Chùa Bửu Minh

Đối với lễ Phật đản, một sự kiện được coi là đương nhiên phải tổ chức một cách trang trọng nhất, quy mô nhất, trước hết chúng ta hãy coi đây là trách nhiệm, bổn phận đương nhiên của những người con. Và nếu có chưa làm tốt, hãy coi đây là “lỗi cục bộ” và “lỗi kỹ thuật”.


Bài “Lễ Phật đản PL 2555 và lòng yêu Đạo Pháp” của tác giả Trần Trọng Hoàng đăng trên Phattuvietnam.net đã nêu lên một số vấn đề đáng trăn trở về việc tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay, trong đó có TP.HCM.

Công tác tổ chức lễ Phật đản PL 2555 được đề cập song song với việc so sánh với một cuộc lễ chỉ vào hạng thứ 2 của một tôn giáo khác vừa mới được tổ chức tại TPHCM, với thành công như đã từng có: đến hàng chục ngàn người tham dự chật kín sân vận động, và chỉ tập hợp trong vài giờ chuẩn bị. 

Đồng thời, bài viết nói trên của tác giả Trần Trọng Hoàng cũng phân tích một số nguyên nhân dẫn đến những vấn đề mà bài viết ghi nhận.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn thêm một số vấn đề xung quanh bài viết đó đặt ra.

1. Mạnh gạo, bạo tiền, và…

Thành công của việc cải tạo tín đồ Phật giáo đến từ các tôn giáo khác đầu tiên nhờ vào “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, và khi đã cải đạo được rồi, họ tìm mọi cách để duy trì, kích thích được lòng tin, sự nhiệt thành cao độ, nếu “không muốn nói là cuồng tín” như tác giả Trần Trọng Hoàng đã viết.

Và họ luôn tìm những cơ hội để đám đông tín đồ thể hiện sự nhiệt thành đó, không ngoài mục đích nuôi dưỡng, lan tỏa, thăng hoa, từ đó khắc sâu niềm tin và tạo động lực cho tín đồ đi truyền trao niềm tin đó cho người khác.

Việc họ coi trọng và tìm mọi cách tổ chức những cuộc lễ đông người như vậy giúp chúng ta nhận thức rõ hơn bối cảnh vận động của các tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. 

Các tôn giáo này đang có những cuộc “tiến công” tổng lực, toàn diện, đi từ vật chất đến tinh thần, từ tiền bạc đến khối óc, con tim, từ cá nhân đơn lẻ đến đám đông cuồng nhiệt, từ bên trong nhà thờ đến xã hội rộng lớn…

Có thể việc đưa đại lễ Phật đản năm nay của Thành hội PG TP.HCM về chùa Vĩnh Nghiêm, xét ở yếu tố tổ chức một cuộc lễ, không quá tồi tệ, nhưng xét dưới góc độ tác động và ảnh hưởng xã hội, trong sự vận động của các tôn giáo, nó cho thấy sự tụt hậu, thụt lùi đáng kể của Phật giáo, cho thấy sự yếm thế, bị động của những người tổ chức.

2. Chưa cần trông chờ đến “lòng yêu và hi sinh vì đạo pháp”

Tác giả Trần Trọng Hoàng có đề cập đến nhiều lý do khiến lễ Phật đản chưa được tổ chức xứng tầm, trong đó khẳng định lý do quan trọng nhất là thiếu đi “lòng yêu và hy sinh” vì đạo. Thực ra, nếu là một người con Phật chân chính, chúng ta đều mang trong mình tình yêu đạo pháp, và sẵn sàng hy sinh vì đạo pháp khi cần. 

Chỉ có điều, vì nhiều lý do khác nhau, khách quan hay chủ quan, chúng ta đã không nuôi dưỡng tình yêu ấy, không thể hiện tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể mà thôi. 

Đối với lễ Phật đản, một sự kiện được coi là đương nhiên phải tổ chức một cách trang trọng nhất, quy mô nhất, trước hết chúng ta hãy coi đây là trách nhiệm, bổn phận đương nhiên của những người con. Và nếu có chưa làm tốt, hãy coi đây là “lỗi cục bộ” và “lỗi kỹ thuật”.

3. “Lỗi cục bộ” và “lỗi kỹ thuật”

Cục bộ ở đây là do nó khu trú ở một số tổ chức Phật giáo địa phương, mà ở đây, trong bài viết của tác giả trần Trọng Hoàng, là trường hợp Phật giáo TPHCM.

Nói cục bộ vì hiện tượng đi xuống trong so sánh như bài viết đề cập không phản ánh diện mạo tổng thể Phật giáo Việt Nam, với thành công của việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL 2554 tại Quảng trường Cung Hữu Nghị, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, hay Hội thảo Hoằng pháp Kiên Giang đông nghẹt người tại một tỉnh cuối đất biên thùy, hay Hội thảo Hoằng pháp 2011 tại Bình Dương bừng sáng một góc trời sắc áo vàng tăng ni trong đêm xuân lộng gió.

Nói “lỗi cục bộ” là vì cũng chính ở địa phương đó, tại một ngôi chùa ngoại thành xa xôi cũng có vị thầy tập trung đến cả chục ngàn Phật tử về tu học dưới bóng từ bi của đức Phật. Đâu phải ai cũng có tầm nhìn hạn hẹp?

Vấn đề chỉ tập trung ở một điểm nào đó, một giới hạn nào đó.

Nói lỗi kỹ thuật thì cũng như lỗi cục bộ. Nó chỉ ở cấp chi tiết, không đến cấp toàn diện. Vấn đề là cần phát hiện chỉ chi tiết có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự vận hành của một hệ thống, mà chúng tôi nghĩ rằng nói chung, vẫn có những biểu hiện vận hành tương đối tốt.

4. Đâu chỉ hướng về chư Tôn đức lãnh đạo cấp cao

Theo chúng tôi, không thể yêu cầu hơn nữa ở chư tôn đức cao tuổi. Có trách thì trách lớp tăng ni hàng đệ tử quý ngài, những vị còn trong độ tuổi sung sức, sức khoẻ dồi dào, làm việc hăng hái, không ít người có học vị cao, đi học ở nước ngoài về, đã có dịp nhìn xa trông rộng, còn hoài đầy ắp bão cống hiến của một thời tuổi trẻ chưa xa.

Những vị tăng sĩ như vậy, có thể chưa phải là đã giữ những chức vụ chủ chốt, nhưng vẫn có thể xung phong đảm nhận công việc, trong khi chư tôn đức lãnh đạo vẫn đứng ra chịu trách nhiệm chứng minh, đôn đốc.

Trong khi những người đứng ra tổ chức sự kiện của những tôn giáo khác được đem ra so sánh chỉ ở khoảng 40 -50 tuổi, cá biệt chỉ ngoài 30 tuổi, sung sức, tràn đầy sinh lực. Thế thì kết quả của những sự kiện tôn giáo do những người như vậy tổ chức có đạt những kỷ lục phi thường nào đó cũng là điều tất nhiên.

Sao có thể yêu cầu những nhà lãnh đạo tôn giáo tuổi ngoài 70, thậm chí ngoài 80, 90, tổ chức những sự kiện thành công tương tự như thế? Nếu có làm được thì mới là lạ!

Còn như có những hiện tượng như đã so sánh ghi nhận thì, e rằng cũng là chuyện bình thường, vì do “lỗi kỹ thuật”, “lỗi cục bộ” mà thôi, mà trên đây đã nói ra một phần.

Chúng tôi hướng về thế hệ tăng sĩ thuộc thế hệ hàng thượng tọa ở Phật giáo TPHCM và đặt ra vấn đề cho quý vị.

Chúng ta có một điều gì đó hơi quá hay không, khi đặt vấn đề so sánh tổ chức sự kiện trước các vị trưởng lão, mà lẽ ra phải được thảnh thơi tịnh tu với tuổi tác đã cao, thay vì nặng nề với trách nhiệm hành chính với áp lực tăng cao của những yêu cầu mới càng lúc càng căng thẳng, càng quyết liệt của thời đại.

Tuổi già là một thực tế khách quan chi phối công việc. Và ngược lại, công việc, trách nhiệm lại tác động đến tuổi già.

Yêu cầu những bậc đại lão trưởng thượng đã oằn vai đóng góp cho đạo pháp hàng gần trọn kiếp người, hay lại phải ra sức đáp ứng với những tiêu chuẩn mới mà thời đại đặt ra trong vài năm gần đây, có khác nào vừa vắt kiệt tuổi tác, sức khỏe quý ngài, vừa đưa công việc đến chỗ bế tắc.

Những vị thầy đã tổ chức những khóa tu có số Phật tử kỷ lục đến hàng vạn người và ngày càng gia tăng ở đâu?

Những vị thầy có khả năng biến những ngôi chùa trong hẻm sâu thành những trung tâm tu học Phật giáo mà cả nước biết tới ở đâu?

Chúng tôi nghĩ rằng, đó mới chính là những vị mà Phật tử Việt Nam chúng ta cần tìm đến để đặt trước quý thầy sự so sánh mà bài viết đã nêu được.

Chúng ta có quyền hi vọng với tất cả sự lạc quan về một Đại lễ Phật Đản PL 2555 tại TPHCM với kỷ lục 50.000 người tham dự khi nghĩ đến những vị thầy trẻ sung sức, có năng lực tổ chức hoạt động đã bộc lộ như thế. 

Tại sao không?

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage