HT.Thích Nguyên Phước cho biết trong 5 năm qua, hoạt động Phật sự của tỉnh nhà tất cả các ngành phát triển đồng đều, các mặt bổ trợ cho nhau. Cụ thể, tại Bình Định có 8 Ban Đại diện PG huyện, thành phố, đã được thành lập và đã đi vào hoạt động ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng. Các thành viên Ban Trị sự là đại diện của các hệ phái Phật giáo có phẩm chất đạo đức và năng lực để điều hành Phật sự có hiệu quả. Công tác truyền trì mạng mạch Phật pháp, trang nghiêm ngôi Tam bảo cũng được BTS THPG Bình Định quan tâm tổ chức và thực hiện, cứ 5 năm một lần.
PG Bình Định với công tác tiếp sức mùa thi - Ảnh: Thiện Hải
Từ khi thành lập đến nay, PG Bình Định đã tổ chức 4 Đại giới đàn, truyền giới cho hàng ngàn giới tử xuất gia và tại gia, Đại giới đàn lần sau luôn đông hơn lần trước, đảm bảo tính trang nghiêm theo giới luật. Được biết, năm 2009, Đại giới đàn Giác Tánh được tổ chức đã thu hút 211 giới tử xuất gia, 758 giới tử thập thiện và 175 giới tử thọ Bồ-tát giới…
HT.Nguyên Phước còn cho biết, đến nay, trong số 1.158 Tăng Ni đã có 800 vị được cấp Giấy chứng nhận Tăng Ni. Nói về công tác tấn phong giáo phẩm, theo báo cáo của BTS, chư tôn giáo phẩm hiện tiền gồm: 23 vị Hòa thượng, 43 vị Thượng tọa, 2 vị Ni trưởng, 22 Ni sư. Đồng thời, THPG cũng đã hoàn tất thủ tục trình xin tấn phong giáo phẩm theo tinh thần Thông tư số 038/TT-HĐTS ngày 8-2-2012 có: 7 vị tấn phong Hòa thượng, 2 vị tấn phong Thượng tọa và 7 Ni sư tấn phong Ni trưởng.
Đặc biệt, lãnh đạo PG tỉnh Bình Định luôn chú trọng công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài. Vì vậy, BTS PG tỉnh Bình Định cũng đã thành lập Trường Trung cấp Phật học vào năm 1992 khai giảng khóa I. Đến nay, trường đã hoàn thành 5 khóa, đào tạo hơn 850 Tăng Ni sinh. Hiện nay là khóa VI (2011-2014), có 175 Tăng Ni sinh đang theo học. Riêng khóa VI của trường, Ban Giám hiệu là những Tăng Ni khóa I của trường lãnh đạo và quản lý, gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tăng Ni trẻ đã hoàn thành tốt công tác giáo dục Tăng Ni sinh tại trường, tạo được niềm tin yêu của chư tôn đức trưởng thượng.
Bên cạnh đào tạo trong nước, về du học, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vị Tăng Ni sinh được đào tạo và theo học tại các nước châu Á, cho thấy sự quan tâm của tỉnh nhà trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Cụ thể, trình độ cử nhân đã tốt nghiệp chuyên ngành Phật học tại Đài Loan có 2 vị, đang theo học chuyên ngành Phật học tại Đài Loan 2 vị. Trình độ thạc sĩ đã tốt nghiệp chuyên ngành Phật học tại Ấn Độ 15 vị, tại Trung Quốc 3 vị, tại Đài Loan 1 vị, tại Thái Lan 1 vị, đang theo học chuyên ngành Phật học tại Ấn Độ 2 vị, tại Thái Lan 2 vị. Trình độ tiến sĩ đã tốt nghiệp chuyên ngành Phật học tại Ấn Độ 5 vị, đang theo học chuyên ngành Phật học tại Ấn Độ 6 vị, tại Thái Lan 1 vị.
Theo quý Hòa thượng lãnh đạo BTS, số Tăng Ni sinh có trình độ này đều sẽ được phân bố công việc Phật sự phù hợp năng lực cũng như sở nguyện để đưa Phật giáo tỉnh nhà phát triển hơn trong tương lai.
Song song đó, trong nhiệm kỳ qua, với vai trò chỉ đạo của BTS, Ban Từ thiện đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Đồng thời, được sự chỉ đạo của Ban Từ thiện Trung ương, Ban đã nỗ lực kêu gọi vận động tài chánh, phẩm vật cứu trợ đồng bào bị thiên tai mưa bão, lũ lụt ở trong tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần cứu trợ động đất sóng thần ở Nhật Bản; vận động tài chánh và kết hợp với Trung tâm Mắt Bình Định tổ chức mổ mắt từ thiện cho bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác, khá nổi trội như tổ chức đi thăm, tặng quà và tiền mặt cho đồng bào nghèo vùng núi, vùng sâu, vùng người dân tộc, trại trẻ mồ côi, khuyết tật, trung tâm dưỡng lão, bệnh viện tâm thần… Năm 2012, tại chùa Tỉnh Hội - tổ đình Long Khánh, chùa Hiển Nam (TP.Quy Nhơn) đã đón và tiếp sức gần 2.500 thí sinh và phụ huynh lưu trú, dùng cơm chay và đưa đón đi thi miễn phí. Được biết, tổng số tiền mặt Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Bình Định đã đóng góp và vận động Tăng Ni, Phật tử, các nhà hảo tâm trong nhiệm kỳ qua trên 5,2 tỷ đồng.
Về lĩnh vực văn hóa, PG tỉnh đã in hai lần ấn hành Danh mục tự viện Phật giáo tại Bình Định, Long Bích Kế Châu thi liên tập, Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Đại đàn Dược Sư thất châu. Đặc biệt trong năm 2011, tập sách Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định của đạo hữu Đặng Quý Địch cũng đã in và phát hành quyển thượng…
Công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ cũng đạt được thành tựu đáng kể. Theo Hòa thượng Phó ban Thường trực, toàn tỉnh hiện nay có 40 đơn vị GĐPT, sinh hoạt trong lòng Giáo hội, với 310 huynh trưởng và 3.323 đoàn sinh, có 3 huynh trưởng cấp Tấn, 30 huynh trưởng cấp Tín, chương trình tu học thường kỳ cho huynh trưởng các bậc Kiên, Trì, Định tiếp tục tổ chức. Ngày càng có nhiều đạo tràng tổ chức khóa tu thường xuyên và số lượng thiện tín Phật tử tham gia ngày càng đông, nhất là trong các ngày lễ lớn sóc vọng, các khóa tu Niệm Phật, Bát quan trai, Pháp hội cộng tu 3 ngày, 7 ngày và Khóa tu mùa hè được các chùa tổ chức quy mô. Ngoài ra, còn có các đạo tràng sinh hoạt thường xuyên như: đạo tràng trì chú Đại Bi, đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng Dược Sư, đạo tràng Địa Tạng, đạo tràng Vô Lượng Thọ…
Theo BTS PG Bình Định, toàn tỉnh, tổng số Tăng Ni có 1.158 vị, gồm các giới phẩm: Tỳ-kheo 505 vị ; Tỳ-kheo-ni 482 vị ; Thức-xoa 31 vị ; Sa-di 86 vị và Sa-di-ni 54 vị. Tín đồ Phật tử toàn tỉnh có trên 17.500 vị. Còn cơ sở tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong tỉnh hiện nay có 399 cơ sở. Đặc biệt, có 1 cơ sở được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 cơ sở di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngoài ra, có 11 cơ sở không đăng ký sinh hoạt trong Giáo hội. |
Phong Châu
----------------
* Ngày mai, 16-9, Đại hội PG Bình Định sẽ diễn ra, PV Giác Ngộ sẽ tường thuật tin tức liên quan. Kính mời bạn đọc đón theo dõi trên Giác Ngộ Online.