Lúc nhỏ, khách tới nhà, chào hỏi, thưa gửi xong là chạy ngay xuống nhà
bếp, trốn thẳng vào buồng ngủ hoặc một góc nhà. Lúc bị ba mẹ trách mắng
hay đánh đòn xong, cũng bỏ trốn ra hàng tre bên hông nhà ngồi một mình.
Khi đi học, đám bạn gây chuyện rồi còn về “méc” người nhà, ông bà nó
ghé qua nhà nội, nhà mình “bán vốn”; thế là được một trận đòn chổi lông
gà te tua. Sau đó, không gì hơn là lấy xe đạp chạy ngay về với ngoại.
Rồi
lớn lên, khi nhà xảy ra nhiều chuyện, nó cũng “trốn” về với ngoại. Đến
khi học đại học, nó vẫn hay trốn về với ngoại. Chỉ có ngoại là che chở
cho nó. Giờ ngoại mất rồi, không còn chỗ nào an toàn để chạy trốn...
Đôi
khi ta muốn trốn chạy khỏi thực tại của mình - thực tại với quá nhiều
những ưu tư mà ta chưa thoát ra được. Và những ưu tư ấy đang dần biến
thành sự bất lực và ám ảnh ta đến kiệt quệ cả tâm sức. Khi ấy, ta muốn
biến mất khỏi thực tại của chính mình. Ta muốn chạy, chạy thật xa đến
một nơi lạ lẫm. Đó là nơi người không biết ta là ai, ta là kẻ xa lạ với
người, ta không dính líu gì với người. Đôi lúc ta bất lực đến mức muốn
phủ nhận và rũ sạch tất cả những điều thuộc về mình; như thể một tên
phạm nhân đang loay hoay tìm mọi cách để được thoát khỏi tội lỗi hắn ta
vừa gây ra.
Chạy trốn là cách người ta bảo vệ mình khỏi những bất
lực đang phải đối mặt. Khi thực tế còn nhiều quá những xót xa, bế tắc,
người ta muốn trốn mình vào nơi nào đó để tìm lại cho mình chút bình an,
chút năng lượng để trở về và đối mặt với thực tại của chính mình. Chạy
trốn có thể được xem là biểu hiện của sự hèn nhát, không dám đương đầu
với thực tại, với vấn đề và thử thách của chính mình. Tuy nhiên, chạy
trốn cũng là cách người ta nấp mình, quán sát, suy tư và làm mới mình
trước những mớ bòng bong ám ảnh trong tâm thức. Đi hoài, đôi chân cũng
có lúc thấy mỏi. Và đôi chân ấy, muốn dừng lại… ít lâu hoặc... thật lâu…
Sự
trốn chạy bất lực hình như cũng chẳng thể mang lại kết quả. Dù có chạy,
ta cũng không thể trốn tránh cả đời được. Dù có trốn, ta cũng không thể
nào trốn tránh chính bản thân mình. Và không có giải pháp nào rốt ráo
và triệt để hơn là phải can đảm đối diện với chính những khó khăn và ám
ảnh của mình.
Mỗi người sống trên cuộc đời này đều có những niềm
riêng và những nỗi sợ hãi không thể sẻ chia cùng ai. Thế nên có nói gì
chăng nữa, ta cũng nên cảm ơn cái được gọi là số phận; cảm ơn những giây
phút ta muốn trốn chạy khỏi thực tại của mình. Vì chính khi ấy, ta biết
trong ta còn chút sức lực để đấu tranh; để bước tiếp cuộc hành trình
của mình.
Cảm ơn những ưu tư, những thử thách đang vây lấy ta;
để ta biết mình còn ý chí, còn sự dũng cảm và không gục ngã, không phó
mặc cho số phận. Ta biết mình còn phải đi, đi cho hết con đường mòn mỏi,
vì đời còn ánh bình minh, còn ngày mai và còn ngày mai của những ngày
mai…
Trần Trọng Hiếu - GNO