Sư phụ thường dành dụm tiền để mua đậu hủ vào các ngày
rằm và ngày cuối tháng để chúng điệu ăn cho có sức khỏe mà lạy hồng danh
sám hối. Các thầy lớn thì không, chứ một lần mà chùa dọn đậu hũ chiên
chúng tiểu mừng rối rít. Các chú mặt rạng rở cười cười chúm chím vì sợ
sư phụ la rầy là tu mà còn tham miếng ăn. Một kỷ niệm lén luộc trứng gà
ăn và pháp sám hối làm các tiểu ấn tượng sâu sắc về tình thương của
thầy.
Các tiểu tuổi nhỏ mới lớn, thèm đồ
ăn lắm. Một hôm có con gà hàng xóm đến làm tổ sau hè nhà Tăng và đẻ
được mấy quả trứng. Chúng tiểu phát hiện được và sinh tâm lấy trứng luộc
ăn. Trong đám tiểu đó, có tiểu nhỏ nhất mới vào chùa được hơn một năm,
nói với tiểu huynh rằng: Hồi đó, em ở nhà ba má em thường hay luộc trứng
cho em ăn, nó ngon lắm! Thế là chúng tiểu bàn bạc, giữ bí mật đừng cho
sư phụ và các đại huynh biết mình lấy trứng luộc ăn. Nhưng phận chúng
điệu còn ngây thơ làm sao dám mon men lấy soon nồi dưới bếp dùng, huống
chi làm việc phi pháp này.Thế là các chú lấy cái ấm nước nhôm củ sau
vườn chùa, rữa sạch bỏ trứng vào, đem lui sau góc xa của vườn chùa để
nấu. Phải dùng ba cục gạch làm bếp lò, hốt là mít khô làm củi để nấu.
Bữa tiệc lén lút ăn cho thỏa chí thèm thuồng đã qua vài ngày. Không biết
béo bổ bao nhiêu và chúng tiểu lại phát sinh nhiều hối hận. Trong giờ
nghĩ trưa chỉ tịnh, các chú thì thầm đổ lỗi cho nhau về việc làm này.
Chúng tiểu thỏa thuận giấu các thầy và lên bàn Bồ tát hộ pháp tụng kinh
Địa tạng sám hối và làm lễ siêu độ cho mấy chú gà trong những quả trứng
đó.
Một hôm nọ, sau thời bố tát tại
chùa, chúng Tăng lên chùa tụng giới luật, đây là nghi thức truyền thống
đúng theo lời Phật dạy. Đầu tiên là đọc tam qui ngũ giới cho chúng
tiểu. Chúng tiểu áo tràng nghiêm chỉnh và chắp tay búp sen đặt trước
ngực và lắng nghe. Trước hình ảnh trang nghiêm của nghi thức tụng giới.
Sư phụ trú trì với khuôn mặt nhân từ, đôi mắt như tư thế ngồi thiền,
ngước nhìn vào lớp chúng điệu. Bên phía trái và phía phải, các thầy
lớn cũng ngồi ngay ngắn đón giờ tụng giới. Chúng tiểu thấy sự im lặng và
trầm hùng toát ra từ đoàn thể đại tăng. Các chú quì nghe năm giới mà
chú nào cũng nhắm mắt lại như có vẽ không dám đối diện sự thật. Trong
lòng các chú cảm thấy khó xử quá chừng. Buổi nghe thuyết ba pháp qui y
và năm giới, lòng các chú càng nặng nề hơn vì chuyện luộc mấy quả trứng
gà. Khi chúng tiểu nghe giới xong về nhà xầm xì với nhau rất lâu.
Chuyện ăn lén mấy quả trứng giải quyết rồi sao sáng nay thấy lòng chúng
ta bất an quá. Chú tiểu huynh than thở rằng, vì mình sám hối mà chưa
thành tâm nên chưa hết tội. Tiểu đệ nói rằng sao mà chưa hết tội, vì
mình đã sám hối và siêu độ rồi mà. Tiểu huynh tỏ vẽ mình là người thông
thái kinh luật hơn chúng tiểu và kiếm lời để giải thích. Các thầy có dạy
là làm tiểu phải kính thầy mình như kính Phật. Tuy rằng mình sám hối
trên chùa nhưng chưa sám hối trước sư phụ nên tội lỗi chưa hết. Vã lại ,
mình ăn trứng gà, tức là giết con gà con từ trong trứng là mang tội sát
sanh. Ăn xong rồi mà giấu sư phụ thì còn mang thêm tội che giấu, là
đồng nghĩa thêm tội nói láo. Nhân quả ba đời, mình làm mình chịu chứ
không ai chịu thay mình đâu. Nghe tiểu huynh nói say sưa đạo lý nhân
quả, chúng tiểu nhỏ cảm thấy đúng. Một chú mạnh dạn đứng lên nói rằng,
thôi đủ rồi, mình phải đi tìm sư phụ sám hối.
Chúng tiểu áo tràng nghiêm túc
đi đến quì trước sư phụ, tiểu huynh đại diện tỏ bày hết sự tình và cầu
xin sám hối. Sư phụ nghe xong, ngài im lặng rất lâu. Im lặng càng lâu
bao nhiêu thì chúng tiểu càng bối rối bấy nhiêu. Các chú cũng nhắm mắt
mà chờ đợi, xem diễn tiến tình huống sẽ đi về đâu. Sự im lặng như có
gợi nhớ trong lòng sư phụ điều gì khó tả, lúc này chúng tiểu cũng không
suy đoán sư phụ đang suy nghĩ gì. Một lúc sau, ngài dạy các con hãy
lắng nghe thầy dặn. Phật dạy trong cuộc đời có hai hạng người là cao
quí nhất. Hạng thứ nhất là các bậc trong sạch vẹn toàn không phạm một
điều tội lỗi nào. Hạng thứ hai là người có phạm sai lầm mà thành tâm
biết lỗi. Hôm nay các con thành tâm sám hối là điều thầy mừng. Các con
nhớ lần sau đừng lặp lại nữa. Không hiểu sao, sư phụ đang nói mà lòng
nghẹn ngào như sắp khóc. Ngài giấu mặt bằng cách quay người qua hướng
khác và bảo rằng: Thôi được rồi, các con về nghỉ đi. Các chú cảm nhận
rằng, có một tình thương kì diệu trong thầy đang phủ khắp tâm hồn của
các chú tiểu. Chúng tiểu im lặng lạy thầy trong nước mắt mà lặng lẽ bước
ra. Trong thâm tâm một bậc thầy tuổi quá sáu mươi, nhìn đám tiểu như
người cha nhìn những đứa con. Các con nhỏ đó đang thiếu miếng ăn ngon
lúc còn tuổi thơ. Tuy không nói ra cho chúng tiểu biết , nhưng lòng sư
phụ đau như cắt. Con nít bên ngoài bằng tuổi chúng điệu, muốn gì được đó
thỏa thích vui chơi. Còn chúng tiểu này còn nhỏ, ngày ngày ăn chay, tu
học mà lại thiếu miếng ăn. Thời buổi lúc đó, sư phụ xoay xở để chúng
điệu đủ cơm ăn là quí lắm rồi.
Chúng tiểu bước ra ngoài và về
phòng ngũ. Các chú im lặng khá lâu. Từ ngày về chùa được thầy nuôi dạy
và săn sóc. Chưa bao giờ các chú xúc động và rưng nước mắt như hôm nay.
Cái tâm trạng nhớ ơn thầy giờ này đã thẩm thấu khắp tâm can các chú tiểu
nhỏ. Chú tiểu nhỏ thỏ thẻ với các tiểu huynh rằng, sao em thấy lòng sư
phụ mình cao đẹp như Bồ Quán Thế Âm. Cả chúng tiểu đều rưng nước mắt,
nghe xong lòng tràn đầy nỗi niềm biết ơn. Một chú bảo rằng, thôi từ nay
mình đừng làm sư phụ buồn nữa, cả chúng tiểu đồng thanh đáp “Ừ”. Các
chú như thỏa mãn với những ước nguyện trong lòng và bắt đầu thiu thiu
ngũ.
Vài hôm sau, sư phụ nhóm chúng mà
gởi vài lời sách tấn tu học. Thầy tán thán tấm lòng chân thật của các
chúng tiểu. Thầy giải thích rộng rãi hơn về chuyện ăn chay. Thầy bảo,
các chùa Nam Tông ở các nước Tích Lan, Lào, Thái lan tăng sĩ được quyền
khất thực và ăn các món mặn. Mình cũng theo Phật, theo trường phái Bắc
tông chỉ ăn chay không ăn mặn. Ăn chay đủ chất thì cũng đầy đủ sức khỏe
tu học. Sư phụ khóc vì hồi đó, cơm vừa đủ no thôi, thức ăn vô cùng đạm
bạc. Kì thực, lúc đó chúng điệu suy dinh dưỡng rất nhiều. Tiền đâu mà đi
chợ mua thức ăn hằng ngày. Đồ rau củ chúng Tăng ăn hằng ngày được xin
từ các chợ ở Sài gòn mang về. Mỗi tháng quí Phật tử hảo tâm ở Sài gòn đi
xin thức ăn về chùa cúng dường một đến hai lần. Cách sử dụng thức ăn
như sau, giả sử mấy giỏ càn xé chứ đủ loại rau củ. Những món rau củ nào
dễ bị khô héo trước thì ăn trước, món nào khô héo sau thì ăn sau. Ví dụ,
Su le là loại mau hư nhất thì ăn mấy ngày liền cho hết, tiếp sau là cà
rốt, tiếp sau nữa là bí ngô… Có món ăn tới trên ba bốn ngày cũng chưa
hết. Chúng điệu ai cũng im lặng ăn trong chánh niệm. Các chú mỗi lần
thấy một món thức ăn lặp di lặp vài hôm, chỉ nói một câu văn chương hài
hước rằng: “Cũng là cây đa bến củ con đò năm xưa”. Nói xong cười với
nhau vui vẽ.
Trong chùa hồi đó, gồm chúng tăng
xuất gia tại chùa và các thầy các chú từ các nơi khác xin ở để đi học.
Dù chúng đệ tử hay chúng ngoài đến ở học sư phụ cũng đối xử bình đẳng.
Sư phụ ân cần nói chuyện như một lời tâm sự. Trong hoàn cảnh này, thầy
phát nguyện với Phật là nuôi tăng chúng ăn học. Hồi thầy làm tiểu cũng
khổ lắm mà thầy rán tu. Thầy ở với sư ông từ khi lọt lòng, chẳng bao giờ
biết mặt cha mẹ đẻ của mình. Sư ông nuôi thầy là nuôi từ một đứa trẻ mồ
côi. Tuổi thơ không hề biết cha mẹ, thầy xem thầy mình là cha mẹ. Ôi
những năm xa xưa ấy, thầy đã từng lang thang bán báo để để kiếm tiền ăn
học. Trong nghèo khó ấy mới tôi luyện tình thương và ý chí của người tu.
Thầy thường tụng kinh, tụng chú và niệm Phật. Từ khi vừa trưởng thành,
thầy đã lấy pháp môn tụng chú đại bi và niệm Phật làm hành trang tu học
của đời mình.
Thầy dạy, hôm nay chùa mình còn
thiếu thốn, nhưng chưa đến nỗi đói cơm rách áo. Các con chịu khó ăn
tương chao dưa muối qua ngày mà học. Khó khăn trong đời chỉ một giai
đoạn thôi. Tuổi học hành theo trường lớp là quan trọng vào lúc này các
con ạ. Các con nhớ rán học sau này biết nẽo mà tu. Như tuổi thầy bây giờ
muốn học mà học sao được. Thế hệ của thầy đã qua rồi, thế hệ các con
nối tiếp lo việc Phật giao phó. Ôi những tâm sự chân thành ấy tác động
Tăng chúng hơn một bài thuyết pháp với nhiều ngôn từ bóng bẩy. Hình ảnh
thầy với lời dạy đó tạo cho chúng điệu sức mạnh tu học trong cuộc đời.
Tuổi Sa di ham ăn ham ngủ, nhớ
những lời dạy mà chúng con chịu khó tu học. Kì thực, tấm lòng rộng mở
nuôi tăng sĩ trẻ là một sự dấn thân trong giai đoạn ấy. Sư phụ đã âm
thần thực hành hạnh nguyên Bồ tát. Tinh thần tiếp độ chúng sanh báo ơn
đức Phật, không dễ gì ai cũng làm được. Trong chúng tiểu ăn lén trứng gà
thời đó, nay có vị trở thành những vị tăng đáng kính. Các vị đó đã học
hành đến nơi đến chốn. Thầy từ kinh nghiệm bản thân mà thương học trò.
Từ vị tăng đã từng chịu cảnh nghèo khó mà phát nguyện nuôi dạy Tăng
chúng thành tài. Từ trong mọi hoàn cảnh gian nan vẫn giữ gìn thái độ tu
niệm chân thành. Sư phụ một đời lòng dạ luôn sắt son với Tam Bảo. Ôi,
chùa xưa nay vẫn còn đó, sư phụ đã về cõi Phật. Những lớp Tăng trẻ ngày
ấy có duyên được ngài che chở nay đã trưởng thành. Chúng con hiểu rằng,
trong các thứ hương thơm, hương thơm của người sống đạo lý là không bao
giờ phai tàn. Tình thương của thầy đã tỏa rạng trong lòng hậu thế, hòa
quyện trong núi sông và đất trời bao la bất diệt.
(Trích từ tác phẩm “Đi tìm Phật”, Thích Đức Trí)