Tạo sự kết nối giữa hình nhi hạ với hình nhi thượng, hay thế giới thường
tục với thế giới chân như, luôn luôn là mục đích trong các nghi lễ và
nghệ thuật Phật giáo. Dĩ nhiên không phải chiếc áo, màu sắc hay âm thanh
quyết định cho sự kết nối đó. Cái đẹp trong Phật giáo là cái đẹp của
chân và thiện, mà chân và thiện thì vuợt ngoài sắc tướng và âm thanh. Và
chính cái đẹp chân thiện đó đóng vai trò kết nối trong nghi lễ, nghệ
thuật Phật giáo.
Với những phương tiện trong nghi lễ Phật giáo, cái đẹp chân thiện được
biểu hiện để đem tịnh độ vào thế gian, đem niết bàn vào thực tại. Và
người Phật tử tham dự trong các đạo tràng thanh tịnh có thể trải nghiệm
được một phần nào tính chất thanh tịnh của niết bàn, cảm nhận được giá
trị của hạnh phúc chân thật, để có thể sống một đời sống thanh tịnh, an
vui, lợi mình, lợi người.
Nói về y phục Phật giáo, ở Việt Nam, ngoài chiếc áo cà sa sẽ trình bày ở
phần sau, hình ảnh những chiếc áo màu nâu, màu vàng hoại sắc, những
chiếc áo màu lam dịu gợi lên trong chúng ta hình ảnh một đời sống đơn
giản, khiêm cung, an hòa, thanh thoát. Những màu sắc đó cũng rất gần gũi
với chúng ta. Đó là màu của đất, của khói hương, của lá, cây, củ, rễ,
những thứ rất gần với đời sống của người Việt trong nhiều ngàn năm. Và
đặc biệt trong thế giới chạy đua với thời gian ngày nay, những màu sắc
đó nhắc chúng ta rằng vẫn còn có những nơi chốn mà thời gian không chạm
đến, sự mâu thuẩn và tranh đua không len vào, nơi mà đất trời có thể
được cảm nhận thật gần, hiện diện ngay trong đời sống nầy, là những chỗ
chúng ta có thể dừng lại, trong chốc lát hay dài lâu, để tìm thấy sự
nghỉ ngơi và tìm lại chính mình.
Do đó hình thức không phải là cái gì dư thừa trong Phật giáo, nhất là
Phật giáo Đại thừa, một tông phái Phật giáo không tách rời với đời sống
xã hội.
Thế giới của các kinh điển Đại thừa, cũng như nghệ thuật Phật giáo, từ
tranh tượng cho đến các lễ nghi, là một thế giới đầy màu sắc và âm
thanh. Đời sống của chúng ta gắn liền mật thiết với sắc tướng và âm
thanh. Với Phật giáo, dùng sắc tướng để mở cánh cửa vô tướng, dùng âm
thanh để mở cánh cửa vô thanh. Đó là con đường phát hiện tánh thấy hay
tánh nghe. Dừng lại trong tánh thấy hay tánh nghe đó là nắm được nền
tảng của đời sống, là đặt được chân vào ngưỡng cửa của giáo pháp, là
thấy tánh, là khởi sự cho niềm vui.
Tôn giáo, nhất là những tôn giáo có sự giao tiếp nhiều với xã hội như
Phật giáo, vì vậy có những nguyên tắc ứng xử có tính cách xã hội qua
những phương tiện sắc tướng, âm thanh. Trong lịch sử truyền bá và phát
triển, Phật giáo đã triển khai nguyên tắc khế lý khế cơ để tạo nên một
nền văn hóa Phật giáo phong phú. Và từ đó, nghệ thuật Phật giáo, một nền
nghệ thuật có thể nói là phong phú nhất trên thế giới, phát sinh.
Trang phục Phật giáo nói riêng và nghệ thuật Phật giáo nói chung có thể
nói là những phương tiện để thể hiện đời sống giác ngộ. Vì là phương
tiện nên trong quá trình truyền bá và phát triển, cũng giống như những
phương tiện khác, y phục Phật giáo cũng tùy theo thời đại, địa phương mà
thay đổi.
Nhưng dù bao nhiêu thay đổi, có một cái không bao giờ thay đổi. Đó là
hình ảnh “đầu tròn áo vuông,” cái mà dù đi đến đâu, ở bất cứ phương trời
nào, những người tu sĩ Phật giáo vẫn nhận ra nhau khi gặp nhau. Áo
vuông là chiếc áo cà sa đắp ngoài của các tu sĩ Phật giáo.
Theo kinh sách, chiếc y hay cà sa có lịch sử như sau:
Khi đức Phật rời bỏ hoàng cung để sống đời sống tìm đạo, theo truyền
thống, ngài đổi bộ đồ sang quí của ngài để nhận lấy bộ đồ của người khất
sĩ. Theo kinh điển thì y phục của người khất sĩ thời bấy giờ được may
bằng những mãnh vải vụn bị vứt bỏ, có thể là do lửa cháy, bị quàu rách,
vải quấn thây người chết… Những mãnh vải vụn đó được may lại thành một
tấm hình vuông hay chữ nhật đủ để quấn thân, rồi được nhuộm bằng màu từ
các loại thảo mộc, tạo nên một loại màu tạp, nhìn không đựợc sạch sẽ. Đó
là chiếc áo mà đức Phật đã mặc trải qua nhiều năm tìm đạo trước khi
Ngài chứng quả Phật.
Sau khi đức Phật thành Đạo, tăng đoàn bắt đầu được thành lập, dù đức
Phật không còn chủ trương khổ hạnh mà đi theo con đường trung đạo, ngài
và các đệ tử của ngài vẫn giữ lối ăn mặc của các khất sĩ đương thời,
không có quy cách riêng về y phục cho tăng đoàn. Điều nầy làm cho vua
Tần Bà Sa La gặp khó khăn khi ông muốn cúng dường các vị tu sĩ Phật
giáo. Do đó, ông đã thỉnh cầu Phật cho tu sĩ Phật giáo có được pháp phục
riêng biệt. Lúc đó, Phật và ngài A Nan đang trên đường du hành phương
Nam để thuyết Pháp, nhìn những thửa ruộng ngăn nắp trên cánh đồng bên
đường, đức Phật bảo ngài A Nan theo hình ảnh đó làm mẫu pháp phục cho
chư tăng, ni. Vì vậy chúng ta thường gọi cà sa là áo ruộng phước (phước
điền). Ruộng phước ở đây không có ý chỉ sự giàu có vật chất, nhiều lúa
gạo, của cải. Phước ở đây là phước của đời sống đức hạnh, khiêm cung,
đạm bạc, giải thoát, phước cho những người biết tôn kính những bậc có
đời sống đức hạnh, khiêm cung, đạm bạc, giải thoát.
Và chúng ta có thể hình dung sau đó là bóng dáng những đoàn người hay
chỉ một nguời đơn độc, mình mặc cà sa, đầu cạo sạch ung dung bước đi
trên những con đường trong phố, những con đường làng, ngồi tham thiền
dưới những bóng cây của núi rừng, trong các hang động. Rồi đến một lúc,
khi nhìn thấy một đoàn người mặc cà sa, người ta liên tưởng đến sự an
nhiên vằng lặng của một người, nhìn thấy một người mặc cà sa, người ta
liên tưởng đến một một tăng đoàn vắng lắng và trang nghiêm. Hình ảnh một
chiếc cà sa trở thành hình ảnh của tất cả cà sa, và tất cả cà sa ở
trong hình ảnh một chiếc áo sa. Và người ta cảm nhận về một bản thể Tăng
già. Màu cà sa giờ đây là màu của thanh tịnh và giải thoát, hòa hợp và
kết nối, màu của Thánh chúng, suối nguồn của hạnh phúc.
Cà sa là chiếc áo đạm bạc, màu sắc đạm bạc, nói lên một đời sống khiêm
tốn nhất, đơn sơ nhất. Và sự khiêm tốn đơn sơ đến “không còn dùi để cắm”
đó cũng chính là một đời sống cao quí và giá trị nhất.
Sau hơn hai ngàn năm trăm năm Phật giáo truyền bá trên khắp thế giới, do
hoàn cảnh văn hóa và địa dư khác biệt đã tạo ra những sự khác biệt
trong hình thức, nhưng như đã nói, hinh ảnh “đầu tròn áo vuông” là một
hình ảnh bất biến và bao trùm.
Và hình ảnh “đầu tròn áo vuông” trong một mức độ nào đó còn nói lên tính
chính thống của Tăng đoàn và Giáo pháp. Hình ảnh đó rất cần thiết trong
những thời kỳ mà sự mạo danh và lạm dụng phổ biến như ngày nay.
Hơn bất cứ một biểu tượng nào của Phật giáo, hình ảnh chiếc cà sa được đặc biệt tán dương.
Theo truyền thống Trung hoa, chiếc áo cà sa có mười hai tên gọi. Mười
hai tên gọi đó cũng nói lên mười hai tính chất của cà sa cũng là tính
chất của người mặc cà sa. Đó là: 1. Cà sa: Áo có màu chết, màu đạm bạc,
nói lên đức khiêm cung, đơn giản. 2. Đạo phục: Áo của người đi theo con
đường chân chính, hợp lẽ. 3. Thế phục: Áo của người cắt đứt mọi ràng
buộc thế gian, từ bỏ tham luyến. 4. Pháp y: Áo chánh pháp, áo của người
đi trên con đường chân chánh hướng đến sự nghiệp giải thoát chân thật.
5. Ly trần tục: Áo xa lánh những bụi bặm, phiền não của thế gian, của
người dấng bước trên con đường tịnh hóa thân tâm. 6. Tiêu sấu phục: Áo
tiêu trừ phiên não, áo của người đi trên hành trình diệt trừ phiền não
cho mình và cho người. 7. Liên hoa phục: Áo chứa đựng mọi tính chất của
Phật giáo: trong sạch, không nhiễm, lan tỏa, kết nối…. 8. Gián sắc phục:
Áo gồm các màu sắc lẫn lộn, màu không màu, nói lên tính chất rỗng không
của các pháp, không có chỗ để nương. 9. Từ bi phục: Áo từ bi. 10. Phúc
điền phục: Áo ruộng phước. 11. Ngọa cụ: Áo có thể dùng để lót nằm. 12.
Phu cụ: Áo có thể dùng để làm chăn đắp. Hai tên sau cùng nói lên một đời
sống lang thang, không cố định, không bám giữ.
Theo kinh điển Pali, y của Phật được truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp
trước khi đức Phật nhập Niết bàn. Và chính ngài ma Ha Ca Diếp là vị đã
tổ chức kỳ Kết tập lần đầu để nhứt quán giáo pháp của đức Phật. Chúng ta
có thể nghĩ rằng việc trao y bát nầy là một hình thức trao thẩm quyền
gìn giữ và lưu truyền Giáo pháp. Và cũng theo kinh điển Nam Tông, khi
sắp nhập diệt, ngài Ma Ha Ca Diếp lên hang Tượng Đầu trên núi Kỳ Xà
Quật, khoát lên người chiếc y của Phật, nguyện thân xác không hoại cho
đến khi đức Di Lặc ra đời.
Trong kinh Pháp Hoa, một trong ba hình ảnh tượng trưng cho những đức
hạnh của vị Pháp sư Pháp hoa là “mặc áo Như lai.” Mặc áo Như lai theo
kinh là sống trong hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Cà sa là biểu tượng của hạnh
khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục. Đức khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục
trong Phật giáo liên hệ mật thiết với tinh thần bình đẳng, tin chắc rằng
mọi chúng sanh đều có Phật tánh và khả năng thành Phật. Đó là tâm từ,
là hạnh thành Phật. Hình ảnh ngài Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa
nói lên hạnh nhu hòa, nhẫn nhục đó.
Ngài Thường Bất Khinh là một vị tăng sống trong thời kỳ tượng pháp của
đức Phật Oai Âm Vương. Ngài không tụng đọc kinh sách, chỉ suốt đời thực
hành một hạnh: khởi tâm bình đẳng và cung kính đến tất cả mọi người, tin
rằng mọi người đều có tánh Phật. Mỗi khi gặp một vị tăng, ni, cư sĩ
nam, cư sĩ nữ nào, ngài đều cúi lạy, tán dương: “Tôi rất quí kính ngài,
chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quí ngài đều tu hành đạo Bồ tát sẽ đặng
làm Phật.” Dù bị ngược đãi, ngài Thường Bất Khinh không thối tâm trong
việc thực hành hạnh Thường Bất Khinh đó. Và khi sắp lâm chung, ngài lãnh
hội được toàn bộ giáo pháp Nhất thừa từ đức Phật Oai Âm Vương.
Như vậy, cà sa là áo Phật, áo Như lai, hạnh cà sa là hạnh thành Phật. Cà
sa tượng trưng cho sự nhu hòa, nhẫn nhục, bình đẳng, khiêm cung. Đó
cũng là những đức hạnh để phát triển tâm Từ.
Trong kinh Bi Hoa (Từ Bi Liên Hoa), năm công đức thánh thiện của áo cà
sa được mô tả. Năm công đức đó là kết quả của năm lời nguyện của đức
Phật khi ngài tu hành đạo Bồ tát. Đức Phật nguyện khi ngài chứng quả
Chánh giác, cà sa của ngài sẽ có năm đức như sau: 1. Người thế tục biết
kính trọng cà sa sẽ được Tam thừa. 2. Trời, rồng, người, quỉ thần biết
kính trọng cà sa cũng sẽ được Tam Thừa. 3. Chúng sanh và quỉ thần chỉ
cần bốn tấc cà sa sẽ được no đủ. 4. Chúng sanh thường nghĩ nhớ đến cà sa
sẽ tăng trưởng lòng từ bi. 5. Người trong trận mạc nếu có một mảnh cà
sa và kính trọng mảnh cà sa đó sẽ được vinh quang.
Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán đề cập đến mười lợi ích của việc mặc cà sa như sau:
“Một là, che thân mình, xa-lìa được sự xấu-hổ, đầy-đủ đức biết
thẹn-hổ để tu-hành thiện-pháp. Hai là, xa-lìa sự lạnh, nóng , ruồi,
muỗi, thú dữ, trùng độc, để an-ổn tu đạo. Ba là, hiện ra tướng mạo
Sa-môn xuất-gia, người ta trông thấy sinh tâm vui-vẻ, xa-lìa được tâm
tà-vạy. Bốn là, Ca-sa tức là bóng-dáng lá cờ báu của Nhân, Thiên,
chúng-sinh tôn-trọng kính-lễ được sinh Phạm-thiên. Năm là, khi mặc Ca-sa
tưởng-tượng là lá cờ báu, diệt được mọi tội, sinh mọi phúc-đức. Sáu là,
bản-chế Ca-sa nhuộm thành hoại-sắc là để muốn xa-lìa năm dục-tưởng,
không sinh tâm tham-ái. Bảy là, Ca-sa là áo thanh-tịnh của Phật, dứt hẳn
được phiền-não, tạo ra ruộng phúc tốt lành. Tám là, thân mặc Ca-sa, tội
nghiệp tiêu-trừ, mười thiện nghiệp-đạo, niệm niệm tăng-trưởng. Chín là,
Ca-sa cũng như ruộng tốt hay làm tăng-trưởng Bồ-tát-đạo. Mười là, Ca-sa
cũng như áo giáp, mũ trụ, tên độc phiền-não không hại được.” (Kinh Đại
Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, HT Thích Tâm Châu dịch)
Luận Thập Trụ Bà Sa đề cập đến 26 loại y và mười lợi ích của y. Kinh Hải
Long Vương đề cập đến việc Long Vương thoát khỏi móng vuốt của đại bàng
nhờ sự che chở của cà sa của Phật.
Như vậy theo kinh điển, công đức của cà sa là vô lượng.
Với Thiền Tông, chiếc áo cà sa cũng mang một ý nghĩa đặc biệt và rất
được tôn quí. Chiếc cà sa được chư Tổ truyền nhau là chiếc áo Chánh pháp
và sự trao truyền đó mang ý nghĩa là trao truyền Chánh pháp. Chiếc áo
đó đi theo dòng giác ngộ của Thiền, tức đi theo tâm ấn của Phật. Đối với
Thiền, đó là chiếc áo tượng trưng hay chứa đựng toàn bộ kho tàng giác
ngộ của chư Phật, chư Tổ và của tất cả chúng sanh.
Không những chiếc y truyền thừa theo dòng Tổ có giá trị siêu việt mà cà
sa bình thường của các Thiền tăng cũng có một ý nghĩa và giá trị siêu
việt. Trong tiểu luận The Merits of the Kasaya, ngài Uku viết:
“Cà sa là một vật rất quan trọng đối với người theo Phật. Nó không
chỉ là trang phục của tăng, ni mà còn đại diện trọng tâm của thiền; mặc
cà sa là mặc áo Phật và mặc áo Phật là toàn tâm toàn ý thực hành thiền.
Cà sa là thân và tâm của Phật.”
Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, ngài Dogen (Đạo Nguyên) viết:
“Nên nhớ rằng cà sa là đối tượng tôn kính và thành tâm hướng về đức
Phật. Nó là thân của Phật và tâm của Phật. Chúng ta gọi nó là áo giải
thoát, áo ruộng phước, áo vô tướng, áo tối thượng, áo nhẫn nhục, áo Như
lai, áo đại từ, áo đại bi, áo vinh quang, áo tam muội tam bồ đề. Chúng
ta nên nhận nó và duy trì nó như vậy, khiêm cung đội trên đầu. Vì nó là
như vậy, chúng ta không bao giờ thay đổi nó theo ý chúng ta.”
Chỗ khác ngài viết:
“Khi chứng quả Phật, tất cả các đức Phật đều mặc cà sa, điều đó cho
thấy rõ mặc cà sa được coi như có công đức đáng kính và cao cả nhất.”
(Chánh Pháp Nhãn Tạng.)
Tóm lại, theo ngài Dogen, công đức của chiếc áo cà sa không thể suy
lường. Đó là suối nguồn bất tận của thành tựu và phúc lạc. Nó vượt ngoài
không gian và thời gian. Nó hiện diện ngay nơi đây bây giờ, mà cũng
đang hiện diện khắp pháp giới trong mọi thời gian. Cà sa chính là Pháp
thân của chư Phật.
“Chiếc áo cà sa không phải là một sáng tạo của con người cũng không
phải không là một sáng tạo của con người. Nó không dừng lại một nơi nào
nhưng không có chỗ nào nó không dừng lại. Và ý nghĩa chân thật của chiếc
áo cà sa chỉ có chư Phật mới hiểu được. Những người đi trên con đường
Đạo, những lợi ích của chiếc áo cà sa mang đến cho họ thật là vô cùng
tận.” (Chánh Pháp Nhãn tạng.)
Trở về với chúng ta.
Chúng ta đang hiện diện nơi đây đồng thời chúng ta cũng đang hiện diện
trong pháp giới của chư Phật. Pháp giới đó từ ngàn xưa cho đến ngàn sau
không hề thay đổi, và chúng ta vẫn thường hằng ở trong đó. Nhưng chúng
ta đã u mê không nhìn thấy cho đến khi hình bóng chiếc cà sa xuất hiện
để kết nối chúng ta với Pháp, mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được
rằng chúng ta vẫn đang ở trong pháp giới của chư Phật, có cùng pháp thân
với chư Phật. Và từ đó đời sống của chúng bắt đầu thênh thang và có ý
nghĩa.
Đời sống đó chẳng những đem đến sự an vui, hạnh phúc và ý nghĩa cho cá
nhân, mà còn là tố chất làm thăng hoa tập thể, chất keo kết nối cộng
đồng. Và như chúng ta thấy, khi những bóng cà sa từ những chiếc thuyền
buôn ghé vào đất nước chúng ta trong hoàn cảnh khổ nhục của người dân
mất nước, những chiếc cà sa đó đã xoa dịu niềm đau và làm thăng hoa, kết
nối chúng ta, để khi hội đủ nhân duyên, những chiếc cà sa đó lại vạch
đường cho một tương lai tươi đẹp của đất nước.
Đó là ý nghĩa của chiếc áo cà sa riêng đối với chúng ta, cũng như riêng đối với lịch sử của chúng ta.