Chùa Bửu Minh

Tặng những ai yêu Đà Lạt, và…

Thành phố sương mù, mưa mùa chớm thu, trời mây xanh nhạt màu, ôi buồn sao…

Tiếng hát Như Quỳnh rót nhẹ vào chiều mưa niềm chớm buồn thinh lặng. Trời Đà Lạt trong mưa u uẩn.


Vậy là sắp bốn năm? Ta cũng chỉ là một kẻ như bao kẻ đến đây rồi đi.

Ta biết chứ, rằng người không ở lại
Phận mây trời mấy thuở ngự một phương
Chiều nắng tắt đồi thông vàng tê dại
Mắt ngoái nhìn lam nhạt một trời thương.

Bốn năm trước mới lên, mỗi chiều nhớ nhà, ta cùng mấy huynh đệ đứng trên đồi cao mà nhìn về phía đó. Không phải là Thôi Hiệu hay Huy Cận với một dòng sông xuôi dài có – không khói sóng để hoài hương, nhưng làn khói từ những vườn rau đốt cỏ vươn cao và tan mất trong khí lạnh lập đông cũng khiến kẻ mới nhập cư thấy chạnh niềm cố quận.

Đôi khi thấy ghen tị với người dân nơi này. Ghen tị với cái hạnh phúc được đón xuân trong tiết trời se lạnh, màu mai anh đào phớt hồng, có lúc mù sương bay lãng đãng; ghen tị với chiều đông giá lạnh ngắm vạt dã quỳ vàng lên sắc nắng và đồi thông xanh biếc bóng hoàng hôn; ghen tị với từng đêm trên cao nhìn xuống lớp lớp nhà kính sáng lung linh dưới vầng trăng sơ huyền đang lên từ dãy núi. Nhưng nghĩ lại thấy cũng…ngộ! Ta ghen tị với những người nơi đây vì cái hạnh phúc được sống tại Thành phố hoa, nhưng biết đâu những người đó lại chẳng xem sống nơi đây là vui sướng? Và lỡ như họ đến nơi ta sống, họ sẽ ước rằng được sống nơi đó, chứ cái thành phố hoa gì gì này…thật chán chết! Buồn cười thay, hạnh phúc.

Người ta bảo mảnh đất này là mảnh đất sĩ phu vì nơi đây biết bao con người trí thức, nghệ sĩ, chí sĩ… từng sống, từng chết, từng đến, từng đi và vẫn còn sống, còn chết, còn đến, còn đi… Những con người đó cũng yêu Đà thành bằng tình yêu sâu thẳm. Họ đã cười đã khóc với mảnh đất này bằng lời ca tiếng hát, bằng câu thơ trang văn, bằng cả sự im lặng tái tê trước thời cuộc. Nghe nói Ấn Độ xưa cũng có Thành phố hoa, Pataliputa ( The City of Flower – Hoa Thị Thành). Chẳng rõ thành phố đó vì sao mà mang cái tên đẹp như vậy và bây giờ còn tồn tại hay đã trở thành ký ức đẹp chốn Phật sinh. Nếu dịch tên thành phố này ra tiếng Anh thì cũng là The City of Flower, và người nước ngoài cũng sẽ hỏi như ta vừa hỏi: Không biết sao thành phố này mang tên đẹp như vậy và nó có còn là hiện thực hay trở thành ký ức đẹp của đất nước Việt Nam. Duy có điều: Người hỏi đang tần ngần đứng ngay trên thành phố, trước cái bảng Thành phố hoa! Có Ông giáo già tuổi đã ngoài cổ lai hy, một con người Đà Lạt thực thụ, là chứng nhân cho thăng trầm biến động lịch sử xứ sương mù qua bao năm tháng, đã trầm ngâm khi nói đến nơi mình ký gửi cuộc đời: Thôi! Hãy để ngày đó lụi tàn…

 …Tôi hay lang thang đường phố nhỏ quán đìu hiu một người đêm đêm tìm về, một người bỏ quên thành phố. Từ thuở xa người, mấy mùa lá rơi. Người đi xa thật rồi xa tầm với. Nên đêm thâu đêm nằm nhắc chuyện cũ ngày xưa, để nghe cay tìm mắt, để nhớ thương nghẹn ngào…

Không biết tác giả nào viết nên những câu hát này, viết lúc nào, trong hoàn cảnh như thế nào, mà sao mỗi khi lắng lòng ta như cảm nghe từng bước chân gõ nhịp trong đêm vắng giữa phố xá ngủ yên, cảm nghe làn mưa thoát nhẹ từ trời cao chao bay lất phất bầu không, cảm nghe lá rơi có dội ở trong sương mù… (Bùi Giáng). Nhớ đêm hai lăm tết năm nào, cùng anh bạn đi lang thang đường phố nhỏ quán quán đìu hiu, hơn mười giờ khuya về, nhà nhà đều đóng cửa im lìm chìm sâu giấc ngủ, mới hiểu cảm giác của tác giả bài hát. Và rồi hai người đi xem chợ hoa. Chủ nhân đã nghỉ nhưng vẫn niềm nở mời khách ngắm hoa. Nào đào, mai, quất, thăng long,… được bày hàng xếp lớp, chuẩn bị chờ người tới rước về tư gia. Ta chẳng có tư gia, bốn biển là nhà thì cần chi phải mua ở đâu để đem về đâu; hoa chỗ nào cũng ngắm được, ngửi được chẳng ai bắt lỗi vậy việc gì cứ của ta mới thưởng thức?! Có một người con gái cứ gần tết là vào rừng chặt đào về chưng. Gọi điện cho ta líu lo kể về đào hồng nở núi xanh khiến kẻ dưới núi thấy…tưng tức. Kể ra “dân miền lạnh” có những thú vui thật khiến người ta ngưỡng mộ.

Hình như chỉ ở thời của ta mới có những sáng, những chiều, những khuya bất chợt nhận một tin nhắn hay cuộc điện thoại bảo ra ngoài trời xem…sương phủ! Vì lẽ thời của các vị đi trước sương mù hiển nhiên như ngày lên đêm xuống, họ có ngạc nhiên là trường hợp không thấy sương thôi; còn thời của hậu bối, sương mù trở thành một lí thuyết vật lí khó được thực tế xác chứng, lỡ như một buổi sương về chắc chẳng phải vài người rầm rì cảm thán mà cả thành phố xôn xao! Chẳng lẽ mai này ta cũng ngồi mà buông câu cảm hoài như Ông giáo già độ nọ: Thôi! Hãy để ngày đó lụi tàn… Nói vậy thôi, ta tin Đà thành vẫn giữ được những nét kiều diễm riêng nàng sở hữu, những món đặc sản mà muốn thưởng thức người ta phải thân hành tận nơi để tỏ rõ lòng thành mới mong mỹ nhân ân huệ tặng trao, chứ chẳng thể đợi kẻ trên này mua bằng dăm ba đồng rồi về hớn hở bảo rằng chỉ Đà Lạt mới có. Thời buổi này chắc hiếm còn gì gọi là đặc sản làm cho người ta thú vị. Giao thông phát triển, kỹ thuật tiến bộ thì đâu nhất thiết phải lên Đà Lạt mới có dâu tây, ra Quảng Ngãi mới có mạch nha, đường phổi… Vậy, cái đặc sản khó thể sớt chia của từng vùng chắc là khí hậu, phong thổ, con người, văn hóa? Cho nên, lỡ như có ai đòi quà cao nguyên, chỉ có thể gửi họ chiếc vé xe lên tận nơi mà thôi! Tuy nhiên, không khéo bây giờ tới đây, khi trở về người ta lại mang tâm trạng của Tô Đông Pha lúc giã từ Lô sơn: Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự theo nghĩa đen chứ chẳng phải ẩn dụ hoán dụ chi hết. Như vậy, làm sao để hận bình sinh có thể tiêu khi chân đang đặt tại nơi hằng mơ ước? Cũng không biết nữa, mỗi người một cách cảm nhận, tuy không tinh tế đến mức thấy cánh bướm vỗ bên này trái đất mà nghe ra bão tố trời phía kia như một nhà khoa học nào đó, nhưng ít gì người ta phải biết ướt bởi hạt sương lạnh vì sợi gió thì ngõ hồn mới có thể rộng mở mà đón nhận ngọc ngà băng tuyết của đất trời chan chứa. Bằng không, có lên mà chẳng tới, có hội mà chẳng ngộ, có đi quanh mà chẳng gặp được điều bao năm tìm kiếm.

Chúng bạn ta, khi ngồi nói về Đà Lạt là lại nghe những tiếng xuýt xoa, đôi câu cảm thán. Có lẽ họ cũng như ta, đã trót lạc mất mảnh hồn trong mắt huyền thiếu nữ. Bởi thế khi ra đi lòng còn vướng bận mối duyên tình với mây bay Phố núi. Đôi kẻ muốn ở lại mượn cô tịch làm tri kỷ mưu toan xuất thế mặc nhân; có kẻ muốn ở lại hầu mong địa linh nhân kiệt đất này vun bồi nguyện cao chí lớn; có người phiêu bồng lãng đãng hơn, ở lại làm du tử cô vân; hoặc có người muốn ở lại chỉ đơn giản vì thích khí hậu, cuộc sống êm đềm; và những kẻ quyết ra đi (hay bị!) nhưng luôn mong ngày về uống chung trà khói ấm với đệ huynh trong ngây ngây khí lạnh của cõi miền bốn năm gắn bó. Ta biết một điều: không như câu thơ Chế Lan Viên mà mọi người hay cảm thán, ta và bạn ta đã hóa đất thành tâm hồn ngay từ khi còn sống chốn này chứ chẳng phải đợi lúc ra đi. Có chăng là một niềm u tình li biệt mà thôi.

Mây vẫn bay trên vùng thương nhớ. Mưa vẫn rơi trên thành phố quạnh hiu. Em ra đi thành phố xa đất lạ, quên một người quên cả lối trăng sao…

Bài hát dàn trải theo không – thời gian chập choạng. Ai ra đi? Ai ở lại? Đi đâu? Về đâu? - Không biết. Đi lúc nào? Về khi nào? Đi để làm gì? - Chẳng rõ. Chỉ thấy mây bay Phố núi, sương phủ đường khuya, mưa mù thu sớm. Mà những điều ấy cũng mịt mùng, lãng đãng, hư ảo, chập choạng… biết dường nào. Cũng phải. Trước khi người Pháp phát hiện ra đất Đà Lạt để giới thiệu cho mọi người, thì đồi núi, sương mây, cây cỏ đã chứng kiến biết bao cuộc ra đi trở về, chia biệt hội ngộ của những đồng bào bản xứ; rồi từ đó đến nay và đến mai sau sẽ còn chứng kiến không biết bao nhiêu lần như vậy nữa. Làm sao thấy hết, biết hết, nhớ hết, quên hết, tính hết, đếm hết, khóc hết, cười hết,…? Những con người nổi tiếng thì còn lưu lại chút gì để người đời biết rằng mình từng ở, từng đi, từng đến (nhưng được bao lâu?); còn vô vàn những người bình thường đến đi thầm lặng chẳng một âm vọng thì có gì ghi dấu, có gì làm tín vật? Nhưng chung cuộc ai cũng một định mệnh. Thế mới hiểu:

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
(Cung oán ngâm khúc)

Mây vẫn bay và mưa vẫn rơi. Chẳng có gì thay đổi. Chỉ có…

Nỗi đau vô thường ngàn triệu năm vẫn làm người ta buốt tái. Viết những dòng này, ta cảm nỗi đau ấy đến xương tủy. Đọc những dòng này, người đọc dù một thoáng chốc vẫn ngấm ngẩm về sự thật xót xa này. Vô thường đến cả sơn khê; bể dâu đến cả hoa kia cỏ này!!!

Ta chẳng muốn kết thúc bài viết bằng những lời tịch muộn. Cuộc sống là tất cả và cần tất cả. Đà Lạt là tất cả và cần tất cả. Tuy nhiên, để kết thúc, để biệt li, phải có một dấu câu. Dù là dấu chấm, dấu hỏi, dấu than, dấu ba chấm... Và tùy mỗi người tự đặt lấy vậy!

Rồi có đêm nào, mưa về nhớ nhau, đọc thư xanh ngày nào thêm buồn đau. Đêm nay qua con đường xưa lạnh buốt bờ vai. Đường khuya ta một bóng giữa Thành phố sương mù…

Đà Lạt khuya 12/07/2010.

Trầm Nhất Liễu


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage