gồm trong giáo huấn này.
“Để áp dụng
giáo huấn này, cần nhất là phải có sự nhẫn nhục. Nếu bạn không nhẫn nhục và
người nào đó làm hại bạn, bạn sẽ cảm thấy căm thù. Nếu hành động theo cảm xúc
đó, bạn không thể dừng được việc thực hiện các ác hạnh, lại càng không thể mang
lại lợi lạc cho người khác. Vì thế, nhẫn nhục rất cần thiết để bắt đầu thực
hành tâm linh.
“Có bốn phương
pháp để thiền định về sự nhẫn nhục: thiết lập mục tiêu cho mũi tên; lòng từ và
bi, vị
Thầy và đệ tử, thiền định về bản
tánh của sự hiện hữu.
“Trước hết là việc thiết lập mục tiêu cho mũi tên; nếu bạn
không lập một mục tiêu thì mũi tên không thể bắn trúng nó. Mũi tên tai họa tấn
công trong đời này là bởi ta đã thiết lập một mục tiêu do ác nghiệp ta đã tích
tập trong những đời trước. Nếu bạn thiết lập một mục tiêu là các hoạt động xấu
xa và lời nói ganh ghét, nó sẽ bị những mũi tên trừng phạt tấn công. Ta tự lập
ra các mục tiêu cho bản thân: hãy hiểu rằng các mũi tên đến từ các ác hạnh của
ta và đừng giận dữ những người khác.
“Kế đó là
thiền định về lòng từ và bi. Khi một người điên làm hại một người tỉnh, người
tỉnh không nên đáp trả việc làm hại đó bằng cách đánh anh ta, mà nên nói: ‘Buồn
thay!’ Kẻ làm hại bạn cũng điên cuồng, bị ám chướng bởi những đam mê mãnh liệt
trói buộc. Hãy nghĩ ‘Buồn thay!’ và thiền định về lòng bi mẫn đối với người đó.
“Thiền định thứ ba về
sự nhẫn nhục là thiền định về vị Thầy và đệ tử. Nếu không có vị Thầy truyền dạy
giáo huấn thì không thể có sự chứng ngộ. Tương tự như vậy, nếu không có kẻ thù
làm hại bạn thì không thể có thực hành nhẫn nhục: vì thế bạn nên nhận ra rằng
những người sỉ nhục bạn là các vị Thầy về sự nhẫn nhục. Hãy vui vẻ trước cơ hội
này và tập trung vào việc đền đáp lòng tốt của họ. Khi thiền định rằng bạn là
một đệ tử được giảng dạy sự nhẫn nhục, chớ có giận dữ.
“Thiền định về bản
chất của sự hiện hữu là tánh Không, hãy suy niệm rằng cả ba phương diện của tai
họa – người tạo ra tai họa, người nhận tai họa, và hành động tai họa – tất cả
đều không có tự tánh. Bởi kẻ thù thực sự của bạn không có tự tánh, chớ giận dữ
họ và hãy thiền định về sự nhẫn nhục.
Geshe Puchungwa nói:
“Mặc dù ta đã có thân người cần thiết với những may mắn và thuận lợi của nó, ta
không có năng lực để sống ở đó – ta phải chết. Khi chết, ta không thể mang theo
mình bất kỳ lạc thú hay ý niệm nào của cuộc đời này, giống như một cái cây rụng
hết lá. Vào lúc đó mức độ hiểu biết, năng lực, và trí tuệ của các mục đích của
ta sẽ hiển hiện rõ ràng. Khi ta vui vẻ đối diện cái chết và với sự trông đợi tràn
đầy hoan hỉ, ta sẽ sáng suốt và mạnh mẽ: các mục đích của ta cao quý và ta sẽ
đi vào cái chết một cách tỉnh táo. Nhưng nếu vào lúc đó thân tướng của Thần
Chết và dấu hiệu khác biệt của những trạng thái tái sinh thấp xuất hiện, các
mục đích của ta thật xuẩn ngốc và ta không có sự tự chủ.
“Phần lớn chúng ta đi
theo con đường sai trái, cố gắng đáp ứng những tham muốn của đời này. Đức Phật
toàn giác không bao giờ nói điều sai lạc. Tác giả các luận giảng không bao giờ
nói điều sai lạc. Các thiện tri thức linh thánh không bao giờ nói điều sai lạc.
Như thế làm cách nào chúng ta đi vào con đường sai trái? Đó là bởi những tham
muốn của cuộc đời này. Vì thế ta nên luôn luôn suy niệm về cái chết, bởi khi
nhớ tưởng về sự chắc chắn của cái chết, ta thấu hiểu sự cần thiết của việc
không bám luyến cuộc đời này. Ta nên suy niệm về sự khiếm khuyết của toàn bộ
sinh tử, bởi khi đó ta thấu hiểu sự cần thiết của việc không bám luyến vào nó.
Bằng cách nhớ tưởng chúng sinh trong thiền định về lòng từ, bi và nguyện ước
giải thoát, ta thấu hiểu sự cần thiết của việc không bám luyến các mục đích vị
kỷ. Bằng cách nhớ tưởng sự vô ngã trong thiền định về sự trống không (tánh
Không) của mọi sự, ta thấu hiểu sự cần thiết của việc không bám luyến các đối
tượng và thuộc tính.”
Geshe Nyugrumpa nói:
“Bạn muốn được tái sinh làm người hay vị trời, và cũng muốn đạt được sự toàn
giác, phải nghĩ rằng sinh tử như ngục tù. Bạn nên nhìn cuộc đời và thân thể này
như bọt nước, bạn xấu như kẻ thù, Đạo sư tâm linh như một viên ngọc như ý,
những đam mê trói buộc như một con rắn độc, những hoạt động tội lỗi như thuốc
độc mạnh, những khía cạnh của tham muốn như những viên than hồng trong một ngọn
lửa, những lời ngọt ngào và tăm tiếng như tiếng vang, sự tôn kính và lợi lạc
như cạm bẫy trói buộc, bạn xấu như bệnh truyền nhiễm, bạn tốt như cung điện
tuyệt đẹp và kiên cố, mọi chúng sinh như mẹ và cha của bạn. Bạn nên thấy rằng
sự bố thí như con bò như ý, thực hành trì giới là một vật trang sức quý báu,
nhẫn nhục là áo giáp chắc chắn, tinh tấn là ngựa trí tuệ như ý, thiền định là
một kho tàng vĩ đại, và trí tuệ của việc lắng nghe, suy tưởng và thiền định là
một ngọn đèn sáng.”
Geshe Tolungpa nói:
“Tận đáy lòng, nếu khát khao giải thoát, bạn phải đi theo một vị Thầy thánh
thiện hơn là vị Thầy tài giỏi. Bạn phải theo những vị Thầy hiến mình cho giáo
lý hơn là những người giải thích nó, những vị Thầy khiêm tốn hơn là những người
có địa vị cao, những vị Thầy có niềm tin hơn là những vị nổi danh về sự thông
minh. Nếu bạn không biết giáo lý, điều đó không có hại, nhưng sự bất hạnh sẽ
xảy đến nếu bạn đi theo những vị có hành động trái nghịch với Giáo Pháp.”
Geshe Shabogaypa nói:
“Bởi những tham muốn của đời này tạo nên mọi khổ đau trong đời này và những đời
sau, ta chớ cố gắng đáp ứng những tham muốn của ta. Khi ta ráng sức đáp ứng
những tham muốn, ta không hạnh phúc. Ta không biết chắc chắn về phương hướng
của cuộc đời ta, và mọi lời nói tà vạy, tâm thức tà vạy và hành động tà vạy sẽ
tức thời xuất đầu lộ diện.
“Vì thế ta phải
ngoảnh mặt với những tham muốn của ta. Khi có thể làm điều này, ta thiết lập
những khởi đầu cho hạnh phúc và lạc thú. Biểu hiện tốt nhất của hạnh phúc trong
đời này và những đời sau là không tham muốn hay tích lũy bất kỳ điều gì. Khi ta
không tham muốn lợi lạc, ta nhận được lợi lạc vĩ đại nhất. Khi ta không tham
muốn thanh danh, ta có thanh danh lừng lẫy nhất. Khi ta không muốn nổi danh, ta
sẽ có tiếng tăm vĩ đại nhất. Khi ta không tham muốn bầu bạn, ta có bằng hữu
tuyệt vời nhất.
“Nếu chân thành thực
hành Pháp, ta phải toàn tâm toàn ý phó mình cho cuộc đời của một hành khất, bởi
hành khất là những người phó mặc thân mạng cho cái chết. Khi ta có thể tạo nên
cảm xúc này, không có các vị Trời mà cũng chẳng có quỷ ma nào có thể chế ngự
được ta. Nhưng khi ta đắm chìm trong những tham muốn của đời này, ta hạ thấp
bản thân và khiến ta hoàn toàn khốn khổ.
Ta khiến cho bản thân nhận chịu những chỉ trích trong đời này và tái sinh trong
các trạng thái thấp trong những đời sau.
“Vì thế, khi không
ước mong hạnh phúc của riêng mình, ta hạn chế việc chỉ trích người khác, khiêm
cung, hạn chế dục vọng, và tránh mọi hoạt động thế tục, như thế ta sẽ đạt được
giác ngộ trong tương lai.
Tóm lại, chúng ta
luôn luôn bắt đầu những gì không cần bắt đầu, nhận thức những gì không cần nhận
thức, làm những điều không nhất thiết phải làm. Dù ta nói tất cả những điều
này, nếu ta không thực sự ngoảnh mặt với những tham muốn trong đời này, không
có cách nào tìm được hạnh phúc trong hiện tại và những đời sau. Nếu ta ngoảnh mặt
với mọi tham muốn, ta hoàn toàn không cần kiếm tìm hạnh phúc.
Cuối cùng, Geshe
Shabogaypa chỉ trích mình thậm tệ:
“Mi, tên xuẩn ngốc
già nua – mi muốn các giáo lý cao cấp, mặc dù bản chất của mi thấp thỏi.
Mi, tên bịp bợm – mi
mong muốn hoàn thiện người khác, nhưng không hoàn thiện bản thân.
Mi, tên giả dối – mi
hành động như thể Giáo Pháp chỉ để dành cho người khác tuân theo chứ không phải
dành cho mi.
Mi, kẻ ngớ ngẩn – mi
buộc người khác phải hành xử đúng đắn, nhưng bản thân mi lại hành động sai trái.
Mi, kẻ tồi tệ lười nhác – mỗi thành công đi
trước một thất bại lớn hơn.
Mi, một nhà chính trị - mi hứa cho nhiều
nhưng thực hành chẳng bao nhiêu.
Mi, kẻ bất lương – mi
tìm kiếm những đam mê trói buộc và đồng thời giả bộ áp dụng các biện pháp đối
trị.
Mi, kẻ hèn nhát – mi
sợ người khác nhận ra khiếm khuyết của mi và hy vọng là họ sẽ chỉ nhìn thấy nơi
mi những phẩm tính tốt lành.
Mi dính mắc với thân
quyến thay vì vun trồng các thiện tri thức. Mi dính mắc vào những đam mê trói
buộc thay vì vun trồng những cách đối trị. Mi bỏ mặc việc thực hành cho tương
lai thay vì vun trồng nó trong đời này. Mi dính mắc với những người giúp đỡ mi
hơn là vun trồng những người làm hại mi.
Mi, kẻ xuẩn ngốc – mi làm hại người khác,
không biết là mi làm hại chính mình.
Mi không biết rằng giúp đỡ người khác là giúp
đỡ bản thân.
Mi không nhận ra rằng
khổ đau và tai họa đến với mi thì có lợi cho việc thực hành Pháp.
Mi không nhận ra rằng
tham muốn và hạnh phúc không có lợi cho việc thực hành Pháp.
Mi nói với người khác
là việc thực hành Pháp vô cùng quan trọng, nhưng bản thân mi thì không tuân
theo giáo lý.
Mi coi thường những người tội lỗi nhưng không
chấm dứt tà hạnh của chính mi.
Mi nhìn thấy những
lỗi lầm nhỏ bé nhất của người khác nhưng không nhận ra những khiếm khuyết to
lớn nơi bản thân.
Mi nhanh chóng thôi giúp đỡ người khác khi không
được đáp trả.
Mi không thể chịu đựng nổi khi thấy các vị
Thầy khác được tôn kính.
Mi quỵ lụy những
người có địa vị cao trong khi xem thường những người thấp kém hơn mi.
Việc nói về những đời sau không làm tai mi
vui thích.
Mi hành xử thánh thiện và khinh khỉnh khi bị
người khác trách mắng.
Mi muốn người khác
nhìn thấy các đức hạnh và hài lòng khi họ không nhận ra lỗi lầm của mi.
Mi hài lòng với một
bề ngoài tốt đẹp trong khi những gì ở bên trong thì không tốt lành như thế.
Mi thích nhận được
các tặng vật. Không tìm kiếm hạnh phúc ở trong mi, mi kiếm tìm nó ở bên ngoài.
Khi đã nguyện học Phật pháp, thay vào đó mi học những công việc thế gian. Mặc
dù mi bằng lòng với lời dạy của các Bồ Tát, hành động của mi đang chuẩn bị để
mi đi xuống địa ngục. Dù đã hiến dâng thân thể, niềm vui, và những thiện hạnh
trong quá khứ, hiện tại và tương lai của mi cho sự lợi lạc của tất cả chúng
sinh, mi chối từ việc từ bỏ bản ngã. Mi yêu thích các bằng hữu tội lỗi, quên
rằng họ dẫn đến sự hủy hoại. Mi không biết rằng một lời quở trách của thiện tri
thức thì thật hữu ích.
Đừng phí thời giờ
trong những tranh luận vô ích. Đừng xây lâu đài trong không khí, tăng trưởng
những tham muốn của mi. Đừng vui thích những hoạt động nguy hiểm. Đừng làm
những việc cản trở thiện hạnh một cách vô nghĩa.”
Cảm thấy xấu hổ, ngài
đã tự quở trách mình theo cách này.
Nguyên tác: “Essential Advice of
the Kadampa Masters
Translated
from the Tibetan under guidance of Geshe Wangyal”
http://www.scribd.com/doc/20318818/Essential-Advice-of-the-Kadampa-Masters
Thanh Liên dịch sang
Việt ngữ