là phương tiện đem đến người
Phật tử một đời sống thanh thản và hướng thượng. Trong bài này, chúng
tôi bước đầu tìm hiểu những bước hình thành của âm nhạc trong PG qua
các nền văn hóa. Vốn là một phương tiện biểu hiện
cảm xúc và tư tưởng, xưa nay âm nhạc vẫn luôn là một hình thức sinh
hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người, suốt cả
chiều dài lịch sử. Khi đề cập đến vai trò của âm nhạc trong cuộc
sống, dù rằng có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng không một ai có
thể phủ nhận một sự thật là âm nhạc luôn gắn liền với cuộc đời của
mỗi người. Từ khi còn nằm trong nôi, con thơ đã nghe được lời ru ngọt
ngào tha thiết của mẹ hiền. Rồi khi một ai đó đi về cõi vô biên,
những âm thanh thống thiết, xót xa của nhạc tang lại trầm bổng ngân vang
nơi nấm mồ hoang liêu, cô quạnh.
Thưở Ðức
Phật còn tại thế, các vị Tỳ Kheo tu tập rất tinh cần. Ngoài việc khất
thực, nghe pháp hay giáo hóa quần chúng, họ dành toàn bộ thời gian
còn lại cho việc tu tập thiền quán. Lúc ấy, âm nhạc chỉ phù hợp với
người cư sĩ tại gia, còn đối với Tăng đoàn thì âm nhạc được xem là
không phù hợp lắm vì nó thường gợi lên những tình cảm bi lụy, quyến
luyến, làm xáo động tâm thức và gây ra nhiều trở ngại cho sự thăng hoa
của tâm linh. Mỗi khi tụ hội và ôn lại những lời dạy của Ðức Phật, chư
vị Tỳ kheo chỉ tụng theo ngữ điệu thông thường, không có nhạc cụ, và
dĩ nhiên cũng không tán tụng du dương như thời nay. Kinh Tỳ Ni Mẫu
có kể chuyện một Tỳ kheo nọ rất đam mê âm nhạc. Vị ấy thường hay tấu
lên những khúc nhạc véo von khi tụng lời Phật dạy. Khi hay tin này,
Ðức Thế Tôn liền quở trách và cấm không cho vị ấy sử dụng âm nhạc
nữa. Âm nhạc không những làm nhiễu loạn tâm tư của kẻ phàm phu mà
ngay cả tôn giả Ðại Ca Diếp cũng bất giác rung chân nhịp theo từng âm
điệu trong lúc 500 vị tiên nhân đang vui đùa ca múa. Ðối với hàng Phật
tử tại gia, Ðức Thế Tôn cho phép họ được ca múa, đánh đàn, thổi sáo,
tấu nhạc để tỏ lòng thành kính của mình, tán thán và cúng dường lên
Tam bảo. Người Phật tử Ấn Ðộ thời bấy giờ thường dùng điệu Raga, một
làn điệu âm nhạc nhịp nhàng, êm ái cổ xưa để bày tỏ niềm tri ân với
Ðức Phật. Âm nhạc PG được hình thành từ thời điểm này.
Ðức Phật luôn nhắc nhở các đệ tử của Ngài rằng sự tham đắm, luyến ái,
chính là cội gốc của sinh tử luân hồi, người nào chưa đoạn trừ được
tham ái thì vẫn cứ mãi chìm đắm trong dòng đời khổ đau chập chùng. Do
vậy, Ngài khuyên những người xuất gia cần phải nhiếp tâm tu trì,
không rong ruổi theo thế gian; thay vì tìm kiếm niềm vui trong âm nhạc
như người thế tục thì hàng xuất gia nên tìm đến niềm an lạc chân thật
kỳ diệu trong thể tánh thanh tịnh của mình. Hầu hết giới luật dành
cho người xuất gia cũng như giới Bát quan trai của người Phật tử đều
răn cấm các giới tử không được biểu diễn hoặc xem nghe âm nhạc. Kinh
Phạm Võng Bồ tát giới có nói: "Chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi
cờ, đánh bạc.". Như vậy ngay cả hàng Bồ tát mới phát tâm cũng còn
phải giữ cấm giới về âm nhạc. Còn đối với các bậc Bồ tát thượng thừa
trở lên, âm nhạc là một trong những phương tiện hữu hiệu cho việc hóa
độ chúng sinh. Tuy các Ngài đàn hát, ca muá hay làm các việc thế tục
để tùy thuận chúng sinh, nhưng không một mảy bụi trần nào có thể bám
vào tâm thể thanh tịnh chói ngời, không một âm thanh sắc tướng nào có
thể lay chuyển tâm kim cang bất hoại của các Ngài. Khi xưa, cũng vì
phương tiện độ sinh mà Ðức Phật phải dùng đến âm nhạc. Căn bản Tạp
sự, quyển 38, có nói: "Ðức Phật vì muốn độ nhạc thần Càn thát bà
vương Thiện Ái, đã lên trời tấu đàn không hầu lưu ly ngàn dây"…
Sau khi Ðức Phật nhập Niết bàn, PG Ðại thừa được hình
thành và phát triển mạnh mẽ tại Ấn Ðộ, tạo nên một sinh khí mới, một
sự thay đổi lớn lao trong tư tưởng triết học và hệ thống nhận thức
luận PG. PG Ðại thừa với tinh thần nhập thế tích cực, với một thaí độ
phóng khoáng, cởi mở đã đưa ra nhiều hình thức hoằng pháp khác nhay,
trong đó âm nhạc PG có một vai trò quan trọng. Quan niệm về việc cấm
đoán sử dụng âm nhạc trong hàng xuất gia cũng có nhiều thay đổi, nhất
là sau khi Bồ tát Mã Minh (TK 2 TL) tự mình thỉnh chuông đánh trống,
điều hoà cung bậc đàn sáo, dùng âm nhac để diễn thuyết yếu nghĩa của
Phật pháp, khiến cho 500 vị vương tử hồi tâm, cùng xin xuất gia.
Khi
PG được truyền sang Trung Quốc, một trong những mảnh đất văn hóa và
thi ca của phương Ðông, thì quan điểm về âm nhạc trong PG thay đổi
rất nhiều. Từ xa xưa, người Trung Quốc rất say mê âm nhạc. Rất nhiều
bài ca, câu hát thâm tình của họ được ghi lại đầy đủ trong Kinh Thi.
Âm nhạc dân gian Trung Quốc phát triển mạnh đến nỗi các vị hoàng đế
phải xây dựng các nhạc cung để nghiên cứu chúng. Người Trung Quốc rất
coi trọng lễ nhạc. Ðối với họ, "lễ là dưỡng", nghĩa là nuôi dưỡng
tính trung chính, hoà ái, tôi luyện nhân cách của mỗi người; còn
"nhạc là vui, vui thì an, an ắt lâu dài" tức là nhạc tôi luyện tính
hoà ái, nhường nhịn, tạo sự hoàn thuận cho làng xóm, thanh bình cho
quốc gia. Với một quốc gia mà âm nhạc được đề cao như thế, thì việc
đưa PG vào chủ đề chính của nền thi ca, âm nhạc dân gian là một việc
làm rất có ý nghĩa trong việc hoằng pháp lợi sinh. Chính vì lẽ đó,
chư vị Tổ sư đã nhanh chóng phát triển loại hình âm nhạc PG dưới nhiều
hình thức khác nhau. Theo ông Tế Văn Ðình, một chuyên gia về âm nhạc
dân gian Trung Quốc, âm nhạc PG đã xuất hiện tại Trung Quốc cách đây
hàng ngàn năm. "Ðiệp luyến hoa" là một trong nhiều ca khúc dân gian
nổi tiếng được mô phỏng theo các ca khúc PG được sáng tác dưới triều
Tống. Kinh điển Ðại thừa thường diễn tả hình ảnh chư Thiên trỗi nhạc,
rải hoa cúng dường Ðức Phật và các vị Thánh tăng. Kinh A Di Ðà cũng
mô tả những âm thanh siêu thoát trong cảnh giới Tịnh độ. Các công
trình kiến trúc PG cũng nổi bật với hình ảnh các thiên thần đang đàn
ca, tấu nhạc, thổi sáo trong lúc Ðức Phật thuyết pháp. Trong Ðại Trí
Ðộ Luận, Bồ tát Long Thọ có viết: "Bồ tát muốn thanh tịnh cõi Phật thì
phải dùng âm nhạc hay, muốn cho chúng sinh trong quốc độ nghe được
nhạc hay thì tâm họ phải nhu nhuyến. Tâm nhu nhuyến thì việc hoá độ
được dễ dàng. Vậy nên hãy dùng âm nhạc để cúng dường chư Phật". Tiến
sĩ Cao Nhã Lợi, một nhà nghiên cứu âm nhạc PG Trung Quốc, cho rằng PG
Ðại thừa có một quan niệm rất phóng khoáng về âm nhạc: "thay vì lẩn
tránh âm nhạc một cách tiêu cực, hãy sử dụng chúng với một tinh thần
cởi mở, tích cực". Chính quan điểm tiến bộ này đã làm cho âm nhạc
ngày càng được thịnh hành trong các vùng PG Ðại thừa và rồi nó trở thành
một nét văn hóa đặc trưng của truyền thống này. Hiện nay các nhà
nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc đã sưu tầm các tác phẩm âm nhạc PG cổ
và hiện đại vào một bộ sưu tập gồm 50 quyển. Hầu hết, các chuyên gia
âm nhạc PG tại Trung Quốc và Ðài Loan đều phân loại âm nhạc PG là hai
loại chính đó là: lễ nhạc PG và âm nhạc PG thông thường.
Lễ nhạc PG là một loại âm nhạc thuần túy mang tính tôn
giáo, bao gồm các nghi lễ thường nhật trong các tự viện do các vị
xuất gia thực hiện. Ðối với các vị Tỳ kheo, lễ nhạc PG là một phương
tiện để biểu lộ niềm tin, một trong những phương tiện tu tập, vì thế nó
không bị ràng buộc vào một hình thức nghệ thuật cố định nào cả.Từng
lời kinh sâu lắng, thanh tao hòa vào trong hương trầm quyện bay và
nhịp điệu, âm vang thanh thoát của các pháp khí như chuông mõ, khánh,
đẩu
để rồi ngân vang trong khung cảnh trầm tịch của chốn thiền môn
đã tạo nên một thế giới tâm linh siêu phàm thoát tục. Trong cảnh giới
ấy, chân lý và tinh túy PG được thể hiện qua những giai âm, thanh
điệu một cách kỳ diệu. Khi chứng kiến được cảnh giới ấy, ngay cả
những người bình thường cũng cảm thấy lòng mình bỗng trào dâng một
niềm hỷ lạc. Tác phẩm "Văn hóa khổ lữ" của Thừa Thu Vũ có kể một câu
chuyện nói lên sự vi diệu của lễ nhạc PG: Khi còn trẻ, ông Vũ là một
cậu bé kháu khỉnh, dễ mến. Một hôm có một toán người lạ mặt đến dụ dỗ
rồi bắt ông và mang về làng của họ. Trời tối đến, cả đoàn người ghé
vào một ngôi nhà để nghỉ qua đêm rồi sáng mai đi tiếp. Trong đêm
thanh vắng, tiếng tụng kinh của các vị Tăng trong chùa ngân xa vang
vọng, làm cho đoàn người ai nấy đều hồi tâm hướng thiện. Họ cảm thấy
hối hận đối với việc làm của mình. Sáng hôm sau, họ liền mang ông Vũ
trả lại nơi cũ. Lễ nhạc PG với những âm điệu u huyền luôn diễn tả
những tư tưởng triết lý thâm sâu, luôn khơi nguồn cho dòng suối từ bi
tuôn trào bất tận, và đôi khi nó cũng trở thành một thứ lương dược
xoa dịu bao nỗi đau sâu kín trong mỗi người. Huệ Quán là một sinh viên
tại một trường đại học ở Ðài Loan. Lúc tốt nghiệp đại học cũng chính
là lúc cô rơi vào thảm cảnh oan nghiệt của gia đình. Cô cảm thấy đau
xót, tuyệt vọng và không còn tha thiết với cuộc sống nữa. Theo lời
khuyên của một người bạn, cô đã tham dự một khóa tu tại một ngôi chùa
hẻo lánh trên núi cao. Một đêm nọ, khi đang trầm ngâm về cuộc đời
bất hạnh của mình, cô bỗng nghe tiếng tụng kinh cùng âm điệu nhịp
nhàng của chuông, mõ từ xa vọng lại, rồi một sự ấm áp lạ lùng tỏa
khắp cõi lòng giá buốt và trống vắng của cô, bao nhiêu phiền lụy, bao
nỗi thất vọng chán chường đều tan biến và thay vào đó là một niềm
thanh thản an lạc vô biên. Ngay ngày hôm sau, cô liền xin quy y và
xuất gia đầu Phật.
Loại âm nhạc PG thông thường
là những bài hát, những ca khúc, các điệu hợp xướng mang chủ đề PG.
Âm nhạc PG mang âm điệu thâm trầm, sâu lắng, phát xuất từ quan niệm
cuộc đời như một giấc mơ, một huyễn cảnh. Các ca khúc PG đều có
khuynh hướng thức tỉnh những ai còn mãi đắm say trong cõi vô thường,
thôi thúc người nghe hãy chọn cho mình một lý tưởng sống cao đẹp.
Ngày nay nhân loại đang hướng về cội nguồn dân tộc, tìm lại những giá
trị luân lý đạo đức mà tổ tiên đã hun đúc qua bao thế hệ, vì thế
việc bảo tồn và phát triển các hình thức nghệ thuật, trong đó có âm nhạc
tôn giáo, là vô cùng cần thiết. Vấn đề đặt ra cho các nhà sáng tác
âm nhạc PG hiện nay là phải làm sao cho các bài hát PG không bị ảnh
hưởng theo xu hướng thế tục, và làm cách nào để mỗi ca khúc PG hội đủ
hai yếu tố chân lý và nghệ thuật, trên cả hai phương diện nội dung
và hình thức. Hoà thượng Tâm Ðịnh, viện chủ Phật Quang Sơn tại Ðài
Loan nói rằng âm nhạc là một hình thức hữu hiệu nhất để chiếm được
tình cảm của quần chúng. Nếu âm nhạc PG đổi mới quá nhiều theo khuynh
hướng thế tục thì nó sẽ không gợi lên những tình cảm tôn giáo sâu
sắc. Nhưng vì là một phương tiện đưa đến giác ngộ nên âm nhạc PG có
thể làm cho người đời gần gũi với PG hơn, và đó cũng là phương tiện cần
thiết để thức tỉnh mọi người hướng về chân trời giải thoát.
Hiện nay, Ðài Loan là nơi mà âm nhạc PG đang phát triển nhanh nhất.
Từ năm 1979, Ðại sư Tinh Vân, vị khai sáng Phật Quang Sơn, đã nghiên
cứu kết hợp những yếu tố của âm nhạc phương Tây và lễ nhạc PG để sáng
tác một thể loại âm nhạc PG sinh động mới mẻ, phù hợp với trào lưu
và thị hiếu âm nhạc hiện đại. Phật Quang Sơn đã tổ chức rất nhiều buổi
biểu diễn âm nhạc trong nước và đã cử các đoàn âm nhạc biểu diễn tại
Nhật Bản, Hồng Kông và Châu Âu.
Trong một buổi trình diễn nhạc
giao hưởng PG được tổ chức vào đầu năm nay tại Phật Quang Sơn, một
số học giả bày tỏ mối lo ngại về xu hướng thế tục hóa âm nhạc PG.
Song, cũng có nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc PG hiện đại phải mang một
tinh thần phóng khoáng, không nên quá thiên về tình cảm tôn giáo,
miễn sao cho thính giả cảm thấy thanh thản, an lạc khi nghe một bản nhạc
PG. Giới trẻ tại Ðài Loan rất thích các đĩa nhạc PG mang phong cách
hiện đại. Ngoài các phim truyện PG, có nhiều album âm nhạc PG đã phát
hành được hàng trăm ngàn bản và có cả album được chọn cho các giải
thưởng nghệ thuật như album: Chú Ðại Bi và Lục Ðộ Mẫu Tâm chú.
Trong thời đại mới, khi âm nhạc PG đang trở thành một
nhu cầu mới của quần chúng đặc biệt là các Phật tử, các nhà soạn nhạc
cần phải có một cách nhìn mới về việc sáng tác nhạc PG. Họ cần phải
thấy rõ sự nguy hiểm của những loại âm nhạc thiếu văn hoá đưa người nghe
đến chỗ bi lụy, tuyệt vọng, chán chường hay mất đi chí cầu tiến của
mình. Bản thân các nhà sáng tác nhạc PG cần phải ý thức được sứ mạng
cao cả của mình là cho ra đời những ca khúc PG mang tính luân lý,
giáo dục, giúp cho người nghe thâm nhập diệu lý nhân quả, vô thường,
từ bi, vô ngã, để từ đó họ có thể thực hiện một nếp sống lành mạnh,
hướng thượng, vị tha để rồi tự mình tận hưởng niềm hạnh phúc chân
thật ngay trong đời sống hiện tại của mỗi người.
*Đồng Thành