Trả lời câu hỏi của BBC vì sao tư tưởng của Trần Nhân Tông (trị vì từ năm 1278-1293) và là Phật Hoàng, sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm vẫn còn có tính thời sự đối với Việt Nam và cả quan hệ Mỹ - Việt cũng như Việt - Trung, Tiến sỹ Lê Mạnh Thát nói:
TS. Lê Mạnh Thát: Tại Mỹ, thì sau chiến tranh Việt Nam, ông Bộ trưởng Quốc phòng McNamara có viết hồi ký. Ông nói một trong các nguyên nhân mà Mỹ thất bại ở Việt Nam là vì không hiểu Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ sau này những người trí thức Mỹ, đặc biệt các trường Đại học Mỹ họ quan tâm vấn đề đó, vì vấn đề đó là vấn đề lớn. Và khi họ nghiên cứu Việt Nam, thì có lẽ nhân vật tiêu biểu nhất cho Việt Nam là Trần Nhân Tông.
Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn chi đồ
BBC: Nhưng trong lịch sử Việt Nam thường nói đến những vị như Lý Thường Kiệt, rồi Ngô Quyền lập quốc, hay xa nữa là Hùng Vương... sau này là Quang Trung, Nguyễn Huệ, còn Vua Trần Nhân Tông có vẻ không được nói đến nhiều. Gần đây nhờ đến chuyện bức tranh liên quan đến ông nên chuyện nó trở nên mang tính thời sự hơn. Vậy theo Tiến sỹ, vấn đề ở chỗ nào?
Tôi nhớ là tôi viết quyển sách về Trần Nhân Tông năm 2001. Hình như báo Thanh Niên nói đó là một trong 10 quyển bán chạy nhất Việt Nam. Tức là người ta đọc nhiều, có công chúng, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Cho nên sự thực là không phải mới đây đâu, còn trong lịch sử dân tộc ta, trong sách của tôi, tôi cũng nói chuyện đó. Đối với Trần Nhân Tông thì đánh giá lịch sử chưa đúng. Ví dụ đặt tên đường chẳng hạn.
BBC: Tại sao đánh giá theo ông là chưa đúng?
Ví dụ đặt tên đường thì đường Trần Hưng Đạo rất lớn, nhưng đường Trần Nhân Tông quá bé, đặc biệt là ở vùng như vùng Huế chúng tôi chẳng hạn, đường Trần Hưng Đạo (tướng) rất lớn nhưng đường Trần Nhân Tông (Vua) rất bé. Cái này là nhận thức sai.
Sau trong sách của tôi có đặt vấn đề đó, và có nhiều bài báo những người khác cũng đề cập vấn đề đó.
Sau này, ví dụ ở Hà Nội hay Nam Định chẳng hạn, đường Trần Nhân Tông rất lớn. Năm 1980 tôi ra Hà Nội, đường Trần Nhân Tông khúc ở phố Huế chỉ dài một đoạn, khoảng mấy chục mét. Rồi đến năm 1999 tôi ra thăm lại Hà Nội, đường này dài hơn cả cây số, rất đẹp.
BBC: Ông có nói tới hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau thời chiến tranh và vị Vua Trần Nhân Tông có thể được nhắc lại để cổ vũ đóng một vai trò. Thế nhưng vấn đề hòa giải giữa người Việt thì Trần Nhân Tông đóng vai trò gì?
Giữa người Việt với nhau, thì (vai trò của) Vua Trần Nhân Tông rất lớn, sự thực là ngay năm 1975, một số vị lãnh đạo miền Bắc vào miền Nam, chúng tôi cũng đã đề cập điều đó. Chúng tôi nói là chúng ta không bàn chuyện đúng sai của cuộc chiến tranh. Bây giờ đất nước hòa bình, thống nhất, thì mình có sách lược rõ ràng. Dân tộc mình có một bộ phận đối lập hẳn với những người chiến thắng, cho nên mình phải có một sách lược rõ ràng.
Tôi có nhắc tới chuyện Vua Trần Nhân Tông, sau khi đánh bại quân Nguyên, thì những tài liệu liên quan tới người Việt Nam của phía Trần Nhân Tông trước đây từng đầu đơn xin theo quân Nguyên, mà những người làm công tác tình báo, an ninh lúc bấy giờ trình lên Vua, đòi phải điều tra những việc này, để xử lý, thì Vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh là đốt hết tất cả.
Tức là không nói đến chuyện lý lịch nữa. Vấn đề là chúng ta đánh thắng giặc rồi, thì bây giờ chúng ta xây dựng. Xây dựng thì chúng ta đoàn kết với nhau. Vấn đề này, ngay từ đầu, ngay sau năm 1975, chúng tôi đã đề cập với Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhà Trần nêu cao lá cờ đoàn kết toàn dân để chống Nguyên
Và quan niệm của chúng tôi bây giờ vẫn như thế. Còn hôm nay, ở đây người ta nói về hòa giải quốc tế, thì có lẽ là nói đến giữa Mỹ với Việt Nam là chính. Vì chủ đề chiến tranh Việt Nam ở Mỹ vẫn còn là chủ đề hết sức nóng và chua chát.
Đây có lẽ là một cách thể hiện hai bên vẫn quan tâm đến nhau. Tôi nghĩ cái này cũng tốt. Về phía Việt Nam, tôi nghĩ những nhà lãnh đạo Việt Nam đã xóa được cấm vận, đi đến những bước đặt quan hệ bình thường. Thực sự bây giờ đối tác về kinh tế của Việt Nam là Mỹ, trong số 100 tỷ đô-la đó, riêng Mỹ chiếm một phần tư. Chứng tỏ là Mỹ rất quan tâm tới Việt Nam.
Cuộc hội thảo và giải thưởng Trần Nhân Tông này cũng rất hay để thể hiện rằng trong quá khứ, dân tộc mình cũng có những dân tộc như thế, đã cố gắng làm để xóa những hận thù, đặc biệt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi vì anh đánh thắng xong thì phải làm được hòa giải.
Bài phỏng vấn với Thiền sư Lê Mạnh Thát được thực hiện khi ông đến dự hội thảo về Hòa giải tại Viện Trần Nhân Tông ngày 21/9/2012 tổ chức tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông cũng nói về ý nghĩa học thuật của việc phát hiện ra tranh [Trúc Lâm Đại Sỹ Xuất Chi Đồ] về Vua Trần Nhân Tông sách của Trung Quốc thời Càn Long đã nhắc nhưng chỉ đến bây giờ người Việt Nam mới thấy bản chụp.