Chùa Bửu Minh

Bất chấp những cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần, nước Nhật sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng với uy tín lớn mạnh hơn bởi sự kiên cường của người Nhật đang được cả thế giới ca ngợi.




> Người Nhật kiên cường
> Khủng hoảng hạt nhân xảy ra như thế nào
> Nóng chảy hạt nhân là gì?

Truyền hình và báo chí khắp thế giới ngày ngày đưa hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng nhà cửa và ô tô tàu thủy như những món đồ chơi nhỏ, hình ảnh những người sống sót thất thần trước cảnh hoang tàn.

Loạt tin và phóng sự cũng cho thấy một nước Nhật Bản khác - người Nhật bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không hề có dấu hiệu cướp bóc hay bạo lực.

Một người đàn ông Nhật tìm thông tin về người thân ở tòa thị chính thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Ảnh: AFP.

Vô số blog tiếng Anh trên thế giới mô tả những người Nhật là "khắc kỷ", và tự đặt câu hỏi nếu thảm họa như vậy xảy ra ở các nước phương Tây thì không hiểu mức độ thảm cảnh sẽ lên đến đâu.

Giáo sư đại học Havard Joseph Nye nhận xét rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên. Quyền lực mềm là thuật ngữ ông dùng để mô tả cách mà các quốc gia đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến nước khác ngưỡng mộ.

"Cho dù thảm họa này là to lớn, nó cho thấy một số nét tính cánh tuyệt vời của người Nhật, và sẽ giúp cho quyền lực mềm của họ", Nye viết.

"Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự", ông bình luận.

Nhật Bản, một quốc gia với nền hòa bình được quy định trong hiến pháp, vốn từ lâu sử dụng viện trợ như một trong các chính sách đối ngoại quan trọng, nhiều khả năng sẽ phải xem xét lại các ngân khoản một khi họ bước vào giai đoạn tái tiết sau động đất, sóng thần.

Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.
Một em bé Nhật đang được soi để phát hiện xem có bị phơi nhiễm phóng xạ, sau các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, hay không. Ảnh: AP.

Mỗi khi có thảm họa thiên nhiên, hầu như quốc gia nào cũng đều nhận được sự cảm thông và viện trợ từ cộng đồng quốc tế, nhưng hiếm khi nào được sự khâm phục và tăng uy tín như Nhật Bản.

Một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Nhật có thể thoát khỏi giai đoạn trì trệ sau thiên tai. "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Nhưng tôi nghĩ, cho đến nay, có vẻ như người Nhật đã thể hiện sự kiên cường trong khủng hoảng. Tôi cho là sẽ có nhiều điều để nói trong những ngày tới, tuần tới, về Nhật Bản", Nicholas Szechenyi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mỹ, nhận xét.

Báo chí thế giới cũng tràn ngập những lời ca ngợi dành cho người Nhật và công tác chuẩn bị đối phó thiên tai của nước này. Tờ National Post của Canada bình luận rằng tầm nhìn xa của Nhật Bản đã cứu "hàng chục nghìn mạng sống".

"Không như Haiti (2010), Pakistan (2005) hay Tứ Xuyên (2008), số người chết không lên cao vô lý như ở những nơi mà các tòa nhà to tướng đổ sập ngay lập tức lên đầu những người trú ngụ bên trong", báo này viết.

Tờ The Wall Street Journal trong phần xã luận viết: "Sau trận động đất kinh hoàng 300 năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khổng lồ, và nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới".

Xem thêm: Độc giả VnExpress tỏ lòng khâm phục người Nhật Bản.

Thanh Mai (theo AFP)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage