Chùa Bửu Minh

Thay lời tựa.

Tôi là người có tật xấu từ thời trai trẻ thích uống trà và cà phê, nên thường lê la quán xá. Quán trà hay cà phê là cái nôi của chuyện phiến “trên trời dưới đất”. Tôi là thành tố của nó nên chẳng thoát ra được, thường hay tranh cãi đủ mọi việc trên đời, trong đó không ít lần liên quan đến trà. Gặp người thích tranh thắng cũng đỏ mặt tía tai tranh luận cho bằng được, thậm chí có sừng sộ rồi không nói chuyện với nhau một thời gian.


Cũng có kẻ thích bịa chuyện không thấy ghi trong sách vở để mà ta đây, tôi lại bỏ công tốn sức đi tìm tư liệu chứng minh để ăn thua. Một cuộc đời cứ rong chơi trong phù phiếm như vậy. Một hôm, vô tình tranh cãi về Kim Thánh Thán, tôi về tìm đọc nhân vật này. Lần qua đống sách, tôi đọc cuốn “Cái Cười Của Thánh Nhân” do Thu Giang Nguyễn Duy Cần biên soạn. Trong đó có bài “Sướng” trích lời của Kim Thánh Thán, một đoạn viết: “… Qua phố thấy có hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện … Cả hai đều đỏ mặt, tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đâu mồm chi, hồ, giả, dã. Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng có tay tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát to một tiếng. Thế là nín thin thít. Chẳng cũng sướng sao!” Đọc xong tôi lấy làm hổ thẹn về mình; gần một cuộc đời mình đã gàn ngông đến ngu dại.

Dẫu vậy tôi cũng không bỏ được thói nghiền trà, nghiền cà phê; cứ lê la quán này tiệm nọ. Nhưng được cái là tự rèn mình. Ai tranh cãi quá quyết liệt thì lặng yên chịu thua, nghe để rút tỉa được gì chắng. Ai nói sai coi như bài học kinh nghiệm người ta trả học phí cho mình sau này tránh vấp phải. Nhưng xét cho cùng cũng là hoang phí thời giờ, vì cuộc đời bao la đâu phải thứ gì cũng học trong khi thứ mình cần lại không có thì giờ. Lại tìm cờ ngày kia bàn chuyện sách Kỷ Lục Guiness, ai đó trong lúc trà dư tửu hậu nói: “Sách này ra đời vì chủ một quán rượu mang cùng tên thấy khách hàng tranh cãi nhau nhiều vấn đề quá nên thu thập và xác minh sự việc viết thành sách xuất bản hàng năm.” Điều này đúng sai không biết, nhưng là một bài học tuyệt vời. Tôi gom góp những điều nghe được về trà, đem xác minh với tư liệu, rồi viết cuốn sách này. Mong sao nó cứu vãn một phần cho cuộc đời hoang phí của mình.

Lời sám hối không có giá trị nếu không biến nó thành sự việc. Hy vọng đây là lời sám hối hay hay của đời tôi.

Đức Chính

Mùa Hạ năm Kỷ Sữu -2009

Trà: huyền thoại và lịch sử

Hình như tất ca những gì có người Trung Hoa tham gia vào đều có bên cạnh một vài huyền thoại. Trà cũng không ngoại lệ, ít ra người Trung Hoa có hai huyền thoại về trà: một huyền thoại mang sắc  thái người Hoa Bắc và một mang sắc thái người Hoa Nam.

Huyền thoại thứ nhất của người Hoa Bắc cho rằng người đầu tiên phát hiện ra trà chính là Thần Nông (2737- 2697 Tr. Công Nguyên). Truyền thuyết này lại được giới thiệu trong cuốn Trà Kinh của Lục Vũ (vào năm 780 sau Công nguyên).

Vua Thần Nông là vị Hoàng Đế huyền thoại rất giỏi về nông nghiệp và y dược. Ngài nếm nhiều loại cây cỏ để tìm dược tính trị bệnh cho dân; “Thần Nông một ngày nếm thử một trăm loại thảo dược và gặp bẩy mươi loại độc và tự mình giải độc.”. Sự tích tìm ra cây trà của Thần Nông cũng được dệt bằng một huyền thoại thần bí. Một hôm, Vua Thần Nông cùng vợ con lên núi, giữa chừng núi vua thấy khát nước thì ngay lúc đó một chiếc lá rơi xuống cạnh chân Ngài. Thần Nông lượm lên và vò nát trong tay mình, chất nhựa dính vào ngón tay và Ngài đưa lên miệng nếm. Vị đăng đắng cho Thần Nông biết nó có dược tình và cảm thấy cơn khát mất đi. Thần Nông bèn đem chiếc lá đó sắc lên, và Ngài là người đầu tiên uống trà. Lại có truyền thuyết nói Thần Nông đun nước dưới một gốc cây, lá cây này rụng và rơi vào nồi. Nước trong nồi có màu vàng xanh và mùi vị thơm ngon, uống vào hết khát: đó là trà.

Người Trung Hoa chứng minh huyền thoại này bằng cách trưng ra cuốn ‘Thần Nông Bản Thảo” , trong đó có ghi tính dược cây trà. Nhưng thực ra tác phẩm này là một biên khảo vào thời Tần-Hán (khoảng năm 220 sau Công Nguyên) do nhiều nhà y học ghi chép và về sau Đào Hoằng Cảnh (457 – 536) chỉnh lý lại và người đời sau bổ sung và sửa đổi khá nhiều. Có điều chúng ta cần lưu ý trong Trung Y (y học trung Hoa) không thấy cổ phương danh tiếng nào dùng trà làm vị thuốc và trong các hiệu thuốc đông dược chẳng thấy ai dùng đến trà cả.

.Người Trung Hoa nói thế. Các học giả phương Tây dựa vào tài liệu Trung Hoa thuật lại thế và chúng ta nhắm mắt tin thế. Rồi người Nhật phụ họa thêm truyền thuyết trà là một cây thuốc như sau: vào đời Chiến Quốc một danh y truyền dạy y thuật cho con trai, nhưng chỉ mới truyền được bảy phần thì ông qua đời. Tưởng là phần còn lại thất truyền, nào ngờ nơi mộ ông ta mọc lên một loại cây hội đủ dược tính phần y thuật còn truyền sót; đó là cây trà. Càng về sau, các tài liệu đều ghi: “Khởi đầu trà là một vị thuốc, sau trở thành thứ nước uống giải khát.”

Củng cố thêm cho nguồn gốc cây trà và văn hóa trà xuất phát từ Trung Hoa, người Hoa Bắc còn đưa ra huyền thoại “Các vua nhà Chu đã dùng trà tế lễ từ năm 221 trước Công Nguyên”. Huyền thoại này thực sự có cơ sở chăng?! Nếu từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc người Trung Hoa đã dùng trà trong tế tự, ắt điều này phải có ghi trong các kinh lễ của các bậc thánh nhân như Chu Công và Khổng Tử. Đáng tiếc, Kinh Lễ hay Lễ Ký do Đức Khổng Tử san định cũng không hề thấy nói đến trà; sách Luận Ngữ do học trò ngài ghi lại các lời Ngài dạy hàng ngày cũng chẳng thấy nói đến trà; Kinh Thi cũng do Ngài san định là một tác phẩm ghi chép lại các bài ca dao trong dân gian không hề có một chữ trà hay chữ đồ. Trở ngược dòng lịch sử, sách Chu Lễ ghi rất chi li lễ tiết đời Chu cũng không thấy có chữ trà, Hoặc quay xuống đến đời Hán chúng ta thấy có cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên (khoảng những năm 90 trước Công Nguyên, có một thiên Lễ Thư), hay Hán Thư cũng không dành cho trà một chữ. Qua đó có thể nói ít nhất đến đời Hán trà chưa hề được biết đến ở Trung Hoa.

Trái lại chúng ta dễ dàng thấy chữ “tửu” trong các tác phẩm vừa nói, với câu nói nổi tiếng “Vô tửu bất thành lễ”. Điều này cho thấy việc vua nhà Chu dùng trà tế lễ là sự gán ghép đời sau. Nho gia không phải rồi, vậy trà có phải của Đạo gia chăng?! Chắc chắn là không vì biểu tượng thường đi kèm với các vị tiên gia là phất trần và bình rượu chứ không phải ấm trà, và giới đạo gia có thứ rượu Quỳnh tương trên tiên giới thần diệu như nước cam lồ bên Phật giáo. Chỉ mãi sau đến đời Chu Hy (cuối Nam Tống) mới xuất hiện một bài thơ gắn ông tiên với lò nấu trà (xem chương 4 “Thú chơi trà” quyển này)

Như vậy có thể nói điều Lục Vũ ghi trong Trà Kinh “Thần Nông là ông tổ cây trà” có thể chỉ là lời lượm lặt trong dân gian thích thêu dệt huyền thoại của người Trung Hoa mà thôi.

Huyền thoại thứ hai của người Hoa Nam. Huyền thoại này cho rằng chính Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidarma), Sơ tổ Thiền Trung Hoa, là người mang cây trà từ Ấn Độ vào Trung Hoa (năm 519 sau Công Nguyên). Nhờ cây trà mà Ngài thức suốt 9 năm để ngồi nhìn vách đá quán tưởng công án. Tin vào truyền thuyết này nên về sau Thiền Nam Tông có nghi thức uống trà trước tượng Bồ Đề Đạt Ma. Xoay quanh Bồ Đề Đạt Ma lại có một huyền thoại thần bí hơn, lại do người Nhât phụ họa: Sau ba năm diện bích, tổ Đạt Ma kiệt sức và ngủ lịm đi. Khi tỉnh dậy, tổ hối hận và lo lắng, cắt hai mi mắt mình liệng xuống đất. Ít lâu sau nơi đó mọc lên một loại cây bụi, tổ Đạt Ma lấy lá của nó nấu lên uống thì tỉnh ngủ hẳn. Và Ngài tiếp tục diện bích cho hết 9 năm.

Huyền thoại quanh Bồ Đề Đạt Ma rất được người Ấn Độ ủng hộ, họ cho rằng dùng trà là một tập quán rất phổ biến của tu sĩ Phật giáo. Tập quán này xuất phát từ rất xa xưa và trưng ra tư liệu trong cuốn sử thi Ramayana (có vào khoảng năm 750-500 trước Công Nguyên) thuật lại thần khỉ Hanuman được phái lên dãy Hi-mã-Lạp-Sơn tìm lá trà (sử thi gọi là cây Sanjeevani; ngày nay có nhà nghiên cứu khẳng định cây này không thuộc chi Camellia) về làm thuốc trị bệnh. Người Ấn Độ đưa ra dẫn chứng vùng phía đông dãy Hi Mã Lạp Sơn là nơi có nhiều cây trà hoang và hiện nay là vùng sản xuất trà nổi tiếng thế giới. Lại nữa, họ dựa vào tài liệu năm 1598 của nhà thám hiểm Hà Lan, Jan Huyghen van Linschoten, ghi chép lại: người Ấn Độ ăn một loại lá trộn tỏi và dầu dùng làm rau ghém và loại lá này còn được nấu lên làm nước uống. E rằng bấy nhiêu không đủ cơ sở về thời gian để nói xuất xứ văn hóa trà từ Ấn Độ.

Như chúng ta đã biết, các bộ kinh kết tập lần đầu tuy tập trung vào các giáo lý nhưng có giá trị như những tác phẩm văn học. Các bộ kinh như Trường A-hàm, Tạp A-hàm, trung A-hàm, Tăng Nhất A-hàm mô tả rất rõ các sinh hoạt của tăng sĩ bên cạnh các giáo pháp của Phật Thích-ca; đặc biệt bộ Tứ Phần Luật (Luật Tạng) còn ghi rất chi tiết các sinh hoạt và vi phạm luật tăng sĩ thời Đức Phật. Cũng đáng tiếc chẳng tìm được chữ trà hay từ nào khác có thể dẫn chứng là trà. Thứ đến, người ta thường hay nói đến trà-thiền, nhưng truy lục lại các tư liệu Thiền Trung Hoa chúng ta sẽ mau chóng nhận ra trà xuất hiện và càng ngày càng nhiều kể từ đời Lục Tổ Huệ Năng về sau. Và người Tích Lan (nay gọi là Sri Lanka) là nơi từng có dấu chân Phật giảng kinh Nhập Lăng-già, cũng là nơi giữ nhiều dấu tích và tập tục của Phật giáo nguyên thủy, nhưng trà cũng do người Anh du nhập vào mới gần đây; hiện nay họ lại dùng trà theo kiểu người Anh. Hơn nữa, các tư liệu và truyền thuyết dân gian của Ấn Độ chẳng nói gì về trà và mãi đến cuối thập niên 1830 Ấn Độ mới hình thành văn hóa trà qua hoạt động thương mại của Công Ty Đông Ấn của Anh.


Vậy sao nói trà và thiền gắn với nhau! Điều này quả không sai, nhưng Phật giáo vào Trung Hoa không phải chỉ có một đường trực tiếp từ Ấn Độ qua. Chúng ta sẽ thấy ở chương kế tiếp nguồn gốc cây trà có khả năng từ nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên và vùng thượng du Bắc Việt hiện nay) và nước này quốc giáo là Phật giáo Mật tông. Dòng thiền Hoa Nam chịu ảnh hưởng rất không phải là ít giáo pháp và tập quán Phật giáo Đại Lý; chính các dòng thiền Việt Nam ngay đời Trần cũng còn chịu ảnh hưởng này (trước đời Lý-Trần ảnh hưởng rất mạnh do các tăng sĩ từ ngõ Đại Lý sang). Trong chừng mực nào đó chúng ta có thề đặt giả thuyết trà-thiền thoát thai từ Đại Lý. Vậy có phải Trung Hoa có nền văn hóa trà kể từ thời Lục Tổ (tức nhà Đường) chăng? Câu hỏi này sẽ lần lượt được bàn nhiều lần kể từ chương sau (chủ yếu chương 2 “Trà pháp Trung Hoa”, quyển 3). Ở đây chỉ muốn nói các huyền thoại lưu truyền nói trên cần xem xét kỹ hơn, tránh nghe nói sao tin vậy.

Cũng lưu ý là các tác phẩm như Hán Sở Tranh Hùng, Tam quốc Chí có nhiều lần nói đến việc uống trà, nhưng điều này không thể khẳng định trà có từ đời Hán vì các tác phẩm này viết vào đời nhà Minh, thời trà Trung Hoa đang ở giai đoạn hoàng kim. Việc các cây bút văn chương lồng một số chi tiết nho nhỏ quen thuộc đương thời vào câu chuyện không phải là điều không xảy ra nếu không muốn nói rất thường.

Tại Hàn Quốc cũng có truyền thuyết nói chính người Ấn Độ đã mang trà vào trung quốc. Bản Trà Lễ Panyaro có viết như sau: “từ thế kỷ đầu của Công Nguyên một công chúa của tiểu vương quốc Ayudya ở Ấn Độ đã mang trà vào Hàn Quốc khi cặp tàu vào vương quốc Gaya nằm phía Nam bán đảo triều Tiên, sau khi lưu trú một thời gian ở Trung Hoa. Nàng công chúa này trở thành hoàng hậu Heo Hwangok, vợ vua khai sáng ra vương quốc Gaya, Kim Suro”. Tài liệu này còn phỏng đoán: “Vùng Tây-Nam Trung Hoa mà nàng công chúa này từng lưu lại chính xác là vùng trồng cây trà rất lâu năm trước đó.” . Nếu lưu trú ở vùng này thì nàng công chúa đó không thể đến Hàn Quốc bằng thuyền, nên có thể nàng lưu trú tại miển Bắc Việt Nam (nhiều khả năng là vùng Thanh Hóa, nơi đây hiện vẫn còn rất nhiều cây trà cổ thụ mọc hoang).

Còn nếu lấy huyền thoại làm chứng cứ thì e rằng người Việt biết uống trà và có một nền văn hóa trà sâu xa từ thời Hùng Vương (ngang đời nhà Chu). Ai trong chúng ta cũng đều biết câu chuyện cổ tích Trương Chi – Mỵ Nương , hai chữ Mỵ Nương đủ khẳng định bối cảnh câu chuyện xảy ra vào thời Hùng Vương rồi. Chuyện kể tóm tắt rằng: Chàng lái đò Trương Chi có giọng hát thật hay làm xiêu lòng Mỵ Nương. Nhưng khi gặp khuôn mặt xấu xí của chàng lái đò Mỵ Nương đâm thất vọng, ngược lại trước nhan sắc của Mỵ Nương Trương Chi về ốm tương tư rồi mất. Trương Chi chết hóa thành một hòn ngọc, người thợ đá tạc thành một cái chén uống trà dâng cho gia đình Mỵ Nương. Cứ mỗi lần rót nước trà vào chén Mỵ Nương thấy trong đó có hình chiếc đò bơi qua bơi lại và một tiếng hát từ cõi xa xăm nào đó vọng lại. Thương cảm, Mỵ Nương khóc, giọt nước mắt rơi vào chén trà và chén trà tan thành nước.

Chẳng lẽ câu chuyện quanh ly trà này không là một nền văn hóa trà sâu sắc hay sao?! Nhưng dù sao huyên thoại hay chuyện cổ tích không là tư liệu quyết định. Xưa hơn nũa thì Lạc Long Quân và bà Âu Cơ đã mang cây trà từ Hồ Động Đình về Việt Nam rồi.

*****

Bên cạnh, người Trung Hoa trưng ra một số tư liệu lịch sử để chứng minh nguồn gốc cây trà của họ. Sự viện dẫn này dựa vào thương mại để chứng minh cây trà và văn hóa trà có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Dẫn chứng đầu tiên là Con Đường Trà Cổ (Trà Mã Cổ Đạo – 茶馬古道). Đây là con đường núi ngoằn ngoèo đi xuyên qua vùng núi Vân Nam – Tứ Xuyên phía Tây Nam trung Hoa, phương tiện vận chuyển chủ yếu là lừa và ngựa. Theo tư liệu của Trung Hoa con đường này hình thành vào đời nhà Đường (618-907), và trà của Trung Hoa theo đường đó bán cho các nước phía Nam.

Điều này không mấy hữu lý vì tính theo thời gian vùng này thuộc về đất nước Nam Chiếu – Đại Lý mà chúng ta sẽ có dịp nói chi tiết hơn ở chương 2 “Truy lại cội nguồn nền văn hóa trà”, quyển này; đồng thời sử liệu còn ghi chép gần kết thúc thiên niên kỷ này Đinh Liễn còn phải cống trà cho nhà Tống. Vật cống là vật quý hiếm đối với “Thiên Quốc” (cùng với ngọc trai, ngà voi, sừng tê giác, …) thì lấy đâu dôi ra mà xuất bán ngược về các nước phía nam. Thực tế cũng cho thấy đời Đường chưa cai trị được vùng đất này, nếu không muốn nói có nhiều chiến tranh qua lại giữa Trung Hoa và các bộ tộc (nhất là khi vùng này hình thành quốc gia) tại nơi đây. Cứ liệu đáng tin nhất; năm 629 khi Đường Tam Tạng có ý qua Hồ Quốc (tức Ấn Độ) thỉnh kinh, ông phải lén đi vì Đường Thái Tông cấm đi ra nước ngoài. Lý do cấm đoán đó là vì các vùng biên giới không yên ổn và nhà Đường lúc đó không đủ sức thảo phạt . Tình hình như thế cho thấy con đường này thực sự dưới quyền kiểm soát của Nam Chiếu – Đại Lý, trà từ vùng này chuyển đi các vùng lân cận và Hoa Nam để bán . Luận cứ này cho thấy con đường Trà Mã Cổ Đạo này không do nhà Đường mở ra, thực tế nó là một con đường tự phát nhằm trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ với Hoa Nam và các nước lân cận Đại Lý. Trà quả là sản phẩm của con đường này nhưng chủ nhân là Đại Lý chứ không phải Trung Hoa. Chính vì thế ta sẽ thấy tập quán uống trà những nước quanh Đại Lý cũ không hề giống thói quen uống trà của người Trung Hoa

Người Trung Hoa lại viện dẫn đến Con Đường Tơ Lụa, họ cho rằng chính nhờ con đường này trà và văn hóa trà Trung Hoa truyền bá đi xa.

Nếu nói đến Con đường Tơ lụa chúng ta phải nói cụ thể có 2 con đường tơ lụa chứ không phải một. Con đường tơ lụa thứ nhất ở phía bắc (còn gọi Con đường Tơ lụa trên bộ, từ thế kỷ thứ 2 trước CN, bắt đầu từ Trường An) và Con đường Tơ lụa thứ hai ở phía nam (còn gọi Con đường Tơ lựa trên biển bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, khởi hành từ Quảng Châu chuyên mua bán đồ gốm). Hai con đường này đi qua các địa danh nổi tiếng như Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trường An) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng còn đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặt hàng mua bán chủ yếu gồm: đá quý và quý kim, tơ lụa và vải vóc, ngà voi (mua về Trung Hoa), đồ sơn mài, gia vị, thủy tinh, san hô, … nhưng chưa thấy tài liệu nào nói buôn trà cả.

Thực tế cho thấy các nước có Con đường Tơ lụa đi qua du nhập trà vào nước mình rất trễ (sau khi con đường này bị tàn lụi) và tập quán uống trà khác xa với người Trung Hoa. Điều này sẽ được chứng minh qua các biên niên ở chương 5 “Tập quán uống trà ở một số nước khác”, quyển 3. Sự kiện này gần như hiển nhiên vì đến đời nhà Minh (khoảng từ thế kỷ 15 trở đi) trà mới trở thành sản phẩm thương mại, đặc biệt khi trà được canh tác mở rộng về hướng Đông như Phúc kiến; chứ không thu hái hoang dã nữa. Trước đó, vào thời Đường-Tống, trà là sản phẩm quý tộc thường được dùng ban thưởng cho các công thần, các sứ thần phiên quốc; ngược lại các nước chư hầu trồng được cây trà thì trà là sản phẩm triều cống. Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc từng ghi rằng: “Kế lập được bảy năm, năm Tân-Vị Khai-Bửu thứ 4 (971), Thái-Tổ nhà Tống khiến đại-tướng Phan-Mỹ qua đánh Lĩnh-Nam. Liễn sợ, dâng biểu-văn, khiến sứ vào cống, xin nội-phụ, Thái-Tổ xuống chiếu phong Liễn làm Tiết-Độ-Sứ An-Nam đô-hộ. Tháng 5 năm thứ 8, (975), Liễn tiến cống vàng lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm. Ngày mồng 7 tháng 8, Thái-Tổ xuống sắc-chế, phong cha Liễn là Bộ-Lĩnh làm Giao-Chỉ Quận-Vương; thực ấp 1.000 hộ.” Sử Nhật Bàn và Hàn Quốc cũng có ghi chép những trường hợp được Thiên Triều ban thưởng hay phải cống lễ sản phẩm trà. Với tình hình sản lượng như vậy thì khó là sản phẩm đi buôn đường dài theo Con đường Tơ lụa được và vì thế trà đến các nước khác không phải qua con đường này.

Một sự kiện khác: vùng Tân Cương của Trung Hoa hiện nay vẫn còn tập tục dung trà rất xa lạ với tập quán trà Trung Hoa: trà bánh và trà bơ. Hai thứ trà này gần giống lối dùng trà của Mông Cổ và Vân Nam – Tây Tạng cho thấy nó chỉ được truyền bá đến vùng nhiều sa mạc này từ thời Nguyên Mông. Nếu theo Con Đường Tơ Lụa của người Trung Hoa ắt phải mang đậm dấu ấn của Trung Hoa; nhiều người nhầm lẫn về yếu tố thời gian và tập quán này.

Trung Hoa còn một con đường buôn bán trà nữa đã được chứng minh có cứ liệu chính xác, nhưng thời điểm không biện minh cho cội nguồn văn hóa trà của Trung Hoa. Con đường Buôn Trà thứ hai nằm ở phía bắc Trung Hoa gọi là Con đường Tây Bá Lợi Á. Con đường này kéo dài từ phần nước Nga Châu Âu, qua Tây Bá Lợi Á (Sibérie) và đến Trung Hoa. Nó được Sa Hoàng cho khởi công vào ngày 22 tháng 11 năm 1689 và hoàn công vào năm 1730, theo Hiệp Ước Nerchinsk. Gọi là Con đường Trà vì phần lớn trà sản xuất ở Trung Hoa qua Châu Âu đi theo con đường này bằng lạc đà. Trà xuất khẩu theo con đường chủ yếu là trà bánh. Do vậy Okakura Kakuzo cho rằng đến thế kỷ 18 Châu Âu mới biết đến trà có lẽ căn cứ vào sự kiện này.

Thực tế đây chỉ là con đường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường vốn có. Bởi vì trà đến với nước Nga từ năm 1638 thông qua quà tặng của vua Mông Cổ; còn lô trà đầu tiên đến Châu Âu không phải bằng con đường trà Tây bá Lợi Á mà thông qua một con tàu Hà Lan của công ty Dutch East Company ghé vào Java đổi mấy thùng hoa sôn lấy mấy thùng trà. Nước Anh đón nhận trà từ năm 1652 và trà mau chóng trở thành thức uống thời thượng. Sau đó, suốt thế kỷ 17 và 18, trà trở thành quân bài kinh tế chính trong cuộc chiến thương mại giữa Anh và Hà Lan. Con đường Tây Bá Lợi Á chỉ là hệ quả của một quá trình thương mại trà có từ mấy thế kỷ trước đó.

*****

Đặc biệt con đường du nhập trà vào Nhật Bản không phải bằng con đường thương mại. Trà vào Nhật Bản theo dòng truyền bá Thiền học Trung Hoa và ngoại giao. Thư tịch cổ  ghi trà lần đầu tiên vào Nhật Bản bởi thiền sư Tối Trừng (Saicho – 最澄) vào năm 805, rồi đến lượt thiền sư Không Hải (Kukai – 空海) năm 806. Trà phổ biến trong giới hoàng tộc từ khi Thiên Hoàng Tha Nga (Saga tennō – 嵯峨天皇; 786–842) khuyến khích trồng trà. Hạt giống cây trà du nhập từ Trung Hoa về Nhật vào năm 1191 nhờ công của thiền sư Vinh Tây (Eisai – 榮西) . Thiền sư Vinh Tây còn có công với văn hóa trà Nhật Bản với tác phẩm Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký (kissa yōjōki – 喫荼養生記). Một số hạt giống khác do thiền sư Không Dã Thượng Nhân (Myoe Shonin – 空也上人) mang về Nhật và thành loại trà nổi tiếng Uji. Vì văn hóa trà của Nhật là một chủ đề lớn sẽ đề cập ở hai quyển sau thiết tưởng không cần nói quá chi li ở đây. Dữ kiện này cũng cho thấy trà được canh tác tại Trung Hoa không thể sớm hơn thế kỷ thứ 10.

Tương tự như Nhật Bản, trà vào Hàn Quốc cũng bằng con đường các tăng sĩ qua Trung Hoa học đạo, có lẽ cũng vào thế kỷ thứ 6 hay thứ 7. Theo biên niên sử Samkuk-yusa và Samkuk-sagi; năm 661 Hoàng hậu Sondok (trị vì từ năm 632 đến 647) uống trà với vua Munmu trong một lễ cầu kiến. Suốt triều đại Koryo của Hàn Quốc (vào thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13) trà là chủ đề cho thi ca. Trà được dùng dâng cúng tổ tiên và Phật. Đến thế kỷ 14, Phật giáo ở Hàn Quốc bị đàn áp, chùa chiềng bị đập phá, sư sãi bị buộc phải hoàn tục. Tuy nhiên giới nho sĩ và hoàng thất vẫn dùng trà, trong triều đình vẫn có một vị thượng thư lo về trà. Năm 1590, Nhật xâm lược Hàn Quốc, đốt phá lăng miếu và cướp đi rất nhiều trà cụ và trà khí. Thảm họa này làm nền văn hóa trà của Hàn Quốc suy yếu dần. Một phần sự suy yếu còn do các chủ vườn trà vốn gặp khó khăn lại bị đanh thuế quá nặng, việc trồng trà bị thu hẹp lại.

May sau vào đầu thế kỷ 19, vị đại học sĩ Tasan, tức Chong Yak-yong (1762-1836) hâm mộ việc uống trà theo đúng nghi thức lúc ông bị lưu đày là Kangjin, cực nam Hàn Quốc. Vị đại học sĩ này học cách chế biến và uống trà từ hòa thượng Hyejang, đang trụ trì một ngôi chùa gần Kangjin. Vào những năm đầu thế kỷ 19, một vị tăng trẻ tên là Ch’o Ui (1786-1866) đến thăm Tasan và lưu lại hàng tháng để uống trà cùng ông. Nhờ vậy mà Trà đạo Hàn Quốc được lưu truyền. Tuy nhiên, phải chờ đến nhiều thập kỷ gần đây trà đạo Panyaro mới được khôi phục nhờ nỗ lực to lớn của hòa thượng Hyo Dang, thế danh Ch’oi Pom-sul. Vị hòa thượng này viết một nghiên cứu dài về trà đạo với nhiều góc độ của nền văn hóa này.

Còn trà Việt Nam có nguồn gốc như thế nào? Nhiều cơ sở chứng minh trà là cây bản địa ở miền Bắc Việt Nam và thư tịch Trung Hoa lẫn Việt Nam không có chứng cứ  gì cho thấy các quan lại đô hộ Việt Nam mang trà từ Trung Hoa vào. Các cứ liệu dưới đây chứng minh điều này:

Theo Đỗ Ngọc Quỹ: “Thứ nũa, theo tài liệu khảo cứu của Uỷ ban Khoa học Xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ) . Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn-Nghĩa Lộ-Yên Bái), trên độ cao 1.000 mét so với mặt biển, có một vùng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể.” (Webside Đặc Trưng – download 05/2009). Một chứng cứ tư liệu khác: Thiền Uyển Tập Anh, mục Tăng thống Huệ Sinh (?-1064) có nói đến một địa danh gọi là Núi Trà ở Bắc Ninh, như sau: “Năm 19 tuổi, Sư bỏ đời, cùng Pháp Thông chùa Hạc Lâm thờ Định Huệ chùa Quang Hưng làm thầy. Học thiền mỗi ngày một tiến. Định Huệ vỗ về mến chuộng. Từ đó, Sư dạo khắp tòng lâm, hỏi hết thiền chỉ rồi đến đỉnh Bồ Đề núi Trà trác tích. Mỗi lần vào định, trải qua năm ngày mới dậy. Người bấy giờ gọi Sư là Đại sĩ nhục thân”. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát chú thêm: Núi Trà “Tức núi Nguyệt Thường hay núi Bạch Sắc ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên nói: “Núi Nguyệt Thường, tại phía tây nam huyện Tiên Du ba dặm, một tên là núi Bạch Sắc, cũng gọi là núi Trà. Tương truyền Lý Thánh Tôn đến chơi núi đó và cho tên Nguyệt Thường. Núi hơi cao, đá đất lẫn lộn. Trên núi có liu, dưới núi có đền Cao Sơn. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) triều ta liệt vào hạng danh sơn, chép vào sách cúng. Núi này hiện có đỉnh Bồ Đề không, chưa thể biết được Núi này hiện có đỉnh Bồ Đề không, chưa thể biết được.” Khả năng núi này là núi có cây trà hoang mọc nhiều là điều không phải không thể tin. Lê Quý Đôn dẫn Trà Kinh của Trung Hoa viết: “Trà là một loại cây quý ở phương Nam, cây như cây qua lô, lá như lá chi tử , hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả tinh biền lư, nhị như nhị đinh hương, vị rất hàn” (Vân Đài Loại Ngữ – Phẩm Vật). Vậy cây trà lúc đó người Việt gọi là qua lô, giống như cư dân vùng Vân Nam gọi là đồ (sau người Trung Hoa thêm một vạch ngang và đọc là trà). Sách trung Hoa cũng thừa nhận cây trà vốn có trong tự nhiên tại Việt Nam, cuốn Nghiêm Bác Tạp Chí, Đào Hoằng Cảnh, người san định lại Thần Nông bản Thảo, mượn lời Lý Trọng Tân viết: “Trà ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay gắt gọi là trà đăng”. Như vậy trà là cây bản địa Việt Nam được người Trung Hoa đánh giá cao, nên việc cống trà thời Đinh là điều không phải là khó hiểu.

Còn về khảo cổ người ta tìm thấy nhiều đồ gốm đời Lý-Trần, trong đó có vật dụng uống trà. Bùi Ngọc Tấn trong bài “Đồ gốm đời Lý-Trần, thời thăng hoa”’ có viết về đồ men ngọc: “Ngoài những bát, chén và đĩa men ngọc nhỏ, ta còn thấy có nhiều tước (hay bôi), bình trà, nậm rượu nhỏ. Có những nậm rượu men ngọc chạm nổi hình 2 con cá chép đang bơi. Có những nậm rượu hình quả bầu.” (Nguồn: www.dongtac.net). Di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa (Phan Hưng Nhơn).

Cây trà là cây bản địa, nhưng có nền văn hóa trà hay không là chuyện khác. Ở đây cần nhấn mạnh Việt Nam đã có tập quán uống trà từ lâu đời và nó chiếm một vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Chẳng hạn sử liệu đã nêu ở trên có nói Đinh Liễn cống trà cho nhà Tống. Bước đường từ một thức uống dân giả lấy ở cây bản địa đến sản phẩm triều cống không phải là con đường ngắn vì đồ lễ triều cống phải là thứ quý hiếm. Như vậy chứng tỏ người Việt biết dùng trà có văn hóa ít ra phải trước năm 979. Cũng trong tác phẩm này, Lê Tắc mô tả tục uống trà của người Việt thời đó đã trở thành nghi thức lễ hội: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động-Nhân, bái yết Tiên-Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu-Na” (nghĩa là đuổi tà ma quỉ mị). Dân-gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ.” (Mục Phong tục)

Qua đời Lý-Trần, văn hóa trà của Việt Nam bước một bước dài qua lãnh vực triết lý và tâm linh. Lại cũng trong Thiền Uyển Tập Anh, mục Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thuật chuyện một tăng sĩ đến vấn đạo Viên Chiếu. Trong nhiều câu vấn đạo có đoạn sau: Sư lại hỏi: “Xanh xanh trúc biếc thảy chân như. Thế nào là dụng của chân như?”, Viên Chiếu đáp: “Tặng anh ngàn dặm xa. Cười mang trà một bình.” (Tặng quân thiên lý viễn, Tiên bả nhất bình trà.) Trong các tác phẩm Thiền thời Lý-Trần, chúng ta thấy nhiều thiền thoại dùng điển tích, ví dụ Trần Nhân Tông lấy “Trà Triệu Châu” để giảng pháp trong Cư Trần Lạc Đạo Phú (Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.). Nhiều tư liệu rời rạc khác còn cho thấy thời Lý-Trần người Việt dùng trà phổ biến không kém người Trung Hoa đời Minh; chẳng hạn trong Khóa Hư Lục vua Trần Thái Tông viết: “Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt. Ban đêm mùa hè chúng ta đốt ngọn đèn dầu, các con bướm ở ngoài thấy đèn liền đáp vào, nên tự thiêu tự đốt. Người đời đuổi theo dục lạc thế gian, tưởng rằng hưởng được dục lạc là hạnh phúc, nhưng nếu ai có nhiều tiền lắm của, ngày đêm đều vào tửu điếm trà đình, lầu xanh thì cũng giống như bướm lao vào đèn. Đó là tự  mình tìm cái chết, tự thiêu tự đốt.” Quán trà thời đầu nhà Trần đã có rồi chăng!?

Lại cũng trong Thiền Uyển Tập Anh, mục Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thuật chuyện một tăng sĩ đến vấn đạo Viên Chiếu. Trong nhiều câu vấn đạo có đoạn sau: Sư lại hỏi: “Xanh xanh trúc biếc thảy chân như. Thế nào là dụng của chân như ?”, Viên Chiếu đáp: “Tặng anh ngàn dặm xa. Cười mang trà một bình.” (Tặng quân thiên lý viễn, Tiên bả nhất bình trà.) Nhiều tư liệu rời rạc khác còn cho thấy thời Lý-Trần người Việt dùng trà phổ biến không kém người Trung Hoa; chẳng hạn trong Khóa Hư Lục vua Trần Thái Tông viết: “Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt. Ban đêm mùa hè chúng ta đốt ngọn đèn dầu, các con bướm ở ngoài thấy đèn liền đáp vào, nên tự thiêu tự đốt. Người đời đuổi theo dục lạc thế gian, tưởng rằng hưởng được dục lạc là hạnh phúc, nhưng nếu ai có nhiều tiền lắm của, ngày đêm đều vào tửu điếm trà đình, lầu xanh thì cũng giống như bướm lao vào đèn. Đó là tự mình tìm cái chết, tự thiêu tự đốt.” Quán trà thời đầu nhà Trần đã có rồi!?

Đáng tiếc Bắc Thuộc lần thứ 3 của nhà Minh, dù chỉ kéo dài khoảng 10 năm, đã tàn phá nền văn hóa và thư  tịch Việt Nam một cách khủng khiếp. Thư tịch của người Việt bị đốt và một số chuyển về Kim Lăng, nhân tài bị cống nạp về chính quốc như trường hợp Thiền sư Tuệ Tỉnh. Hiện nay chỉ còn lại một số tác phẩm đời Lê nói man mác về văn hóa uống Trà, chẳng hạn cuốn Thượng Kinh Ký Sự của Hải Thượng Lãn Ông. Qua những tài liệu đó biết được đời Lê có chức quan coi về trà và giới thượng lưu quý tộc có thuê người hầu trà gọi là trà đồng.

Sử liệu cho thấy (Đại Việt Thông Sử – lê Quý Đôn) cho thấy thế kỷ 16 (Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 16 – 1548) trà không còn là thứ  sản phẩm quý tộc, mà đã trở thành món hàng dân dã đến tận tay người nghèo, sách này viết: chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phong Phạm Quỳnh tước Vinh quận công, phong con trai Quỳnh là Dao tước Phú xuyên hầu và viết tiếp “Phạm Quỳnh nguyên quán ở làng ở làng Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, đến ngụ cư tại Thôn Bùi Tây xã Thịnh Liệt, nhà nghèo làm nghề bán trà. Khi Kính Điển lên 2 tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi, Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú sữa nuôi Kính Điển. Đến đây, Kính Điển giữ chính quyền, nghĩ tới nghĩa bảo dưỡng của vợ Quỳnh, cho nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh: Sai Phạm Quỳnh giữ quyền tiết chế đông đạo; cho Phạm Dao trấn thủ xứ Sơn Nam, rồi thăng đến tước Văn quận công.” Xứ Đàng Ngoài có Chúa Trịnh Tùng rất mê trà, tự nhận mình là trà nô (nô lệ của trà).

Đến thế kỷ thứ 18 , trà là hàng hóa thông dụng khắp Việt Nam khắp hang cùng ngỏ hẻm ngay trong vùng đất mới như miền Nam. Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển viết: “Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hóa các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị tuôn ra bỏ bừa bãi lềnh khên ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai dám rớ dám mót lượm về xài. Qua năm 1783, giá hàng hóa vụt lên mà ngợp : kim may mỗi cây một lượng bạc, trà Tàu tám quan tiền một cân, …” Và hiện nay trà là món uống phổ thông đến mức chẳng ai cần quan tâm nó hiện hữu hay không, giống như chẳng mấy ai chịu nghĩ đến không khí dù không có nó mình chết vậy.

Do vậy, dù chưa có những chứng minh thuyết phục hơn nhưng chúng ta vẫn tin trà không phải là nền văn hóa hoàn toàn du nhập và lệ thuộc của Trung Hoa, đồng thời cũng không hoàn toàn phủ nhận nền văn hóa trà của Trung Hoa có ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam thông qua 1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng xét cho kỹ, văn hóa trà Việt Nam chịu ảnh hưởng của sự “thanh thoát và hướng tự nhiên” ở dân tộc Bách Việt của vùng Hoa Nam nhiều hơn là phong cách “luân thường Khổng gia” của trà pháp Hoa Bắc.

Tôi dành riêng chương 3 “Trà Phong” ở quyển ba để quay lại biện biệt điều này.

Phần chú thích:

1 Thần nông bản thảo: Tác phẩm này ghi chép 365 vị thuốc (252 loại thực vật, 67 loại động vật và 46 loại khoáng vật), trong đó có cây trà. Thực ra cuốn sách này do nhiều người biên chép và truyền khẩu; sau đó Đào Hoằng Cảnh (457 – 536) biên tu lại. Do vậy không thể xuất hiện trước thế kỷ thứ 6.

2 Kinh Lễ là cuốn sách cổ ghi các lễ nghi thời xưa do Đức Khổng Tử tập hợp và san định lại cho rành rẽ, trong đó có các thiên Lễ Vận 禮運, Lễ Khí 禮器, Tế pháp 祭法, Tế nghĩa 祭義, Tế thống 祭統, … nói rất chi tiết về thời gian, cách thức và vật dụng trong cúng tế và nghi lễ

3 Khổng tử ra đời sau đời Chu và thường lấy mẫu mực nhà Chu để dạy học trò. Ngài luôn lấy các hành vi và chế định đời Chu làm mực thước để dạy tam cương, ngũ thường. Khổng Tử là người rất trọng lễ nghi và cúng tế.

4 Kinh Thi thể hiện rất nhiều mặt trong đời sống thời trước Khổng Tử cho đến lúc Ngài san định. Chẳng hạn viết về: chồng nhớ vợ (Quan thư), khen tặng vợ chư hầu lo việc cúng tế (Thái phiên), Đi tị nạn loạn lạc (Bắc phong), tả phong cảnh cây cỏ tươi tốt (Tiêu liêu), Trai gái tụ hội ca hát (Đồng môn chi phần), …

5 Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, giáo sư Nguyễn Lang có viết các bài tụng công phu hai buổi như sau: “Thời khóa buổi sáng: 1. Thần chú Lăng Nghiêm, 2. Thần chú Ðại Bi Tâm, 3. Thần chú Như Ý Bảo Luân Vương, 4. Thần chú Tiêu Tai Cát Tường, 5. Thần chú Công Ðức Bảo Sơn, 6. Thần chú Chuẩn Ðề, 7. Thần chú Dược Sư Quán Ðỉnh, 8. Thần chú Quan Âm Linh Cảm, 9. Thần chú Thất Phật Diệt Tội, 10.Thần chú Vãng Sinh Tịnh Ðộ, 11. Thần chú Ðại Cát Tường Thiên Nữ, 12. Tâm kinh Bát Nhã, 13. Niệm Phật Thích Ca, 14. Ðảnh lễ chư Phật, 15. Hồi Hướng. Thời khóa buổi chiều: 1. Kinh A Di Ðà, 2. Thần chú Vãng Sinh Tịnh Ðộ, 3. Sám Pháp Hồng Danh, 4. Nghi thức Thí Thực Mông Sơn, 5. Tâm kinh Bát Nhã, 6. Niệm Phật A Di Ðà, 7. Ðảnh lễ chư Phật, 8. Hồi hướng Cực Lạc, 9. Tam Quy.”. Các thần chú là dấu ấn của Mật Tông, có uống trà hay không không thấy nhắc đến.

6 Lưu ý là vào thời đó, thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, chưa có vùng duyên hải Trung Hoa nào có trồng trà.

7 Mỵ Nương: danh xưng của con vua Hùng hay con lạc hầu, lạc tướng.

8 Hồ Động Đình là một trong những cái nôi của cây trà, nơi đây có đảo Quân San nối tiếng về trà.

9 Thậm chí Đường Thái Tông phải dùng biện pháp ngoại giao hôn nhân để giữ tạm ổn. Nhiều công chúa được gã cho các nước lân bang, trong đó có công chúa Văn thành gã sang Tây Tạng (lúc đó gọi là Thổ Phồn)

10 Tư liệu lịch sử cũng cho thấy vùng Hoa Nam biết đến trà trước vùng Hoa Bắc và chính các thiền sư vùng Hoa Nam truyền bá trà lên vùng Hoa Bắc.

11 Con đường này bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 Tr. Công Nguyên đến thế kỷ 15 Sau Công Nguyên; trong thời gian này có nhiều lần bị suy thoái đến mức gần như không hoạt động.

12 Trước kia một điểm dừng chân của các đoàn thương buôn trên Con Đường Tơ Lụa,

13 Tối Chừng (767- 822): cao tăng Nhật Bản sáng lập thiền viện danh tiếng trên núi Tỉ Duệ (比叡 -: hiei), khai dòng Thiên Thai tông ở Nhật. Năm 822, Sư viên tịch ngay tại núi Tỉ Duệ.

14 Không Hải (774-835): còn gọi là Hoằng Pháp Ðại sư (kōbō daishi); Cao tăng Nhật Bản khai dòng Chân Ngôn tông (shingon)) ở Nhật Sư rất nổi danh trong hội họa, điêu khắc

15 Vinh Tây (1141-1215): đầy đủ tên là Minh Am Vinh Tây (myōan eisai), thiền sư Nhật Bản khai dòng Lâm Tế tại nước này. Rất giỏi y học và thiền học.

16 Không Dã Thượng Nhân (903-972): cao tăng Nhật Bản, còn mệnh danh là Thị Thánh (ông Thánh ở ngoài chợ) góp phần truyền vào Nhật Bản Tịnh Độ Tông, sau Viên Nhân (793-864)).

17 Người ta vừa mới công bố bức ảnh chụp một quả trà hoá thạch được tìm thấy ở Con Moong – Hòa Bình do tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt tìm thấy. Quả trà ấy có niên đại cách đây khoảng 10.000 ngàn năm.

18 Cần lưu ý: các địa danh có chữ trà từ Thanh Hóa trở vào rất có thể không là cây trà. Ở miền Trung chữ trà có thể phiên âm một từ trong tiếng Chăm và ở miền Nam là tiếng khờ-me

19 Chi tử: trái dành dành

20 Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc

21 Tư liệu này trích trong Tham Đồ Hiển Quyết của thiền sư Viên Chiếu.

22 Trà Triệu Châu: Thiền sư Triệu Châu (778-897), ở Hoa Nam, hỏi một trong hai vị tăng mới đến: “Thầy đã đến đây lần nào chưa?” Trả lời: “Chưa”. Triệu Châu nói: “Uống trà đi”. Lại hỏi vị tăng kia: “Thầy đã đến đây lần nào chưa?” Trả lời: “Rồi”. Triệu Châu nói: Uống trà đi”. Vị Viện Chủ thiền viện hỏi Triệu Châu: “Người chưa từng đến thì dạy “uống trà đi” còn vị đã từng đến cũng dạy “uống trà đi, thế là thế nào?” Triệu Châu gọi: “Viện Chủ!” Viện Chủ đáp: “Dạ!” Triệu Châu nói: “Uống trà đi”. Câu chuyện đó trở thành công án thiền học.

23 Tư liệu này trích trong Tham Đồ Hiển Quyết của thiền sư Viên Chiếu.

24 Vào thời điểm này nhiều nước trên thế giới chỉ mới du nhập trà vào.

Trà thư – Đức Chính biên soạn


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage