Chùa Bửu Minh

Non bộ là núi giả (giả sơn) kết hợp với không gian, thời gian, sự tích, điển tích mà tạo thành. Hay nói một cách khác, non bộ là một vùng non nước trời mây thu nhỏ lại, dùng đá, vữa hồ, đất,..., tạo cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hang động, ghềnh thác, núi cao biển rộng của cảnh thật hay cảnh tưởng tượng, được bàn tay nghệ nhân khéo léo bầy xếp, giũa tạc, đục đẽo, để thiết trí trong vườn cảnh, hay trong hồ cá,



       hoặc ngay trong chậu cạn, đồng thời điểm xuyết, trang trí rêu cỏ, cây cối nhỏ bé có dáng vóc cổ thụ, một số hình tượng (như mục đồng, ngư ông, tiều phu, tiên ông, đạo sĩ, chùa tháp, đền miếu, cầu đường, ghe thuyền, thác nước đổ, phun sương, phun khói, cù lao, muông thú bằng sành, bằng đất sét v.v....) hầu diễn tả một sự tích, một câu chuyện làm cho non bộ có nội dung và linh hoạt, gợi hình, gợi cảm cho người thưởng ngoạn .
        Non bộ là một thú chơi tao nhã, giàu tính nghệ thuật. Thế giới trùng điệp của núi rừng thiên nhiên bạt ngàn được sàn lọc kỹ càng, mang về tô điểm cho khung cảnh nhỏ riêng tư. Núi đồi, khe suối, sông hồ hùng vĩ được thu nhỏ lại thành một thế giới tượng trưng trong một giới hạn nào đó . Ðây là thú chơi của các dân tộc Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Việt Nam ...




        Người đứng ngoài nhìn vào, đó là một khu rừng nhỏ. Nét xa xăm và cô tịch của dáng rừng tạo nên do những cành cổ mộc mọc rải rác trên đá và trãi dài trên những lối đi. Nhìn rừng cây, người ta dễ liên tưởng đến một ông tiên trên núi đi lạc về đồng bằng. Mỗi gốc cây là một dáng xưa cổ tùng hoang dã. Mỗi phiến đá như còn in dấu vết rêu phong sương tuyết của rừng sâu.
        Mặc dù khó có thể tạo ra được một cảnh hoàn toàn giống với tự nhiên nhưng các nghệ nhân cố gắng bố trí các hòn đá để đạt được sự cân đối giữa Âm với Dương, giữa sự liên tục với rời rạc. Nghệ thuật tạo ra một hòn non bộ có thể diễn tả rất cô đọng trong ba từ là: Tou, Lou và Shou. "Tou" nghĩa là "trí tuệ" hay "sự hiểu biết", do vậy các nghệ nhân thường tạo ra những khe nhỏ thông nhau giữa những hòn đá. "Lou" được hiểu là các viên đá của non bộ chỉ cho nước chảy từ một vũng nhỏ trên đỉnh xuống từng giọt một, nhưng không quá nhanh. "Shou" có nghĩa là "sự dàn trải", các hòn đá nên đứng thẳng một mình. Hơn nữa, đỉnh của các hòn đá làm non bộ nên có kích thước lớn hơn đế, làm như vậy sẽ tạo ra cho người thưởng ngoạn một cảm giác nhẹ nhàng như thể các viên đá đang cất mình bay lên. Mặc dù ba từ này có vẻ như chỉ đề cập đến tính rời rạc không liên tục của các hòn đá, song thực tế thì chúng đã đề cập tới mối quan hệ của sự liên tục và rời rạc.
        Vị trí đặt non bộ cũng có tầm quan trọng không kém. Trong một hoa viên nhỏ, những hòn non bộ được đặt đối diện với bức tường trắng. Khi đó bức tường trắng ấy trở thành một tờ giấy vẽ "hình ảnh" những hòn non bộ.
Với một khoảng sân nhỏ, non bộ thường được sắp xếp rải rác. Tuy nhiên, với một không gian rộng hơn, có thể dựng những khối đá có kích thước lớn để tạo cảm giác như đang đứng trước một ngọn núi thật. Ngoài ra, giống như các bức tường ngăn trong nhà ở . Non bộ còn có thể được sử dụng như vật ngăn cản những điều xấu xa và ngăn ngừa "tà khí" xâm nhập vào khu vườn trong, một nơi rất quan trọng theo phong thủy .
Trong hoa viên, hòn non bộ được đặt ở khu vực ngay phía sau sảnh vào vườn, do đó nó hạn chế tầm mắt của người xem nhìn thẳng vào phía trong khu vườn, làm cho không gian thêm phần bí ẩn và huyền ảo.
        Các hòn non bộ không chỉ bài trí trên mặt đất mà còn có thể được đặt trong bể nước. Bài trí bờ đá bao quanh tạo ra sự kết nối liên tục giữa đất và mặt nước nên được gọi là bể non bộ. Sự bố trí bờ đá nên theo quy luật tự nhiên, các giải đá nên uốn khúc quanh co, đem lại vẻ đẹp tự nhiên cho bể nước. Đá tượng trưng cho sự rắn rỏi, còn nước tượng trưng cho sự mềm mại, ý nghĩa của đá và nước lại là một minh chứng khác cho tính cân đối giữa vật chất và phi vật chất vốn là tư tưởng chủ đạo của Lão giáo.
Trong khu vườn, nước cũng có vai trò rất quan trọng. Sự có mặt của nước sẽ tạo ra tính sống động và sức quyến rũ cho khu vườn. Trong vườn thường có cả vùng nước lớn và vùng nước nhỏ. Vùng nước lớn thì rộng rãi và cảnh mở để tiếp nhận long khí. Vùng nước nhỏ quanh co để ngăn chặn "tà khí" xuyên thẳng vào vườn. Người bố trí các nguồn nước trong vườn phải am hiểu về phong thủy để đạt được sự cân bằng giữa Âm và Dương.
        Ngày nay, để có được một không gian rộng rãi cho thú chơi non bộ là rất khó, đặc biệt là các căn nhà không có vườn. Do đó non bộ có thể được đơn giản hoá và mang tính ước lệ hơn cho phù hợp với khung cảnh. Có thể tạo một non bộ nhỏ xinh xắn đặt trên một tấm kính sẫm màu trong căn phòng nhỏ ước lệ là mặt nước.
Hòn non bộ đặt trong bể cạn chẳng khác nào hòn cù lao giữa biển. Nó có kích cỡ lớn nhỏ tùy theo quan điểm và sở thích của người chơi. Cho nên cảnh quan của non bộ cũng vì thế mà mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi chủ nhân xếp đặt, bày biện mỗi khác theo óc tưởng tượng của họ.
        Lịch sử chơi non bộ bắt nguồn từ đời nhà Hán. Những bức họa trên tường đời Đông Hán (25 - 220 sau Công nguyên) còn được lưu lại có cảnh cây trồng trong chậu từ thời đó, có kèm theo vài tảng đá. Vào đời nhà Đường (618 - 907) người ta tạo ra các hòn non bộ thể hiện ý nghĩa chân thực của núi sông hùng vĩ, sơn thủy hữu tình ,ở các mảnh vườn, mảnh đất hoang trống cạnh nhà, Người Nhật chơi non bộ khác người Trung Quốc ở chỗ không cấu trúc các đồ sành, sứ, gốm ... Nếu có ảnh hưởng , họ chỉ đưa vào rất ít mà chủ yếu là bố trí cây cảnh theo cách Nhật Bản, có nghĩa là cây theo dáng, tán, khóm... Người Nhật coi cỏ cây non nước là thiên đàng, George Ohsawa đã viết trong cuốn "Hoa đạo": "Chỉ có những người thiếu tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá, cỏ cây... Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh đẹp, thiên nhiên đều có tiếng nói... Biển cả, đại dương, sông núi, ruộng đồng đều bày tỏ hùng hồn làm cho con người thấm thía, không còn gì để nói thêm, mà có nói thì cũng nghèo nàn thô thiển, chẳng đáng vào đâu so với tiếng nói của muôn đời ấy."
        Việc chơi non bộ ở nước ta ảnh hưởng của người Trung Quốc . Người Việt thường lấy cảm hứng từ những ngọn núi Făng-xi-păng, dãy núi Hoàng Liên Sơn, vịnh Hạ Long, chùa Hương Tích, Chi Nê, Mỹ Đức, vùng núi cao Tây Nguyên ...v..v... làm đề tựa cho các tác phẩm non bộ ở các khu di tích, chùa chiền, hoặc ở gia đình làm phong cảnh chơi giả sơn.
        Người chơi non bộ như thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên nhưng lại có mộng muốn dời non lấp bể, nên nhập cả hồn mình vào việc tạo ra cảnh quan non bộ cho thêm thơ mộng, hùng vĩ và linh thiêng như cảnh vật sống ở ngoài thiên nhiên...Rõ ràng là núi, động, hang, đã làm cho con người thanh thản, ray rứt, lưu luyến. Và có khi bừng tỉnh , vượt lên tất cả mọi trở lực mang cả núi, cả biển về nhà mình! Tùy theo kỷ niệm, hoặc ý thích của từng người. Có người thích chơi núi ở đất cạn, có người thích chơi núi trong bể cảnh. Người thích các dáng núi Phương Nam, người thích thế núi Phương Bắc. Tất cả những điều ấy không ràng buộc như chơi cây cảnh. Nhưng cái khó ở chỗ đục núi, ghép núi, cách trình bày sao cho hợp lý, không gượng ép cho đến khi thấy được sự hùng vĩ, hiểm trở, hoặc phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Các đường nét, các hang động, rêu phong, đường mòn, một chú tiểu phu, một vài con khỉ ngồi chênh vênh ..v..v... chính là ngôn ngữ của non bộ.
        Ở Việt Nam thường có hai kiểu tạo dáng non bộ :
Kiểu thứ nhất : tạo dựng lại những danh lam thắng cảnh, núi, sông, hang động, thác ghềnh nổi tiếng ở Việt Nam, như vịnh Hạ Long, Hòn Gà Chọi, Hòn Chồng, Hồ Ba Bể, Bích Động, núi chùa Non Nước, Hòn Vọng Phu, Tô Thị, v.v...
Kiểu cách thứ hai : sáng tạo các dạng lạ của phong cảnh theo trí tưởng tượng hoặc theo thần thoại, các sự tích tôn giáo, các hình thể mỹ thuật theo qui ước cổ điển, các dạng linh vật như Thiềm thử quá hải, Mãnh hổ khai địa, Phượng hoàng đảo dực, Sư tử hí cầu, Hoàng hạc hạ sơn ( một sơn thể ), Long phụng giao đầu, Lưỡng long tranh châu, Phụ tử tình thâm, Mẫu tử tình thâm, Đồng tử bái Quan Âm ( hai sơn thể ), Thiên địa nhân, Tam Cương ( ba sơn thể ), Tứ quí ( bốn sơn thể ), Ngũ hành, Ngũ thường, Ngũ nhạc ( năm sơn thể ), Thất hiền (bẩy sơn thể), Bát tiên (tám sơn thể), Quần lập (nhiều sơn thể), v.v....
        Khi tạo dáng non bộ phải tuân hành theo luật Năm không :
- Không xuyên tâm : điều cấm kỵ là để một lỗ xuyên từ bên này qua bên kia thân hòn non bộ, không ai dám tạo ra, nếu có sẵn trong tự nhiên cũng không được đụng đến giống như người có biệt tài song lại có tật.
- Không phản chủ : là phải có hòn chủ to cao, dứt khoát, giữ vai trò sinh mệnh của hòn non bộ- phân biệt rõ chủ khách...
- Không cắt đầu hòn núi chính, phải có phong thức là cao phong, không bị cắt bằng ngang đầu nhưng cũng không nên để đầu nhọn quắc không đẹp, làm sao cho ngọn núi phải nhấp nhô, không nhọn, không bằng, tự nhiên mới đẹp.
- Không triệt bộ : là phải có đường nhỏ để đi - hợp tình hợp lý chớ không bị dẫn đến đường cùng không có lối thoát...
- Không vô lý : nhà cửa, người, thú phải đúng tỷ lệ, không để mục đồng chăn trâu và ngư ông ngồi câu cá trên đỉnh núi, không để con dê, con trừu kế bên con beo, con hổ... Tóm lại phải thực tế, giống khung cảnh của thiên nhiên, trái ngược lại quy luật tự nhiên là không đẹp.
        Hình thể núi gồm có thế cao phong, thế huyền nham, thế bích lập, thế viễn sơn, v.v...
-Thế cao phong :Ngọn cao vút, đầu núi hơn tròn để tránh vẻ khiêm tốn và thể hiện một hòn núi già cổ kính. Thân núi hơi phình to, tròn có ít hang hốc, cây cỏ lưa thưa và nên có một cây nhỏ thế huyền hay hoành ở gần đỉnh hay ngang lưng. Chân núi hơi thót vào, dưới chân núi có nhà, đình, tháp, người và vật, cây cối. Núi thường được đặt cao tầm mặt người xem tạo cho hòn non bộ càng có vẻ cao vút lên nhưng rất vững chãi.
-Thế huyền nham :Thế này cũng có một ngọn trông cao vút, chân vững vàng nhưng thế núi như treo, trong thế đổ gục. Trên ngọn có thể đặt đình tạ và một cây có thế huyền hay hoành để như ấn thêm ngọn núi xuống.
-Thế bích lập :Thế núi có một mặt phẳng đứng như tường vách, cũng chỉ cần một ngọn, chân núi vững chắc có thể thót vào ở một phía. Cây cối, bể cạn, vị trí đặt bể gần giống như thế cao phong.
-Thế viễn sơn: Gồm nhiều hòn núi xếp lô xô cao thấp, thoải dần từ tâm ra xa, có làn nước uốn lượn giữa các chân núi. Núi đặt dưới thấp hơn tầm mắt để khi nhìn dễ cảm thấy như một vùng trời nước bao la.
Ngày xưa, các cụ thường chơi thế núi Viễn sơn, cho thế Cao phong là ngạo mạn, thiếu khiêm tốn. Nó chỉ được tạo ra bởi những người có chí ngang tàng, bất khuất. Thế núi huyền nham thường bị kiêng bởi sợ chủ của nó sẽ bị những sự đổ vở không hay.
        Non bộ có cái bí quyết kỳ lạ là tạo được cho những cây tùng, cây bách, cây chuối, cây liễu, cây đa, cây đào, cây mận, cây tre,... lớn như thế mà rồi trên hòn non bộ, nó chỉ còn chừng độ vài gang tay và cũng có hoa quả, cành lá mầu sắc ấy, hình thù ấy nhưng nhỏ đi theo với sự nhỏ của thân cây ? Có người kể lại là người ta đã phải lấy những hột giống choắt choeo của những cây đã cằn cỗi để gieo, rồi người ta phải cắt những rễ cái đi chỉ để cho rễ con hút nhựa sống, trong khi giam cây vào chỗ thật là chật hẹp và thiểu giảm hết sức những phân bón cho cây. Nhưng công việc không phải đã chỉ có thế. Còn phải làm sao cho thân cây thắt lại, khẳng khiu đi, hoặc là bằng cách lấy dây thắt lại, hoặc là vặn thân cây đi, để bắt nhựa cây phải chạy chậm lại và bắt nó phải dẫn đi dài dòng hơn. Lại phải làm sao cho thân cây bật ra những cái bướu kỳ dị bằng cách tỉa gọt dần, bằng cách kẹp phía này cho phía kia nẩy chồi ra, bằng cách cắt xén, buộc dây đeo đá nặng vào để kéo vít cành xuống.Người ta bỏ công đi tìm những hòn đá đã bị gió nước xoi mòn thành những hình thể không đều và có sinh khí ở các bờ bể, núi hoặc sông. Những hòn đá đó được đem về đặt ở vườn với cách thế cho người xem có ý tưởng là nó đã từ đó ra và đã có từ lâu rồi . Vì vậy người ta phải làm thế nào cho đá có rêu phong tự nhiên và sau đó đá được chuyển vào một vị trí thích đáng. Nhưng việc lựa đá để làm hòn non cho cây cối ấy mọc lên lại cũng rất công phu . Không phải đá nào cũng dùng được. Nó phải là thứ đá có lỗ nhỏ li ti như lỗ chân lông để hút được nước ở dưới bể cạn lên cho đá lúc nào cũng ẩm ướt mà nuôi cây và có chỗ cho rễ cây đâm vào hút nước. Đá lại phải có hình thù của một cái gì hay của một con vật gì. Hình thù tự nhiên thì tốt; hoặc hình thù gần gần giống để cho người đẽo gọt thêm chú ít rồi trồng thêm cây vào cho thành thế núi thì cũng hay.
Thường người ta đã phải mầy mò tìm kiếm không biết bao nhiêu thì giờ ở các hang động để lấy các nhũ đá, rồi nhìn ngắm, rồi tưởng tượng, mới có thể quyết định được là đặt cưa vào cắt theo chiều thẳng này hay chiều nghiêng kia. Để rồi khi đem về đến nhà, lại nhìn ngắm, lại tưởng tượng cho cây này mọc ở chỗ nào, cây kia uốn mình ở chỗ nào, ra hoa ở chỗ nào,cao đến độ nào, để toàn thể cả cây lẫn núi thành một hình thù mà mình muốn có. Đúng y như một ông Tạo Hóa con, để hết tất cả tinh thần tâm trí vào việc tạo một vưu vật mà gần như đã truyền cả hồn của mình vào đó vậy.
Đứng trước những hòn non bộ như vậy, khi thì là hình con rồng, con phượng, con rùa, con long mã, khi thì là hình con cá, con cọp, hình người, hình mẹ bồng con, hình anh em v.v.... người ta cảm thấy lý thú lạ lùng. Đó là cái thú thoát tục, cái thú quên những phiền muộn của cuộc sống hiện tại, quên những ràng buộc vật chất và tinh thần để thả hồn phiêu diêu vào những khe vách đá, vào những dòng suối mát, vào những bóng dâm, vào những cầu quán, những hang động... Tóm lại, là cái thú của những người đã lăn lóc với cuộc sống, và bây giờ đến lúc mượn non bộ làm phương tiện để xuất thần ... Đã có những người đứng trước những cây tùng của hòn non thân bằng cổ tay, lá bằng mũi kim, vào giữa mùa nắng tháng 6 mà nói rằng thấy mát cả người, như đã bước chân vào rừng tùng vậy. Lại có người khác đứng trước những bụi cỏ tranh của hòn non giữa mùa đông lạnh lẽo với những nụ đào nụ mai trên sườn non mà nói là có thể quên được cả ăn.Ta có thể tưởng tượng cái thú ấy đã làm say người như thế nào ! Say đến nỗi không cần biết đến ngày giờ trôi qua. Say đến nỗi đôi bạn tri kỷ cứ uống rượu ngắm cảnh có khi không nói với nhau lấy một tiếng, chừng như quên cả người ngồi trước mặt mình.
Cũng những núi đá ấy, người ta đã có thể lợi dụng được cả những hang hốc của nó để đặt đỉnh hương trầm vào trong, cho khói thơm bay ra ngào ngạt ở các khe các lỗ, như những làn khói lam chiều trên các mái lá ở sườn non. Người ta quả đã yêu thiên nhiên lắm, và quả đã muốn nhập một cái thiên nhiên thì mới tìm ra được cách chơi tế nhị và đầy thi vị ấy.
        Alan Watts, một học giả về triết học Đông Phương, nhận xét :" nghệ thuật Thiền tông là nghệ thuật của phi nghệ thuật, nghệ thuật của sự điều khiển các bất thường." Thiền không phải là một hệ thống tư tưởng thuần lý giúp con người tìm đến chân lý và giải thoát mà là một lối sống hiển đạt chân lý và giác ngộ bằng kinh nghiệm sống bản thân. Một đằng sống với ngoại cảnh mà không bị ràng buộc bởi ngoại cảnh, một đằng sống theo một đời sống phóng khoáng tự nhiên. Thiền học và Đạo giáo đã đi đến hòa đồng đó. Cả hai, hướng con người đến một đời sống thanh cao, siêu thoát. Nói rằng nghệ thuật là cái gì đưa con người vượt lên trên đời sống của mình để đạt đến Chân, Thiện, Mỹ, trong ý hướng đó Thiền có một khả năng biểu hiện nghệ thuật tuyệt đỉnh. Quan niệm này cho rằng con người là một phần tử của vũ trụ. Tri thức của nhân loại không phải lệ thuộc vào một thế giới cao xa nào, mà là một phần trong cái toàn thể phối hợp và quân bình của thế giới thiên nhiên, mà những nguyên lý được Dịch Kinh phát hiện trước tiên. Trời đất cũng vậy, theo Đạo giáo, là một phần của cái toàn thể đó và thiên nhiên là MẸ của chúng ta (vạn vật chi mẫu), vì Đạo, lẽ vận hành của thiên nhiên, được biểu hiệu sơ khởi bằng nguyên lý âm dương, với một quân bình sống động đã duy trì trật tự của vũ trụ. Theo nguyên lý làm nền tảng cho văn hóa phương đông này, những sự vật đối lập đều có một tương quan đối xứng và hòa hợp chứ không phải hoàn toàn tương khắc. Nền văn hóa đó không có quan niệm về sự khác biệt giữa tinh thần và vật chất, sự việc và vật loại, thiện và ác, nghệ sĩ và hoàn cảnh ... Người lập non bộ theo lối thiền không bao giờ sửa đổi các hình thể tự nhiên mà chỉ cẩn trọng theo dõi cái "ý hướng bất dụng ý " của nó. Nghệ nhân vẫn có đẽo gọt, cắt xén, dẫy và săn sóc cây cỏ song họ làm việc nầy với tinh thần nhập điệu chứ không phải là một sự sắp đặt ở bên ngoài . Không phải là họ giao cảm với thiên nhiên mà chính họ là thiên nhiên và họ trồng tỉa như là không trồng tỉa gì cả. Nhân tạo và thiên tạo đã phối hợp làm Một.[]

http://oldcottage.net/vuonthien/thiennghethuat/thiennghethuat.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage