Chùa Bửu Minh

Sự thực hành tâm thương xót là điều rất quan trọng và có lợi ích cho mọi người có tôn giáo hay không có tôn giáo. Dù chúng ta chưa có thể suy lường những lợi ích tối hậu tột cùng của việc thực hành tâm thương xót, ta cũng có thể thấy được nhiều lợi ích giai đoạn của lòng xót thương. Người mà không có lòng thương xót thì không phải là kẻ có thiện tâm.

Một ngày kia, trong lúc Milarepa thiền giả vĩ đại của Tây tạng đang tĩnh tọa trong một hang động, ông nghe huyên náo bên ngoài và trông thấy một bầy dã thú tiến về phía động. Milarepa nghĩ có lẽ một kẻ thù ông đang xua bầy thú đến. Khi ấy môït con chó săn xuất hiện, ngồi ngoài hang cùng với những con dã thú. Những dã thú này đối với con chó săn đã trở thành bạn hữu. Chẳng bao lâu, người thợ săn đi đến. Ông ta ngạc nhiên thấy con chó mình huấn luyện để săn dã thú bây giờ lại làm bạn với dã thú. Tình bạn giữa con chó và bầy thú hoang đã phát sinh nhờ năng lực từ tâm của Milarepa. Nghĩ rằng Milarepa đã bỏ bùa cho con chó của mình, người thợ săn giận dữ nói:


"Ông đã làm gì con chó của tôi? Bình thường gặp thú rừng là nó bắt ngay."

Càng nghĩ càng tức, thợ săn bảo Milarepa: "Tôi muốn giết ông!!"

Milarepa đáp: "Ông mang một thân người nhưng tâm ông là cái tâm thú vật. Đức Phật dạy thân người rất quý; thế nhưng thân người như của ông thật không quý chút nào. Tâm ông không khác gì tâm của một con thú."

Vậy là theo Milarepa, những người không có lòng thương xót dẫu mang thân người mà tâm không khác gì thú vật. Vì chúng ta đã được thân người nên điều quan trọng là thực hành tâm thương xót. Tâm đại bi (thương xót) sẽ được giải thích ở đây dưới bốn phần.

Phần một là định nghĩa về tâm đại bi. Phần hai sẽ phác họa những lợi ích của việc thực hành tâm đại bi. Kế tiếp, những đối tượng của tâm đại bi sẽ được bàn đến. Thứ tư chúng ta sẽ giải thích cái phương pháp thực hành tâm đại bi (hay lòng thương xót).

ĐỊNH NGHĨA TÂM ĐẠI BI

Tâm đại bi được định nghĩa là một tư tưởng tốt lành mong mỏi người khác thoát khỏi đau khổ. Tâm đại bi muốn làm vơi bớt những nỗi thống khổ và rắc rối của hữu tình.

Khi một thành phần trong gia đình như cha ta bị đau ốm, và ta phát sinh một ước muốn mãnh liệt mong ông khỏi bệnh, thì đấy là một điển hình về tâm đại bi. Hay khi một người bạn ta gặp rắc rối mà ta mong cho họ thoát khỏi rối ren, thì đây cũng là tâm thương xót.

Có thể một đôi khi, lòng xót thương bị lẫn lộn với sự ái luyến ràng buộc. Khi phát sinh tâm thương xót thân quyến bạn bè, đôi lúc lòng xót thương ấy bị lẫn lộn với thói ràng buộc. Mặc dù tâm xót thương dễ bị lẫn lộn với sự chấp trước ái luyến, song cũng thực quan trọng để thực hành và đào luyện tâm thương xót đối với bạn bè thân quyến chúng ta. Nếu trước hết ta không có lòng xót thương đối với thân bằng quyến thuộc thì làm sao ta có thể khai triển lòng xót thương đối với các hữu tình khác ? Bởi thế, phát triển lòng thương xót, mong mỏi cho bạn bè thân quyến của mình thoát khỏi khổ ách, chính là khởi điểm từ đấy ta tu tập tâm đại bi lòng thương xót rộng lớn hơn.

Nếu ta muốn phát triển một ước mong rất mãnh liệt, mong cho tất cả hữu tình thoát khỏi đau khổ, thì đây là tâm đại bi, lòng xót thương lớn. Lúc đầu thực khó mà khai triển tâm đại bi rộng lớn này đối với tất cả hữu tình. Muốn đạt đến tâm bi mẫn rộng lớn này thì trước tiên ta phải thực tập lòng thương xót đối với một nhóm nhỏ chúng sinh, rồi từ từ trải rộng tâm ấy ra cho đến khi nó bao quát toàn bộ tất cả hữu tình.

Thực dễ hiểu rằng tâm đại bi là tư tưởng mong cho hữu tình thoát khỏi những đau khổ. Nhưng hiểu về tâm đại bi trên bình diện tri thức chưa đủ, đồng thời ta phải cố gắng thực hành lòng thương xót. Muốn thực hành tâm thương xót, chúng ta làm phát sinh sự bi mẫn ở trong tâm thức ta. Khi thiền quán về tâm bi chẳng hạn, ta không cần phải thực hiện một thân nghiệp nào, mà điều cốt yếu là khai triển lòng thương xót trong tâm ta, xoay tâm ta về một hướng tốt lành tích cực.

NHỮNG LỢI LẠC CỦA TÂM ĐẠI BI

Người ta bảo rằng có nhiều lợi lạc do sự thực hành tâm đại bi quý báu này mang lại. Nếu ta thực hành đại bi tâm, điều này sẽ giúp ta cảm nghiệm được phúc lạc và sự an bình, và cũng giúp đem lại sự an tâm cho những chúng sinh khác. Tâm đại bi làm tiêu tan những tư tưởng tiêu cực trong ta như giận dữ, ganh tị, vân vân, và giúp ta khắc phục được tâm bệnh. Sự thực hành tâm đại bi làm cho tâm ta rất an ổn và giúp tịnh hóa những hành vi tiêu cực hay ác nghiệp của chúng ta. Thiền quán về tâm đại bi và tâm bồ đề, thực hành hai thứ tâm ấy có năng lực lớn lao làm thanh tịnh ác nghiệp.

Nhờ chuyên tâm thực hành tâm đại bi, ta sẽ được những người khác đối xử tử tế với ta. Nó cũng đưa đến một tái sinh làm người có thân tướng đẹp đẽ hoặc làm một vị trời. Kết quả của sự thực hành tâm đại bi là ta được người khác kính trọng thân mến. Ngoài ra còn có nhiều lợi lạc tạm thời như vậy do thực hành tâm đại bi.

Những lợi ích tối hậu của việc thực hành tâm đại bi là, ta có thể nhanh chóng phát triển tâm bồ đề-tâm giác ngộ. Một người thực hành tâm đại bi cũng có thể nhanh chóng đạt đến những con đường tâm linh khác đưa đến giác ngộ. Lại nữa, khi người thực hành tâm đại bi đạt thành Phật quả, thì vị ấy có thể làm lợi ích cho chúng sinh bằng nhiều cách. Sau khi đạt thành chánh giác, chư Phật làm lợi ích cho các loài hữu tình vì các ngài có tâm đại bi rộng lớn. Nếu không có tâm đại bi người ta cũng có thể đạt đến Niết bàn như A la hán của truyền thống tiểu thừa. Một vị A la hán thì không còn đau khổ, nhưng thiếu cái động lực đại bi rộng lớn để làm việc vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Trái lại chư Phật thì có tâm đại bi đáng tôn quý và các ngài làm việc không dừng nghỉ để lợi ích cho chúng sinh. Nếu có tâm đại bi, người ta sẽ xem những người khác đáng quý hơn bản thân mình.

Bậc thầy vĩ đại của giáo lý đại thừa là Nguyệt Xứng có nói tâm đại bi là rất quan trọng ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của sự thực hành Pháp Phật. Điều này trước hết có nghĩa nếu ta có tâm đại bi thì ta có thể đi vào đạo lộ đại thừa. Thứ hai là, nhờ năng lực của tâm đại bi mà ta có thể kiện toàn tất cả những pháp môn khác thuộc truyền thống đại thừa giáo. Thứ ba, điều này có nghĩa rằng ta có thể làm việc vì lợi ích các hữu tình sau khi đạt thành chánh giác.

Trước đây chúng ta đã nhiều lần đề cập tâm đại bi là cội rễ của các đạo lộ đại thừa và cũng là cội gốc của bồ đề tâm. Bởi thế sự thực hành tâm đại bi đem lại nhiều lợi ích không thể tưởng tượng. Nếu ta phát triển một tâm đại bi rất xứng đáng, thì đấy là một tâm quý báu mà nhiều chúng sinh khác không có được, dù cho một vị trời cao như trời Đại Phạm cũng không có được. Một người phát sinh được tâm đại bi là có được một cái tâm rất đặc biệt và có giá trị.

Khi ta quán xét những lợi lạc tạm thời và tối hậu của tâm đại bi thì ta sẽ phát khởi một ước muốn mãnh liệt mong thực hành đại bi.

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐẠI BI

Tất cả hữu tình là đối tượng của đại bi tâm. Không có một chúng sinh nào không là đối tượng của tâm đại bi, vì tất cả mọi hữu tình đều cảm thọ đau khổ. Tất cả chúng sinh đều có những nỗi đau, những vấn đề rắc rối và những nỗi lo sợ ; bởi thế tất cả chúng sinh đều là đối tượng của tâm đại bi. Ta cần phải trải rộng tâm xót thương đến tất cả hữu tình.

Người ta bảo chư Phật và những bậc chứng ngộ không phải là đối tượng của tâm đại bi. Lý do vì chư Phật không cảm thọ khổ đau hay rắc rối. Vậy, chúng ta không cần phải thiền quán về tâm đại bi đối với chư Phật ; thay vì thế chúng ta nên thiền quán về lòng bi mẫn đối với tất cả hữu tình. Đôi khi một chúng sinh cũng có thể cảm thấy xót thương đối với một đức Phật. Nhưng đấy có phải thực là tâm đại bi hay không ? Có một mẩu chuyện chứng minh điểm này.

Xưa bên bờ sông Hằng có một bà lão bị bệnh cùi ở trong tình trạng hết sức bi đát. Kỳ thực bà là một hóa thân của Kim Cương thần nữ đang giả dạng bà già đáng thương. Khi gặp bà lão, vị tỷ kheo Kusali hết sức bi cảm, hỏi bà muốn đi đâu. Bà nói : "Tôi muốn sang bờ bên kia sông Hằng. Đã nhiều ngày tôi ở đây chờ vì không ai giúp đỡ. Tôi cần người cõng."

Vị tỷ kheo phát sinh tâm thương xót mãnh liệt và nói: "Bà hãy leo lên lưng tôi, tôi sẽ đưa bà sang sông."

Với bà già trên lưng, vị tỷ kheo khởi sự vượt qua sông Hằng. Khi đến giữa dòng sông, bà già hiện hình Kim cương thần nữ đưa tỷ kheo đến cõi tịnh của bà.

Trong câu chuyện này, người khởi tâm đại bi là một phàm phu, còn đối tượng của tâm đại bi lại là một vị Phật. Nhưng khi phát sinh lòng thương xót đối với bà già, vị tỷ kheo không nhận ra rằng đối tượng làm ông xót thương là một hóa thân của Kim Cương thần nữ chứ không phải một hữu tình khốn khổ. Ông không cố ý xót thương một đức Phật. Nếu ta nhận ra được đối tượng kia là Phật mà khởi tâm thương xót, thì đó là một sự xót thương lầm lạc. Nhưng vì tỷ kheo trong truyện này không biết đối tượng làm ông khởi tâm đại bi chính là Phật chứ không phải một bà già, nên lòng xót thương nơi ông không phải sai. Nhưng phần đông đối tượng làm ta thương xót đều là những hữu tình.

"Phật Giáo Truyền Thống Đại Thừa"

Thích Nữ Trí Hải dịch


http://thienviendaidang.net


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage