Chùa Bửu Minh

Tuy rằng, quê hương của đạo Phật chính là Ấn Độ, nhưng ngày nay, Phật giáo chiếm một tỷ lệ tín đồ rất thấp trong cơ cấu tổng thể tôn giáo của Ấn Độ. Tôn giáo chính của Ấn Độ là Ấn độ giáo (hindu), một tôn giáo có tính dân tộc cao.


Nhiều học giả có nói đến sự đối kháng giữa nền văn minh Ấn Độ hiện đại, với cốt lõi là Ấn Độ giáo, đối với Phật giáo. Trong công trình Cục diện thế giới đến năm 2020 của Học Viện Ngoại giao (Phạm Bình Minh chủ biên), trong bài Cục diện Văn hóa – xã hội thế giới đến năm 2020 tác giả Đỗ Thị Minh Thúy, trong phần Cục diện bảy nền văn minh, sau khi dẫn nhiều tài liệu chủ yếu là của các học giả Mỹ, đã có nhận xét: “Nền văn minh Ấn Độ giáo dựa vào đạo Hin đu – một đạo giáo có tính chiến đấu cao hơn và sẵn sàng đương đầu với đạo Phật ở phía Nam và phía Đông, với Đạo Hồi ở phía Tây và phía Bắc. Đạo Hin đu trở nên mạnh hơn một tôn giáo hoặc một hệ thống xã hội và trở thành cơ sở thực sự của nền văn minh Ấn Độ” (sách đã dẫn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 133).
Thế nhưng, trong thực tế, đối với riêng quan hệ giữa chính phủ Ấn Độ và Phật giáo Ấn Độ, chúng ta, dường như, không thấy vấn đề mâu thuẫn, mà chỉ thấy chính phủ Ấn Độ ủng hộ triệt để Phật giáo Ấn Độ trong tình trạng thiểu số.
Các quan chức  Ấn Độ thường hay thể hiện tính chất Phật giáo của Ấn Độ trong các bài phát biểu, các diễn văn quốc tế, Quốc kỳ, quốc huy Ấn Độ đều có các biểu tượng Phật giáo. Hoa sen được chọn làm quốc hoa. Các thánh tích Phật giáo được chính phủ Ấn Độ quan tâm bảo vệ, trùng tu và thường xuyên quảng bá như là những hình ảnh đặc trưng của Ấn Độ. Hoạt động cải đạo tập thể từ số đông tín đồ Hinđu sang Phật giáo được nhà nước Ấn Độ từ trung ương đến địa phương ủng hộ, thậm chí đứng ra tổ chức, quảng bá, lễ cải đạo có sự hiện diện của các quan chức.
Chính phủ  Ấn Độ cũng hỗ trợ tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo ở Ấn Độ.
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, có lúc, chúng ta sẽ  tưởng chừng như  chính phủ Ấn Độ là  một chính phủ Phật giáo, nước Ấn Độ là  một nước Phật giáo, chứ không phải là một nước thực tế tuyệt đại đa số theo Ấn  Độ giáo và có nền văn minh  “đương đầu với đạo Phật ở phía Nam và phía Đông”.
Tại sao chính phủ Ấn Độ làm như thế, và làm một cách nhất quán từ chính phủ đầu tiên kể  từ khi thu hồi độc lập, cho đến ngày nay? Chính phủ Ấn Độ làm như thế có lợi gì. Điều đó có thể cho chúng ta bài học gì?
Đây là một vấn đề chính trị và chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời từ chính sách ngoại giao của nước Cộng Hòa Ấn Độ, một chính sách tương đối nhất quán, không có những điều chỉnh đột biến, có tính chất bước ngoặt.
Trình bày với thế giới và thực sự tìm kiếm một nước Ấn Độ  gồm Phật giáo - Ấn Độ giáo là điều có lợi cho chính sách ngoại giao của Ấn Độ, và cả trong việc giải quyết những vấn đề nội trị của mình.
Cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan thường vẫn được coi là cuộc xung đột giữa một bên là Ấn Độ giáo và một bên là Hồi giáo, tôn giáo chính của Pakistan (tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nước Pakistan được dịch là “Hồi Quốc”).
Điều này tất nhiên bất lợi cho Ấn Độ so với việc thể hiện một nước Ấn Độ Ấn Độ giáo và Phật giáo (cả hai tôn giáo đều khởi thủy từ Ấn  Độ và Phật giáo đã là tôn giáo của  Ấn Độ trong lịch sử). Bề ngoài xu hướng xung đột Hồi giáo/Ấn giáo sẽ có phần dịu đi.
Để giải thích tác động từ cố gắng này của Ấn Độ, các học giả, nhà ngoại giao Mỹ lại cố gắng đi theo hướng ngược lại, là tập trung nhìn nhận một nước Ấn Độ hiện đại Ấn Độ giáo, văn minh Ấn Độ  là văn minh Ấn Độ giáo (điển hình là Hutington với công trình Sự va chạm giữa các nền văn minh, hay Henry Kissinger, qua nhiều bài nói, bài viết).
Quan chức và học giả Ấn Độ thì cố gắng đưa Phật giáo vào, nhấn mạnh đến yếu tố Phật giáo, còn các quan chức, học giả Mỹ thì cố gắng lờ đi Phật giáo Ấn Độ, đưa Phật giáo ra chỗ khác. Sách của Hutington đề cập đến các nền văn minh tôn giáo, nhưng cố ý không  nhắc gì đến Phật giáo.
Ngoài mối bận tâm Pakistan, Ấn  Độ còn có một mối bận tâm lớn nữa là Trung Quốc. Cũng như Pakistan, Trung Quốc đã từng có chiến tranh với Ấn  Độ  và hiện nay căng thẳng và tranh chấp  biên giới của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt. Chính sách ngoại giao và quốc phòng của Ấn Độ một phần dành cho mối bận tâm Trung Quốc. Một số học giả cho đây là một trong những mầm mống xung đột nguy hiểm, được lý giải là “giữa văn minh Trung Hoa và đạo Hinđu)” (xem sách dẫn trên trang 134).
Đối phó với vấn đề Trung Quốc, Ấn Độ dùng nhiều biện pháp, mà một trong những biện pháp là yếu tố Tây Tạng, một xứ sở Phật giáo tuyệt đối. Ấn Độ đã mạnh mẽ ủng hộ nhà nước Tây Tạng của các vị Dalai Lama, che chở cho vị Dalai Lama hiện thời lưu vong trên đất Ấn Độ phản đối Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng. Việc chấp nhận cho thành lập chính phủ lưu vong Tây Tạng trên đất Ấn Độ là điều hiếm thấy trong quan hệ quốc tế.
Để tạo một sự gần gũi với Tây Tạng, yếu tố Phật giáo đối với Ấn Độ là rất quan trọng. Ở đây Ấn Độ không chỉ tìm một sự trang trí hình thức, mà  là một sự thể hiện tình cảm chân thành. Tây Tạng đối với Ấn Độ không phải là một mối quan hệ trình diễn, mà là một mối quan hệ truyền thống tâm linh. Để thúc đẩy mối quan hệ đó, Ấn Độ càng phải nhấn mạnh yếu tố Phật giáo của mình.
Nhấn mạnh yếu tố Phật giáo, thì phải loại trừ phần nào yếu tố Ấn Độ giáo, mới có chỗ cho một Phật giáo Ấn Độ. Đó là điều đương nhiên. Và điều đó rất có lợi cho hoạt động ngoại giao quốc phòng, an ninh, nội trị của Ấn Độ.
Nhiều học giả miêu tả chính sách ngoại giao của Ấn  Độ là chính sách “ba vòng tròn đồng tâm”  với vòng tròn thứ nhất, vòng tròn tâm điểm, là các nước láng giềng gần gũi về địa lý và văn hóa. Phía Đông và phía Nam Ấn Độ là những quốc gia Phật giáo và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…
Để tạo nên một sự nối kết gần gũi với các quốc gia này, Ấn Độ cần đến Phật giáo như một sự tương đồng trong văn hóa, tín ngưỡng. Một nước Ấn Độ Ấn Độ giáo thì có phần lạc điệu, nhưng một nước Ấn Độ quê hương Đức Phật thì rất gần gũi với các quốc gia kể trên.
Quan hệ đối với các quốc gia láng giềng gần gũi có vị trí quan trọng trên con đường Ấn Độ  tiến lên trở thành cường quốc khu vực trong thời gian gần và thành một cực của thế giới đa cực trong tương lai xa hơn. Vì điều đó rất quan trọng, cho nên Phật giáo Ấn Độ cũng rất quan trọng.
Sự lớn mạnh về mặt quân sự của Ấn Độ không làm các nước láng giềng lo sợ như trong một trường hợp tương tự ở châu Á. Các nước Phật giáo châu Á yên tâm nhìn vào yếu tố tương đồng Phật giáo ở Ấn Độ, cách thức Ấn Độ đối xử với các xứ sở Phật giáo nhỏ bé như Tây Tạng, Nepal, Bhutan…
Lá cờ có hình pháp luân Phật giáo treo trên các chiến hạm Ấn Độ đang trên đường vươn ra vùng nước xanh ở Ấn Độ Dương và khu vực Thái Bình Dương lân cận đã làm cho sự vươn ra của quốc phòng Ấn Độ ở Nam Á và Đông Nam Á mang màu sắc hòa bình, làm các quốc gia trong khu vực có phần yên tâm vì tạo đối trọng, hơn là một sự âu lo nào đó.
Phật giáo là đạo hòa bình, tiếng nói Phật giáo là tiếng nói hòa bình. Do vậy, hình ảnh Ấn Độ không phải hoàn toàn Ấn Độ giáo, mà trong đó có Phật giáo, góp phần khẳng định vị thế tích cực của Ấn Độ trên trường thế giới. Những hỏa tiễn tầm trung mang đầu đạn hạt nhân được vẽ trên đó quốc kỳ Ấn Độ có biểu tượng Pháp luân Phật giáo không tạo nên một sự đối chọi mâu thuẫn, mà lại có tác dụng làm dịu đi hung khí của những vũ khí giết người hàng loạt này.
Bài học mà chúng tôi muốn nói  đến ở đây, trong trường hợp đối với Ấn Độ Phật giáo, là sự khôn ngoan, tìm cách pha loãng một yếu tố  thuộc về hệ ý thức, tâm linh, tín ngưỡng không có lợi cho chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bằng cách thêm vào đó yếu tố Phật giáo, một yếu tố tôn giáo tạo sự gần gũi, gắn kết, có tác dụng giảm căng thẳng tôn giáo, hướng đến hòa bình.
Đối với Phật giáo, Phật giáo hoàn toàn không bị lợi dụng cho những mục tiêu tiêu cực, mà trong trường hợp quan điểm và cách hành xử của chính phủ Ấn Độ, Phật giáo lại có dịp khẳng định vai trò của mình với bản chất một tôn giáo tạo nên sự cảm thông, an bình, tin cậy.
Việc Ấn Độ vươn lên vị trí một cường quốc khu vực là điều tất nhiên, nhưng Ấn Độ đã khéo léo trong sự vươn lên đó, với một phần bằng yếu tố Phật giáo và giảm đi yếu tố Ấn Độ giáo.
Bài này  được viết trong bối cảnh vị lãnh đạo nhà  nước Myanma đang đi thăm Miến Điện. Chuyến đi của viên thống tướng đứng đầu liên bang Myanma Phật giáo bắt đầu từ một thành phố Ấn Độ vốn là điểm hành hương Phật giáo. Chuyến công du mang đậm màu sắc Phật giáo, chừng như cả hai bên đều hiểu Phật giáo là một phần của sự gắn kết Myanma - Ấn Độ.
Và như  vậy, Ấn Độ đã rất thành công trong tính toán khôn ngoan của mình. Điều này, các quốc gia châu Á  có đông đảo tín đồ Phật giáo, phải chăng đều có thể học hỏi?


Nguon: http://www.vnbc.org/TTPG/Chi_tiet.aspx?id=1122


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage