còn được gọi là nét cọ giác ngộ, có những nét đơn sơ và rất mới
lạ, chúng đã mang lại nhiều cảm hứng và cũng là sự hướng dẫn tu học cho
biết bao thế hệ thiền sinh.
Trong những bức họa của ông, có lẽ tôi thích nhất là bức tranh về ba
người mù. Thiền sư Hakuin vẽ ba người mù đang cùng nhau dò dẫm bước qua
một chiếc cầu khỉ, làm bằng một thân cây ngã. Trong bức tranh ấy, chiếc
cầu mỗi lúc lại càng trở nên nhỏ hẹp và người đi lại phải càng vất vả
hơn. Người mù thứ nhất, phía bên phải, một tay cầm đôi dép của mình, một
tay cầm cây gậy cẩn thận dò dẫm cố vói tới phía trước. Người mù thứ
hai, vắt chiếc gậy vào thắt lưng, anh cúi xuống dùng bàn tay mình vịn
vào thân cây lần mò bước tới. Người thứ ba, anh treo đôi dép vào đầu
chiếc gậy của mình để giữ thăng bằng, và quỳ hẳn xuống để bò mà đi tới.
Và nếu ta nhìn sang bên trái, chiếc cầu cheo leo ấy không đưa đến bờ bên
kia mà chỉ treo lơ lững giữa không trung, ở phía xa xa là một dãy núi
khuất trong mây và bên dưới là một vực sâu thẳm… Chúng ta tự hỏi, không
biết họ sẽ làm gì khi đi lần được đến cuối chiếc cầu khỉ ấy?
Bạn
biết không, thiền sư Hakuin cũng là tác giả của công án “Tiếng vỗ của
một bàn tay”, nên có lẽ bức tranh ấy cũng là một công án để cho chúng ta
quán chiếu. Hay là ý của thiền sư Hakuin muốn diễn tả về hành trình tu
học của một thiền sinh? Như những người mù ấy, chúng ta dò dẫm bước tới
trên một chiếc cầu nhỏ cheo leo, ai có thể thật sự biết được mình đang
đi về đâu, và nơi cuối con đường ấy là gì?
Nhưng tôi thì không
quan tâm lắm về việc ấy, vì tôi nghĩ trên hành trình tu học con đường ta
đang đi cũng quan trọng như nơi ta sẽ đến, vì nơi nào ta đến mà không
phải là bây giờ và ở đây phải không bạn? Nếu nơi này ta tập cho mình có
được an vui thì nơi ấy chắc cũng sẽ được an vui. Còn nếu như nơi này
ngày không vui và trời không xanh, thì chắc gì nơi ta về sẽ là gì khác
hơn.
Bộc Lưu
Bức tranh ấy của thiền sư
Hakuin làm tôi nhớ đến một bài kinh trong Tương Ưng Bộ
(Samyutta-Nikāya), có tựa là Bộc Lưu. Có người hỏi đức Phật rằng bằng
cách nào mà Ngài đã vượt qua được dòng nước lũ. Đức Phật chỉ đơn giản
đáp:
- “Này Hiền giả, không đứng lại, không vội vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ.”
- “Thưa ngài, làm sao không đứng lại, không vội vã, Ngài vượt khỏi dòng nước lũ?” Người ấy hỏi.
-
“Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta bị chìm xuống. Khi Ta vội vã,
thời Ta bị cuốn trôi; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không vội
vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ.”
Tôi nghĩ đức Phật muốn dạy rằng
trên con đường tu học chúng ta phải biết khéo léo và từ tốn với chính
mình, và hãy có niềm tin vào mỗi bước chân đi tới. Nhờ tiếp tục bước
tới, không dừng lại và cũng không vội vã, với một thái độ vững chãi và
thảnh thơi, mà ta sẽ vuợt qua những khó khăn của mình, bước qua được
dòng nước lũ.
Trên bước đường tu học và trong cuộc
sống thường ngày, chắc chắn có những lúc ta sẽ phải đối diện với những
nghịch cảnh, với những khó khăn tưởng chừng như không có lối ra, nhưng
ta hãy cứ vững lòng và thong thả bước tới, và cũng đừng bao giờ dừng
lại.
Hãy giữ cho lòng ta mềm và lưng ta thẳng
Nhưng làm
thế nào để ta có thể vừa vững chãi, mà cũng lại vừa có thể thảnh thơi
bước tới, trong một cuộc sống nhiều nhiêu khê và đầy những bất ngờ này
bạn hả? Có một vị thiền sư dạy cho chúng ta một phương cách thực tập rất
hay. Ngài khuyên ta hãy tập giữ cho lòng mình luôn được mềm dịu nhưng
lưng ta lúc nào cũng được thẳng, soft front and strong back. Một tấm
lòng mềm dịu, soft front, là một tâm từ, một thái độ chấp nhận và biết
thứ tha, nó giúp ta mở rộng lòng mình ra và tiếp xúc được với những khó
khăn, bất ngờ của cuộc sống. Một lưng ngay thẳng, strong back, là một
năng lượng của chánh niệm, một dũng lực, giúp mình tiếp tục vững chãi và
khéo léo bước tới.
Với sự thực tập ấy, chúng ta sẽ có thể đối
diện với những khổ đau, tiếp xúc được với những hoàn cảnh khó khăn trước
mắt, nhưng không để cơn nước lũ lôi cuốn ta đi hoặc nhấn chìm ta vào
trong giây phút hiện tại. Chánh niệm chính là chiếc lưng thẳng, strong
back, đó là năng lượng của tuệ giác giúp ta có dũng lực vượt qua những
thử thách của cuộc đời. Và tình thương, khả năng biết cảm thông với
những khổ đau của cuộc đời, dám tiếp xúc với hạnh phúc niềm vui, chính
là tấm lòng mềm dịu, soft front, giúp ta bước đi giữa cuộc đời như một
dòng suối mát.
Tiếp xúc với cuộc đời bằng sự mềm dịu của tình
thương giúp ta có thể tiếp nhận những gì xảy ra mà không đóng kín trái
tim mình lại, vẫn giữ được nụ cười, biết tha thứ cho những khổ đau. Và
ta có thể giữ được thái độ ấy bằng sự thực tập chánh niệm, năng lượng
của tuệ giác và sự vững chãi.
Hơi thở ý thức
Bạn
biết không, trong cuộc đời có lẽ chúng ta sẽ không thể nào thật sự
chuẩn bị trước cho một việc gì hết, từ những việc bình thường như là đi
làm, lập gia đình, có con, hoặc là đối diện với cái bệnh, già, và chết…
cho dù mình có cố gắng đến đâu. Thật ra ta chỉ có thể tiếp xử với cuộc
sống khi nó đang xảy ra mà thôi. Ta đâu có thể chuẩn bị trước cho một sự
mất mát nào, cho một hạnh phúc nào, hoặc cho một khổ đau nào. Nó chỉ có
thể là giây phút này mà thôi. Vì vậy mà sự tu học không phải chỉ là một
công phu thực tập trên tọa cụ, nó cũng chính là biết sống thật với
mình, có mặt với những kinh nghiệm nào đang có mặt và xảy ra trong giây
phút này.
Hơi thở ý thức là một phương cách rất mầu nhiệm để giúp
ta tiếp xúc được với sự sống đang có mặt. Hơi thở ý thức chỉ đơn giản
có nghĩa là mình có ý thức về hơi thở của mình, thở và biết được rằng
mình đang thở. Nó đem sự sống về có mặt. Bạn hãy thử thở vào một hơi thở
sâu và nhẹ đi, ta sẽ thấy vai và lưng mình ngay thẳng lên, ta trở nên
vững chãi hơn, và khi thở ra một hơi nhẹ, ta thấy ngực bụng của mình trở
nên mềm dịu tự nhiên. Soft front and strong back, hơi thở ý thức sẽ
giúp ta có khả năng làm được việc ấy.
Hạnh phúc trong vô thường
Tôi
nghĩ bức tranh người mù qua cầu của thiền sư Hakuin cũng nói lên sâu
sắc lẽ vô thường của đời sống. Trên hành trình của cuộc sống chúng ta
nên tiếp xúc, sờ chạm, vào thực tại cho thật sâu sắc, và rồi buông bỏ để
tiếp tục bước tới. Đời sống thay đổi nhanh đến bất ngờ! Mỗi ngày trên
đường đi làm, tôi thấy những phố xá, nhà cửa biến đổi. Những cửa tiệm
thân quen bao nhiêu năm, chợt một ngày đi ngang qua thấy cửa đóng kín im
ỉm. Có biết bao cuộc đời chung quanh cũng ảnh hưởng theo.
Một
người bạn kể, có một lần phải từ giã căn phòng làm việc mà anh đã có mặt
nơi đó mỗi ngày hơn hai mươi mấy năm trời. Ngày cuối anh ngồi thật yên,
sắp đặt lại vài quyển sách, và đưa tay chạm vào mặt bàn, chiếc ghế, tủ
sách... không gian ấy thật lâu. Như người mù trong bức tranh của thiền
sư Hakuin, anh sờ chạm vào hiện tại, những gì đang có mặt trong giờ phút
này, và rồi buông bỏ hết, để tiếp tục bước tới vào một nơi mình không
hề biết.
Tôi nghĩ, sống trong đời chúng ta phải biết tiếp xúc với
sự sống của mình. Và sự sống của mình được làm bằng những gì bạn hả?
Nếu nhìn cho sâu sắc ta sẽ thấy rằng, thật ra nó không phải được làm
bằng những gì lớn lao, mà chỉ là những buổi sáng, buổi trưa, buổi tối,
bằng những người bạn, người thương của mình, bằng con đường mình đi,
bằng những giọt mưa, những sợi nắng... hằng ngày. Mà nếu như ta không có
mặt để tiếp xúc với những cái bình thường ấy, thì làm sao ta có thể
thật sự sống được phải không bạn!
Tôi nhớ có lần được đọc rằng,
You are not able to enjoy life because you are not able to enjoy the
things in life. Sự thật đơn giản là vậy. Nếu ta không biết có hạnh phúc
với những gì đơn sơ bình thường đang có mặt chung quanh ta, thì làm sao
ta có thể sống hạnh phúc được? Chúng là một đóa hoa, một hạt sỏi, một
ánh trăng... mà ta chỉ có dịp gặp một lần trên con đường mình qua.
Trong
cuộc đời, đối diện với những khó khăn dễ làm tấm lòng ta trở nên khô
khan và chai cứng, lưng ta oằn xuống với những muộn phiền chồng chất.
Hãy ý thức để thở nhẹ và sâu, nó sẽ giúp bạn ngồi thẳng lên và đem hạnh
phúc với tình thương trở về. Trên con đường bạn đi, hãy nhớ sờ chạm vào
sự sống cho sâu sắc và nhìn cho thật rõ bạn nhé. Và không cần dừng lại
cũng không cần vội vã, hãy tiếp tục bước tới, ta sẽ có được một bình yên
và niềm tin ngay giữa những biến đổi vô thường.■