Chùa Bửu Minh

ĐỪNG BỎ QUÊN BA.


Chu Tất Tiến

Trên một tờ báo điện tử, người ta đọc thấy một câu chuyện xúc cảm đầy nước mắt, tuy không hề nghe thấy một tiếng khóc. Một nhân viên người Việt còn trong giai đoạn tập sự tại một tỉnh trên miền Bắc xa khuất, 


 

nhận lời đến giúp một nhà hưu dưỡng hẻo lánh ít người thăm nom. Con đường đi vào căn nhà hưu dưỡng này quanh co và khúc khuỷu, chỉ có tiếng than van rền rĩ của rặng thông già âm u và cằn cỗi. Khi anh thanh niên này đến nơi và bắt tay vào việc, anh nhận ra có một ông già cứ ngồi trên xe lăn mà quay lưng vào trong, với một thái độ im lặng buồn bã. Anh đã đến gần và nhận ra đó là một người Việt Nam đã bước vào tuổi lão niên. Nhận ra anh là người Việt, ông già đó mừng rỡ lắm. Có lẽ không có sự mừng rỡ nào lớn hơn nữa, vì bao nhiêu năm, ông cụ không có dịp nói chuyện với ai. Cụ không rành tiếng Anh, mà chung quanh cả chục dặm cũng không có một người Việt nào lui tới. Sau khi hàn huyên và làm quen nhau, anh thanh niên hứa hẹn sẽ đến thăm cụ hoài. Anh đã giữ lời hứa trong một thời gian dài. Từ đó, anh mới biết tâm sự của cụ là một người cha đã hy sinh trọn cuộc đời cho một đứa con trai duy nhất.

Khi bà vợ đã khuất núi, cụ ở với đứa con trai và bao nhiêu thương yêu, cụ đã dành cho con hết cả. May mắn, cụ đã dựng được một cơ nghiệp đàng hoàng trên xứ Mỹ, có nhà đẹp, có xe tốt và có cả một tương lai thênh thang, hạnh phúc, không thiếu thốn điều chi. Hai cha con êm ấm sống chung với nhau cho đến khi cậu con trai đòi di chuyển đến thành phố lớn để theo đuổi việc học ở một trường danh tiếng hơn. Suy đi nghĩ lại mãi, cụ ông quyết định chiều ý con, mà bán hết cơ ngơi sự nghiệp của mình để đi theo cậu đến một nơi xa lạ. Ở đấy, vì không quen chỗ, cụ cứ phải từ từ tiêu dần tài sản dành dụm của mình cho sự học của cậu con mà không có cơ hội làm lại cuộc đời chi nữa, những mong cho con học thành tài là cụ vui sướng rồi.

Điều cụ mong muốn đã đến. Sau nhiều năm học hành, cậu con ra trường, có việc làm tốt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cậu đi theo tiếng gọi của con tim, bỏ cụ lại một mình, bỏ lại người cha hy sinh suốt đời cho con, bỏ lại bao kỷ niệm buồn vui giữa hai cha con, những ngày tháng xưa cũ đó. Cụ đau buốt tâm can. Nhất là tin tức của cậu dần dần biệt tăm. Quá đau khổ, cụ đã té ngã và bị liệt. Người ta đưa cụ vào nơi hẻo lánh này để chờ chết. Từ đó đến khi anh thanh niên tập sự kia gặp cụ, cũng đã mười năm…

Mười năm cô đơn, mười năm không có dịp nói tiếng quê hương, mười năm không thân nhân, thăm hỏi, mười năm đợi chờ trong tuyệt vọng... Mười năm hay mười thế kỷ?

Thời gian đằng đẵng trôi qua, mọi thứ hy vọng đã tàn lụi, cụ chỉ có một thèm khát duy nhất là một bát bún riêu nóng hổi. Chiều ý cụ, anh thanh niên kia đã lui cui tìm mọi cách để mang đến cho cụ một bát bún riêu theo như ý cụ mong muốn. Cụ đã vui mừng chầm chậm cho một tí mắm tôm vào tô bún, chầm chậm thưởng thức hương vị của bát bún riêu, như thưởng thức một phần đời người đang chết dở mà được sống lại.

Anh thanh niên không quen biết kia đã trở lại vài lần rồi vì công việc mới phải đi xa, nhưng anh hứa sẽ đến thăm cụ bất cứ khi nào tiện dịp. Rồi một ngày, anh nhận được tin báo của nhà hưu dưỡng: ông cụ đã qua đời, đúng ra là đã may mắn chấm dứt được cuộc sống đau khổ, buồn bã, cô đơn mà cụ đã phải gánh chịu nhọc nhằn trong nhiều năm qua. Thằng con trai của cụ, không biết lúc ấy ở đâu, nếu có vợ con, thì đứa bé cũng trên mười tuổi, và mỗi khi đến ngày Từ Phụ, chắc thằng con bất hiếu bất mục, vô ơn, khốn nạn ấy, lại nâng ly rượu đầy ắp, cười đùa vui vẻ khi nghe đứa bé nào đó chúc mừng “Happy Father Day, Dad!”

Hình ảnh người cha bất hạnh không phải là thiếu ở đâu đây. Hãy đến nhà hưu dưỡng ở Garden Grove, gần Trung Tâm Thủ Đô Tị Nạn này, sẽ thấy ngay một cụ ông trên 70 tuổi, còn nhanh miệng lắm, nhưng ngồi trên xe lăn mà nếu thấy ai có lòng, thì thế nào cũng nhờ “Ông ơi! Ông đẩy xe tôi ra bến xe Cần Thơ đi ông! Thằng con tôi nó đang đợi ở đó!” Rồi ông cụ giục “Nhanh lên! Nhanh lên! Kẻo nó không chờ nữa!” Và sau khi được đẩy ra tới cửa, thì ông cụ giơ tay, ngừng lại. “Đây rồi! Bến xe Cần Thơ đây rồi! Ông chờ tôi một tí nhé!” Người đẩy xe thế nào cũng nghẹn ngào, nghe nước mắt trong lòng đang chẩy xuống lặng lẽ. Con của cụ đâu cả rồi? Những đứa trẻ ngày xưa mà ông bồng bế, xi ỉa, tắm rửa, lau mặt, dậy cho nó đánh răng, dậy cho ngồi bô, ngồi cầu tiêu, dắt tay đi học… Những đứa trẻ hớn hở nhìn những quần áo mới mà bố chúng mới mua cho, ngày lễ, ngày Tết, bố con tung tăng trên đường phố Cần Thơ, hay ra bến Ninh Kiều hóng gió, mua cho con một quả bong bóng, một cây kem… Những đứa trẻ mà khi vượt biên còn đỏ hỏn, hay đã bắt đầu lớn, nhưng sợ hãi lo lắng thì nhiều, chỉ biết bám vào tay bố như một chỗ tựa nương duy nhất trong đời. Chúng nó bây giờ ở đâu? Bố chúng vẫn đợi chúng ở bến xe Cần Thơ ngay tại thủ đô tị nạn đấy…

Hãy vào trong nhà già này, thấy một cụ già ngồi trên xe lăn, không còn nói được, chỉ còn ánh mắt và hai bàn tay xếp những chữ A, B,C thành câu: “Ông bà đến chơi, tôi vui lắm!”

Cụ ông ngày xưa cũng đã một thời thanh niên bay nhẩy tung tăng, đi học, đi chơi với đào, rồi lấy vợ vui vẻ, hạnh phúc, nhìn những đứa con lớn lên với tất cả sự thoả mãn của một người cha trọn vẹn hy sinh. Giờ đây, những đứa con ấy ở đâu? Phương trời xa xôi nào? Có một lần nhớ đến người cha đã từng ẵm bồng chúng không?

Hãy đi thêm một bước nữa, để gặp một cụ chưa tới 80, nhưng chiều nào cũng thế, nhờ người đẩy xe lăn ra cửa, ngồi đó nhìn ra ngoài đường cho đến khi mặt trời lặn sau những mái nhà trước mặt, bóng tối phủ xuống âm u rồi mới chịu cho người đẩy xe vào phòng, nơi những kỷ niệm không bóng không hình chìm chìm ngập ngập, lãng đãng xa gần, những bóng hình thân yêu, người vợ tận tuỵ, mấy đứa con tung tăng chạy nhẩy, đấm đá um nhà…

Hãy đi khắp các nhà hưu dưỡng hay “nhà già” này để thấy đâu đâu cũng có những người cha cô đơn, những tâm hồn kiệt quệ, mà nỗi chết gần kề không đáng sợ bằng ngày tắt hơi không người thân vuốt mắt, không có tiếng khóc nức nở nỉ non, chỉ có âm thầm vài người áo trắng, lăng xăng thu dọn cho lẹ, cho nhanh, gói ghém phủ liệm chỉ trong giây phút, rồi tống ra dàn thiêu…

Thế là hết những người cha, đã có một thời oanh liệt, hoặc thương gia, hoặc quân đội.

Có thể họ đã từng xông pha mũi tên hòn đạn, đã từng gào lên hai tiếng “xung phong!” rồi băng mình về phía trước. Có thế họ đã là những thầy giáo, đứng trên bục giảng, hướng dẫn tương lai cho lớp trẻ lên đường. Có thể họ là những người thợ máy, công nhân, ngày ngày đi làm đổ mồ hôi, chỉ mong về đến nhà trông thấy thằng cu Tý, cu Tèo đùa đùa giỡn giỡn, tung con lên cao và nở những nụ cười hạnh phúc…

Giờ đây, chúng đang ở nơi nào? Trong những căn phòng ấm cúng, có thể chúng cũng lặp lại y hệt những cử chỉ của cha chúng ngày xưa, cũng tung con lên, đùa đùa giỡn giỡn..

Hỡi những người con còn có trái tim, hãy đi và hãy đến những nơi gọi là “nhà già”, nơi chỉ có cặp mắt là sáng còn mọi vật đều tối đen…

Ngày Từ Phụ đang đến.
Chu Tất Tiến

 

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage