Chẳng biết tự bao giờ, con tự trao gởi
thân con, cuộc đời con, sự sống con cho Mẹ. Con luôn như đứa trẻ ngã
người vào lòng mẹ và con luôn thấy đúng lúc, đúng khi mẹ dang bàn tay từ
ái đỡ lấy thân con, không để con ngã ngữa.
Chẳng hay tự thuở nào, mỗi buổi sáng mở
mắt bỏ chân xuống đất tìm dép để đi là con gọi mẹ. Cất bước, bước chân
đầu tiên trong ngày là con gọi mẹ. Vào bữa cơm ăn sáng, trưa, chiều tối,
mỗi khi cầm đũa là con thưa mẹ. Khởi đầu bất cứ công việc chi trong
ngày con cũng nhớ mẹ. Và rồi, bắt đầu buông thư vào giấc ngủ là con mơ
màng nghe tiếng mẹ hát ru. “À ơi! Con ngủ cho ngon, trăm dâu ngàn biển
vẫn tròn từ tâm”.
Có lúc, con ngớ ngẫn tự ăn năn rằng, lúc
nào, làm gì, nhất cử nhất động, con cứ tên mẹ hiền mà gọi, như thế có
khi nào mẹ bực con chăng? Mẹ có thấy bị quấy nhiểu bởi con chăng?
Sau nầy, khi lớn lên một chút, theo mẹ
ruột của con, mỗi tối đi chùa, thỉnh thoảng được nghe quý thầy, quý sư
cô, quý Phật tử tụng kinh Phổ Môn, con mới chợt thoang thoáng hiểu ra…
Hiểu rằng, không phiền chi cả, con cứ gọi đi, con cứ gọi mẹ bất cứ lúc
nào con nhớ đến mẹ; bởi vì mẹ là bà mẹ hiền luôn biết lắng nghe tiếng
gọi của con, mẹ là bà mẹ có biệt tài THẤY từng tiếng gọi của con, tiếng
con thưa mẹ, lời con nói với mẹ như có hình thù, dáng vóc cụ thể, như
môi như mắt như xương như thịt. con tâm tình gì mẹ cũng nghe cũng thấy,
chứ không như những phụ nữ người trần mắt thịt, lắm lúc con muốn tâm
tình thốt thưa đôi chút, họ chả muốn nghe, thi thoảng có cả người vờ bịt
cả tai, che cả mắt. Con “ngộ” ra một điều: có lẽ mẹ là một bà mẹ chịu
khó nhất giữa cuộc đời nầy; và mẹ có một khả tính mầu nhiệm, mà người
đời khó có, đó là vừa nghe được tiếng lại còn thấy cả hình thù của cái
tiếng ấy nữa. Có lẽ vì vậy mà mẹ có tên gọi là Quán Thế Âm.
Có lần đứng trước sân chùa, một ngôi
chùa nhỏ ở một vùng quê, chiêm ngưỡng hình tượng lộ thiên của mẹ, rưng
rưng đôi mắt chí thành cung kính, tận đấy lòng con đã thốt nên lời tán
thán: “Ở giữa trái tim con, trong ngần hình ảnh mẹ, trải bao nước bao
non, giọt cam lồ mát mẻ”.
Mẹ ơi! Không đợi đến khi lâm vào “lửa
dữ” khi bị “nước lớn cuốn trôi”… con mới gọi mẹ cầu cứu. Cũng không đợi
khi ưng “được con trai vừa có phước đức vừa có trí tuệ” hoặc muốn “được
con gái đoan chính, đẹp, có gốc rễ phước đức gieo trồng trong đời trước
và được mọi người mến trọng” vân vân, khi ấy con mới gọi mẹ, thưa thốt,
bộc bạch, cầu nguyện van xin. Dù con biết những việc ấy không trái với
bản nguyện độ sanh của mẹ.
Con đã thực tập trong cuộc sống đời
thường của con, cố gắng từng ngày từng đêm nhớ đến mẹ, càng nhiều càng
tốt, bất cứ lúc nào, làm gì mà cũng nhớ đến mẹ “được” thì thật tuyệt vời
làm sao.
Con thực tập nhớ mẹ như thế nên lúc nào, làm gì mà cũng nhớ đến mẹ “được” thì thật tuyệt vời làm sao.
Con thực tập nhớ mẹ như thế nên lúc nào
con cũng thấy được mẹ chở che, con ít thấy “đói lòng” vì con luôn có cảm
giác được uống những giọt nước ngọt nhiệm mầu từ đầu nhành dương liễu
của mẹ. lên thác xuống ghềnh, đầu non cuối bể, những bước chân con đi
như luôn luôn được mẹ dẫn dắt, tay mẹ nắm tay con; và con luôn vững lòng
bước chân đi tới, không sợ lạc vào chốn ao tù hiểm nguy.
Kính lạy mẹ, nếu được bày tỏ nói lời tôn
kính ngưỡng mộ mẹ, ngưỡng mộ mẹ hiền Quán Thế Âm, thú thực với mẹ, con
hơi lúng túng, không biết nói lời sao cho “đúng”, cho “phải phép” cho
“phải đạo”. Với con, đã là “tín ngưỡng” thì hình như “hơi khó” mà cũng
chẳng cần phải “lý luận” nữa. Chẳng cần phải trả lời những câu hỏi “vì
răng”, “tại sao”.
Ai lại đi đặt câu hỏi cho một bà mẹ,
rằng vì sao mẹ phải cho con bú, mẹ phải mớm cho con ăn. Mẹ mớm cho con
ăn là việc tự nhiên “đang làm” của mẹ. Mẹ cho con bú là việc đương nhiên
của mẹ khi đôi môi khi con ngậm nuốm vú mẹ.
Với con, từ thẩm sâu tận đáy lòng, con
vọng ngưỡng tôn thờ mẹ; con phó thác đời con vô điều kiện cho mẹ; con là
đứa trẻ luôn ngã vào lòng mẹ và bao giờ cũng thế, đôi tay mầu nhiệm mẹ
luôn đỡ lấy con.
Con tuyệt đối tin, từ sáng tới chiều, từ
ngày đến đêm, dù sáng nay trời trong, chiều mai u ám đen kịt, dù đèo
cao dốc thẳm, dù bảo táp mịt mùng, con tin vào hồng ân của mẹ che chở
bảo bọc đời con, an toàn tuyệt đối. Vì thế từng bước chân con thanh thản
vào đời, tâm con trong, hồn con sáng. Và ngôn ngữ loài người trong tâm
thức con, tiếng gọi từ hiệu Quán Thế Âm, nhiểu nhiều lúc với con, nghe
âm hưởng như tiếng gọi mẹ đầu đời trên đôi môi một đứa trẻ thơ.
Nam mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát !
Mẹ hiền ơi! Mẹ hãy cho con được mãi mãi gọi đứng tiếng “mẹ ơi” của đứa
trẻ thơ gọi tiếng Mẹ đầu đời!
Con lắng chờ nghe tiếng mẹ bảo “ừ” với con!
HẠNH PHƯƠNG