Thuộc
lòng Bát-nhã là sao? Chúng ta ra đường gặp ai nói xúc phạm một chút,
nghe hơi buồn buồn thì ngay khi đó chúng ta phải nhớ Tánh không. Những
tiếng nói không thật, chúng ta cũng không thật, buồn cũng không thật
chúng ta liền buông xuống thì mới là thuộc lòng Bát-nhã. Ngược lại,
chúng ta để phiền não nổi lên, chỉ nhai đi nhai lại câu nói của người;
tâm vẫn chạy theo vọng tưởng là chưa thuộc lòng Bát-nhã. Thuộc lòng
Bát-nhã tức là lúc nào cũng thấy muôn pháp là không, nên không dính
không mắc.
II. TINH THẦN BÁT-NHÃ LÀ PHÁ CHẤP, PHỦ ĐỊNH
Theo Bát-nhã, phủ
định tất cả đều là không. Bồ-tát Quán Tự Tại khi quán chiếu sâu về
Bát-nhã thấy năm uẩn đều là không. Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành,
thức đều không. Sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng
không; Sáu căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý cũng không; sáu thức: nhãn
thức, nhĩ thức v.v... cũng không. Mười tám giới đều không, rồi không
sanh, không diệt, không cấu, không tịnh v.v... không cả Tứ Đế, Mười hai
nhân duyên, không chứng cũng không đắc. Vì vậy người học Bát-nhã là phá
sạch, không cho tâm bám víu bất kỳ chỗ nào để không còn duyên mà sanh
khởi.
Vì có chỗ tâm sanh là có chỗ tâm diệt, có sanh tử có khổ
đau. Cho nên trước tiên là Phật phá chấp, không cho con người chấp vào
cái gì hết, từ pháp thế gian cho đến pháp xuất thế gian.
Pháp thế
gian Phật dạy chúng ta phải bỏ nhưng pháp xuất thế gian cũng không cho
chúng ta bám, vì còn bám chấp là còn có ngại. Tu mà còn dính mắc bất cứ
cái gì đều thành chướng ngại, cho dù đó là pháp xuất thế gian. Vì pháp
xuất thế gian cũng là phương tiện, giống như vị lương y cho thuốc để trị
bệnh cho người. Chúng ta uống thuốc hết bệnh thì phải bỏ thuốc, không
ai hết bệnh mà lại uống thuốc hoài, nếu còn uống thuốc là chưa hết bệnh.
Pháp
thế gian hay pháp xuất thế gian cũng đều là pháp, có lập ra thì có phá.
Giống như chiếc xe là phương tiện chuyên chở con người đi từ chỗ này
đến chỗ kia, như từ đây mà đến Đà Lạt, chiếc xe là phương tiện chở chúng
ta đến Đà Lạt, nhưng chiếc xe không phải là Đà Lạt. Chúng ta ngồi trên
chiếc xe để đến Đà Lạt, nhưng đến Đà Lạt rồi mà chúng ta cứ ngồi trên
chiếc xe hoài thì cũng không đi được đâu hết, không biết gì về Đà Lạt.
Cho nên tới Đà Lạt rồi chúng ta phải xuống xe, chiếc xe không phải mục
đích, Đà Lạt mới là mục đích. Vì vậy Phật nói pháp nhưng rồi phá tất cả
để con người không bám chấp vào pháp. Do tâm con người là quen nắm bắt,
nên luôn có đối tượng để duyên theo. Như chúng ta ngồi chơi không có
việc gì hết nhưng lại không chịu rảnh rang, ngồi một mình thấy buồn cô
đơn bèn mở ti-vi xem hoặc kiếm sách báo đọc. Có người vào nhà vệ sinh
còn đem theo tờ báo để đọc, tâm chúng ta không bao giờ chịu buông mà
ngược lại luôn nắm bắt tìm chỗ để duyên. Nếu con người luôn sống với tâm
rảnh rang, thoải mái, tự do thì có sướng hơn không? Nhưng con người lại
thấy như vậy là trống vắng, cô đơn chịu không nỗi nên phải tìm chỗ
duyên chỗ bám.
Do đó, tâm con người luôn đi đôi với pháp (có tâm
thì có pháp), để tâm duyên với pháp, pháp là đối tượng để cho tâm duyên.
Tâm duyên theo pháp gọi là tâm sinh diệt. Thí dụ: Như con mắt duyên với
sắc, lỗ tai duyên với âm thanh, ý duyên với pháp trần v.v.. Các căn
luôn có đối tượng để duyên theo hiểu biết, ngược lại nếu không có chỗ
duyên thì giống như là tâm không còn biết. Khi ngồi thiền, nếu bảo chúng
ta đừng nghĩ gì hết thì rất khó, vì chúng ta luôn có đối tượng để
duyên.
Trong kinh Lăng-nghiêm, Đức Phật dạy: “Có hai thứ căn bản
phiền não: Thứ nhất là căn bản sinh tử từ vô thỉ là nhận tâm phan duyên
làm tự tánh. Tâm phan duyên luôn nắm bắt đối tượng để duyên theo, rồi
nhận cái đó làm tự tánh của mình. Đó là gốc sinh tử từ xưa tới nay, vì
có đối tượng thì biết còn không đối tượng thì không biết gì hết. Đây gọi
là tâm sinh diệt, là gốc sinh tử. Thứ hai là căn bản “Bồ-đề Niết-bàn”,
tức là “Thức tinh nguyên minh” hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ
sót nó”. Nguyên là nguyên vẹn, minh là sáng suốt, “Thức tinh nguyên
minh” là cái thức nguyên vẹn, tinh ròng không bị xen lẫn bất cứ cái gì.
Nghĩa là cái thức căn bản nguyên vẹn sáng suốt hay sanh ra các duyên
nhưng bị các duyên bỏ sót nó. Tức là nó biết cái này, biết cái kia, biết
đủ thứ đó là sanh các duyên, nhưng khi nó biết cái nào rồi thì nó chỉ
nhớ cái đó mà quên mất chính nó. Cho nên gọi là bị các duyên bỏ sót nó.
Thí
dụ: như khi nó nhìn cái bình hoa thì chỉ nhớ cái bình hoa, mà quên mất
chính nó. Chính chỗ đó mà người ta tu hành ít có đến được chỗ rốt ráo,
ngược lại hay rơi vào các thú hoặc rớt vào các đường sanh tử. Con người
thấy cái nào rồi thì đồng hóa mình với cái đó mà quên mất nó. Bây giờ
chúng ta khéo trở lại, biết hết tất cả nhưng không bỏ sót nó thì đó là
Bát-nhã. Như vậy không phải không cho chúng ta biết, biết hết nhưng đừng
bỏ sót chính nó. Đó gọi là biết Bát-nhã, là gốc trở về Bồ-đề Niết-bàn.
Chúng ta thấy giữa sanh tử và Niết-bàn cách nhau bao xa? Chỉ là một cái
xoay thôi. Thay vì biết tất cả rồi đồng hóa nó với tất cả mà quên mất
chính nó, thì đó là sanh tử luân hồi. Biết tất cả mà không quên mất
chính nó, luôn luôn có mặt chính nó thì đó là gốc Bồ-đề Niết-bàn. Chỉ
nhích chút xíu, đâu có cách biệt xa xôi gì. Nhưng tập khí nhiều đời làm
con người không chịu nhích, nó biết cái gì thì đồng hóa cái đó, chỉ nhớ
cái đó thôi.
Đúng như kinh Lăng-nghiêm, Phật quở Ngài A-nan. Phật
đưa cánh tay lên, hỏi: “Thấy không?”. A-nan thưa: “Thấy”. Phật để cánh
tay xuống, hỏi: “Thấy không?”. Đáp: “Không thấy”. Như vậy rõ ràng, khi
đưa cánh tay lên thì thấy cánh tay, biết có cánh tay rồi đồng hóa chính
nó với cánh tay luôn. Nó nhớ cánh tay mà quên mất chính nó, nên khi để
cánh tay xuống thì nói là không thấy, vì nó chỉ nhớ cánh tay. Sự thật là
giơ cái tay lên thì nó thấy cái tay, để cái tay xuống thì nó thấy không
có cái tay, chính nó luôn có mặt, lúc nào cũng sáng suốt. Rồi nghe
tiếng cũng vậy, khi nghe có tiếng nói thì bảo có nghe, khi ngưng không
có tiếng nói thì gọi là không nghe. Đó là đồng hóa chính nó với cái
tiếng, nên quên mất chính nó, đó là gốc sanh tử luân hồi. Bây giờ chúng
ta tu Bát-nhã là trở lại, khi nghe nó cũng biết có tiếng nhưng không
quên mất chính nó. Nghe tiếng thì biết có tiếng, không tiếng thì biết
không tiếng, vậy thôi. Lúc nào nó cũng biết, cũng nghe, nghe có tiếng
nghe không có tiếng, đâu có lúc nào mất. Đó chính là trở về Bát-nhã, là
gốc Bồ Đề Niết-bàn.
III. KHẲNG ĐỊNH
Tâm kinh Bát-nhã là
trừ sạch các tâm phan duyên, tâm bám chấp theo duyên nên nói cái gì cũng
không, để nó không bám dính vào bất cứ cái gì. Không bám không dính gì
hết là trả về gốc Bồ Đề Niết-bàn. Nhưng theo tinh thần Bát-nhã chỉ là
phá chấp, chứ không nói đến cái gốc của nó. Đến tinh thần Lăng-nghiêm,
Pháp Hoa, Phật mới chỉ ra cái gốc chân thật đó. Cho nên, Bát-nhã ban đầu
vào là phá hết, nói gì cũng không. Nhiều người hiểu chưa chính xác
Bát-nhã, nói học Bát-nhã dễ rơi vào chấp không.
Nhưng nếu là
người học kỹ Bát-nhã, sẽ thấy tinh thần của Bát-nhã là phủ định tất cả
để thành tựu tất cả. Mở đầu bài Tâm kinh là phủ định cái gì cũng không,
nhưng đoạn cuối thì xác định ba đời chư Phật đều nương Bát-nhã
Ba-la-mật-đa mà được đạo quả vô thượng Bồ-đề, Bồ-tát cũng y theo Bát-nhã
Ba-la-mật-đa mà tâm không ngăn ngại, vì tâm không ngăn ngại mà đạt đến
cứu cánh Niết-bàn. Như vậy, ba đời chư Phật đều nương nơi Bát-nhã mà
thành Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát cũng nương nơi Bát-nhã mà tâm không
ngăn ngại, xa rời điên đảo vọng tưởng đến cứu cánh Niết-bàn. Cuối cùng,
đâu có phải là không hết, ban đầu phủ định sau là xác định trở lại.
Như
vậy trước là phá hết để chúng sanh không còn mê chấp, sau mới chỉ ra
cái thật. Có người không hiểu Bát-nhã, nói Bát-nhã dạy cái gì cũng
không, rồi trở lại chấp không. Bản tâm kinh ban đầu là phá chấp có, sau
phá luôn chấp không, sạch hết các chấp đó mới là Bát-nhã Ba-la-mật.
Thiền
sư Duy Tín nói: “Lúc chưa học đạo, thấy núi sông là núi sông. Khi học
đạo, thấy núi sông chẳng phải núi sông, sau ba mươi năm thấy núi sông là
núi sông”. Con người khi chưa học đạo thấy gì cũng thật: mình thật,
người thật, vật thật v.v... nhưng đến khi học Bát-nhã thấy cái gì cũng
không thật: Ta không, vật không, pháp cũng không v.v... nên thấy núi
sông chẳng phải núi sông. Nhưng đến chỗ rốt ráo, tâm sáng suốt phá sạch
hết không còn chấp bất cứ điều gì nên thấy trở lại núi sông là núi sông,
không nói có nói không gì cả.
Tuy nhiên, đến giai đoạn này thấy
núi sông là núi sông khác với lúc chưa học đạo. Vì chúng ta thấy trong
trí tuệ sáng suốt, thấy rõ núi sông là núi sông nhưng không mê lầm nó,
nên khác hơn với lúc chưa học. Như vậy khi tâm phá sạch tình chấp thì
nhìn cái gì nó cũng sáng ngời, tỏ rõ không mê lầm. Giống như chúng ta
mang mắt kính, nếu đôi kính màu đen thì thấy cảnh vật cũng màu đen, nếu
đôi kính màu hồng nhìn cái gì cũng màu hồng. Khi gở mắt kính ra thì thấy
cái gì đúng như thật cái đó. Khi tâm sạch hết tình chấp thì nhìn tất cả
đều trong ánh sáng chân thật. Nên nói Bát-nhã rốt cùng là chân thật bất
hư, thấy rõ cái chân thật không hư đối.
Như vậy, chúng ta học
Bát-nhã đâu phải là không còn thấy biết, chỉ không tất cả cái hư dối để
trả lại cái biết chân thật nơi mỗi người. Trong nhà Thiền có câu chuyện:
Mã Tổ là thiền sư nổi tiếng trong thời Đường, ban đầu Ngài dạy học nhân
mới đến: “Tức Tâm tức Phật”, Phật ngay nơi tâm; Tâm tức Phật để chúng
ta soi trở về nơi tự tâm. Nhưng thời gian sau, Mã Tổ nghe ai cũng bắt
chước nói theo tức Tâm tức Phật, ngay nơi Tâm là Phật nên không cần phải
tu. Nhiều người lập đi lập lại câu tức Tâm tức Phật nhưng chỉ thuộc mà
không có hành nên thành vướng mắc. Để phá cái dính mắc của học nhân, sau
đó Mã Tổ lại nói: “Chẳng phải tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật”. Khi
đó, có một vị tăng mới đến ngài Nam Tuyền hỏi:
- Mã Tổ nói chẳng phải tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật, là ý gì?
Ngài Nam Tuyền đáp:
- Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo.
Vị tăng thưa:
- Con chưa biết ý nghĩa thế nào?
Ngài Nam Tuyền nói:
- Nếu ngươi không nhận tâm là Phật, trí là đạo. Ngay bây giờ nếu lão tăng chợt được tâm thì để chỗ nào?
Vị tăng thưa:
- Đã hoàn toàn chẳng được, đâu khác với hư không.
Ngài Nam Tuyền bảo:
- Đã chẳng phải vật làm sao so với hư không, lại nói cái gì là khác chẳng khác.
Vị tăng thưa:
- Chẳng lẽ là không luôn cái chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật nữa hay sao?
Ngài Nam tuyền bảo:
- Ông nếu nhận cái ấy thì thành tâm Phật.
Tức là ngay khi ông nhận rõ cái chẳng phải tâm, chẳng phải vật, chẳng phải Phật thì đó chính là tâm Phật.
Cho
nên, trước là phủ nhận tất cả, không còn chỗ để học nhân bám nhưng khi
tâm sạch hết không còn chỗ bám thì đó chính là tâm Phật. Nhưng chúng ta
thì đòi phải có cái gì khác nữa, do muốn có cái gì khác nữa là chỗ mắc
kẹt, chỗ mê lầm của chúng ta. Bát-nhã là phá chấp, thấy tất cả đều không
và chính cái thấy đó là Bát-nhã.
IV. VƯỢT QUA DẤU VẾT VĂN TỰ NGÔN NGỮ
Tinh
thần Bát-nhã là vượt qua hết dấu vết văn tự, chữ nghĩa, cuối cùng kết
thúc bằng một câu thần chú: “Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng
yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha”.
Chúng ta đọc kỹ thấy có mâu thuẫn
không? Trước đó nói: “Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh
chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, v.v...”. Bát-nhã đã là đại
thần chú, đại minh chú
tức là thần chú uy linh, thần lực sáng
suốt to lớn, rồi vô thượng, vô đẳng đẳng không gì bằng. Thần chú như vậy
quá siêu rồi, nhưng tại sao lại còn nói chú?
Nếu người đọc theo
chữ nghĩa thì không thấy được cái ý đó, nhưng đó là ý nghĩa sâu mà Phật
muốn chỉ. Nói Bát-nhã là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô
đẳng đẳng chú, là cũng dùng văn tự chữ nghĩa để giải thích cho người ta
hiểu. Đến rốt cùng nói bằng một câu chú thì không ai hiểu, đó là phủi
sạch hết chữ nghĩa cho người ta vượt qua khỏi văn tự, đưa thẳng người
học trực tiếp vào Bát-nhã.
Do tâm con người lúc nào cũng muốn
hiểu biết, nên luôn tìm cách duyên theo để hiểu. Đúng theo tinh thần
Bát-nhã là ngay khi không còn chỗ nào để hiểu là đi vào Bát-nhã. Ý nghĩa
rất sâu xa nhưng thường thì chúng ta đọc chữ nghĩa rồi cho qua, chứ
không thấy được ý nghĩa đó. Vì vậy không có gì mâu thuẫn, mà đầy đủ ý
nghĩa. Như nhà Thiền thường hét một tiếng, đập một gậy là hết nghĩ ngợi
đưa thẳng vào Bát-nhã, gọi là một đao chặt đứt hai đầu. Người lanh lợi,
bén nhạy thì ngay đó là vào cứu cánh Bát-nhã, mới đúng là học xong
Bát-nhã. Bài tâm kinh Bát-nhã là tinh yếu, hệ thống của bộ kinh Bát-nhã.
Cho nên, chúng ta có thể học kỹ bài tâm kinh Bát-nhã là đủ thành Phật
rồi. Nên kinh nói ba đời chư Phật đều y đó mà thành Phật, Bồ-tát cũng y
đó mà tâm vô quái ngại đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Đúng tinh thần học
Phật là học ngay tâm chứ không phải chỉ học chữ nghĩa.
Khi Phật
mới thành đạo, Ngài thấy chỗ chứng đạo quá sâu xa, khó hiểu, sợ nói ra
người ta không hiểu, hay hiểu lệch lạc nên Ngài do dự không muốn thuyết
pháp. Sau đó, Phạm thiên thỉnh ba lần Phật mới nhận, ngay đó Phật đã
muốn nhắn nhủ cho người sau: muốn học Phật, muốn thấy được ý nghĩa của
Phật thì phải vượt qua những ngôn ngữ, chữ nghĩa. Những điều mà Phật nói
ra chỉ là bất đắc dĩ Phật mới nói thôi. Còn chỗ Phật chứng rất là khó
nói, không thể nói được, nhưng vì thương chúng sanh mới dùng phương tiện
nói đến cái chỗ không thể nói.
Qua đây, Phật muốn nhắn nhủ cho
người sau là phải vượt qua chỗ Phật đã nói để thấy được chỗ Phật chưa
nói, chỗ Phật không thể nói, đó mới là khéo hợp với ý Phật. Kinh
Lăng-già ghi: “Phật ra đời từ khi ban đầu chuyển pháp luân cho đến sau
nhập Niết-bàn, trong khoảng bốn mươi chín năm Phật thuyết pháp nhưng
cuối cùng ngài xác định: “Như Lai chưa từng nói một lời””. Thuyết pháp
bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một chữ, rõ ràng muốn nhắn những
người đệ tử Phật là không nên mắc kẹt trên chữ nghĩa, tuy chữ nghĩa do
Phật nói nhưng mà lý thật không ở trên chữ nghĩa đó. Phật nói xong là
phủi sạch, chưa từng nói một chữ nào.
V. TÓM KẾT
Chúng ta
học Bát-nhã là học xả tất cả để được tất cả. Học Bát-nhã là sẵn sàng
buông, là phá chấp chứ không phải phá pháp. Có người phê bình Bát-nhã
nói cái gì cũng không: Tứ đế, Mười hai nhân duyên đến trí đắc cũng
không, như vậy Phật phá hết pháp lấy gì tu? Nếu chúng ta hiểu đúng theo
tinh thần Bát-nhã, phá ở đây là phá chấp về cái pháp đó chứ không phải
là phá pháp. Pháp là Phật dạy cho người tu: Tứ đế, Mười hai nhân duyên,
Lục độ Ba-la-mật đâu có lỗi, lỗi là người ta chấp vào pháp đó.
Thí
dụ: như chấp vào Tứ đế cho mình thật có chứng đắc được quả A-na-hàm,
A-la-hán v.v... Do chấp có chứng có đắc mới là lỗi, nếu biết đó là
phương tiện Phật dạy để chúng sanh trừ mê lầm, chấp trước trở về cái
chân thật thì đâu có lỗi. Biết rõ quả vị cũng là phương tiện không phải
là mục đích cứu cánh, thì chúng ta không mắc kẹt trên những quả vị đó.
Không thấy tôi là người chứng A-la-hán nên không mắc kẹt.
Học
Mười hai nhân duyên là để phá chấp về sanh tử luân hồi. Con người sinh
tử luân hồi là từ: vô minh duyên hành, hành duyên thức v.v... nên có
sinh tử, ưu bi, khổ não. Do chúng sanh lầm chấp Mười hai nhân duyên, nên
Phật nói Mười hai nhân duyên để người tỏ ngộ chúng không có thật. Nhưng
chúng ta lại chấp sinh tử có thật vào Mười hai nhân duyên. Sinh tử
không có thật, chỉ do nhân duyên mà có sinh tử. Do cái này có nên cái
kia có, nếu cái này không thì cái kia cũng không. Như vậy rõ ràng sinh
tử không có tính thật, ngay đó nhận ra sinh tử vốn không tức là vô sanh.
Phật nói Mười hai nhân duyên để chúng ta thấu suốt được sinh tử không
có thật, chúng sanh có thể thoát được sanh tử.
Chúng ta hiểu như
vậy mới thấy được ý nghĩa sâu của Phật dạy. Phá chấp hết thì chân thật
hiện bày, Bát-nhã sáng ngời. Tinh thần của đạo Phật là vô ngã: nhân vô
ngã, pháp vô ngã cuối cùng không có gì để bám. Nhưng cái gì thấu tất cả
đều vô ngã? Và cái này có phá được không? Chính Bát-nhã thấu suốt tất
cả, phá hết tất cả, khi phá sạch hết rồi chính đó là Bát-nhã. Và cái đó
không làm sao phá được.
Nhà Thiền có câu chuyện:
Vị tăng đến Ngài Tào Sơn Bổn Tịch (Thiền sư Bổn Tịch ở Tào Sơn) hỏi:
- Thế nào là cây kiếm không mũi?
Ngài Tào Sơn đáp:
- Đó là chẳng do rèn luyện mà thành.
Vị tăng hỏi:
- Vậy dụng của nó thì như thế nào?
Ngài Tào Sơn đáp:
- Ai gặp cũng đều phải chết hết.
Vị tăng hỏi:
- Còn không gặp thì sao?
Ngài Tào Sơn đáp:
- Cũng phải rơi đầu luôn.
Vị tăng hỏi:
- Người gặp đều phải chết đó là cố nhiên, vậy người không gặp thì sao cũng rơi đầu?
Ngài Tào Sơn bảo:
- Ông không nghe nói là nó hay sạch hết tất cả sao!
Vị tăng hỏi:
- Vậy khi sạch hết thì sao?
Ngài Tào Sơn bảo:
- Thì mới biết có cây kiếm này.
Người
xưa mượn hình ảnh cây kiếm của thế gian để chỉ cho Bát-nhã. Cây kiếm đó
không có hình tướng, nên không có mũi cũng không phải do rèn luyện mà
thành. Nó ở ngay nơi mỗi người không phải do đúc luyện mà tạo nên. Dụng
của nó là quét sạch tất cả, gặp cũng chết mà không gặp cũng chết. Tức là
“có” cũng chém, “không” cũng chém, “đụng” cũng chém, “không đụng” cũng
chém, chém sạch hết không cho bám vào cái gì. Khi sạch hết không còn
chấp, không còn bám thì mới biết “có cây kiếm này”.
Như vậy, tinh
thần của Bát-nhã là thể hiện chân lý sự thật ngay nơi con người, không ở
nơi xa xôi. Điều này chúng ta có thể chứng nghiệm ngay đời này, không
phải đợi qua đời sau mới chứng minh. Ngay nơi hiện tại chúng ta không
chấp, không bám thì chứng liền Bát-nhã. Quan trọng là chúng ta dám
buông, không bám chấp vướng tình thì Bát-nhã sáng ngời như thật. Vì vậy
chúng ta phải phát huy được ánh sáng chân thật của chính mình, làm đuốc
soi để tự mình đi và có thể đưa chúng sanh về nhà. Mong thay!
T.T Thích Thông Phương