Chùa Bửu Minh

(Tamnhin.net) - “Chưa thấy năm nào rét như năm này, mạ chết hết cả. Chúng tôi phải đi mua mạ của xã bên, gian khổ lắm…”, bà Nguyễn Thị Mai, xã Đức Nhân, Đức Thọ (Hà Tĩnh) phân trần. Tranh thủ nghỉ giữa buổi, bà cùng người bạn cấy ngồi bên bờ ruộng giở nắm cơm cứng ngắt ra nhai trệu trạo.


Ai ơi bưng bát cơm đầy / dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
Chưa thấy năm nào thời tiết Hà Tĩnh khắc nghiệt như năm ngoái sang đầu năm nay. Bão lũ cuối năm 2010 làm 31 người chết, thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng. Đầu năm 2010, rét đậm rét hại lại tiếp tục tấn công mảnh đất nghèo khó này, như thử thách đến tận cùng sức chịu đựng của con người. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 18/1, Hà Tĩnh đã có 77 con trâu, bò, bê, nghé và 59 ha mạ vụ Đông Xuân bị chết rét.  
    
Dù trời rất lạnh, nhiệt độ nhiều ngày xuống dưới 100C, nhưng bà con nông dân Hà Tĩnh vẫn phải ra đồng cày cấy cho kịp vụ. Gió bấc mưa phùn lạnh buốt, 8 giờ sáng tung chăn ra vẫn thấy lạnh, nhưng người dân chân tay trần từ sáng sớm đã dầm trong nước lạnh, buổi trưa nghỉ chốc lát ăn cơm ngay tại bờ ruộng, rồi làm tiếp cho đến tối không thấy mặt người mới về nhà.



Hai vợ chồng anh Trung, chị Thuận (xã Yên Hồ, Đức Thọ) đang cấy trên mảnh ruộng của mình. Xem ra cấy vẫn là sở trường của phụ nữ, anh Trung cấy chậm hơn so với vợ. Cây mạ được “ép” ngay góc ruộng, khi mạ cao khoảng vài cm thì dùng xẻng xúc rồi đem ra cấy. Làm cách này lúa sẽ nhanh tốt hơn, nhưng tốc độ cấy sẽ chậm hơn so với mạ được gieo trên sân mạ, cây mạ cao hơn 10cm được nhổ ra, bó lại rồi đem xuống ruộng để cấy.



Tranh thủ giờ nghỉ, bà Nguyễn Thị Mai ở xã Đức Nhân, Đức Thọ (bên phải) cùng người bạn cấy ngồi bên bờ đường giở nắm cơm cứng ngắt ra ăn.



“Trời lạnh quá anh ạ. Dù đã được che chắn nhưng mạ chết hết, cây sống thì vàng ệch, không đủ sức lớn. Chúng tôi phải mua mạ của dân xã Đức Vĩnh, do họ làm trước rét nên không chết”. Bà Mai than thở. Bà cho biết mỗi sào (500m2) cần 3 – 4 kg lúa giống, giá mỗi kg 30.000 đồng. Gia đình bà ít người nên làm 6 sào, thiệt hại xấp xỉ 700.000 đồng. Hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên gieo cấy khi nhiệt độ dưới 150C, nhưng người dân vẫn làm, dù không biết mạ có sống nổi không.



Một mảnh ruộng được gieo thẳng, nhưng trời quá lanh nên lúa chết gần hết, chỉ còn vài cây lơ thơ.

 

Có nhiều người cùng cấy một mảnh ruộng. Đây là hình thức đổi công quen thuộc, làm vừa vui, vừa năng suất hơn khi cấy độc lập. Đã thế kỉ XXI rồi, khoa học kĩ thuật tiến như vũ bão, nhưng người nông dân Hà Tĩnh vẫn cấy theo cách thủ công. Năng suất làm việc rất thấp, mỗi sào cần đến 2 người cấy trong một ngày cật lực mới xong. Máy cấy, có lẽ là điều họ đã nghĩ tới, nhưng chưa biết bao giờ mới thành hiện thực?



Người phụ nữ dùng bò để làm đất (bừa) trước khi cấy. Đây là công việc nặng nhọc, không phù hợp với phụ nữ. Bò cũng không có sở trường cày bừa trên ruộng nước.



Hiện đã có loại máy bánh lồng như thế này, song loại máy này làm đất không tốt bằng cày bừa truyền thống do trâu bò kéo. Vả lại thuê máy mất tiền, công làm đất mỗi sào là 120.000 đồng. Nuôi trâu bò lại có thêm phân bón, và cũng là tài sản để dành. Một con bò lớn giá khoảng chục triệu đồng.



Những người ít ruộng thì đi cấy thuê, tiền công cho một ngày cấy ròng rã cộng với bữa cơm trưa ăn tại ruộng là 120.000 - 150.000 đồng. Nghe có vẻ “to”, nhưng chưa bằng một bát phở ngon ở thành phố. “Đi cấy cả ngày về lưng đau cứng, chân tay tê buốt, mặt phù lên. Biết là cực nhưng vì lo cho con cái ăn học và kiếm thêm ít tiền sắm Tết nên phải cố”, chị Ngân (xã Trung Lễ, Đức Thọ) cho biết.



Để có được cánh đồng vàng trĩu bông như thế này, người nông dân đã tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Nghề nông có lẽ là một trong những nghề vất vả, cực nhọc nhất và thu nhập cũng thấp nhất. Giá lúa tăng một thì vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu đã tăng gấp mấy lần. Người ta đã làm một phép tính, mỗi ngày công của người nông dân chỉ còn 2.000 đồng, chưa mua nổi một gói thuốc lá rẻ tiền. Cho dù là vựa lúa của Hà Tĩnh, người nông dân huyện Đức Thọ chưa bao giờ khá lên được nhờ cây lúa.



Chiều tối, các em học sinh đi học (thêm) về. Dù đang chính vụ cấy, nhưng trên cánh đồng vắng bóng thiếu nhi. Các em vẫn đi học cả ngày (sáng học chính khoá, chiều học thêm), không phải nghỉ học thêm để làm giúp bố mẹ. Ngay cả việc chăn dắt trâu bò, các em cũng không phải làm. Chỉ còn mấy tháng nữa là đến kì ôn thi chuyển cấp, tốt nghiệp, đại học. Người nông dân chịu gian khổ, quyết đầu tư cho con cái học hành theo phương châm “Hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Chuyện học hành của con cái là ưu tiên hàng đầu. Học giỏi, đỗ đạt, các em mới thoát khỏi nghề chân lấm tay bùn của bố mẹ. Cũng vì thế, xưa nay Hà Tĩnh vẫn nổi danh là đất học hành, khoa bảng.
   
Các em đã học qua chương trình phổ thông, ắt hẳn sẽ không quên câu thơ thấm đượm tình cảm biết ơn những người chân lấm tay bùn của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Ăn lộc, đền ơn kẻ cấy cày”… Nhưng có một nghịch lý là hầu hết các em sau khi trưởng thành đều đi xa, hoặc tìm cách bám trụ ở các thành phố lớn mà ít trở về đem trí tuệ để làm giàu cho quê hương.  
                                                                                                     
                                                                                     Quang Đại – Hà Vy


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage