Chùa Bửu Minh

Niết Bàn Tại Thế


Đào Văn Bình (California

Bạn ơi,
Con người sống sao quá tham, quá ác.
Nhưng lúc nào cũng mơ ước thiên đường.
Thậm chí giết mình, giết người,
Để mong chờ cứu vớt.


Bạn ơi,
Thiên đường không do cầu nguyện,
Mà do xây đắp.
Thiên đường không xa,
Mà ngay chính lòng ta.
Khi học trò ngoan ngõan vâng lời thầy giáo.
Lễ phép và không bao giở dối gian trong thi cử.
Khi thầy cô hiền hòa, đạo đức.
Khiển phạt nhưng không nặng lời, thô tục.
Không trục lợi học trò.
Hiệu trưởng, hiệu phó không mánh mung, ăn bớt,
Thì lớp học, nhà trường kia đích thị Niết Bàn.
Bạn có biết không?
Niết Bàn chính là Đại Trí Tuệ.
Mà trường học kia mới có thể mở mang.
Khi bác sĩ,
Không ăn cắp giờ, không ăn bớt thuốc.
Dịu dàng như từ mẫu.
Khi y tá, kiên trì chịu khó.
Với những cơn đau, cau có của bệnh nhân.
Không gắt gỏng mà cảm thông chia xẻ.
Thì bệnh viện kia đâu khác thiên đường?
Bạn có  biết không?
Nếu bác sĩ và y tá làm được thế,
Họ sẽ là Bồ Tát Dược Vương.
Nhưng bệnh viện sẽ là địa ngục.
Khi con người,
Vừa đối diện với bệnh tật.
Vừa đối đầu với sự tàn bạo. thiếu lương tâm.
Khi mà vợ chồng thương yêu nhường nhịn,
Không đánh đập, xem thường, chửi bới:
Đầu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. (Ca dao)
Không đua đòi, nhậu nhẹt,
Không karaokê, đàn đúm, chơi games.
Tần tảo vuơn lên:
Thuận vợ thuận chồng,
Tát Biển Đông cũng cạn. (Ca dao)
Thì gia đình kia đích thị Cung Trời.
Khi trong công sở,
Viên chức không tham ô, móc ngoặc.
Phải thấy xấu hổ khi ăn của đút.
Phải biết từ chức khi trách nhiệm chẳng chu toàn.
Tận tụy lo toan.
Coi dân như cha mẹ.
Thì công sở chính là “miếu đền” của đất nước.
Khi chết dân sẽ tạc tượng tôn thờ.
Bởi xét cho cùng bao anh hùng, chí sĩ,
Cũng chỉ vì lo cho dân cho nước mà thôi.
Khi báo chí không còn tung tin bá láp,
Loan truyền chuyện nhảm nhí, dâm ô.
Không đả kích, chụp mũ, vu khống, tống tiền vô tội vạ.
Mà bằng những lời bình luận, khen chê trách nhiệm.
Thì báo chí chính là guơng soi cho đất nước.
Hoàn thiện và tiến lên.
Ông Trời xuống đây thì cũng vậy.
Khi mà mọi người “thuận mua vừa bán”.
Không “chặt chém”, đầu cơ, “ép giá”.
Không chế đồ “dỏm”.
Không thêm hóa chất hại người.
Thì  thương trường, chợ búa… cũng Niết Bàn tại thế.
Bởi Niết Bàn chính là Chân Thật,
Không có gian tham, lừa đảo.
Mọi người giao hòa thuận thảo.
Người mua cần người bán.
Người bán cần người mua.
Chúng ta dựa vào nhau,
Thương nhau, tin nhau mà sống.
Khi các cô gái còn phấn son, make-up.
Quần áo đắt tiền phơi bày quá mức.
Đủ trò quảng cáo, dâm ô, gợi dục.
Thì làm sao nói chuyện thiên đường?
Bởi vì thiên đường.
Vốn trang nghiêm thanh tịnh.
Thiên đuờng không có thi hoa hậu,
Không có khoe mông, khoe ngực.
Đó là thế giới của dâm dục,
Thiên đường vẫn có “yêu” nhưng mẫu mực, đàng hoàng.
Trai gái thương nhau, nên vợ thành chồng.
Sinh con đẻ cái, tông đường nối dõi.
Chuyện ân ái, phòng the, chân dài, mông to, vú lớn.
Đâu phải chuyện tối ngày đem ra quảng cáo?
Đừng biến thế giới này loài vật.
Hỡi những ai còn mơ ước thiên đường.
Trong chùa nếu ni sư trang nghiêm giới hạnh.
Phật tử ngồi nghe pháp, nghe kinh.
Thấm lời Phật dạy.
Nhất tâm bất loạn”.
Khi về phổ cập ngoài đời.
Bằng công tác thiện nguyện, giúp người nghèo khó.
Qua đó mà an tịnh,
Tâm hồn hướng thượng.
Đất nước an vui.
Thì chùa chính là nơi đất Phật.
Nhà nhà sống trong Cực Lạc.
Chẳng đợi vãng sinh mới thấy Phật Di Đà.
Này bạn ơi,
Thiên đường do chính con người,
Do nơi trí tuệ.
Chẳng do Trời sinh ra.
Nó giống như Cực Lạc Tại Thế.
Do huân tập, vun bồi mà có.
Khi một niệm ác nổi lên, thiên đuờng xụp đổ.
Khi một niệm thiện nổi lên, thiên đường hiển hiện.
Mơ ước thiên đường mà không xây dựng thiên đường.
Như mơ ước nhà mà không chịu xây nhà.
Không xây nhà có thể mua nhà.
Nhưng thiên đường không bao giờ mua được.
Vì không ai “rao bán”.
Ngọai trừ thiên đường “giả”.
Vậy thì,
Cung Trời không ở đâu xa.
Mà ở chính lòng ta.  
Và  do tay mình vun đắp.
Không cần phải là những ông Thánh.
Mà bằng con người rất bình thường.
Cũng xây dựng được.
Vậy thì bạn ơi,
Hãy làm ngay đi.
Hay còn chờ đợi?
Và chờ đợi tới bao giờ?
Đào Văn Bình
           (California 5 Tháng 12, 2013)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage