Chùa Bửu Minh

NSGN - Hoằng pháp phải được hiểu là những hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết

 
Con đường hoằng pháp thành công của Đức Phật kéo dài bốn mươi lăm năm theo quan điểm Nam truyền. Từ lúc thành đạo cho đến khi nhập Niết-bàn ở tuổi tám mươi, Đức Phật đã không ngừng phục vụ nhân sinh qua hai phương cách: gương lành và lời dạy.


Trong suốt cuộc đời của Đức Thế Tôn, đôi khi một mình, đôi lúc cùng với môn đệ, Ngài đi từ nơi này đến nơi khác để truyền bá giáo pháp trong nhân gian và dẫn dắt nhiều người ra khỏi vòng khổ đau sinh tử của kiếp người.

6958196882_fd71cfca87_b.jpg

Mục đích chính của việc hoằng pháp từ thời Đức Phật còn tại thế là để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh. Do đó việc hoằng pháp được hiểu với ý nghĩa rộng và sâu sắc hơn, không chỉ mang ý nghĩa giới hạn trong việc truyền đạo. Đức Thế Tôn giáo hóa chúng sanh không phải vì muốn thu phục nhiều tín đồ theo và tôn sùng Ngài, mà mục đích chính của Ngài là làm sao mọi người có thể hiểu và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống để giải thoát khổ đau, có được sự bình an và hạnh phúc.

Giáo pháp mà Đức Phật đã để lại cho thế gian thật sự là một giáo pháp mầu nhiệm, thiết thực trong mọi thời đại, đem lại sự an lạc thật sự cho mọi người. Nền giáo lý ấy dù đã trải qua trên 2.500 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị, mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho cả nhân loại. Cho nên tất cả những người con Phật chúng ta, không những chỉ có Tăng Ni mà tất cả những cư sĩ Phật tử, với sự nhiệt tâm và sự tu học của mình, hãy tạo nên sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu từ hành động và lời nói; và cũng nỗ lực xiển dương Phật pháp với mong muốn đem lợi ích và an vui đến cho tất cả mọi người.

Với ý nghĩa ấy, việc hoằng pháp phải được hiểu là những hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết. Một bài học không phải chỉ để học thuộc mà còn phải hành theo; và chính bản thân người hoằng pháp càng phải là người thể hiện được sự toàn vẹn của pháp học và pháp hành. Những người thực thi sứ mệnh hoằng pháp không chỉ trình bày giáo pháp của Đức Phật qua lời giảng, mà còn qua hành vi, thái độ và sự ứng xử của người con Phật. Nếu một vị thầy toát lên được sự thảnh thơi, thanh thoát, ung dung và an lạc, thì chính vị ấy cũng đang thực hiện thành công việc hoằng pháp của mình. Vì sao? Vì công hạnh tu tập của vị đó thể hiện ra bên ngoài có thể khiến người khác phát khởi sự hoan hỷ, tin tưởng và rồi mong muốn học hỏi giáo pháp.

Về mặt ý nghĩa & lợi ích

Từ thời Đức Phật cho đến ngày nay, ý nghĩa cũng như mục tiêu trao truyền của đạo Phật không hề thay đổi. Đức Phật nhận thấy rõ chúng sanh do vô minh nên không hiểu được nguyên nhân khổ, không biết thế nào là khổ, không biết cách để diệt khổ và giải thoát khỏi khổ đau. Ngài đã tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện giáo hóa chúng sanh theo từng căn cơ, trình độ để giúp họ tránh ác, làm lành, mà có thể hiểu đơn giản nhưng bao quát nhất là: “Không làm các điều ác, hành các việc lành và giữ tâm ý trong sạch”. Chỉ cần giữ 3 điều này, thì với bất kỳ ai, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp, địa vị hay tuổi tác là gì… cũng đều nhận được sự an lạc trong cuộc sống, không nhất thiết chỉ là những người con Phật. Đó là tính nhân văn mà Đức Phật đã trao truyền và để lại cho nhân loại. Ngài đã trao vào tay chúng ta chiếc chìa khóa mở cửa ngôi nhà hạnh phúc của chính mình. Ai hành theo, người ấy sẽ có được sự bình an và hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Phương tiện hoằng pháp

Ngày xưa Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài đi trì bình khất thực mỗi buổi sáng, và đó cũng là một hình thức hoằng dương Chánh pháp. Hình thức này rất hữu hiệu và thực tiễn vào thuở ấy. Có rất nhiều người khi nhìn thấy Đức Phật trì bình khất thực đã phát khởi lòng tín thành và quy y theo Ngài. Đi khất thực là hình thức nhập thế của đạo Phật, vừa chứng tỏ con người có hoạt động xã hội, vừa tạo cơ hội cho chúng sinh gieo duyên lành với Chánh pháp. Khất thực là dịp người Tăng sĩ tiếp xúc với mọi hạng người, qua đó họ có thể giảng dạy giáo lý bằng phương pháp lý thuyết và thực hành. Khất thực cũng là hình thức thể hiện hạnh từ bi, tinh tấn và nhẫn nại trong giáo lý Đạo Phật. Tuy nhiên ngày nay, ở Việt Nam, việc trì bình khất thực chỉ được thực hiện trong một số tự viện hoặc vào các dịp lễ hội của Phật giáo. Do đó việc hoằng pháp ngày nay không thể thông qua việc khất thực được, mà cần đến những phương thức thực tiễn khác. Chúng ta cần đến những phương tiện khác như văn hóa, truyền thông, giáo dục, từ thiện… để mang giáo pháp của Đức Phật đến với mọi tầng lớp dân chúng. Đó là những điều kiện cần để việc hoằng pháp được thành tựu và có hiệu quả.

Ngày xưa Đức Phật và Tăng đoàn đi bộ để hoằng pháp, và cũng có khi Ngài dùng thần thông để tùy duyên độ sinh. Ngày nay, với công nghệ kỹ thuật hiện đại người ta có thể dễ dàng ngồi một chỗ để tra cứu và tìm hiểu kinh điển, học lời Phật dạy cũng như tìm kiếm các thông tin có liên quan đến Phật pháp. Chỉ cần vào Google là người ta có thể tìm thấy nhiều điều để học hỏi. Bên cạnh, bằng các phương tiện như máy bay, điện thoại, internet, máy ghi âm, v.v.. việc hoằng pháp ngày nay được thuận tiện, nhanh chóng và rút ngắn thời gian rất nhiều. Điều này là một lợi thế và là hạnh phúc lớn cho tất cả chúng ta. Hoằng pháp ngày nay được xem như là “đa phương hóa, đa dạng hóa”; và người hoằng pháp cần phải vận dụng một cách trí tuệ những phương tiện hiện đại cho việc truyền bá Chánh pháp.

Tinh thần trong hoằng pháp

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy người giảng pháp cần phải có và thông hiểu năm phận sự của mình (dhammadesakadhamma):

- Thuyết tuần tự thứ lớp, có nghĩa là từ thấp lên cao.

- Thuyết y cứ theo pháp môn và kinh điển.

- Thuyết vì lòng từ bi, muốn cho người khác được lợi ích.

- Thuyết không vì lợi lộc, không muốn được lợi hay được đền đáp.

- Thuyết không đụng chạm mình và người khác, không cố ý châm chích, khen mình chê người.

Người giảng pháp nếu thiếu một trong năm yêu cầu này thì xem như nhiệm vụ hoằng pháp không hoàn hảo. Người thuyết pháp cần phải ghi nhớ rằng, thuyết pháp không phải là dịp để thể hiện sự hùng biện của mình, thao thao bất tuyệt như những diễn giả thế gian, và cũng không nên mượn diễn đàn Phật pháp để thể hiện tri kiến tô bồi chủ nghĩa cá nhân. Nếu muốn phô diễn (show) mặt bằng kiến thức thì đó chỉ là học giả mà không phải hành giả, vì người hoằng pháp là một hành giả đã trải nghiệm giáo lý của Đức Thế Tôn, và đang đem sự bình an hạnh phúc đến với mọi người.

Không nên lấy hiểu biết thế học của mình hay trích dẫn từ một danh nhân nào đó và cho đó là Phật thuyết. Lại càng không nên lấy giáo lý của Đức Phật để châm chích, chê bai đả kích người khác, hoặc đề cập những vấn đề không thiết thực và không nằm trong giáo lý của Đức Phật. Đây là những điều mà nhà truyền trao Chánh pháp nên tránh vì Đức Thế Tôn đã từng nói đó chỉ là hý luận, không ích lợi cho cuộc đời.

Vấn đề hoằng pháp thực tế hiện nay

Vấn đề hoằng pháp hiện nay, như tôi đã đề cập ở trên, đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Ở đây tôi xin đưa ra một vài phương cách.

1. Tụng kinh và thực hiện các nghi lễ

Tụng kinh không ngoài mục đích để người Phật tử thấm nhuần Chánh pháp. Tuy nhiên, người tụng kinh phải có chánh niệm và tỉnh thức thì mới tụng không lầm lẫn. Như vậy tụng kinh công phu cũng là hình thức gia tăng chánh niệm trong đời sống tu tập. Người hướng dẫn Phật tử tụng kinh cũng là người hoằng pháp.

Tuy nhiên cần nên xem xét mức độ thiết thực và sự lan tràn của việc tổ chức các buổi tụng kinh tự phát của các nhóm cư sĩ tại gia hiện nay. Nếu việc tổ chức các buổi tụng kinh tại gia không được hướng dẫn đúng đắn và thiếu sự khéo léo, thì có thể có sự ảnh hưởng không tốt đối với địa phương, gây bất thiện cảm và khiến cho người khác có cái nhìn không tốt đối với Phật giáo. Với tình hình này, chúng ta cần đặt ra câu hỏi là, tại sao các Phật tử không đến chùa tu tập mà tập hợp tại tư gia để tụng kinh? Có phải vì môi trường tu tập tại địa phương không có, thiếu điều kiện tu tập tại các bổn tự hay là các nhóm Phật tử không muốn đến chùa?

Những lễ nghi trong đời sống của người cư sĩ như đám tang, cưới hỏi, cúng giỗ cần nên có sự chứng minh của chư Tăng để tụng kinh và cầu nguyện. Người Tăng sĩ khi tham dự vào những dịp này với tâm thanh tịnh và đầy đủ oai nghi tế hạnh thì cũng là một cách hoằng pháp hiệu quả. Nếu những lễ nghi đó được kết hợp với việc thuyết giảng Phật pháp hoặc ban đạo từ để thí chủ tròn đủ tài thí, vật thí và pháp thí, thì đó cũng là cách hoằng pháp thiết thực. Việc hoằng pháp trong các trường hợp này phải khéo léo, dùng lời lẽ dễ thương và vận dụng giáo lý của Đức Phật để hướng dẫn người Phật tử hiểu đúng Phật pháp, tránh những việc làm mê tín, sai lầm, giúp người Phật tử tại gia hướng đến con đường tu tập để có sự bình an, thảnh thơi và hạnh phúc.

2. Giảng kinh, viết sách, phát hành băng đĩa giảng

Nếu thuyết giảng có khả năng khai mở đạo tâm của một người thì việc đọc kinh sách có tác dụng củng cố, gia tăng, phát triển trí tuệ hiểu biết. Một lần nghe giảng pháp có thể không giữ được hết các ý và lời của người giảng sư, nhưng nếu có thêm các ấn phẩm kinh sách, đĩa sao chép ghi âm ghi hình lại thì việc giảng dạy sẽ được lưu giữ, giúp người khác có thể nghe và đọc nhiều lần. Tuy nhiên cần nhìn nhận vấn đề này chỉ có thể phát huy nơi thành thị. Đối với các vùng sâu, vùng xa không có phương tiện thì chúng ta cần nên cố gắng tìm phương cách khác, để cho ánh sáng đạo pháp của Đức Thế Tôn đến được mọi nơi.

Một quyển kinh sách hay sẽ là một món quà tinh thần tuyệt vời, có khả năng chuyển đổi đời sống nội tâm của người khác. Như vậy, việc ấn tống, biếu tặng kinh sách cũng là một phương cách hoằng pháp.

Việc tổ chức các khóa tu tại các bổn tự, hướng dẫn Phật tử tu tập cho đúng phương pháp, đem lại sự an lạc, bình an thảnh thơi thật sự trong cuộc sống là một nhu cầu thiết yếu hiện nay. Việc tổ chức và nhân rộng các hoạt động thiết thực này cũng là một phương cách hoằng pháp.

Các khóa tu không nên chỉ dành riêng cho các Phật tử mà cho tất cả những ai có sự quan tâm và yêu thích đạo Phật, giúp họ có sự hiểu biết đúng ý nghĩa của việc tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, thiền hành… để họ hiểu đúng mục tiêu của đạo Phật là đem lại sự hạnh phúc, bình an cho mọi người. Trong các khóa tu nên tổ chức các buổi pháp đàm, giải đáp những thắc mắc mà mọi người gặp phải trong đời sống hàng ngày… Những sinh hoạt của các khóa tu phù hợp cho mọi lứa tuổi sẽ có tác dụng tạo không khí vui tươi, hạnh phúc và bổ ích cho mọi đối tượng.

Vấn đề hoằng pháp xưa và nay tuy có những khác nhau nhất định, nhưng mục đích chính là để hướng dẫn đại chúng đến với giáo pháp của Đức Phật, hiểu rõ Chánh pháp nhằm áp dụng chuyển hóa những khó khăn mà mọi người đang gặp phải trong cuộc sống. Tất cả những người con Phật chúng ta hãy nhiệt tâm vì sự nghiệp hoằng pháp cao cả, để mạng mạch Phật pháp mãi được lưu truyền, và để chất liệu Phật pháp có thể chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh ở mọi hoàn cảnh trong xã hội hiện nay. Hoằng pháp không phải chỉ có ngồi ở pháp tòa mà được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Mỗi khi chúng ta đem lời dạy của Đức Thế Tôn đến với người khác, giúp những người tiếp xúc với đạo Phật thấy được sự lợi ích từ đạo Phật, từ đó áp dụng tu tập, thì chính chúng ta đang hoằng dương Chánh pháp
Thích Thiện Bảo

http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2012/09/15/1AD413/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage