Di
tích miếu Hoàng Sa nay vẫn tồn tại ở đình làng Lý Hải thuộc đảo Lý Sơn,
tỉnh Quảng Ngãi. Công việc thực thi chủ quyền ở khu vực hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa thật sự được bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên
lên nắm quyền và đặt ra các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đặc trách công việc
khai thác và bảo vệ Biển Đông từ tuyến ngoài. Đây là một phương thức
thực thi chủ quyền độc đáo của Nhà nước Việt Nam trên các vùng quần đảo
giữa Biển Đông mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có
được…
|
Vua Quang Trung. Tranh minh họa. |
Thành tựu vĩ đại của phong trào nông dân Tây Sơn là đã bước đầu thống
nhất được đất nước sau nhiều thế kỷ bị chia cắt thành hai khu vực Đàng
Trong, Đàng Ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên sự thống nhất được thực hiện
trên phạm vi rộng lớn tương đương với nước Việt Nam ngày nay và cũng là
lần đầu tiên, toàn bộ đường bờ biển chạy dài từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh
Thái Lan với hàng nghìn hòn đảo ven bờ cùng các quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa ngoài Biển Đông đã thuộc về quyền kiểm soát của Nhà nước Việt
Nam.
Giống như
các chúa Nguyễn trước đây, triều đại Tây Sơn của Quang Trung - Nguyễn
Huệ vẫn tiếp tục tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ
yếu là bảo vệ và khai thác vùng quần đảo xa giữa Biển Đông. Đội Hoàng Sa
thời kỳ chúa Nguyễn được ấn định số lượng 70 suất và hoàn toàn chỉ chọn
người xã An Vĩnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Hằng năm, cứ vào tháng hai, đội
xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt hóa vật
của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây đến tháng tám mới trở về
nộp cho triều đình Phú Xuân. Đội Bắc Hải tuyển người ở thôn Tứ Chính và
xã Cảnh Dương thuộc tỉnh Bình Thuận và không cố định số suất thủy thủ
như đội Hoàng Sa.
Phong trào
nông dân Tây Sơn khi bùng nổ đã phát triển rất nhanh và đến cuối năm
1773, đã giải phóng được một vùng rộng lớn từ Quảng Nam ở phía Bắc cho
đến tận Bình Thuận ở phía Nam. Như thế là toàn bộ các vùng quê hương của
hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, từ rất sớm đã nằm trong khu vực kiểm soát
của quân Tây Sơn.
Vào ngày
15 tháng Giêng năm 1776, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) là Hà
Liễu đã làm đơn trình bày rõ: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa
và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách
dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng
đồng thiếc, hải ba, đồi mồi dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy
chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong
việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng
nạp”. Tờ đơn đã được chính quyền Tây Sơn (vua Thái Đức) xem xét, chuẩn
cho và hiện vẫn còn lưu giữ lại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là
thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Cũng tại
nhà thờ họ Võ, đến nay vẫn còn giữ được Chỉ thị ngày 14/2 năm thứ 9 hiệu
Thái Đức (1786) của Thái Phó Tổng Lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng
công “Sai Hội Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội
cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu, vượt biển thẳng tiến
Hoàng Sa cùng các sứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và
các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, đá quý… đều chở về kinh
tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy
bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị
tội”.
Ngoài ra
còn có bản Ngự phê lời tâu của dân xã An Vĩnh về việc dâng nộp các loại
đồi mồi, hải ba, quế hương và xin miễn sưu dịch đã được thánh chỉ ban
thưởng vàng và phê “chuẩn cho”. Văn bản chép rõ: “Niên hiệu Thái Đức năm
đầu đến năm thứ 15 (1778-1792)” và “niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đến
năm thứ 9 (1793-1801). Khi ấy John Brrow là phái viên của phái bộ
Macartney đi từ Anh sang Trung Quốc có ghé qua khu vực Đà Nẵng vào tháng
6 năm 1793 (dưới triều vua Quang Toản)”. Trong A Voyage to Cochinchina,
in the year 1792-1793 (Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những
năm 1792-1793) mô tả: “Tàu thuyền xứ Đàng Trong có nhiều kiểu dáng khác
nhau, được dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản
và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa)”.
Từ những
tư liệu hiện có, đã xác định được chủ quyền trên các quần đảo ngoài Biển
Đông dưới thời Tây Sơn. Thời ấy tình hình trước Trung Hoa rất phức tạp,
nhiều người chống đối chính quyền Mãn Thanh đã phải phiêu bạt trên Biển
Đông, triều Tây Sơn đã ban nhiều tờ chiếu khuyến dụ lực lượng này quy
thuận. Chiếu dụ Tàu Ô viết dưới thời Quang Trung từng vạch rõ: “Họ” (dân
Tàu) ra vào nơi bể nước (Biển Đông), tụ tập đồ đảng lấy việc cướp bóc
làm kế sinh nhai, có lẽ cũng là việc bất đắc dĩ, phần vì thiếu miếng ăn
nên phải làm vậy, phần vì những chính sách bạo ngược xua đẩy. Quang
Trung kêu gọi họ sớm đầu hàng. Và chiều theo sở nguyện của từng người
thậm chí chấp thuận cho cả “những người có chí lớn, muốn xông pha nơi
ngọn sóng cùng hải đảo”.
Thu
phục những người Trung Hoa phiêu bạt trên Biển Đông và sử dụng họ tham
gia vào công việc Nhà nước là một chính sách quan trọng và có tính chiến
lược của vương triều Tây Sơn lúc ấy.
Sách Thánh
Vũ Ký của Ngụy Nguyên (1794-1857) cho biết: Có nhiều người Trung Hoa
làm nội ứng cho An Nam, được chúa An Nam Quang Toản phong cho làm Tổng
binh hoặc Đông Hải vương: “Triều đình đang bận việc dẹp phía Tây, chưa
lo xa đến vùng biển đảo, vì thế mà giặc hoạt động rất táo tợn. Năm đầu
niên hiệu Gia Khánh (1796) vị tướng ở Khúc Châu là Khôi Luận, Tổng đốc
lưỡng Quảng là Cát Khánh đã nhiều lần tâu vua rằng: bọn giặc biển Tàu Ô
là Trần Thiên Bảo đã được An Nam cho làm Tổng binh và cấp cho ấn”.
Cũng trong
cuốn sách này Ngụy Nguyên mô tả “Di thuyền” (thuyền của quân Tây Sơn)
cao, to hơn thuyền Trung Hoa, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm
trên mặt biển và nếu quân nhà Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được.
Đây là một bằng chứng khẳng định lực lượng hải quân Tây Sơn trong thực
tế đã kiểm soát được các tuyến giao thông trên biển và là chủ nhân của
các vùng đảo, quần đảo giữa Biển Đông.
Sau khi
triều Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục chính sách tiến ra Biển
Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực các quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Các triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… đã thực thi
chủ quyền của mình bằng nhiều hình thức như vãn thám, kiểm tra, kiểm
soát, khai thác các vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị
nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài
gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết.
Những đóng góp quan trọng của triều Nguyễn thế kỷ 19 vào lịch sử chủ
quyền của Việt Nam trên Biển Đông là sự tiếp nối chính sách của vương
triều Tây Sơn ngày ấy.