Chùa Bửu Minh

Rất nhiều gia đình, khi bố mẹ còn sống vấn đề tài sản vẫn còn nằm trong quyền quản lý của họ thì mọi trật tự vẫn còn giữ đúng vị trí của nó. Thế nhưng khi bố mẹ qua đời, tờ di chúc của họ để lại vô tình khơi mào cho cuộc chiến tranh dành tài sản của con cái mình.


Di chúc miệng và di chúc giấy... đá nhau

Tại văn phòng luật sư số 5 (HN), vợ chồng anh Dương Xuân Lê xin được tư vấn về thủ tục...kiện di chúc. Anh Lê cho biết năm 1990, vợ chồng anh chị cưới nhau và được bố mẹ cho ra sống riêng ở mảnh đất của bố anh được phân. Theo anh Lê thì chính xác ngày đó, phần đất mà bố anh được cơ quan phân cho chỉ được 80m2, sau khi vợ chồng anh Lê làm nhà thì bố mẹ anh mua thêm 30m2 cho rộng rãi.

Trong quá trình sống, vợ chồng anh có lấn chiếm thêm bờ mương bên cạnh. Giờ tổng diện tích đó được 150m2. Gần 20 năm nay, vợ chồng anh sử dụng mảnh đất đó, xây nhà và cửa hàng cho thuê. Thủ tục cấp sổ đỏ vẫn chưa được làm thống nhất cho một ai. Mọi thành viên trong gia đình không ai nghĩ đến chuyện chia phần tại mảnh đất ấy. Phần bố mẹ anh Lê cũng nói miệng rằng phần đất ấy cho vợ chồng anh Lê vì anh con trai cả cũng có cơ ngơi đàng hoàng còn ba cô con gái đã lấy chồng ổn định.

Không ngờ một năm sau khi bố mẹ anh Lê qua đời, các anh chị em trong gia đình họp nhau lại và đưa ra bản di chúc giấy. Trong bản di chúc ấy nói rằng mảnh đất ở quê ông bà để lại cho anh con trai cả sau này về làm nhà thờ tổ tiên thờ cúng ở đấy. Còn mảnh đất của ông được phân và mua thêm tổng diện tích là 110m2, ông bà chia làm 2 phần, vợ chồng anh Lê sẽ được 55m2, 55m2 còn lại sẽ được chia cho ba cô con gái.

Nếu anh Lê nhận sử dụng hết phần đất ấy thì sẽ quy ra tiền trả cho ba cô em gái. Vợ chồng anh Lê không đồng ý với bản di chúc giấy với lý do là ngày trước ông bà đã di chúc miệng lại cho vợ chồng họ hết số đất kia. Vậy là cuộc chiến giữa di chúc miệng và di chúc giấy của gia đình anh Lê diễn ra căng thẳng.

Anh Lê thì một mực không chịu thực hiện di chúc giấy vì họ đã nhận di chúc miệng của bố mẹ trước đó. Còn những người con còn lại thì cho rằng "bản di chúc miệng" kia không có ai làm chứng, vả lại lời nói gió bay. Hiện tại, bản di chúc giấy của họ mới thật sự có giá trị pháp lý vì giấy trắng mực đen rõ ràng, lại có cả người làm chứng khi ông bà lập di chúc nữa. Nếu vợ chồng anh Lê không thực hiện họ sẽ đưa ra Tòa để chia tài sản rõ ràng.

Giờ vợ chồng anh Lê muốn biết liệu vợ chồng anh có thể kiện tờ di chúc giấy kia và bắt mọi người trong gia đình công nhận bản di chúc miệng của bố mẹ anh trước đó không? Chưa biết vụ kiện ấy có thành công hay không nhưng trước mắt mấy anh em trong gia đình chia làm hai chuyến tiến: một bên là vợ chồng anh Lê, một bên là bốn anh chị em còn lại.

Cũng từ ngày bản di chúc của bố mẹ anh được công bố, tình cảm của vợ chồng anh Lê đối với mấy gia đình kia không còn. Giờ họ trở thành thù địch của nhau. Không hiểu dưới suối vàng, bố mẹ anh Lê có thấu hiểu được nỗi niềm của tờ di chúc mà trước khi ra đi ông bà thảo ra nhằm phân định rạch ròi chuyện tài sản để con cái không tranh dành nhau mà tương tàn.

Di chúc "đẹp" mới được con báo hiếu

Bây giờ muốn con cái báo hiếu thì bố mẹ phải có đất đai tiền của để dành nhiều, cứ thảo sẵn tờ di chúc "đẹp" vào.

Khi nghe ông cụ Tính nói ra những câu ấy, bất cứ ai cũng phải phì cười. Phì cười vì ông lão ở cái tuổi gần đất xa trời, răng lợi móm mém ấy lại có thể dùng được cả tiếng lóng của giới trẻ ngày nay để nói về chuyện báo hiếu của con cái xung quanh tờ di chúc.

Cụ Tính bảo "di chúc đẹp" là phải để lại cho chúng nó nhiều của cải. Đứa nào được nhiều thì đứa ấy có phần "đẹp" nó sẽ báo hiếu bố mẹ nhiều hơn. Đứa nào không có phần "đẹp" ắt sẽ cũng đối xử với bố mẹ "chẳng đẹp" tí nào. Khi nghe ông cụ nói thế nhiều bậc làm con bảo rằng ông cụ lẩm cẩm, phận con cái là phải báo hiếu bố mẹ khi về già, chuyện của cải chỉ là chuyện nhỏ.

Thế nhưng khi nghe cụ Tính kể chuyện nội bộ nhà mình thì mới hiểu được vì sao ông cụ nói như vậy. Bà cụ mất đi, ông cụ sống "côi cút" một mình vì con cái đi làm ăn xa. Con cái ông, đứa nào cũng ít học nên dù sống ở thành phố, làm việc ở đấy nhưng cũng chỉ là dạng công nhân quèn, lăn lóc ngày đêm cũng chỉ đủ sống. Cuộc sống của chúng cũng chẳng dư giả gì nên nhà cửa chật chội, ông cụ có muốn chuyển đến sống cùng con cái cho đỡ hiu quạnh khi về già cũng không có chỗ.

Có người nói, ăn uống mới nhiều còn ở thì hết bao nhiêu, nếu là con cái thương bố mẹ thật lòng thì nên đón ông cụ về sống cùng. Vì ở tuổi này, ông cụ ăn cũng hết là bao mà ở thì cũng chỉ một chỗ nằm mà thôi. Vậy nhưng mấy đứa con cụ vẫn cứ viện lý do nhà cửa chật chội không thể đón bố về sống cùng. Vì thế dù đã tuổi cao, ốm đau liên miên nhưng cụ Tính nhờ hàng xóm láng giếng nhiều hơn là con cái.

Hai năm trở lại đây, quê cụ Tính đô thị hóa. Nhà đất cụ đang ở trở thành vàng thành bạc. Qua mấy trận ốm, một lần cụ Tính nói đến chuyện lập di chúc sẵn trước khi qua đời. Từ ngày thốt ra câu ấy, mấy đứa con hết đứa này đến đứa khác về quê mời mọc bố đến nhà mình sống. Có cô con dâu còn cất công tuần nào cũng dắt cháu về thăm bố, tỉ tê nịnh nọt bố để được bố ưu ái khi lập di chúc.

Có đứa cháu nhà hàng xóm, người thường chạy sang ngủ cùng ông mỗi khi ông ốm đau nằm một mình trong căn nhà vắng bảo ông nên lập bản "di chúc đẹp" vào để con cháu báo hiếu tận tình những ngày cuối đời. Ông nghiệm thấy đúng, vậy nên mới có chuyện ông cụ bảo phải có "di chúc đẹp" thì mới đo được chữ hiếu của con cái thời nay là vì vậy.

Để di chúc chia tài sản không còn là cuộc chiến của con cái

Cuộc sống thị trường, khi mà giá trị vật chất luôn bị đưa lên hàng đầu đã khiến cho nền tảng đạo đức gia đình theo đó cũng bị ảnh hưởng theo. Và vấn đề di chúc chia tài sản của bố mẹ cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng đó. Rất nhiều gia đình, khi bố mẹ còn sống vấn đề tài sản vẫn còn nằm trong quyền quản lý của họ thì mọi trật tự vẫn còn giữ đúng vị trí của nó. Thế nhưng khi bố mẹ qua đời, tờ di chúc của họ để lại vô tình khơi mào cho cuộc chiến tranh dành tài sản của con cái mình.

Gia đình nọ, khi bố mẹ vừa nằm xuống mồ chưa xanh cỏ thì con cái đã làm đơn kiện tụng khắp nơi chỉ vì mảnh đất mà người con kia đang làm nhà ở trên đó vẫn còn mang tên bố mẹ. Những người con khác cho rằng đã mang tên bố mẹ thì phải chia đều, ai cũng có quyền hưởng. Người con kia cho rằng bao năm nay mình sống với bố mẹ, phụng dưỡng ông bà qua đời thì hiển nhiên số tài sản này thuộc về họ. Vả lại bây giờ có chia năm sẻ bảy thì họ sẽ sống ở đâu. Thế là người đòi chia, người nhất quyết không chịu.

Đơn kiện gửi lên tòa, người chạy ngược, kẻ chạy xuôi để dành lấy phần thắng về mình. Vụ kiện chưa ngã ngũ nhưng tình thân thì tương tàn, để lại cả hận thù cho tới mấy đời sau. Chỉ khổ mấy đứa trẻ đang là anh em thúc bá, tình cảm tốt đẹp như thế giờ bị người lớn cấm không được chơi cùng.

Cũng có trường hợp, cha mẹ chưa qua đời nhưng tờ di chúc thì được lập sẵn. Đứa nọ biết được bố mẹ thiên vị, vậy là người lập di chúc chưa qua đời nhưng cuộc chiến đã bắt đầu nhen nhóm. Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi báo chí đưa tin về vụ con trai ruột đâm chết mẹ chỉ vì người mẹ này chia đất cát không công bằng cho mình.

Rõ ràng, sức mạnh của tài sản, tiền bạc đã che mờ lý trí, lương tâm của những người con luôn đặt vật chất lên hàng đầu. Tại các phiên tòa phân chia tài sản, nhiều thẩm phán không khỏi đau đầu khi chứng kiến cảnh tình thân không còn, sẵn sàng vứt bỏ chỉ vì vài mét đất đang có giá.

Làm thế nào để những bản di chúc của bố mẹ để lại luôn là sợi dây liên kết tình cảm của con cái khi mình đã ra đi. Điều này không chỉ phụ thuộc vào chữ Hiếu của những đứa con mà còn phụ thuộc vào sự công tâm của những người làm cha làm mẹ. Không nên vì yêu con này, hiềm khích một chút với con kia mà lập một bản di chúc bên ít bên nhiều.

Sự không công bằng này chỉ làm cho những đứa con hiềm khích với nhau. Nếu không thể dùng pháp luật để can thiệp thì những đứa con coi trọng vật chất này cũng oán hận bố mẹ thay vì nhớ thương, đau buồn về ra đi vĩnh viễn của họ. Đó là chưa kể trường hợp có tờ di chúc cuất hiện thêm những đứa con riêng được hưởng tài sản trong đó.

"Trẻ cậy cha, già cậy con", quy luật muôn đời này luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Vì thế việc báo hiếu bố mẹ khi về già là một điều tất yếu đối với phận làm con. Mỗi một chúng ta đừng để vật chất từ những tờ di chúc ảnh hưởng đến chuyện báo hiếu của mình. Đừng biến nó là nguyên nhân và xuất phát điểm để bùng nổ những cuộc chiến tranh dành tài sản của tình thân.

Hãy tôn trọng và làm tốt di nguyện cuối cùng của đấng sinh thành. Và cũng đừng đợi đến khi nhìn thấy mối lợi từ những tờ di chúc kia mới nghĩ đến chuyện báo hiếu cho bố mẹ. Hãy làm điều ấy từng ngày từng giờ, đó mới là có hiếu thật sự.

Theo Nguyễn Hoàn - Đời sống gia đình


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage