Chùa Bửu Minh

NSGN - Con đường, như thế, luôn đòi hỏi những phương tiện. Và có nhiều phương tiện, như chiếc gậy chống trên đường đi. Với Đại sư, phương pháp là Nhất tâm niệm kết hợp với sự hỗ trợ của nghi quỹ Mật tông

Điểm đầu tiên có thể nhận thấy trong tập thơ: hai từ “ẩn tu” xuất hiện ở ngay hai từ đầu của dòng thơ thứ nhất, trong tất cả 108 bài thất ngôn tứ tuyệt. Điều ấy có thể là chủ định tiên khởi lúc bắt đầu cầm bút viết. Cũng có thể là do “chữ gọi chữ”, một thực tế vẫn thường gặp trong quá trình sáng tác. Nhưng, dù bắt đầu từ đâu, điều tạm gọi là “xuất phát điểm” ấy cũng không xa rời cái cội rễ này: việc ẩn tu chính là ý chí đã được nung nấu từ rất lâu, rất sớm. Hãy nhớ lại: năm 29 tuổi, sau khi học xong chương trình giáo lý ở Phật học viện tại Sài Gòn (năm 1954), người tu sĩ trẻ ấy đã xin phép ban quản lý nhà trường được lui về quê để tu tập. Vì sao giữa lúc một “tương lai” sáng sủa đang mở ra trước vị Sa môn trẻ nếu tiếp tục đi theo con đường thăng tiến về mặt hoạt động xã hội, người Tỳ-kheo này lại chọn đến “lối rẽ” sớm như thế? Giản dị (mà thật sâu xa - đúng đắn), ấy là, Đại sư đã biết rõ việc gì cần làm trong cuộc đời của những ai đã xác tín được lối về giải thoát. Bởi, ngoại trừ những bậc đã chứng đắc, thì dù thực hành theo pháp môn nào, thời gian ẩn cư vẫn là giai đoạn gần như bắt buộc đối với tất cả mọi hành giả trong quá trình tu tập. Nhưng để thực hiện đòi hỏi ấy thì không hề đơn giản, bởi còn biết bao gánh nặng không phải dễ dàng mà rời bỏ được ngay:

Ẩn tu nào phải cố xa đời,

Mượn cảnh u nhàn học đạo thôi!

Những thẹn riêng mình

nhiều nghiệp chướng,

Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.

Bởi vì, sau khi cắt ái từ thân để bước vào thiền môn, cái “cảnh” mà hàng ngày người tu nương náu mới chỉ là… cảnh chùa chứ chưa là gì cả. Dân gian nói nôm na mà không sai lệch: “…thứ ba tu chùa”. Nhưng không thể xem nhẹ cái cảnh chùa ấy được. Bởi vì, phải duyên theo, trong những bước đi đầu tiên: Mượn cảnh u nhàn học đạo thôi. Ngay ở bài thơ đầu tiên trong Ẩn tu ngẫu vịnh, sự trung thực với chính mình của Đại sư đã bộc lộ: cái việc mượn cảnh ấy, vừa nói thay cho người khác, vừa là điều tự dặn lòng. Điều này càng có ý nghĩa, nếu ta nhớ lại thời điểm những năm 1967-1968, lúc Đại sư chọn Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) làm chốn ẩn tu. Khi ấy, người đã trên 40 tuổi đời và đã xuất gia hơn 20 năm. Nghĩa là, không còn như người vừa mới bước vào lối đạo mà đã trở thành một bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm khi ấy. Nếu nhìn sự việc theo nhãn giới của Nho gia, thì sự chọn lựa giữa xuấtxử của Đại sư lúc ấy phải đâu là chuyện dễ dàng! Ở lại và ra đi, đường nào cũng có cái lý chính đáng của nó. Cái lý ở ngay trong các quan điểm tôn giáo của nhà Phật và cái lý về trách nhiệm của một Tăng sĩ trước những yêu cầu cụ thể trong mối tương quan với Giáo hội và nhân quần… Băn khoăn, day dứt, thậm chí cả đau lòng! Nhưng cuối cùng, ý chí vươn đến sự giải thoát vẫn chiến thắng. Cuộc chiến đấu ấy có đường bay tiền định của nó. Ấy là sự tiên cảm trong niềm khiêm cung về những dặm dài gieo neo trên lối đạo, bắt đầu từ sự nhìn ra chính những khiếm khuyết của bản thân! Đọc tiếp bài thơ số 4, khi Đại sư nhớ về những bạn cùng tu:

Ẩn tu uổng tiếc bạn đồng hành,

Nói lý cao huyền đắm lợi danh!

Già bịnh, đọa sa không phản tỉnh,

Bóng câu, mấy nỗi thoáng

bên mành.

thì không cần nhiều lời diễn giải, ta cũng hiểu ngay bao nhiêu khó khăn thử thách đang chờ đợi trong cuộc viễn hành kia!

Nhìn ra bên ngoài thì như thế, còn với riêng mình, những khi “quay lại” để soi chiếu bản thân, vẫn không sao tránh khỏi nỗi chạnh lòng trước bao bóng tối chướng nghiệp của mịt mùng quá khứ:

Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình,

Túc trái gây nên mối bất bình.

Nhưng dù có quán sát về hướng nào đi nữa thì mấu chốt của việc tu và hành, đầu tiên và cuối cùng, vẫn là sự trung thực. Với chính mình, không với ai khác:

Ẩn tu chân thật chớ bề ngoài,

Tu dáng tu hình lạc lối sai.

Thế đấy, trên vô vàn những lối đi khác nhau trong cuộc tồn sinh của con người, có một sự thực là, dường như tất cả nhân loại đều bị quay cuồng trong một… chữ “Tưởng”. Mọi hoạt động của cá nhân và xã hội, mọi buồn vui vinh nhục một đời, đều từ cái… chữ này mà ra. Mà, nguyên nhân của nó là gì, nếu không là sự mê lầm mà gốc rễ vẫn là từ Bản ngã? Về điều này, ai cũng có thể nói được như thế cả: cái thói quen phiếm đàm và ưa thích hý luận vẫn thường có sức quyến rũ không ít người bởi vì nó là một sự “chứng minh” về trình độ hiểu biết, về tầm nhìn rộng xa… Nhưng thử hỏi, đã có mấy ai nhìn được tường tận cái Tôi này, cái Tôi của riêng bản thân mình và cái Tôi của tất cả? Với Đại sư, hãy nghe lời tự bạch sau đây:

Ẩn tu cửa đạo trải bao năm,

Kinh nghiệm nhiều phen

vẫn lạc lầm!

Vì sao, sau bao năm dốc lòng tu tập mà vẫn lầm lạc? Phải chăng, mọi sự là do bởi dòng tâm thức vẫn còn chìm nổi theo bao mất mát đổi thay trong cuộc đời:

Ngàn dặm cố nhơn, hồn lẩn quẩn,

Mười năm việc cũ, nửa phai mờ.

Thế đấy, sau khi chối bỏ mọi quyến rũ của thế gian rồi dằng dặc miệt mài tâm sức dốc trọn cho mục tiêu giải thoát, vậy mà, chỉ mới phai mờ một nửa. (Xin hiểu, từ nửa chỉ là cách nói theo sự đưa đẩy của quy luật tu từ trong nghệ thuật thi ca chứ không phải là con số số học). Thế đấy, nào có dễ đâu mà cứ cao đàm tự thị, rằng, lúc nào cũng… ngồi thiền-đi thiền-nghĩ thiền-ôm thiền

Vì sao Con đường lại gian khó đến thế? Thế thì làm sao mà đi cho trọn? Phải chăng, vì con người vẫn còn bị đóng cứng trên cây đinh thời gian, vẫn thường lấy mấy mươi năm năm sống của một đời ngắn này làm thước đo cho mọi tham vọng hoặc nỗ lực mà quên rằng, từ vô số kiếp đời trôi giạt, nào đã mấy ai vượt khỏi được vòng tử sanh:

Ẩn tu luân chuyển biết bao đời,

Thân thế bèo đưa,

sóng nghiệp trôi!

Lỗi bởi tâm mình

chưa chuyển vật,

Những riêng thương thẹn khó

nên lời.

Tất cả những uổng tiếc đắm lợi danh, những chạnh nỗi riêng mình hồn lẩn quẩn, những lạc lầm  thương thẹn… ấy, ngỡ như những bước đi thụt lùi, thực ra, lại hết sức đáng kính trọng! Bởi, đó chính là cái là cái phần “người” nhất. Để trở thành bệ phóng cho sự thăng hoa trên nẻo về mục tiêu tối hậu của một hành giả. Hay nói theo cách khác, ấy là, phía sau vầng sáng của một chân dung, vẫn còn những góc khuất. Và, cái phần tối ấy lại càng tô đậm thêm ánh sáng của sự thành tựu trên bước đường tu chứng.

Và như thế, Con đường không ngừng đặt ra những câu hỏi: hạnh phúc ở đâu, sự thật là đâu, nơi đến là chốn nào? Câu hỏi muôn đời ấy không thể trả lời dễ dàng. Bởi vì, phải vượt qua khỏi sự trói buộc của không gian - thời gian mới có thể nhìn thấy được Dòng sống vốn là sự chuyển dịch vô thủy vô chung không cùng không tận. Con đường, như thế, luôn đòi hỏi những phương tiện. Và có nhiều phương tiện, như chiếc gậy chống trên đường đi. Ở tông phái này, là Chỉ, là Quán. Nơi huyền môn khác, có cách hành trì của Tam mật tương ưng. Với Đại sư, phương pháp là Nhất tâm niệm kết hợp với sự hỗ trợ của nghi quỹ Mật tông:

Niệm Phật, niệm tâm,

tâm niệm Phật.

Và Đại sư đã hành trì miên mật, đã đến cái “nơi”:

 …bốn mặt khói sương đầy,

 Hỏi gạn ai người niệm Phật đây?

Cười mỉm, Duy Ma

không phúc đáp,

Song hồ nửa khép cánh am mây.

Trong niềm tịch tĩnh của tâm thức, tất cả đã trở thành Một: những thanh - âm - không - tiếng của Lục tự đại minh (*) đã hóa thành trạng - thái - hư - huyền của câu hỏi “Niệm Phật là ai? Ai đang niệm Phật?” trong công án Thiền tông; từ hình ảnh ẩn dụ qua nụ cười im lặng của Duy Ma Cật, đến cả cánh cửa mơ hồ có - mà - không nào đó… Có thể nói rằng, đối với những người đã từng đi sâu vào sự vi diệu của những biện pháp tu tập, thì phương pháp này hay cách thức khác, đáo cùng, cũng chỉ là phương tiện, như chính Đại sư đã trải nghiệm:

Ẩn tu niệm chẳng Thánh

cùng phàm,

Mắt huệ can chi dính mạt vàng?

Hữu tướng tức đồng

Vô tướng niệm,

Chân không, huyễn sắc

khắp bao hàm.

Đấy chính là khoảnh khắc vượt ra khỏi sự trói buộc của những biên kiến, để đạt đến cái cảnh giới:

Trong sáng linh hư hợp

Tịnh - Thiền!

Không - Hữu đều tan,

Trung đạo dứt,

Hoa vàng chợt nở Bảo trì liên.

Đến đây, vạn pháp đều quy về Nhất thừa pháp (theo cách diễn đạt của Thiên Thai tông qua nội dung của Ngũ trùng huyền nghĩa). Đến đây, câu trả lời không hề có sự phủ định giữa các tông phái khác nhau. Bởi vì, mọi lối đi đều dẫn về điểm chung nhất: tâm thức con người, điều mà ngày nay, các nhà khoa học tự nhiên lỗi lạc nhất phải thừa nhận. Như Werner Heisenberg, nhà vật lý và triết gia người Đức, nổi tiếng từ năm 26 tuổi (năm 1927) với “nguyên lý bất định” (được giới triết học đánh giá là không khác với những lý giải tâm linh của triết gia Hy Lạp cổ đại Plato) đã đưa ra nhận định mang tính chân lý như sau: “Sự phân chia thế giới thành chủ quan và khách quan, thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, thân xác và linh hồn là không còn thích hợp, và dẫn chúng ta đi vào chỗ khó khăn. Cùng trong chiều hướng nhận thức này,  Erwin Schrodinger (người Úc, đoạt giải Nobel vật lý năm 1933) với công thức về “sóng xác suất đứng” từng tạo ra một bước đột phá trong ngành vật lý hiện đại đã đem đến cho giới khoa học cái nhìn không khác gì quan điểm “vạn pháp duy tâm tạo”: “Khách quan và chủ quan chỉ là một. Không thể nào khẳng định sự phân chia thành biên giới giữa hai mặt này, giống như kết quả thực nghiệm vừa xảy ra trong khoa học vật lý, vì biên giới này không tồn tại”.

Những nhận định, những phát kiến mới mẻ nhất hiện nay đang dẫn khoa học thực nghiệm tiến dần đến đầu mối những kinh nghiệm thực chứng của Đức Phật và các thánh nhân ngày xưa, đúng như lời tổng kết của nhà khoa học lỗi lạc người Mỹ Robert Oppenheimer: “Những điều khái quát (mà con người hiểu được qua những khám phá trong ngành vật lý nguyên tử) không phải là những điều hoàn toàn chưa nghe đến, hoàn toàn mới. Chúng đã có trong lịch sử và trong tư tưởng đạo Phật hoặc đạo Hindu, đã từng chiếm vị trí trung tâm quan trọng. Những gì chúng ta tìm thấy về lý luận, là một ví dụ được minh họa, một niềm cổ vũ và sự tinh lọc từ những kiến giải uyên bác thời cổ đại.

Vậy thì, còn đâu Tịnh độ mà cầu, can gì Thiền tông phải hỏi? Nhưng vì sao, lại vẫn phải nói? Bởi vì, phải… chọn lựa, như đòi hỏi tất yếu trong quá trình hoằng pháp để có thể khế hợp với thực tế căn cơ của chúng sanh: Nói cũng vì người, thuyết khác hành. Bởi vì, khi không dễ gì rời được vọng tưởng, thì một trong những cách hóa giải là phải “ôm” lấy chính nó để mà chuyển hóa.

Cho nên, mặc dù vẫn biết rõ Ẩn tu không có, có mà không của tinh thần Thiền tông, mặc dù tự xót xa Thương thay cho cổ thụ già/ Quá nhiều chim đậu nay đà xác xơ về sự cộng nghiệp đối với hàng đệ tử trong quá trình hướng dẫn hành trì các nghi quỹ Mật tông, Đại sư vẫn: …tế độ chẳng quên lòng, vẫn Bi, Trí đôi đường phải suốt thông với trách nhiệm hoằng hóa. Lớn lao thay, mà cũng không khỏi nặng lòng thay! Điều này, nếu nhìn dưới góc độ “đời thường”, thì có thể nói, đó chính là hành trình của sự chiến thắng nỗi cô đơn và cái chết bằng tình yêu cuộc sống mà căn rễ của nó chính là ngọn lửa Nhất như. Để cho, khi sự chết của thân vật lý hiện ra, thì sự thật không thể chối từ ấy không còn là điều mất mát mà đúng hơn, lúc cái chết xuất hiện, may mắn thay, lại chính là khi bắt đầu cho một hạnh phúc khác, như lời dặn của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, đó là “một suối nguồn nâng đỡ to lớn; nó thực sự ban cho ta niềm hy vọng…”. Cái hạnh phúc ở cuối cuộc tồn sinh ngắn ngủi trong đời này, Đại sư đã nhìn thấy trong giây phút ra đi. Xa hơn, và về hướng ngược lại, trong sâu mầu của quá trình ẩn tu, là sự thấy biết về tiền kiếp của mình:

Ẩn tu được biết kiếp sâu xa,

Từng ở thiên cung, cõi Đại La!

Đại Phước lão tiên là bạn cũ,

Xuống trần học Phật, lạc mê hà.

Ẩn tu ngẫu vịnh đã hết những trang cuối. Và, chỉ còn chầm chậm dâng lên trong sâu xa thành kính niềm thâm cảm: sự trung thực với chính mình của một hành giả. Và, đối với con người cô độc đã từng thấm tận nỗi cô đơn trên con đường diệu vợi đầy trở ngại của hành trình ngược chiều, hành trình rời bỏ lối đi quen của đa số người đời, vui thay, đã hiện lên bóng dáng của cái diện mục bản lai nơi cuối cuộc kiếm tìm…

*

Đến đây, lại phải xin được dài lời thêm đôi chút, để đề cập vài nét trong phạm vi hình thức của tập thơ. Bởi vì, hình thức không phải chỉ là những vấn đề về đặc điểm ngôn ngữ hoặc phương pháp thể hiện, về cấu trúc tác phẩm hoặc phong cách tác giả, về sắc thái tình cảm của ngôn ngữ và các vấn đề liên quan đến đối tượng thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo… Hình thức, như thế, cũng chính là một phần nội dung, hay như cách gọi quen trong lý luận văn học: tính nội dung của hình thức. Bởi vì, ai cũng biết rằng, một bài thơ (hay một tác phẩm nghệ thuật nói chung), có khi đề cập một nội dung, lắm lúc lại chứa đựng nhiều tầng nghĩa khác nhau.

Ẩn tu ngẫu vịnh được viết ở nhiều thời điểm, cách xa nhau nhiều năm tháng, diễn tả các trạng thái tâm thức trong quá trình tu tập cũng như nhiều cảm xúc và nhận thức của tác giả về các vấn đề khác nhau nhưng tất cả 108 bài thơ đều được bắt đầu bằng hai từ “ẩn tu” (như đã nói ở đoạn trên). Nếu phải “diễn giải” thêm, thì con số 108 ấy có thể chưa xuất hiện trong chủ đích sáng tác khi đặt bút viết bài thơ đầu tiên. Con số ấy có thể hiện đến trong ý đồ sáng tác sau khi đã viết được một số bài thơ có cùng chủ đề tư tưởng. Và hẳn rằng, tác giả không hề quan tâm đến những “con số” vừa dẫn ấy. (Mà một bằng chứng là, thực ra, tập thơ có đến 109 bài thất ngôn tứ tuyệt chứ không phải 108 bài thi, như tác giả vẫn… đinh ninh. Còn, nếu phải “đếm” cho đầy đủ, thì lại có thêm một bài thơ Khuyên tu tỉnh ở cuối tập, gồm 52 câu, viết theo thể song thất lục bát, tổng cộng có 110 bài).

Về cấu trúc, tập thơ đề cập nhiều nội dung, trong đó hai chủ đề chính là vui với đạo (35 bài, hơn 1/3 tổng số) và tự bạch (24 bài, gần ¼ tổng số) với số lần hiện diện liên tiếp tùy theo nội dung chủ đề. Ở nội dung Vui cảnh đạo, thuộc chủ đề này liên tiếp là các bài thứ 28, 29, 30, 31, 32; rồi đến các bài 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47;  và 74, 75, 76, 77, 79. Chưa đi vào tìm hiểu nội dung những bài thơ mà chỉ mới căn cứ vào số lượng bài thơ theo chủ đề và tần số xuất hiện, cũng có thể thấy ngay rằng, đối  tượng thẩm mỹ chi phối - ảnh hưởng nhiều nhất đến tâm thức của tác giả vẫn là những gì liên quan đến cảnh đạo, lẽ đạo. (Đấy là chưa đi sâu phân tích về không ít những bài thơ hé lộ cho người đọc thấy được kết quả của quá trình tu tập - chứng đắc). Hoặc, hãy xem nội dung những bài Tự bạch, xuất hiện theo từng nhịp thứ tự 19, 20, 21, 27; tiếp theo là: 64, 66, 67… Ở những bài thơ này, hiện lên sự đan xen giữa niềm vui - kết quả đạt được với những trì níu - cản trở của dòng tâm thức trước khi nó được tịnh hóa.

Hai dẫn trưng vừa nêu có thể tạm xem như sự phản ánh chân thực về Con đường và những gian khó mà Đại sư đã trải nghiệm, từng giai đoạn của tâm trạng tác giả hoặc những cảm nghiệm qua từng thời kỳ thực chứng trong tu tập.

Việc phân chia các nội dung theo từng chủ đề chỉ là việc làm để giúp người đọc dễ theo dõi. Trên thực tế sáng tác, lắm khi ẩn tàng trong nội dung này vẫn có hàm ý khác; hoặc là, sự liên quan giữa nội hàm này đối với vấn đề kia: vì thương người mà khuyên tu, vì tu mà thấy sự vi diệu của lẽ đạo, vì hiểu rõ tâm thức vốn “mang mang, thùy năng câu thúc” mà càng quyết tâm nhìn thật tường tận chính mình…

Một ghi nhận khác, về kỹ thuật ngôn ngữ thi ca. Như ở bài thơ thứ năm (Ẩn tu cõi tịnh nhẹ buông hồn/ Tưởng quán trời Tây, nhớ Bảo thôn/ Ráng đỏ sắp đưa vầng Nhật lặn/ Phất phơ tà áo, gió hoàng hôn). Có thể bài thơ này được viết ra sau một thời công phu “quán mặt trời lặn” trong Thập lục quán chăng? Dù phải hoặc không phải như thế, thì bài thơ cũng được thể hiện bằng kỹ thuật không xa so với công phu của người làm thơ chuyên nghiệp. Nhưng rồi trong những bài khác, không còn thấy sự dụng công chữ nghĩa nữa mà chỉ đơn thuần là sự ghi nhận về những gì liên quan đến mục đích “ẩn tu”. Đây là điểm cần chú ý vì đó chính là tiến trình xa lìa vọng tưởng chữ nghĩa của một người vừa làm việc trong lĩnh vực này, vừa là một hành giả trên con đường thanh lọc tâm thức. May thay, Đại sư không xem văn chương là trọng bởi vì đó là một công việc rất nặng nhọc và nặng nghiệp. Bởi vì đối với các bậc chân tu, những bài văn - thơ mà họ viết ra chỉ là sự lưu xuất tự nhiên từ dòng tâm thức sống động chứ không phải là sự dụng công chữ nghĩa như công việc của một nhà văn.

*

Ẩn tu ngẫu vịnh dừng lại, để mở ra một kêu gọi không lời: ngôn ngữ thì hạn hẹp, Con đường lại mênh mang. Và lời gọi kêu im lặng ấy là gì, nếu không giản dị chỉ là: Hãy bước đi. Giản dị, nhưng không hề đơn giản. Hay đúng hơn, chính bởi vì giản dị mà lại vô cùng gian khó. Nhưng làm sao có thể “ẩn” được đây, trong một thế giới đang trở thành “phẳng” và đang bị tấn công không thương xót, từ mọi phía và trên mọi bình diện? Làm sao có thể không chạnh lòng cho chính bản thân mỗi người trong chúng ta! Lời gọi kêu ẩn tu, như thế, không hề bày ra một lối vạch sẵn mà chính là sự gợi ý rộng mở: mỗi một cá nhân phải tự tìm cho mình một cách ẩn tu, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của chính mình. Bởi vì, không thể có chọn lựa nào khác hơn, là Phải bước đi, dù những dấu chân yếu ớt và nặng nhọc có thể không để lại nét ghi mờ nhạt nào trên mặt đất lắm gập ghềnh của cuộc phù sinh này.

Đau đớn thay! Mà cũng lớn lao thay, phận người!
Nguyễn Đông Nhật


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage