Con người là tên gọi đích thực của nỗi đau khổ triền miên bất tận trên
cõi đời này. Hay nói khác hơn, con người đã mang lấy một thuộc từ là
“đau khổ” khi khởi đầu thân phận mình. Thế thì có ai là người đã hạnh
phúc thật sự để được sống ở đời?
Người khách đã tự hỏi lòng mình
như thế vào một buổi chiều cuối năm, khi không gian yên tĩnh lại càng
yên tĩnh hơn, vì câu hỏi này vẫn bị bỏ ngỏ, vẫn không được trả lời, vẫn
là niềm ray rứt khôn nguôi bên lòng người khách. Để rồi cho đến một
hôm, sau tuần trà buổi sáng trong thư phòng, người khách mới chợt nhớ
lại câu chuyện Đức Phật trên một bờ sông nọ, xưa lắm rồi, nhưng có thật
trong lịch sử con người. Có lẽ Đức Phật là người đầu tiên đã định nghĩa
lại danh từ con người với bao hàm ý nghĩa rất nhân bản trong nguyên ngữ
“Buddha” được dịch ra là “Người Tỉnh Thức”.
Người tỉnh thức thì không còn đau khổ nữa, cho nên người khách từ
đây hướng lòng về quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, như là một điểm
khởi đầu cho cuộc hành hương đời mình vào Đức Phật, mà trên đó một ngôi
thiền thất nhỏ sẽ được dựng lên với vẻ uy nghi mà lại giản dị với thiên
nhiên hữu tình để phụng thờ Đức Bổn Sư Mâu Ni, mà nhất là để chiêm bái
tượng Đức Quán Âm, vị Bồ Tát có đôi mắt nhìn xuống chúng sinh đau khổ.
Khi ấy chính là lúc từ trong chiều sâu thẳm đến cùng tận tâm hồn của
người khách, chầm chậm vang lên từng đợt những âm ba dài của hải triều
vọng lại, vỗ về những cung điệu cổ xưa từ vô thủy. Cùng lúc đó những
tiếng sóng gào thét của khổ đau cũng bùng lên dữ dội, chập chùng không
dứt trên biển tâm thức. Chuyển động càng bao la, những lúc này, người
khách có cảm giác như là thời gian muốn ngừng lại.
Nhưng rồi mùa
Đông cũng phải lụi tàn đi, để nhường cho một mùa Xuân mới khác xuất hiện
trở lại trên địa cầu. Thật vậy, cũng cùng lúc ấy, người khách lại một
lần nữa hiểu dần ra được đâu là ý nghĩa câu hỏi mà Bồ Tát Vô Tận Ý thỉnh
vấn Đức Thế Tôn về nhân duyên danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm trong
phần mở đầu phẩm Phổ môn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
“Nhĩ thời, Vô Tận ý Bồ Tát tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, hợp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn:
Thế Tôn, Quán Thế Âm Bồ Tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?”
(Nghĩa:
Lúc bấy giờ ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo
bày vai hữu, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: “ Thế Tôn, Ngài Quán Thế
Âm Bồ Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”)
Và đến đây,
cuộc hành hương vẫn cứ tiếp tục trong khi câu hỏi trên kia mỗi lúc càng
thêm xúc tích, thân tình như một công án thiền phải cưu mang trong đời,
nhất là vào những lúc như lúc thư thả này, ngồi uống ngụm trà mạn, nhìn
hoa cúc vàng nở đầu năm.
Việc chùa cũng vừa xong, về thắp hương thư phòng, quanh bên làn khói tỏa, con thỉnh Phật uống trà!
Khuyết Danh
http://www.thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=7387