Chùa Bửu Minh

LTS : Bài Tham luận của cư sĩ tiến sĩ Hồng Quang, đọc tại Đại hội Giáo hội Phật Giáo Việt Nam 10 năm trước (2002), nay vẫn mang tính thời sự và những đề nghị của cư sĩ vẫn còn đượm nét thực tiển và cấp thiết cho một sự chuyển mình của Giáo Hội trước vấn nạn toàn cầu hóa hiện nay. Chúng tôi xin trích đăng lại phần hai để rộng đường dư luận.


            Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

            Kính thưa Qúy vị Đại biểu và Qúy khách,

 

        Thật là một hân hạnh lớn cho chúng tôi hôm nay được về tham dự Đại hội kỳ V của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Thật vậy, từ ngàn dặm xa xôi mà được về thăm quê hương đã là một điều hạnh phúc, lại được phép trình bày một số thao thức của một người con Phật trước những người đồng đạo mà cũng là đồng bào cùng chung một ước mơ, thì thật là một cơ duyên hiếm có.

 

       Do đó, chúng tôi xin mạo muội góp ý với Đại hội về hai chủ đề: Phần thứ nhất sẽ đề cập đến vài nét đặc thù trong quá trình phát triển Phật giáo Tây phương, đặc biệt là tại Mỹ, để nhận diện những yếu tố nào đã làm cho Phật-Giáo nở rộ, cả phẩm lẫn lượng, trên các mảnh đất Kitô giáo và những thành trì của nền văn minh vật chất, duy lý và duy lợi nầy. Phần thứ hai, chúng tôi sẽ xin gợi ý về mười vấn đề vừa cụ thể vừa cấp thiết, vừa cho bây giờ vừa cho tương lai, mà tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

 

       Dĩ nhiên ý kiến của chúng tôi thì chủ quan và còn nhiều giới hạn, nhưng chắc chắn chân thành và thiện chí, nên có điều gì sơ suất và khó nghe, xin Đại Hội niệm tình tha thứ.

 

 

PHẦN MỘT

 

VÀI NÉT ĐẶC THÙ

TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO TẠI TÂY PHƯƠNG      

 

............................................

............................................

     

 

PHẦN HAI

 

MƯỜI VẤN ĐỀ CẤP THIẾT CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

      Trước những chuyển đổi sâu rộng của thời đại trên thế giới cũng như đặc biệt trên quê hương, và quan sát những kinh nghiệm thành công của Phật Giáo ở các nước Tây-phương, chúng tôi ý thức được rằng Việt Nam có những vấn đề đặc thù của Việt Nam, và Giáo Hội ta có những vấn nạn của riêng chúng ta. Do đó, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những vấn đề thật cấp bách không thể nào bỏ qua được, lại có tính phổ quát mà Giáo Hội nước nào cũng phải kinh qua, và có tính khả thi mà Giáo hội Việt Nam không đối trị bây giờ thì cũng phải đối diện trong một tương lai gần.

 

       Mười chủ điểm mà chúng tôi đặc biệt thao thức thì có quan hệ hữu cơ và nhân quả:

 

- Hai vấn đề nhân sự của Giáo hội vì con người bao giờ cũng là trục vận hành của mọi tổ chức

- Bốn vấn đề tổ chức vì đó là công cụ vận hành và phương tiện thiện thừa của Giáo hội

- Hai vấn đề giáo dục đào tạo vì đó là đội ngũ kế thừa của mọi nỗ lực phát triển

- Hai vấn đề văn hóa vì đó là thành tố bất khả phân ly giữa đạo và đời.

 

      Dĩ nhiên, những đề nghị của chúng tôi sẽ không giải quyết được tận gốc những khó khăn to lớn mà chúng ta đang nỗ lực vượt qua, lại càng chưa chắc đã nằm trong ưu tiên hàng đầu mà Giáo hội đang quan tâm, tuy nhiên chúng quả thật đang là những hòn đá tảng, sừng sững nằm chắn lối trên con đường hoằng dương Phật Pháp. Do đó mà chúng tôi xin trình bày với tất cả khiêm cung nhưng cũng rất triệt để, đó là: 

 

  1. Trẻ Trung Hóa Nhân Sự: Cơ thể con người là một vi trần của vạn hữu, biến thái theo chu kỳ thành trụ hoại không. Vì thế, ngày nay hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng định tuổi về hưu của công tư chức là 60 đến 65 tuổi, cái tuổi mà sinh lực như một ngọn đèn dầu đang cạn, cái tuổi mà trí tuệ cũng không còn minh mẫn và nhạy bén như buổi thiếu thời. Tình trạng lão hoá nầy không miễn trừ cho bất cứ một ai, do đó, những vị cao niên cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau bao năm hi hiến cuộc đời của mình cho đại sự. Hơn nữa phục vụ Giáo Hội là một sự hy sinh chứ không phải là một công chức hoặc tư chức có lương bổng để bồi dưỡng, nên lại càng phải đòi hỏi một sự tĩnh dưỡng nhiều hơn. Quy luật tâm sinh lý nầy mang tính phổ quát, không phải chỉ đúng cho giai tầng lãnh đạo, mà ở mọi vị trí, mọi nhiệm vụ và mọi lãnh vực, một khi đã tuổi cao trí kém thì không những sẽ làm trì trệ tổ chức mà còn là những phản động lực cản đường phát triển của định chế mình phục vụ.

 

         Vì thế, tất cả nhân sự hành chánh của Giáo Hội từ trung-ương đến địa phương nên được chọn lựa trên tiêu chuẩn đức, tài, khoẻ và không quá 70 tuổi. Những vị đạo cao đức trọng trên 70 tuổi nên được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh để làm biểu tượng đạo đức và trang nghiêm cho Giáo Hội, không nên đòi hỏi quí ngài phải nhọc nhằn lận đận với những công việc nặng nhọc hằng ngày của Hội Đồng Trị Sự hay Hội Đồng Điều Hành, mà nhiều lúc và nhiều nơi còn ép quí ngài phải kiêm nhiệm đến 3 hoặc 4 chức.

 

       Một điểm khác về nhân sự là phẩm hơi thấp nhưng lượng cao. Nhiều tỉnh xa những trung tâm thị tứ thì thiếu Tăng Ni nhất là các vùng quê và miền cao nguyên, nhưng tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận thì hầu như Tăng Ni bị lạm phát, phẩm hình như còn thấp nhưng lượng quá cao là một tai hại cho tiền đồ Phật-giáo.

 

      Một minh chứng điển hình là hiện nay, tại Hoa Kỳ, hàng giáo sĩ từ 200 năm qua vốn là biểu tượng của đạo đức xã hội, nhưng từ hơn nửa năm nay, hình ảnh đó đã hoàn toàn sụp đổ và sẽ kéo theo sự suy tàn của các giáo hội Công giáo La Mã khi báo chí, đài truyền thanh truyền hình phát hiện và phổ biến rộng rãi những vụ linh mục, giám mục cưỡng dâm trẻ em, mà có kẻ lại hiếp dâm trên cả trăm trẻ em trong nhiều năm, rồi họ lại được chính các giáo hội đó bảo bọc che đậy. Hàng tỉ  Mỹ-kim đã và đang chi phí để bồi thường cho các nạn nhân, nhưng quan trọng hơn, niềm kính trọng và tin tưởng vào các Giáo Hội đã hoàn toàn bị lung lay và có nguy cơ sụp đổ trong lòng các tín đồ.

       Giáo Hội và quí vị Trú-trì dày công đào luyện cho Tăng Ni và đệ tử một mớ hành trang để lên đường hành đạo, thì cũng nên tạo dư luận và tạo một số hành trang cần thiết để cho đệ tử nào muốn hoàn tục nếu cơ duyên chưa trọn, còn hơn là chấp chứa một số sư tử trùng mà thân còn ở trong nhưng tâm thì đã rong ruổi bên ngoài từ lâu rồi.

 

       Tình trạng phẩm thấp lượng cao trong một số ít Tăng Ni sinh trẻ hiện nay, ở một vài vùng tại Việt Nam, là một điều đáng ngại mà Giáo Hội cần có biện pháp ngay từ bây giờ. Hành động phá giới phạm trai của một vài Tăng Ni trẻ, nếu có, là những ngọn lửa đốt cháy niềm tin của hàng triệu tín đồ.

 

           2. Cái Ghế Một Chân: Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa thế giới, điều hành một tổ chức trở nên cực kỳ phức tạp. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng thông tin đã nâng mọi hoạt động, mọi sự cố lên trình độ đa khoa (interdisciplinary) và đa tầng (multilayer), khiến cho không một người nào hay một nhóm nhỏ nào có thể quản lý một tổ chức mà không huy động nhiều nguồn nhân lực và tri thức khác nhau.

 

     Giáo Hội Phật Giáo lại càng cần sự huy động tổng hợp đó vì tính chất nhập thế rốt ráo và vì khả năng tiếp cận đầy tính dung hóa của đạo Phật. Đội ngũ đông đảo các cư sĩ, với chức năng hộ Pháp, và với khả năng và cơ hội được thật sự dùi mài trong cuộc sống thật, sẽ là nhân tố quan trọng phải được huy động tham gia vào việc phát triển đạo Phật.

 

        Tại các nước Tây-phương, vốn là thành trì của chủ nghĩa vật chất và căn cứ địa của các tôn giáo độc thần, nhưng cuối cùng  cũng đã phải mở cữa trân trọng đón chào đạo Phật như một viên thuốc thần tiên vô giá. Nhưng quá trình đón chào đó không phải tự nhiên mà có, mà chủ yếu là nhờ một đội ngũ cư sĩ biết vận dụng đạo Phật vào cuộc sống và hình thành một hệ thống tổ chức đặc thù theo lối hiện đại cho người Tây-phương. Không những họ nghiên cứu Kinh, thuyết giảng Luật, phổ biến Luận, mà họ còn cụ thể tham gia vào công tác định hướng chính sách, tổ chức các khóa tu Bát Quan Trai, xây cất chùa, quản lý tài chánh, đối thoại về các chủ đề thần học với các tôn giáo khác, v.v... Ngài Suzuki là  một nhân vật Nhật Bản nỗi tiếng đã đem đạo Phật đến cho người Tây-phương trong nhiều thập niên qua là một cư-sĩ có gia đình. Ngài Tarthang Tulku, một vị sư Tây Tạng có vợ là một người Ai-Cập lai Pháp, xây dựng một cảnh chùa trị giá trên 100 triệu Mỹ-kim tại miền bắc California, Hoa-kỳ, mà nguồn tịnh tài có được, một phần nhỏ do việc phát hành sách mà ngài viết, số còn lại và nhân công xây cất là do cư sĩ Phật-tử Mỹ đóng góp.  

 

           Nhưng đối với Phật Giáo Việt-Nam qua nhiều năm gần đây, trong cũng như ngoài nước, chúng ta có một cấu trúc nhân sự Giáo Hội rất lạ, rất thiếu quân bằng. Bốn chúng đệ tử Phật là Tăng, Ni, Nam cư-sĩ và Nữ cư-sĩ, nhưng nay chỉ còn hơn một chúng trong hầu hết các tổ chức lớn nhỏ của Giáo Hội. Thật vậy, cứ nhìn vào nhân sự của Giáo-Hội thì sẽ thấy, tất cả các chức vụ hầu như do chư tăng phụ trách cả. Lác đác chỉ thấy vài vị Ni và vài cư sĩ với những phần vụ phụ thuộc hoặc trang trí mà thôi. Theo thống kê của nhà nước về phân bố giới tính, thì số lượng nữ giới của dân số nước ta tăng nhanh hơn nam giới. Nhưng nhìn vào nhân sự điều hành của Giáo Hội thì Ni giới chỉ có một vai trò rất hạn hẹp và quá thiểu số so với tăng giới. Còn thành phần cư sĩ, họ ít được Giáo-Hội quan tâm, ngoại trừ các chương trình cần đóng góp tịnh tài. Một số khác thì chỉ được dùng vào việc làm hàng rào danh dự, nghênh tiếp chư tôn đức và sai vặt. Có lẽ đây là một trong số những lý do chính mà phần lớn hàng trí thức cư-sĩ ít đến chùa và họ đã phải tổ chức những đạo tràng riêng từng nhóm để tu học.

 

 

Trung ương GHPGVN tưởng niệm HT. Thích Minh Châu - 9/9/2012.

 

 

           Qua những kinh nghiệm và thực trạng nêu trên, chúng ta thấy nếu Phật Giáo Việt Nam muốn phát triển thì các tổ chức giáo-hội cần phải có 4 chúng như cái ghế có 4 chân. Đối với hai chúng Phật-tử tại gia, cần dành một chức năng và một chỗ đứng cho cư sĩ trong cả ba vai trò hoạch định chính sách, trợ lý tổ chức và điều hành nhiều Phật sự thì mới tạo thêm được những thuận lợi cho việc hoằng dương Phật-Pháp. Ngược lại, cái ghế chỉ còn một hoặc hai chân đứng còn chưa vững nói gì đến phát triển.

       

        Ngoài ra, trong hàng Phật tử tại gia chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến một thành phần trẻ trung khác đó là Gia Đình Phật Tử chủ yếu vì hai lý do chính :

 

         a. Tre già măng mọc:  Đây là thành phần kế thừa và tiếp nối các công trình mà thế hệ phụ huynh để lại. Họ sẽ không thể gánh vác mà thậm chí còn có thể phá hoại những di sản quí báu của tiền nhân nếu không được hướng dẫn và đào tạo ngay từ lúc còn thơ những giá trị đạo đức và những kiến thức Phật-Học. Do đó Giáo Hội nên trang bị cho thành phần con cháu chúng ta một hành trang đạo lực và trí lực để bước đi trên con đường phụng sự  Giáo-Hội, phụng sự quốc gia, phụng sự nhân loại và phụng sự chúng sanh tức là phụng sự chư Phật.

 

         b. Tránh phạm pháp và trở thành người tốt: Nếu những câu châm ngôn của Gia Đình Phật Tử như Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương người và vật. Và Phật-tử qui-y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện, Phật tử  mở rộng lòng thương và tôn trong sự sống, Phật-tử  trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật, Phật-tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm..� được thật sự thể hiện thành hành động cụ thể trong cuộc sống đời thường thì cá nhân các em, gia đình của các em, trường học của các em, Giáo Hội và dân tộc của chúng ta sẽ an lành biết mấy. Một đoàn thể với chủ trương đào luyện những con người trẻ như thế tại sao chúng ta lại thiếu quan tâm. Về phương diện tâm lý, những điều mà con người học được từ lúc còn nhỏ sẽ ở lại trong tâm họ lâu hơn là những điều học được lúc đã trưởng thành. Thống kê cho thấy những sa ngã của tuổi trẻ và những vụ tự tử thường xẩy ra vào ngày Chủ-nhật hơn là những ngày khác trong tuần. Do đó ngày Chủ-nhật con em chúng ta có môi trường không những để rèn luyện bản lĩnh mà còn để vui đùa và học hỏi thêm các điều thiện mà bậc phụ huynh vì sinh kế nên thiếu chu toàn.

 

     Gia Đình Phật Tử đúng là nơi, phải là nơi, đáng tin cậy nhất để gởi con em đến. Nhưng rất tiếc, trong nhiều năm qua, vì một số hệ lụy của các vị tôn trưởng, vì thời cuộc và tâm tình chưa thông thoáng, nên đã có một số Gia Đình Phật Tử không thể sinh hoạt bình thường được. Một vài nơi họ bị đuổi ra khỏi chùa và hành lễ ngoài sân trong cảnh trời mưa lạnh như có lần tôi thấy tại một chùa ở Đà-lạt. Một số khác thì không được đến sinh hoạt tại chùa vì có người gán cho họ là có liên hệ với người nước ngoài. Tại hải ngoại, một vài Gia Đình Phật Tử  không sinh hoạt dưới nhãn hiệu của Giáo-Hội nầy hay Giáo-Hội khác thì họ bị gán cho là thân Cọng.

 

         Kính thưa quí vị, những đứa con ngoan, những người dân tốt, sẵn sàng phụng sự cha mẹ và noi gương các bậc tiền bối để kế thừa sự nghiệp của chúng ta và họ sẽ hy sinh tánh mạng lúc nước nhà nguy biến để đuổi ngoại xâm như đuổi vịt chính là con em của chúng ta hôm nay. Họ sẽ là thế hệ tiếp nối công trình mà chúng ta và tổ tiên đã dày công xây dựng. Xin tất cả chúng ta và mỗi một tự viện hãy mở vòng tay chào đón và giáo dưỡng Gia Đình Phật Tử  để tòa nhà Phật Giáo không những có đủ 4 chân mà còn là 4 chân khoẻ mạnh, vẹn toàn và có tiềm năng tăng trưởng.

 

 

 

          3. Phật Vô Nam Bắc: Lục tổ Huệ Năng thì dạy Phật Vô Nam Bắc, nhưng trong nhiều năm qua chúng ta hình như chỉ chú trọng đến những Phật tử tại thị thành mà lãng quên những người ở thôn quê, chỉ chú trọng đến những Phật tử tại miền xuôi mà lãng quên người mạn ngược, nhất là các vùng dân tộc thiểu số. Đồng bào sống ở miền Rẻo cao là một thành phần trong đại trong khối dân tộc. Nhưng thực dân Pháp, sau 1884, đã chia Việt Nam thành nhiều miền: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) và miền cao nguyên như  Kông-tum, Plei-ku, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Di-linh, Đà Lạt họ đặt tên là Hoàng Triều Cương Thổ. Còn vùng giữa biên giới Việt-nam và Trung-hoa, Giám-mục Puginier và Hội Truyền-Giáo cũng thành lập một khu vực tự trị khác để giúp chính phủ thực dân dễ biến Bắc-kỳ trở thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn-đông. Chính sách thâm độc nầy là nhằm thiết lập nhiều quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn, chặt đứt tình đồng bào và dứt nghĩa tình đồng hương. Họ tạo cho dân chúng trong các vùng nầy có óc địa phương cát cứ chống đối lẫn nhau, đòi độc lập tự trị và theo ngoại bang.

 

          Trong các cuốn sách viết về Linh-mục A. de Rhodes, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký và Linh-mục Trần Lục, không những chúng tôi đã tiên đoán và báo động tình trạng nêu trên mà còn nói rõ 6 kế hoạch mà tôn giáo Tây Phương áp dụng tại đất nước ta. Chính phủ và nhân dân toàn nước đã có phản ứng, riêng Phật Giáo cũng phải tiến hành những chương trình huấn luyện để phân phối một số Tăng Ni thông thạo tiếng Trung-Hoa và tiếng các sắc dân khác để thuyết phục anh em đồng bào chúng ta biết thờ cúng tổ tiên, đừng bỏ tôn giáo dân tộc hay tín ngưỡng vật linh truyền thống của họ, và có trí tuệ sáng suốt để thấy được âm mưu xúi dục bạo loạn. Chương trình nầy trước kia được cố Hòa Thượng Thích Thiện Châu và Hòa Thượng Thích Thiện Siêu tích cực quan tâm. Ngay từ những năm trước 1975, Hòa Thượng Thiện Siêu đã từng phái những đệ tử của ngài lên truyền đạo trên đó.

 

       Những Phật tử yêu nước đã gọi Phật là Phật Tổ Hồng Bàng Thị cũng chỉ vì mối liên hệ khắng-khít giữa đạo Phật và Nước nhà. Đạo Phật yếu thì tổ quốc cũng lâm nguy, và Tổ quốc nghiêng ngửa thì đạo Phật cũng ngửa nghiêng theo. Bài học lịch sử gần gũi nhất là thời nhà Nguyễn, Nho giáo thịnh hành rồi kỳ thị Phật Giáo, thêm vào đó là âm mưu diệt Phật giáo của các giáo sĩ Tây phương, (nhất là Giám Mục Bá Đa Lộc, cố vấn đặc biệt và là cánh tay phải của vua Gia-Long) nên Việt Nam đã bị Tây Phương xâm chiếm và bị đô hộ gần cả trăm năm dưới bóng thập ác và lá cờ Tam-tài.

 

        Tại Ấn Độ, thời vua A-dục, Phật Giáo được thịnh hành thì quốc gia Ấn Độ cũng trải qua một triều đại huy hoàng chưa từng có trong lịch sử Ấn. Nhưng các triều đại tiếp theo, Phật Giáo suy vi vì không được các triều vua quan tâm nên sau đó, Hồi Giáo đã có thể xâm lăng và thẳng tay phá chùa giết tăng chúng, đẩy Ấn-Độ vào trạng huống từ bất ổn đến nghèo đói từ đó cho đến nay. Tại Trung-Hoa thời nhà Đường, Phật-Giáo rất thịnh hành và cũng mang theo sự thịnh hành của đất nước. Nhưng về sau bị Nho giáo lấn át rồi bị Tây-Phương xâu xé.

 

        Ba biến cố lịch sử kể trên đã xác nhận một quy luật: Phật giáo và Dân tộc thì không thể phân ly. Giáo Hội Phật-Giáo và Nhà nước Việt Nam nên rút tỉa bài học vừa vinh quang vừa tủi nhục của ba biến cố ấy.

 

         4. Tánh, Tướng, Chấp, Danh: Trước năm 1975, Phật Giáo tại miền Nam đã bị lũng đoạn phân hóa thành hai tổ chức là Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang. Đó là điều đau lòng cho Phật Tử. Phật Tử chúng ta được chư tôn đức dạy phép Lục Hòa thì chính một vài vị lại không sống với lời dạy đó. Nước nhà hòa bình thống nhất, ai cũng cứ tưởng rằng vết thương đau nhức ấy chắc sẽ lành và không bao giờ còn tiếp diễn nữa. Nhưng niềm hy vọng ấy dần dà bay theo gió núi mây ngàn.

 

       Từ  năm 1992,  Phật Giáo Việt Nam lại có hai danh xưng là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đâu là những trở ngại do những danh xưng đó có thể gây ra? Chúng tôi sẽ không đào sâu vì quý vị có lẽ cũng đã biết rồi, mà chỉ xin kể hai chuyện đau lòng để quý vị suy ngẫm:

 

           -  Năm 1993, tôi đi xe đò từ Đà Nẵng ra Huế, bác tài xế trên xe là một Phật tử và vì biết tôi cũng là một người đồng đạo từ xa về nên bác tâm sự rằng: Mấy năm trước, địa phương Đà Nẳng chúng tôi tổ chức Phật Đản rất vui. Chỉ cần một phiên họp, quí thầy cắt đặt đạo hữu chúng tôi mỗi người lo một việc thế là xong. Năm nay đã 3 đêm họp liên tiếp rồi nhưng chưa có kết quả. Vì trong buổi họp có hai ý kiến khác biệt nhau. Một số thì đề nghị làm dưới danh xưng của giáo hội có chữ thống nhất, số khác thì bác bỏ. Chỉ vì mấy chữ thống nhất và không thống nhất mà không khí buổi họp trở nên rất căng thẳng và Đà Nẵng năm nay sợ e sẽ không có lễ Phật Đản...�

 

           - Mấy năm sau đó, tôi đến thăm một ngôi chùa tại vùng cao nguyên. Tuy là ngày Chủ nhật nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng những em Gia Đình Phật Tử đến sinh hoạt như trước năm 1975. Sau đó, tôi bèn hỏi một số cựu huynh trưởng thì được mấy vị đó trả lời là Chúng tôi đợi lúc nào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phục họat rồi chúng tôi mới sinh hoạt trở lại. Tôi than thở, liệu 50 hoặc 70 năm nữa Giáo Hội Thống Nhất mới tái sinh hoạt thì sao, mấy vị đó yên lặng không trả lời. Người Phật tử được dạy phải bỏ tánh, bỏ tướng, bỏ chấp, bỏ danh. Nhưng nay chỉ vì có hay không hai chữ  Thống Nhất  mà một số sinh hoạt Phật Sự bị ngưng trệ.

 

       Danh xưng hầu như không có ảnh hưởng trong những sinh hoạt của Phật Giáo trong mấy năm qua tại hải ngoại. Thật vậy, từ hơn hai mươi năm qua, người Phật Tử Việt-nam nước ngoài tha hồ truyền đạo và hành đạo với bất cứ danh xưng nào, thành lập bất cứ giáo hội nào mà mình muốn. Nhưng bình tâm nhìn lại thành quả thì có lẽ phải nhận rằng phần lớn tâm sức và tiền tài đều hoặc dồn vào việc thi đua làm chùa, hoặc tiến hành những hoạt động chống đối mà phần lớn là phe ta chống phá phe mình, hoặc trúng kế xui Nguyên dục Bị chỉ làm lợi cho các thế lực đã và sẽ thù nghịch với cả Phật Giáo lẫn Tổ Quốc Việt Nam.

 

         Nhiều nơi trong nước mà tôi có dịp biết qua, chỉ vì bị trói bởi hai chữ Thống Nhất mà một số nhân sự Phật Giáo nằm chờ thời chứ không chịu làm việc. Số khác thì chủ yếu tập trung vào các đô thị, còn vùng quê và nhiều nơi nghèo đói thì khoán trắng cho Công giáo. Riêng tại Cao nguyên thì hoàn toàn bỏ ngỏ cho Tin Lành, mà hậu quả hiện nay như thế nào thì mọi người đã biết. Chúng ta có thể tóm lược sự tai hại nầy bằng 4 câu thơ chữ Nho của ngài Qui-Thiện như sau:

 

       Do lai duật bạng cửu tương trì,

       Để sự tang thương vị liễu tri.

       Bán chẩm hoàng lương kinh mộng hậu,

       Tiền trần hội thủ sự giai phi.

 

      (Có nghĩa: Nghêu cò kém trí, thợ săn thậm mừng).

 

        5. Thi Đua Làm Chùa: Tại các nước Tây Phương, việc quy định vị trí và công tác xây cất nhà thờ đều căn cứ trên nhu cầu tôn giáo và tỷ lệ phân bố số lượng tín hữu của từng địa phương. Một vùng phải có bao nhiêu tín đồ thì mới được phép dựng một nhà thờ. Tại Việt Nam, nguyên tắc nầy hầu như không được cả nhà nước lẫn các Giáo Hôi áp dụng. Vì vậy mà có nhiều vùng nhà thờ đồ sộ mọc lên quá loạn trước sự nghèo đói của dân chúng. Riêng đối với Phật Giáo, một số ít Tăng Ni trẻ cũng bắt chước tôn giáo khác trong việc lạm phát xây chùa ở những nơi đã có nhiều chùa rồi. Tình trạng phân bố bất hợp lý nầy không những làm cho chính sách hoằng dương Phật Pháp thiếu hiệu năng, mà còn bất chấp cả lời dạy từ bi của Đức Phật là mang đại sự nhân duyên đến cho tất cả chúng sinh. 

 

        Thêm vào đó, làm nhà thờ và làm chùa đôi lúc rất bừa bãi, không xin phép, không theo một nguyên tắc kỷ thuật và mỹ thuật tối thiểu nào cả nên bị chính quyền bắt phải tự tháo gở hoặc bị tháo gở. Nếu sự việc nầy xẩy ra thì họ lại hô hoán là không có tự do tôn giáo và vi phạm nhân quyền! Tại chính các nước Tây Phương như Hoa Kỳ, việc làm chùa, làm nhà thờ hoặc xây cất mà không có giấy phép và không đủ tiêu chuẩn an toàn cũng sẽ bị đình chỉ, thậm chí còn phá đi và chủ xây cất phải chịu trả tiền phạt. Nhưng không thấy ai hô hoán là thiếu tự do tôn giáo và thiếu nhân quyền bao giờ. Do đó, thay vì thi đua làm chùa ở một vài nơi tại Việt-nam và nhiều nơi khác ở hải-ngoại mà xem ra có nhiều vùng không cần thiết, chúng ta nên thi đua tu học và đóng góp vào các công trình văn hoá và công tác từ thiện xã hội v.v...

 

        Để đối phó với tình trạng hết lạm phát Tăng Ni ở vài đô thị lớn lại đến nạn lạm phát chùa ở một số vùng, Giáo Hội nên điều hướng việc trùng tu và xây dựng hệ thống chùa vào những vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên, vùng quê hẻo lánh và đặc biệt là nên trùng tu các chùa làng; những di tích văn hóa bị bỏ quên, Giáo Hội nên ban hành các nguyên tắc hướng dẫn và qui-định tối thiểu để tránh sự phí phạm tịnh tài của Phật tử đóng góp và tránh nạn tăng ly chúng tăng tàn.

 

         6. Đưa Phật Sự Vào Xa Lộ Công Nghệ Thông Tin: Trên cả hai lãnh vực điều hành Giáo Hội và tiếp cận/xử lý thông tin của nhân loại, các phương tiện hiện nay mà Giáo Hội đang sử dụng thì không phù hợp nữa, thậm chí không tương dụng với các đối tác của Giáo hội vốn là Phật Tử và các định chế tôn giáo trên thế giới. Thật ra, sản phẩm của công nghệ thông tin đã phổ quát và đơn giản đến độ không hiểu vẫn dùng được (như khách sử dụng máy bay mà không cần biết máy bay đã được thiết kế và gia công như thế nào).

 

       Thiết lập một hệ thống mạng lưới tin học cho Giáo Hội không phải là chuyện khó, lại cũng chẳng phải là chuyện cần vốn đầu tư lớn, mà hiệu quả sẽ tăng lên cả ngàn lần và ứng dụng của nó thì vô cùng. Từ tích lũy tài liệu đến phân bố kinh sách, từ điều hành nhân sự đến phổ biến thông tin, từ kiểm tra tài chánh đến xử lý công tác. Hai điều lợi nhất của hệ thống nầy là làm chủ thời gian thật, và khống chế không gian theo ý muốn: Một vị Trụ trì ở Cao Bằng có thể biết ngay tức khắc có bao nhiêu phái đoàn tham dự một Đại hội Phật giáo tại Paris, một Ủy viên trung ương của Giáo Hội ở Hà Nội có thể biết được và xử lý kịp thời một nhu cầu tài chánh của một ngôi chùa tại Sóc Trăng, một nhà nghiên cứu Phật Học của một viện đại học Mỹ có thể đọc được thơ của Vua Trần Nhân Tông, ...

 

       Từng bước đầu tư có hệ thống vào hệ thống công nghệ thông tin của Giáo Hội là tăng tốc phát triển một cách an toàn và hiện đại. Và quan trọng hơn, là không bị thời đại và nhân loại bỏ lại đàng sau.         

 

         7. Chương Trình Giáo Dục Tăng Ni Tại Các Trường Cơ Bản Và Cao Cấp: Như chúng ta đã biết, đạo Phật không phải là những giáo điều cứng nhắc và xa vời với thực tế. Đạo Phật không nói chuyện trên trời mà nói chuyện con người. Mục tiêu chính của độc thần giáo là phụng sự Chúa, còn đạo Phật thì phụng sự chúng sanh. Giáo lý của Phật là cái gì có thể nắm bắt và thực chứng. Do đó, chương trình giáo dục Tăng Ni trong các trường cơ bản và cao cấp Phật-Học phải được hoạch định để giá trị bằng cấp của các trường Phật Giáo phải được chính thức thừa nhận, nếu không cao hơn thì cũng có giá trị tương đương với các trường khác hầu giúp cho Tăng Ni sinh không cần phải theo đuổi một lúc 2 chương trình là chương trình cao đẳng của trường Phật Học và chương trình của một đại học ngoại điển khác ở bên ngòai. Muốn giỏi thì sinh viên nên được hướng dẫn và khuyến khích chọn những môn học mà mình thực sự có năng khiếu, chứ không nên một lúc ôm đồm học nhiều môn thì sẽ không học được gì cả.

 

         Để có thể đạt được mục đích nâng cấp giá trị văn bằng của các trường Phật Giáo, uỷ viên giáo dục của Giáo-Hội nên có một chương trình giáo-dục tốt, tổ chức và tạo điều kiện cho ban giảng huấn tham gia các chương-trình tu nghiệp và hội thảo về giáo-dục, trong đó quy tụ nhiều chuyên viên và các nhà giáo dục có tiếng trong nước và nước ngoài để tạo cơ hội cho ban giảng huấn trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy.

 

          8. Học Hàm Thụ: Mấy năm gần đây H. T. Thích Trí Quảng và báo Giác Ngộ có tổ chức chương trình học hàm thụ, đó là một trong những điểm son cần được tán thán công đức. Giáo-Pháp của Phật là một món hàng vô giá, nhiều Phật tử không đủ phương tiện và điều kiện để đến trường Phật Học thì chương trình hàm thụ là một đáp ứng cần thiết. Những người hiểu và thực hành lời dạy của Phật sẽ trở thành những công dân tốt góp phần dựng nước và giử nước. Thời Lý Trần, vịêc dựng nước và giữ nước đều dựa trên căn bản học đạo và hành đạo từ vua quan đến dân chúng, vì thế mà quân Nguyên Mông bị đuổi đi như đuổi vịt. Đó là một trong những nét vàng son cần được duy trì và phổ triển. Các lớp học hàm thụ không những chỉ được tổ chức tại các thành thị mà nên mở rộng khắp các tỉnh, thành và làng mạc để mỗi người Phật Tử luôn luôn vẫn là những con người có đạo lực cao trong việc hộ quốc an dân cho mọi thời đại.

 

           9. Hiện Đại Hóa Danh Từ Phật Học: Phật là gương sáng trong việc thích ứng phương thức quãng diễn chánh pháp. Ngôn từ và cách thế thuyết pháp của Đức Phật đổi thay tùy theo hoàn cảnh và căn cơ người thọ nhận. Chúng ta đã bỏ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi bỏ chữ Nôm sang mẫu tự La-Tinh. Ngoài ra, một điều đáng lo cho những người Việt lưu vong, và nhất là con em người Việt lưu vong, là chúng ta đang bỏ tiếng Việt để dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga... Phật Giáo Việt Nam - ở hải ngoại cũng như trong nước - phải đối phó với hiện tượng đa ngôn ngữ ấy như thế nào? Những kinh văn nặng nề Hán Việt như chú Vãng-sanh, Tiêu Tai Cát Tường Thần chú, chú Đại Bi và ngay cả kinh Nhật-Tụng cũng thiếu sự thống nhất. Có rất nhiều cuốn kinh tụng hằng ngày được lưu hành, mỗi chùa dùng một bản khác nhau, đã tạo rất nhiều trở ngại cho việc đọc tụng của tín đồ.

 

        Ngoài ra nhà Phật chủ trương như thế nào và Phật-Tử phải có thái độ như thế nào về quản lý kinh tế thị trường và tự do mậu dịch, về môi sinh, về nền văn hóa thụ hưởng chết bỏ, về những hậu quả của văn minh dot.com đối với tâm linh, về thực phẩm cải biến, về gene, về cloning, về phá thai, về trợ tử. Dĩ nhiên, người Phật-Tử tin tưởng mình thuộc vào một tôn giáo vượt lên trên khoa-học và đạo pháp vi diệu miên viễn sẵn có những câu trả lời thích đáng cho từng câu hỏi đó, bởi lẽ thời nào đi nữa thì thế giới cũng không thể vận hành ra ngoài vòng Sinh-Trụ-Dị-Diệt, cũng như con người không thể thoát khỏi con đường cong một chiều Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Nhưng ngôn từ của trăm năm trước, của mười năm trước và bây giờ đã khác nhau. Cho nên, không trả lời - hay không nghĩ đến cách trả lời - cho những câu hỏi đó thì văn học Phật Giáo không khéo sẽ trở thành văn chương không phải của Nguyễn Du, Phạm Thiên Thư, Trịnh Công Sơn, mà là văn chương của Nhị Độ Mai, Cung Oán Ngâm Khúc, hay của Nguyễn đình Chiểu chỉ gần gũi với những chuyên viên Hán-Nôm mà không gần gũi với đại chúng.

 

                 10. Một Trung Tâm Văn Hóa  Có Tầm Cở: Thư khố trung ương và viện bảo tàng Phật Giáo -  Dưới danh xưng nào thì ngày 30.4.1975 cũng là cơ may cho Phật Giáo thống nhất thật sự. Mọi ý thức phân rẽ cục bộ sẽ bị hồn thiêng sông núi và đạo lực của truyền thống Phật Giáo Việt Nam hóa giải.

 

        Nhiều ngàn năm qua Phật Giáo Việt-Nam đã xây dựng được những ngôi chùa nguy nga đồ sộ, nhưng kiểu đồ sộ xưa tuy có giá trị lịch sử và văn hóa cao nhưng lại thiếu tiện dụng cho các hoạt động hôm nay. Nếu có một cuộc đại hội Phật-Giáo toàn quốc hay đại hội Phật-Giáo thế giới với số lượng khoảng một ngàn người ngay cả chỉ có 500 người, chúng ta cũng thấy trở ngại về phòng họp, phòng ăn, phòng vệ sinh, về tổ chức, về kiểm soát, về điều hành. Do đó, thay vì thi đua làm các ngôi chùa nhỏ, mà nhiều nơi lại không cần thiết, Giáo-Hội nên nghiên cứu chương trình xây cất một cơ sở Phật-Giáo có tầm cở của Thế-kỷ 21 trên một khoảng đất rộng tối thiểu vài chục mẫu. Trong đó gồm một thư khố Phật-học, một viện bảo tàng Phật giáo, một phòng họp hiện đại, phòng ngồi thiền có thể chứa đựng vài ngàn người cùng một lúc, phòng ẩm thực, công viên, thiền cảnh... Chia ra khu tĩnh, khu động. Ngay cả trong công trình nầy cũng nên nghiên cứu xây cất một khách sạn hay lưu xá vài trăm phòng để làm nguồn lợi tức cho việc hoằng dương Phật Pháp thay vì nhất nhất mọi việc đều kêu gọi vào sự đóng góp của tín đồ. Mỗi Phật Tử hay mỗi gia đình Phật Giáo trong và ngoài nước có thể được mời vào ban sáng lập bằng sự cúng dường một khoản tiền nào đó cho việc xây cất cơ sở nầy. Phải chăng đây là thời gian đúng lúc, đúng thời để đại hội thảo luận thêm vấn đề này?

      

 

 *  *  *

 

      Kính thưa quý vị,

 

     Thời vua A-Dục tại Ấn-Độ, thời nhà Đường tại Trung-Hoa, thời Lý-Trần tại Việt-Nam, hộ trì chánh pháp là công việc của các vua quan và đại thần với sự đồng thuận của mọi giai tầng xã hội, nhờ thế mà dân giàu nước mạnh, xã hội thái bình. Những bài học lịch sử đó phải chăng cần được tất cả người dân Việt ý thức và chiêm nghiệm để phụng sự tổ quốc tốt đẹp hơn, và lúc sơn hà nguy biến thì có thể đuổi kẻ xâm lăng như đuổi vịt.

           

     Chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm 2002. Chỉ còn mấy tuần nữa là đến năm 2003. Một số ý kiến thô thiển của chúng tôi hôm nay xin được trình lên chư Tôn-Túc, qúy đại biểu, qúy vị khách qúy và chư Phật tử trong truyền thống phục vụ Dân Tộc trong ánh sáng của Đạo Pháp và phục vụ Đạo Pháp trong hoàn cảnh cụ thể của Dân Tộc.

 

       Ai rồi cũng phải ra đi, không thể ở mãi trên thế gian nầy. Vậy thì xin gởi lại những gì đẹp cho nhân thế. Vâng chúng ta nên cố gắng.

  

      Xin cám ơn và trân trọng kính chào liệt qúy vị.

                                              

 

       Hồng-Quang

       29-11-2002

Nguon:  http://giaodiemonline.com/2012/09/thamluan.htm 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage