Có thể nhịn ăn nhiều tuần lễ cũng không sao, nhịn uống nhiều giờ vẫn
chưa có gì trầm trọng nguy hiểm, nhưng chỉ ngưng thở 10 phút thì sự cố
liền xảy ra và có thể gây mất mạng như chơi.
Yoga cho rằng: 99 % con người hiện nay đều KHÔNG BIẾT THỞ.
Đã sống ai mà không thở, cũng chẳng cần phải học hỏi hoặc tập tành gì nhưng ai cũng thở được.
Vậy nói như thế có thể là quá đáng chăng?
Thực ra, nói như thế chẳng có gì là quá đáng cả, vì Yoga chỉ muốn nói rằng mọi người KHÔNG BIẾT THỞ ĐÚNG CÁCH mà thôi.
Nếu biết thở đúng cách, con người sẽ đạt được nhiều điều kỳ diệu. Ở đây
không nói đến những điều gì cao siêu hoặc kỳ bí lạ lùng như các sách vở
hoặc truyện kiếm hiệp thường mô tả, chỉ xin nói một điều rất gần gũi và
thực tế rằng, nếu biết thở đúng cách, sức khỏe sẽ được cải thiện đầy bất
ngờ lạ lùng và có thể chữa khỏi được nhiều loại bệnh tật. Đó là chuyện
khó tin nhưng có thật.
Chẳng có “thuyết” nào để “diễn” ở đây cả
Vào lúc 14 giờ 30 chiều ngày 10/3/2012, tại Lầu 1 Hội Trường Nguyễn
Văn Thuận của Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nói về
điều khó tin ấy qua đề tài “Thở để chữa bệnh”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một cái tên rất quen thuộc không chỉ trong
ngành Y, nhưng còn là một uy tín lớn trong giới Đạo học, đặc biệt về
Thiền Phật giáo, ông đã có nhiều nghiên cứu công phu về Thiền học giúp
ích rất nhiều người cho mọi lứa tuổi. Trang Web dohongngoc.com của ông
là địa chỉ tin cậy của nhiều thành phần độc giả. Trang web của ông rất
thực tế và đầy chất thơ, với giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm duyên dáng
nhưng thật sâu sắc với nhiều độ lắng, nơi đây luôn là điểm đến cho những
ai muốn sống vui tươi khỏe mạnh và thanh thản bình an.
14h 40. Sau phần cầu
nguyện thánh hoá buổi học của Sơ Maria Hồng Quế, cộng đoàn đã được
hướng dẫn múa cử điệu để tạo bầu khí, Sơ Hồng Quế đã ân cần giới thiệu
BS Đỗ Hồng Ngọc với những lời lẽ trang trọng nhất, vì trước đây Sơ Hồng
Quế từng là học trò của ông.
Vài ngày nay thời tiết thay đổi ngột ngạt khó chịu, đã có tờ báo giật
tít: “Nắng nóng, đua nhau nhập viện”, có thể vì vậy nên chiều nay số
học viên tại Giảng đường không đông như mọi khi, nhưng BS Đỗ Hồng Ngọc
lại cho rằng, đó là điều thích hợp, càng ít người càng tốt nhờ thế, vấn
đề sẽ được đào sâu hơn, vì đây không phải là buổi diễn thuyết, và “chẳng
có thuyết nào để diễn ở đây cả”, vì thở ai mà chẳng biết, làm sao thở
chữa được bệnh. Đây là một buổi trao đổi thân tình, cởi mở và thực hành
nên hôm nay không dùng hình chiếu Slide như thường lệ.
Ông đã bắt đầu buổi nói chuyện một cách nhẹ nhàng như thế. Sau đó,
ông nói về sự quan trọng của hơi thở qua các phương cách cấp cứu từ xa
xưa đến hiện đại, cách nào đạt hiệu quả cao nhất, trước khi triển khai
phần quan trọng nhất của đề tài “Thở để chữa bệnh”.
Người đã sống thêm 50 năm, nhờ 12 câu vè tập thở kỳ diệu
Đó chính là cố BS Nguyễn Khắc Viện, ông là bác sĩ, đồng thời là một
nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Lãnh vực nào ông
cũng sinh hoạt rất năng nổ tích cực. Ông đã để lại nhiều công trình
nghiên cứu giá trị và hữu ích về nhiều mảng triết lý, văn học, xã hội…
Nhưng trên tất cả, cuộc đời ông như cuốn chuyện dài đặc biệt hấp dẫn với
nhiều kịch tính về sức khoẻ và khiếm khuyết cơ địa đến khó tin.
Ông sinh năm 1913. Du học. Tốt nghiệp bác sĩ năm 28 tuổi tại Pháp
(1913 -1941). Ngay năm sau, 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở Bệnh
viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble.
Bị lao cũng đồng nghĩa với cái chết, vì thời đó, bệnh lao chưa có thuốc
chữa. Trong vòng 5 năm, từ năm 1943 đến 1948, ông phải chịu mổ 7 lần,
cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá
phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống được hai năm nữa,
vì suy hô hấp nặng, dung tích thở chỉ còn 1/5 bình thường.
Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm đọc các sách về dưỡng sinh của
Phương Đông như Thiền học, Yoga, Khí công, và cuối cùng, đã tìm ra
phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả, ông đã sống đến
tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa.
Bên
cạnh những lời nói trong Giảng đường hôm nay, qua một bài báo, trước
đây BS Đỗ Hồng Ngọc đã nói về BS Nguyễn Khắc Viện như sau : “…Tôi
may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng
nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ngay từ hồi mới thành lập
(1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc
viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của
ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học,
đạo học. Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền
lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh
mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc
thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người
giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một
người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống”
như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những
buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị
stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng
ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà
chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.
Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho
đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới
thử đem ra áp dụng. “Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng
thực hành. Rồi một lần tôi bị tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc
đó tôi mới thử đem ra áp dụng.
Quả thật, có lắm điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít
nhọc mệt hơn và sức khỏe phục hồi tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh,
các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn
một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ… dùng phương pháp thở để tự
chữa bệnh cho mình.
Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã
thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ. Xin
ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ
có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa
bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình. »
Một Bác sĩ bệnh nhân, viết về một Bác sĩ bệnh nhân khác, chỉ nhờ BIẾT
THỞ ĐÚNG CÁCH, cả hai vị đã trở thành các bệnh nhân đầy kinh nghiệm và
cùng khỏi bệnh, để sau đó, đã hết sức tâm đắc với VIỆC THỞ và thiết tha
mong muốn truyền đạt lại cho người khác, và cả hậu thế sau này như một
công trình tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời của mình.
Đây là bài vè kỳ diệu và dễ nhớ về tập thở của BS Nguyễn Khắc Viện :
“Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng, ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được”
Thở bụng và cơ hoành
Như đã biết, hơi thở là cây cầu nối giữa TÂM hồn và THÂN xác. Thở
bụng là cách thở sinh lý nhất, phù hợp tự nhiên nhất. Chỉ có cái bụng
phình lên xẹp xuống do cơ hoành (cơ hoành = cơ ngang) là cơ chính của hệ
hô hấp. Cơ hoành rất mạnh, chịu trách nhiệm khoảng 80 – 90% hô hấp. Cơ
hoành như một piston, như cái ống thụt, nâng lên tụt xuống. Có thể rèn
luyện tập tành cơ này giúp cải thiện hệ tiêu hoá và bớt táo bón.
Thở bụng cho đúng cách là quan trọng nhất, vì cách thở bụng tác động
trực tiếp đến những bộ phận nội tạng rất quan trọng là tim, phổi, dạ
dày, ruột, dạ con (có thể hình dung các bộ phận này luôn được “thể dục”,
được “xoa bóp” lúc thở); thở tốt giúp lưu thông khí huyết, tác động
tích cực đến hoạt động cơ bắp và thần kinh.
16h25: Sau phần nghỉ giải lao, mọi người được hướng dẫn thực hành
Phép thở, cùng với những trao đổi và giải đáp thắc mắc của các học viên,
buổi học đã chấm dứt vào lúc 17h30 cùng ngày. (Xin tham khảo đầy đủ qua
phần Audio)
Buổi học rất sinh động và thật thú vị với biết bao điều bổ ích, thời
gian như vội vã trôi, không đủ cho nhiều câu hỏi chưa kịp đưa ra.
Xin cám ơn sự ân cần từ một tấm lòng. Xin cám ơn những giọt mồ hôi
trên áo BS Đỗ Hồng Ngọc chiều nay, mọi người đều háo hức hẹn nhau dịp
khác của Chuyên Đề Cuối Tuần lần sau.
Xuân Thái