Chùa Bửu Minh

Nhìn tấm ảnh này, với những người Hà Nội cao niên có thể nhận ra vị trí hiện tại vì cái cổng khá độc đáo. Đó chính là một trong những công sở mà chính quyền thuộc địa xây dựng từ rất sớm, gần như cùng lúc với sự thành lập thành phố Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX.



Đó là trại binh của một sắc lính thuộc địa ban đầu có tên là Garde civile Indigène (dịch là Lực lượng phòng vệ bản xứ) mà dân gian gọi là “lính khố xanh” chỉ bởi lẽ trang phục của họ có một mảnh vải che và thả trước bụng tựa như cái “khố”. Nó màu xanh để phân biệt với một sắc lính khác mà phần trang phục này màu đỏ (lính khố đỏ). 

Sắc lính gắn với màu xanh có chức năng bảo vệ trị an, canh gác các công sở và đối phó với dân bản xứ. Còn sắc khố đỏ là lực lượng vũ trang hỗ trợ cho quân đội chính quy của Pháp và các sắc lính người các xứ thuộc địa khác (chủ yếu là châu Phi) tham gia các chiến dịch quân sự ở trong và ngoài lãnh thổ. 

Nếu lực lượng quân đội thuộc địa ở Hà Nội đóng trong thành, thì để bảo vệ trị an cho thành phố, một trại lính khố xanh được xây trên đất làng Vọng Đức vào năm 1895 khi đó còn thưa dân nhưng đang được quy hoạch thành một khu dân cư phía Nam Hồ Hoàn Kiếm, đáp ứng làn sóng đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ sau khi Cầu Doumer (Long Biên) được khánh thành (1902).

Cạnh trại lính này về phía hồ là một trường nữ sinh đầu tiên mang tên viên Toàn quyền Đông Dương dân sự đầu tiên (Paul Bert), sau đó đổi tên thành Đồng Khánh là tên vị vua đã nhượng đất Hà Nội cho Pháp xây thành phố (1888), nay là Trường Trưng Vương.

Lực lượng lính khố xanh sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chính phủ thân Nhật Trần Trong Kim vẫn duy trì và đổi tên là “Bảo an binh”. Và chính tại nơi đây, vào trưa ngày 19/8/1945 đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh xuất phát từ Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố theo một mũi kéo đến cổng Trai Bảo an binh và bằng sức mạnh quần chúng, khí thế áp đảo của cuộc tổng khởi nghĩa đã khiến toàn bộ lực lượng bảo an binh tại đây hạ vũ khí. Một bộ phận quan trọng đi theo và tham gia vào lực lượng vũ trang cách mạng trong đó có đơn vị nhạc binh do ông Quản Liên chỉ huy. Lực lượng ngay sau đó tham gia vào các sự kiện quan trọng với các bản nhạc cách mạng trong đó có Quốc ca của nước Việt Nam độc lập.

 

Nơi đây sau này được sử dụng làm trụ sở của nhiều cơ quan của lực lượng Công an Nhân dân. Điều đáng nói là kiến trúc rất độc đáo của chiếc cổng kiểu cổ với những nét trang trí tinh xảo bằng công nghệ đắp họa tiết bằng vữa truyền thống. Đường nét vốn rất sắc sảo nhưng thời gian và sự thiếu chăm sóc cho đến nay đã trở thành một chiếc cổng nếu được chú ý vì sự nhếch nhác xuống cấp hơn là vẻ đẹp vốn có (như trong ảnh). 

Địa chỉ của chiếc cổng này là 40A Phố Hàng Bài. Tin tức cho biết, một ngày không xa khu vực này sẽ được chuyển cho các doanh nghiệp bất động sản khai thác một không gian rất đắc địa ở trung tâm thành phố. Liệu cái kiến trúc đã xuống cấp này có bị phá bỏ hay không. Xin lưu ý đến nay trên vách cổng vẫn còn lưu một tấm bảng ghi dấu di tích về một địa điểm nổi bật trong những sự kiện liên quan đến Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 của Thủ đô Hà Nội.

c
 

Liệu người ta có tính đến việc phục chế lại cái cửa này như một loại hình khá đặc trưng của kiến trúc truyền thống vào buổi giao thời, đã tồn tại vượt ngưỡng 100 năm theo tiêu chí của Luật Di sản. Hơn nữa nó cũng là một dấu tích lịch sử cách đây đã 65 năm, không nên để mất đi trong ký ức về một cuộc Cách mạng hào hùng của Thủ đô Hà Nội.

e
Kiến trúc nhìn theo các góc độ khác nhau.

 

f
Kiến trúc hiện tại

 

Kiến trúc hiện tại
Kiến trúc hiện tại


Dương Trung Quốc


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage