Chùa Bửu Minh

Nghệ thuật thiền là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngay cả triết lý Thiền, hay tôn giáo thiền cũng chưa phải là những vấn đề được đa số người Việt hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới, thiền đã là một khái niệm rất phổ biến. Đặc biệt, ở Nhật Bản và Trung Hoa, thiền đã trở thành một triết lý sống, một lối tư duy có ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống văn hóa xã hội.

Xuất phát từ góc nhìn văn hóa du lịch, chúng tôi xin đề cập những vấn đề cơ bản của triết lý thiền và nghệ thuật thiền, xem đó như một bước khởi đầu cho ý tưởng xây dựng một loại hình du lịch mới ở Việt Nam: Du lịch thiền […].

Nội dung cơ bản của triết lý sống thiền dựa trên quan điểm về sự hướng nội của mỗi cá nhân. Sống theo triết lý thiền là sống với “cái thực tại”, bỏ đi những căng thẳng, lo âu của quá khứ và tương lai, tập trung vào hiện tại, vào hoạt động đang làm. Hiện nay, giá trị của triết lý sống thiền đã được các nhà tâm - sinh lý học hiện đại chứng minh. Họ khẳng định, thiền sẽ giúp người ta rèn luyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn tuyệt đối, từ đó có thể điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng vào công việc đang làm. Thiền cũng thúc đẩy các cá nhân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tính thiền định, giúp con người thoát khỏi những căng thẳng của đời sống thường ngày, tìm ra được những điều chân, thiện, mỹ của thế giới và từ đó có thái độ tốt đẹp hơn với cuộc sống, với con người.

Xuất phát từ mục đích muốn tạo dựng một môi trường phù hợp để có thể giúp chứng nghiệm ra những cái hay, cái đẹp trong từng hoạt động cụ thể, các thiền sư đã sử dụng một số loại hình nghệ thuật và đưa vào đó triết lý thiền. Các loại hình nghệ thuật này được gọi là nghệ thuật Thiền tông. Hiện nay, nghệ thuật Thiền tông không còn là hoạt động của riêng các thiền sư nữa mà nó đã trở thành dạng hoạt động phổ biến của những người muốn tìm tới cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thiền, của triết lý sống và lối tư duy theo kiểu thiền.

Có thể hiểu rõ hơn về nghệ thuật thiền thông qua một số hoạt động sau.

Tranh thiền đã xuất hiện ở Trung Hoa từ cuối đời Đường và được phát triển mạnh ở đời Tống, được du nhập sang Nhật và được phát triển bởi Thiền sư Sesshu Toyo (1420-1506). Đặc điểm nổi bật của tranh thiền là sự đơn giản tối đa trong kỹ thuật và nội dung tranh. Tranh chỉ sử dụng hai màu trắng (của giấy) và đen (của mực). Nét bút được tiết giảm. Khoảng trống trong tranh nhiều. Tranh được vẽ trên giấy tuyên hoặc lụa (những chất liệu mỏng, dễ bị mục rách, hút mực nhanh). Dụng cụ vẽ là bút làm bằng lông thú ngậm rất nhiều mực. Nội dung tranh thiền thể hiện sự hướng nội. Khi vẽ, người nghệ sĩ vẽ tranh cứ để mình trôi theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên. Đặc biệt, khi vẽ tranh thiền, người họa sĩ phải thật sự tập trung tâm tưởng bởi mỗi nét bút khi phóng ra phải là duy nhất, không dừng lại, không sửa chữa, không tô điểm, nếu không giấy sẽ rách, mực sẽ nhòe và tranh sẽ hỏng (1). Tranh thiền nhìn thật giản đơn, thật mong manh và không theo một quy luật nào cả, thế nhưng, người thưởng tranh nếu tập trung tư tưởng sẽ nhìn thấy trong đó một nhịp sống kỳ diệu, một vẻ đẹp tuyệt vời của chân tâm, của thế giới. Chỉ có đen và trắng nhưng nó đã tượng trưng cho những cặp mâu thuẫn của cõi nhị nguyên: trắng/đen, sướng/khổ, đúng/sai, thật/giả, đẹp/xấu, có/không… Vẽ hoặc ngắm tranh thiền là cách để giúp con người ta thiền định, tĩnh tâm, đưa mình vào thế giới của suy tưởng trực giác và nhìn thấy những vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới nội tâm.

Thư pháp, ban đầu, tại Trung Hoa được viết chung với các tranh thiền như là lời minh họa ý dưới dạng thơ hay vài từ ngắn gọn. Sau này, thư pháp được tách riêng và trở thành một loại hình nghệ thuật được người phương Tây thán phục. Đặc trưng của nghệ thuật thư pháp thiền là người viết mặc sức thể hiện các nét chữ trên giấy, không dự đoán trước và cũng không theo quy tắc viết nào. Tâm ra sao thì viết như vậy. Khi viết thư pháp cũng là lúc thiền sinh tập trung hoàn toàn trí lực, tâm sức để thể hiện trạng thái của tâm. Ngắm nhìn một bức thư pháp cũng là lúc con người ta đắm chìm vào thế giới của cảm xúc, của tư duy riêng mình (2).

Trà đạo (Chado) là nghệ thuật dùng trà có ở rất nhiều nước nhưng mang tính thiền thì nổi tiếng nhất là Nhật Bản. Trà đạo phát triển trên triết lý cho rằng uống trà là một thú tiêu khiển thanh tao và thường được các thiền sư sử dụng để giữ cho mình thức tỉnh. Từ thế kỷ XVI, nghệ thuật uống trà của Nhật mới thực sự phát triển như một thứ tôn giáo với các nghi lễ và triết lý riêng. Khi thưởng thức trà, tâm hồn phải hoàn toàn tĩnh lặng, thanh khiết. Ngày nay, Trà đạo Nhật Bản đã nổi tiếng trên khắp thế giới và trở thành một trong những loại hình nghệ thuật được khách du lịch ưa chuộng nhất tại Nhật Bản (3).

Khác với các nghệ thuật thiền khác, nghệ thuật cắm hoa (Ikebana) xuất hiện ở Nhật. Nó bắt nguồn từ việc Phật tử Nhật dùng hoa để dâng cúng linh hồn người quá cố. Tư tưởng Thiền tông trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản thể hiện qua những cách thiết trí hoa bất đối xứng, không theo nguyên tắc nào để miêu tả lại thiên nhiên. Cắm hoa nghĩa là một sự thiền định, sự thưởng thức thông qua mối quan hệ giữa bản ngã với tự nhiên.

Tính lễ nghi, thẩm mỹ và các gia vị trong phong cách ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Hoa và Việt Nam đều có dấu ấn của Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông. Khởi nguyên của kiểu nấu ăn này bắt nguồn từ các nhà sư. Nguyên liệu chế biến món ăn thường làm từ gạo và rau quả. Cách trang trí các món ăn với nhiều màu sắc, nhiều dạng hình cũng khiến cho người thưởng thức cảm thấy được hòa mình rất gần với thiên nhiên. Các thiền sư cho rằng, cách ăn uống như vậy sẽ giúp cho tâm sáng suốt hơn. Ngày nay, nghệ thuật và phong cách ẩm thực kiểu thiền đang trở thành một trào lưu thu hút sự quan tâm của nhiều người sau những chứng minh về tính khoa học của các bữa ăn mà nguyên liệu chế biến chủ yếu từ thực vật.

Kiến trúc thiền Phật giáo có thể tìm thấy rất nhiều ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Đặc trưng của các công trình kiến trúc này đó là sự cởi mở, nhẹ nhàng và hòa hợp tối đa với thiên nhiên. Mục tiêu chính kiến trúc thiền là nhằm tạo bầu không khí an nhiên, cởi mở cho tâm hồn các thiền sư cũng như của những người vãn cảnh chùa. Ngày nay, một trong những nơi được nhiều khách tham quan, du lịch thích nhất khi tới Nhật Bản chính là các ngôi chùa Thiền giáo.

Vườn thiền (vườn dành cho việc thực hành thiền) xuất hiện ở Nhật vào khoảng thế kỷ XIV, thường có đặc điểm không quá lớn về kích cỡ (chỉ lớn hơn một sân chơi), sử dụng các hiệu ứng tâm lý tạo cảm giác về không gian và khoảng cách như sắp đặt các bonsai, hòn non bộ, trải cát thành các dòng nhỏ tạo hình ảnh của nước, cây cỏ sắp xếp giản dị, không đối xứng… phản ánh khung cảnh thiên nhiên. Triết lý của vườn thiền là giúp người thực hành thiền nắm bắt được tinh thần của thiên nhiên. Ngày nay, khách du lịch tới Nhật Bản rất thích tới thăm và ngồi thực hành thiền tại các vườn thiền nổi tiếng như vườn thực hành thiền ở chùa Ryoan ji, chùa Hime ji… (4).

Luyện tập yoga, hay còn gọi là Du già, là các phương pháp luận tâm và luyện thân cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ. Hệ thống các phương pháp này bao gồm rất nhiều bước khác nhau và ở mỗi bước (mỗi cấp bậc), người luyện yoga (yogi) lại phải tuân theo những mục tiêu, những tư thế nhất định. Cho đến hiện nay, các nghiên cứu về nghệ thuật và khoa học yoga đã chứng minh được những hiệu quả mà yoga đem lại cho sức khỏe và tâm hồn con người. Chính vì thế, luyện tập yoga đang là một trào lưu lan tỏa rộng rãi trên khắp thế giới.

Nghệ thuật cây cảnh (bonsai) bắt nguồn từ Trung Hoa. Ban đầu, đó chỉ là một thú chơi của những người trồng cây mong muốn đưa thế giới trùng điệp của núi rừng, của thiên nhiên vào trong một khung cảnh nhỏ của khu vườn hay ngôi nhà mình (Thú chơi này được gọi là bồn tài, nghĩa là cây trồng trong chậu). Thế kỷ VII-VIII, cùng với những loại hình nghệ thuật khác, bồn tài được các thiền sư phát triển thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Thiền tông. Sau đó, cùng với đạo Thiền, nghệ thuật bồn tài mang tính thiền cũng được truyền sang các nước Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và ở mỗi nơi, kết hợp với tính cách và tâm hồn dân tộc, nghệ thuật chơi cây cảnh lại mang những nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn như ở Trung Hoa, bồn tài thường là sự kết hợp của cây cảnh, đá, tượng, tháp, chùa chiền. Theo một số nghệ nhân, thì cây cảnh Trung Hoa là để ngắm từ ngoài vào. Mỗi chậu cảnh đều như muốn biểu thể một vẻ đẹp hùng vĩ nào đó của thiên nhiên. Còn nghệ thuật bonsai của người Nhật cũng là sự thể hiện thiên nhiên nhưng lại từ bên trong nhìn ra.

Thường mỗi chậu cảnh chỉ có một dáng cây. Các nghệ nhân Nhật Bản cho rằng, mỗi cây bonsai tự nó đã có một linh hồn, nó không cần phải dựa vào tượng đài, hay điển tích để định nghĩa cho mình. Ở Việt Nam, nghệ thuật chơi cây cảnh cũng đã được du nhập vào từ rất sớm và cũng chịu nhiều ảnh hưởng của tâm hồn, tính cách và hoàn cảnh dân tộc. Dáng cây, thế cây, chậu cảnh của Việt Nam thường mang dáng vẻ chống đỡ hơn là chấm phá và thoát ly. Cho dù mang những đặc trưng khác nhau nhưng nghệ thuật chơi cây cảnh mang tính thiền có một đặc điểm chung là sự mô tả lại thế giới tĩnh lặng, trang trọng của tự nhiên. Trồng và ngắm cây cảnh, giúp cho những nghệ nhân diễn đạt được chí hướng, tâm tư và tình cảm của mình.

Tạm kết

Trên đây là những mô tả sơ nét về một số loại hình nghệ thuật thiền tiêu biểu. Trong thực tế, còn có rất nhiều loại hình nghệ thuật khác (cả nghệ thuật hiện đại) đã được phát triển trở thành nghệ thuật mang tính thiền. Hiện nay, triết lý sống và nghệ thuật thiền đang trở thành một trào lưu lan tỏa rộng tại một số nước châu Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt, tại các quốc gia công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều người coi các loại hình nghệ thuật mang tính thiền, hay các chương trình du lịch thiền là những hoạt động thiết yếu để giúp họ tiết giảm được áp lực của cuộc sống thường ngày và làm thanh tịnh tâm hồn. Đây cũng chính là lý do mà một vài năm gần đây, du lịch thiền đã mang lại cho các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… những nguồn thu khổng lồ. Điều này đã gợi mở một hướng mới, đó là nghiên cứu phát triển các loại hình nghệ thuật mang tính thiền ở Việt Nam. Hướng nghiên cứu này chắc chắn sẽ mang lại kết quả bởi lẽ việc phát triển nghệ thuật thiền sẽ không chỉ góp phần làm phong phú thêm những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà nó còn là cơ hội để các nhà đầu tư du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch mới, bền vững và hấp dẫn.

CHÚ THÍCH

1. Lê Anh Minh, Vào cõi tranh Thiền, Khoahoc.net (tháng 10-2006).

2.http://vi.wikipedia.org/wiki/thien Từ điển Bách khoa mở Wikipedia.

3. D.T.Suzuki (Thuần Bạch soạn dịch), Thiền, Nxb TP.HCM, 2002, tr.486.

4. Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản, Giới thiệu chương trình Du lịch tâm linh tại Nhật Bản (Spiritual Tour of Japan), Tokyo.

Source: DPNN

Đào Minh Ngọc
http://phathoc.net


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage