"Đi cùng Thầy, chân nở rộ hoa mai/ Và hơi thở ngời nụ cười của Phật"
Cái yên bình của bình minh, thong dong của mây trời ấy
theo bước chân tôi tìm về chùa Từ Hiếu. Mà có lẽ nói đúng hơn, thì những thong
dong, yên bình ấy dường như chảy từ Từ Hiếu - như mạch nguồn lan khắp đất cố
đô, để dù Huế đang là mùa mưa - những cơn mưa rích rắc rớt đầy ngày, nhưng vẫn
hé nở những khoảng đủ đẹp để mỗi người tự đưa an bình chảy tràn vào đó. Mà thư
thới. Mà mỉm cười. Thấy một mùa hoa hiện tại đang tương tức ngọt lòng - cùng sự
trở về tịnh dưỡng nơi chùa Tổ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người vẫn được
Tăng thân đệ tử trong và ngoài nước gọi bằng hai từ thương mến: Sư ông.
Cơn mưa đêm dỗi hờn đi qua, để lại những con đường, những
góc vườn sớm nay còn ẩm ướt. Đất mẹ từ hòa thả từng bụi đất đỏ hồng chảy theo
mưa, thấm vào ao cá ở hai bên lối vào chùa, nhuộm mặt nước một màu hồng hào như
da em bé. Bầy cá trê râu ria dài mềm ngoi lên mặt nước, nhẩn nha thưởng thức những
vụn bánh nhỏ của mấy cô bé, cậu bé hồn nhiên theo bước chân người thân đến chốn
cửa thiền.
Đồi Xuân Dương mùa
đông, cây lá vẫn mướt xanh. Như thể bình an chốn này khiến muôn cây cũng thảnh
thơi mà xanh, chẳng còn phân biệt hay ngại ngùng đang ở giữa xuân ấm hay đông lạnh.
Nhất là tùng và thông. Cứ hiên ngang cao vút, chọc thẳng trời xanh. Như niềm
tin, như bài ca về Hiểu và Thương trường tồn cùng lòng tri ân không bao giờ vơi
cạn về những bước chân người khai sáng luôn còn đó - ấm áp với trăng ngàn.
2. Sớm nay, con chim xanh đậu trên cây hồng quả
sai lúc lỉu bên hiên chùa Từ Hiếu, cứ ríu ran hót mãi. Nó lượn bay sang vòm hoa
đại trắng ngần hoa nở, ngậm một mùi hương, rồi vòng sang cây khế già cổ thụ dễ
đến cả trăm tuổi phía sân sau của chùa. Trong vòm khế mùa đông, con chim xanh
bình yên uống từng giọt sương long lanh đọng trên trái khế vàng ươm đang từ từ
nhỏ xuống. Và nó lại hót - những tiếng ca của một chú chim xanh đang hạnh phúc.
|
Trong tiếng hót lảnh lót đầu ngày tinh khôi ấy, từ phía nội
viện bản tự, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ từ xuất hiện. Tôi đứng lặng người,
nhìn xe lăn của Sư ông đang chầm chậm lăn đến gần. Vẫn dáng người gầy gầy, đầu
đội chiếc mũ len, cổ quàng chiếc khăn nâu che gió. Vẫn bàn tay khe khẽ cử động,
ra hiệu cho người đẩy xe lăn về những đoạn đường Sư ông muốn đi qua. Và vẫn ánh
mắt từ hòa, chầm chậm nhìn ngắm xung quanh để lắng nghe, đón nhận thiên nhiên
như tôi đã gặp trong khóa tu tại Làng Mai (Thái Lan) đầu xuân 2018.
Phật tử từ nhiều nơi thường xuyên tìm về để tham gia thiền hành và đứng lặng
bên hồ Bán Nguyệt, dõi về phía chùa Tổ với niềm kính ơn và mong có cơ hội được gặp Sư ông
Sức khỏe của Người
dường như có phần yếu hơn, nhưng ánh mắt vẫn tinh anh và thăm thẳm một niềm yêu
thương đến lạ. Tôi cứ nhìn sâu vào đôi mắt ấy, nước mắt tự dưng ứa ra, và quỳ
xuống bên đường đảnh lễ Người - vị thầy tâm linh đã dành cả cuộc đời phụng sự sứ
mệnh của Như Lai. Người đã chỉ ra “phép lạ của sự tỉnh thức” ngay trong
mỗi bước chân, hơi thở hàng ngày để mỗi chúng ta có thể nhận diện và thực tập.
3. “Phép lạ” mà Thiền sư
Thích Nhất Hạnh gọi tên không gói gọn trong một nhóm Tăng thân, đệ tử của Thầy,
mà nó vượt ra khỏi mọi ranh giới, không phân biệt quốc gia, địa vị, nghề nghiệp
và còn mãi cho các thế hệ sau. Từ người dân thường, tri thức, các nguyên thủ quốc
gia, hay người ở những tôn giáo khác nhau đều dễ dàng đón nhận và tìm thấy sự
an lạc khi thực hành pháp tu của Sư ông. Mỗi người ở trong đó đều tìm thấy lợi
lạc cho chính mình và mang lại lợi lạc cho những người khác mà không cần phải là
một vị trí, chức vụ gì. |
“Phép lạ” ấy được mọi
người lan tỏa, tự truyền cho nhau trong
tình huynh đệ, trong đôi mắt thương nhìn cuộc đời, trong nhịp an khi thở, lạc
khi đi. Đó là một sự tiếp nối. Và sự tiếp nối ấy cứ đầy dần lên, như một vòng
tay ôm trọn trái đất, ôm trọn loài người và vạn loại chúng sinh theo mỗi nhịp
thời gian. “Phép lạ” ấy đưa mọi người đến gần nhau, và cùng đi như một
dòng sông - cuốn đi những nỗi khổ niềm đau trên mỗi bước đường đời.
Và hôm nay đây trở về với Từ Hiếu, tôi là một giọt nước
nhỏ cũng đang có cơ hội hòa cùng những giọt nước khác chảy về từ khắp muôn
phương để hòa thành một dòng sông lớn bên Sư ông, để cùng nắm tay nhau đi như một
dòng sông.
Lối ra tháp chuông lá rụng đầy
Đi cùng Thầy, chân nở rộ hoa mai. Và hơi thở ngời nụ cười
của Phật. Dẫu bạn đang ở đâu trên thế giới này, dẫu không trực tiếp ở gần Sư
ông - thì bạn vẫn có thể nắm tay Thầy, nắm tay Tăng thân để cùng đi - qua mỗi
trang sách, mỗi bài pháp thoại, mỗi hơi thở và bước chân thực tập theo “phép
lạ” của Sư ông.
4.
Bao nhiêu năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh
chỉ chia sẻ về bước chân và hơi thở. Bao nhiêu năm sau, các đệ tử và đại chúng
khắp nơi trên thế giới cũng chỉ chia sẻ về bước chân và hơi thở. Nhưng nó luôn
có giá trị, và mỗi người đều cảm nhận được mình đang tham dự vào một dòng sông lớn.
Chỉ cần đặt mình vào dòng chảy đó, sẽ thấy một năng lượng lớn chuyên chở mình
đi. Dù mình là ai, thế nào cũng luôn được nâng đỡ, tưới tẩm yêu thương, được về
với chính mình, có mặt cho chính mình. Và tôi lại nhớ tới lời của một quý thầy
(tôi chưa kịp nhớ tên) từng là thị giả của Sư ông, đã chia sẻ trong buổi pháp
thoại ngày cuối tuần tại Diệu Trạm: |
- Nếu chỉ đọc thơ,
xem tranh của người khác thì không ai công nhận mình là nhà thơ, là họa sĩ cả.
Mà bản thân mỗi chúng ta cần phải là người tạo ra bài thơ, ra bức tranh đó. Niềm
tin, tình thương, sự an lạc cũng vậy.
Mình cần là người có thể chế tác được ra chất liệu của yêu thương, tạo ra năng
lượng, hướng mình và những người khác đến với những giá trị tốt đẹp. Sư ông hy vọng chúng ta đi như một dòng sông,
bởi chính cách đó mới ôm ấp được nhiều người. Mình tạo ra điều gì đó cho những
người kế tiếp thành công thì mình cũng được coi là người thành công. Mình không
cần gọi tên một giọt nước để khẳng định mình đã tham dự vào đó. Mình chỉ cần gọi
tên sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long… nhưng mình biết: mình có mặt trong
đó.
Vẻ cổ kính rêu phong của chùa Từ Hiếu buổi sớm mai
5. Tôi cùng đoàn người thiền hành buổi sớm theo
xe lăn của Sư ông, qua hết các lối đi và không gian trong lòng chùa Từ Hiếu.
Đoàn người dừng lại ở trước khu vực hồ bán nguyệt và cổng tam quan theo yêu cầu
của Sư ông. Từ không gian này có thể nhìn bao quát được toàn cảnh cổ tự. |
Tâm thái đón nhận, hòa cùng thiên nhiên qua ánh mắt, cử
chỉ gợi nhắc trong tôi hai chữ: Trở về. Ai cũng có một nơi chốn để trở về, và cần
trở về. Trở về với quê cha đất mẹ, với mỗi nhành cây ngọn cỏ, con đường mà thơ ấu
mình đã yêu thương.
“Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng dọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về
Bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống”…
(Trích: Bướm bay vườn cải hoa vàng - Thích Nhất Hạnh)
Và quan trọng hơn là sự trở về với mỗi chính ta - từng hạt
bụi nhỏ lăn qua bao kiếp luân hồi, may mắn được hiện diện trong đời sống này với
thân người quý giá. Vậy nên cần luôn trân quý từng hơi thở - dẫu chỉ còn một ngày,
một phút giây thì cũng cần thở bằng thư thái, an lạc, thong dong. Như một bông
hoa tươi mát. Như một ngọn núi vững chãi. Như một mặt hồ trong veo in bóng mây
trời…
“Và mặt trời
sáng nay bừng tỉnh sớm
Những bông
hoa đã nở trước đêm dài
Cỏ lành ngọt
sớm mai
Dưới vòng lăn
mang nụ cười yên lắng!
Xòe tay đón
ngửi mùi cỏ đất
Hạt thương
yêu vô lượng kiếp xanh đầy
Thầy thở cùng
tinh khôi
Quay về và
nương tựa.
Gieo Hiểu -
Thương qua năm châu bốn bể
Ru bão giông
khép mắt hóa mây ngàn
Rộng vòng
Tăng thân
Thảnh thơi -
vững chãi.
Hạnh phúc
trong hiện tại
Sự sống lên
nhiệm mầu
Chuyển hóa mọi
khổ đau
Tình thương
yêu đích thực.
Chắp tay sen
đón ngọn nguồn tỉnh thức
Như chim xanh
an lạc khúc ca trời
Bụt an trú
trong Thầy
Bụt ẩn mình
trong con - từ phút ban sơ lời con khóc…
Thầy đã đến nắm
tay đời gieo hạt
Bụt trong con
tỉnh giấc sáng từng ngày
Gọi con trở về
đây
Gần bên Thầy
- đón bình minh ý thức.
Thầy đã đến
khi chúng sinh lạc bước
Thấu nhân
gian ôm trọn mọi chúng loài
Đi cùng Thầy
- chân nở rộ hoa mai
Và hơi thở ngời
nụ cười của Bụt.
Hôm nay con hạnh
phúc
Dưới bóng Thầy
bao dung
Trái tim Thầy
- Bồ-tát
Muôn kiếp nhịp Hiểu - Thương!
Bài, ảnh:
Lương Đình Khoa