Tôi chưa phải là Phật tử nhưng
là người rất mến mộ Đạo Phật. Tôi thành tâm ngưỡng mộ tính nhân văn cao
cả và tình yêu bao la của đạo Phật thấm đẫm đối với mọi chúng sinh. Tôi
cảm động khi thấy mái chùa Việt từ bao đời là nơi chở che cho thân phận
của biết bao cảnh đời nghèo khó. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn
năm, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, hộ quốc an dân!
Năm 2008 trong Đại lễ VESAK liên hiệp
quốc do Việt Nam đăng cai tổ chức, lần đầu tiên tôi trông thấy đức Pháp
chủ Thích Phổ Tuệ, dù chỉ trên màn ảnh truyền hình. Khung cảnh của Trung
tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình hôm ấy thật vô cùng hoành tráng, đến nỗi
làm nhiều đại biểu quốc tế cũng phải sững sờ và thán phục. Cụ Pháp chủ
xuất hiện cùng với Chủ tịch nước trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt
của hơn 4.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Tôi nhìn thấy nét mặt đức
Pháp chủ Thích Phổ Tuệ vẫn ung dung tự tại. Ngài bình tĩnh bước đi,
khoan thai và nhẹ nhàng, tay lần tràng hạt!
Lần
thứ hai tôi lại chú ý đến nét mặt của đức Pháp chủ là trong lễ hô thần
nhập tượng tại chùa Bái Đính. Theo như tường thuật thì hôm ấy đã xảy ra
sự cố nhỏ trong khâu tổ chức. Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ quang lâm chứng
minh. Đến dự về phía chính phủ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi đèn
nến tắt, hàng trăm người đổ xô vào khu trung tâm dành cho các lãnh đạo
quốc gia và các vị tôn túc giáo phẩm, gây nên khung cảnh hỗn loạn. Nhiều
người tỏ ra vô cùng lo lắng. Trong bối cảnh ấy, tôi trông thấy nét mặt
của đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ vẫn rất bình thản, không lộ ra chút gì
bối rối. Cụ vẫn ung dung tự tại, tay lần tràng hạt!
Từ hôm đó, tôi bắt đầu tìm đọc các tài
liệu viết về đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Tôi đã thực sự khâm phục trước
tầm vóc kỳ vĩ của con người với gần 100 năm cống hiến cho đạo pháp và
dân tộc!
Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ xuất gia khi 5
tuổi. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1954 cụ không sang Nhật du
học như trào lưu lúc đó mà về chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú
Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) để nối dòng Tổ thuộc Sơn Lâm Đa Bảo.
Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ cống
hiến cho đạo pháp, đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã tham gia các Hội đồng
biên soạn, dịch thuật và xuất bản nhiều tác phẩm kinh điển của Phật giáo
bao gồm: Từ điển Phật học, Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư
âm, Đề cương kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Đại luật, Đại tạng kinh
Việt Nam.
Cuộc sống thường nhật của đức Pháp chủ
Thích Phổ Tuệ cũng là sự tích hiếm có. Cụ vẫn tự nhận mình là nông Tăng,
tức là nhà sư nông dân vì cả cuộc đời gần 100 năm của cụ gắn bó với
vùng quê hẻo lánh, xa chốn thị thành – vùng Quang Lãng, Phú Xuyên cách
thủ đô gần 60 cây số.
Cụ trực tiếp cày cấy nuôi thân, sinh
sống bằng nghề làm ruộng cho đến những năm gần 80 tuổi mới thôi. Cụ
không ra đồng thì lại làm vườn, dọn dẹp trong chùa luôn tay, luôn chân
không nghỉ. Dưới mắt của những người nông dân trong vùng thì đức Pháp
chủ Thích Phổ Tuệ không chỉ là vị cao Tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh
vẹn toàn mà còn là người nông dân thực thụ với đức tính hay làm, cần cù
và giản dị.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước,
suốt thời gian dài Phật giáo ở cả hai miền Nam Bắc nước ta đều gặp nhiều
khó khăn. Trong Nam thì Phật giáo bị chèn ép mọi bề do chính sách thiên
vị Thiên chúa giáo của chính quyền thân Mỹ. Ở miền Bắc thì nhận thức về
Phật giáo của bộ phận các cấp chính quyền địa phương còn lệch lạc,
phiến diện.
Nói
về khúc quanh lịch sử này đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã thẳng thắn chỉ
rõ: “Rất nhiều năm trước đây, ở miền Bắc nước ta, chùa chỉ là nơi lễ bái
của các bà già, gần như tuyệt nhiên vắng bóng nam giới và lớp trẻ. Nhà
chùa u ám, vắng vẻ, khu biệt với đời sống xã hội. Điều đó lỗi một phần
là do ý thức và cách hành xử của giới lãnh đạo xã hội, một phần cũng là
do nhà chùa. Nay ngẫm lại vẫn còn thấy man mác ”. (Phattuvietnam.net)
Là nhà tu hành chân chính, cụ Thích Phổ
Tuệ suốt đời chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh không mong cầu danh lợi.
Khi được suy tôn là đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đức
Pháp chủ đã nói: “Ngôi vị Pháp chủ theo nghĩa cứu cánh tuyệt đối thì duy
nhất chỉ vị có đầy đủ phúc đức, trí tuệ để gìn giữ, đó là Phật Thích Ca
Mâu Ni. Nay chúng tôi vì tập thể chư Tăng ủy thác nên phải gắng gượng
giữ gìn. Điều này đối với pháp tương đối của thế gian có thể coi là sở
đắc, còn với pháp tuyệt đối xuất thế gian thì vô sở đắc mới là bản
nguyện của chúng tôi. Chúng tôi không dám lấy việc lạm giữ ngôi vị cao
quý này làm vinh hạnh “ ( Phattuvietnam.net )
Những điều hiểu biết như vậy về đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, chúng tôi càng mong ước sớm có dịp được gặp gỡ trực tiếp với cụ.
Vào ngày cuối tháng 5 năm 2010, chúng
tôi mới có dịp về Phú Xuyên thăm đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Dạo ấy đang
độ thu hoạch vụ Chiêm Xuân. Dọc hai bên đường dẫn về chùa Ráng là những
cánh đồng lúa vàng trải rộng bát ngát, hứa hẹn khung cảnh no ấm của
làng quê!
Đây là lần đầu tiên về thăm chùa Ráng
nên ai cũng mong ngóng hồi hộp. Sau khi nhìn thấy biển chỉ dẫn đường tới
chùa, mọi người đều chăm chú nhìn qua cửa kính, mong được nhìn ngắm từ
xa ngôi chùa mà đức Pháp chủ đang trụ trì.
Ai cũng nghĩ chắc là ngôi chùa phải
hoành tráng lắm, có thể nhìn thấy từ rất xa hàng cây số. Xe chạy ngang
qua đường rẽ vào chùa lúc nào không ai hay biết. Theo sự chỉ dẫn của mấy
người nông dân đang gặt lúa bên đường, chúng tôi đành phải quay xe
ngược trở lại.
Ngạc nhiên đầu tiên của chúng tôi là sự
giản dị và khiêm tốn của chùa Tổ Ráng với bề dày lịch sử cũng gần một
nghìn năm tuổi. Chùa đứng một mình giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông,
cạnh con đê dài tít tắp. Sau phút ngạc nhiên ban đầu ấy, điều đọng lại
trong lòng chúng tôi là sự cảm phục và tôn kính sâu sắc đối với bậc chân
tu !
Anh lái xe kể lại là khi hỏi đường đến
chùa Ráng, người dân nói phải đi qua cây đa Giời ơi. Sở dĩ có tên nghe
rất lạ tai ấy vì trước đây đoạn đường này vắng vẻ, ít người qua lại, khi
bị cướp thì người gặp nạn chỉ biết ngẳng mặt kêu Giời ơi một cách vô
vọng mà thôi !
Bây giờ thì đã khác, cây đa Giời ơi mấy
trăm năm tuổi vẫn sừng sững đứng đó như chứng nhân lịch sử nhưng đường
sá đã nhộn nhịp suốt đêm ngày.
Tôi
nghe xong câu chuyện ấy, liên tưởng đến cảnh vắng vẻ của chùa Ráng mấy
chục năm về trước. Đức Pháp chủ một mình trong chùa, tự tay cày cấy nuôi
thân, ngày đêm miệt mài kinh Phật, giữ nguyên nếp Tổ ! Thật cảm phục cụ
bội phần !
Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên vì sự
khiêm tốn giản dị của chùa thì có thêm ngạc nhiên nữa về chính người trụ
trì chùa Tổ. Sự giản dị của đức Pháp chủ thì báo chí đã nói đến từ lâu.
Đúng là trăm nghe không bằng một thấy.
Đức Pháp chủ ra đón khách gần cổng chùa,
mặc bộ quần áo nâu và đi đôi guốc mộc, loại guốc mà các cụ già ở nông
thôn nước ta thường dùng mấy chục năm về trước. Quả thật nếu không phải
đã nhiều lần nhìn thấy hình ảnh của cụ trên báo chí và truyền hình thì
tôi không sao có thể tin vào mắt mình đây là cụ Pháp chủ của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam. Cụ gọi khách thăm chùa bằng bác: “Mời các bác sang
bên này rồi lên thắp hương Tam bảo”. Một cháu bé ba tuổi đi trong đoàn
vái chào Hòa thượng, tôi thấy nét mặt cụ bỗng rạng ngời hẳn lên và ánh
mắt trở nên ám áp lạ thường !
Sau khi thắp hương lễ Tổ, chúng tôi được
cụ Pháp chủ ban cho bài pháp về Lục hòa. Cụ nói rành rọt, khúc chiết và
giải thích cặn kẽ mọi điều. Kết thúc buổi pháp thoại, đức Pháp chủ nói:
“Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời thì
trên từ quốc gia, dưới đến gia đình, khắp nơi đều an lạc vui vầy, làm gì
có tranh chấp nhau. Tôi nghe nói bây giờ thế giới đang nói về hội nhập
gì đó. Nếu giữa các nước mà cũng tôn trọng nhau theo tinh thần lục hòa
thì thế giới đại đồng”. Mọi người đều cảm thấy thấm thía về những lời
dạy của cụ.
Một người đi trong đoàn lễ phép thưa:
“Dạ bạch Hòa thượng, con thấy cụ cập nhật và nắm chắc tình hình thế giới
quá ạ”. Đức Pháp chủ nói ngay, giọng rất vui: “ Vâng thì tôi cũng chịu
khó nghe đài ấy mà”. Rồi cụ nở nụ cười hiền hậu, phảng phất chút gì đó
như nụ cười trẻ thơ, làm mọi người thấy càng thêm gần gũi.
Một người hỏi cụ về một vài sự kiện
không vui liên quan đến Phật giáo trong thời gian gần đây, tôi thấy nét
mặt cụ bỗng nhiên trầm hẳn xuống. Một lúc sau cụ mới nói chậm rãi, giọng
đượm buồn: “Có lẽ cũng tại cái ngã còn lớn đấy thôi”. Ngay sau khi vừa
nói xong câu ấy, tôi thấy cụ làm động tác như mình đã lỡ lời và thốt
lên: “Ôi, chúng tôi sai rồi. Chúng tôi không nên nói về người khác như
thế !”
Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng sửng
sốt! Là Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gần một trăm tuổi đời
với hơn tám mươi năm cống hiến cho Đạo pháp, cụ là người có đầy đủ uy
tín để nói về một sự đổ vỡ nào đó. Thế nhưng không! Cụ tự nhận là mình
đã sai khi nói về người khác. Thật là bài học về sự khiêm nhường vô cùng
thấm thía và sinh động của đức Pháp chủ mà chúng tôi được học trong đời
!
Lúc chúng tôi xin phép cụ ra về vì lại
sắp có đoàn khách xin được tiếp kiến cụ, đức Pháp chủ nhìn cháu bé đi
trong đoàn với ánh mắt rất trìu mến. Cụ xoa đầu cháu, khen cháu ngoan và
nói với mọi người: “Tương lai của nước nhà, của Phật pháp là ở thế hệ
các cháu bé này đây!”
Trên đường về lòng tôi cứ bồi hồi xao
xuyến mãi về những ấn tượng không thể nào quên trong cuộc gặp gỡ với đức
Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Cuộc đời của cụ thật là một huyền thoại ! Gần
một trăm tuổi đời, xuất gia từ khi mới lên năm tuổi, gần tám mươi tuổi
vẫn còn ra đồng làm lụng tự nuôi thân để ngày đêm miệt mài nghiên cứu
kinh Phật theo nếp của Tổ xưa!
Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ quả thật là
bậc Trưởng lão long tượng của Phật giáo Việt Nam, nhân cách lớn lao và
hiếm có trên cõi đời !
(Trích: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 6)
Xem thêm thông tin về Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ:
http://old.thuvienhoasen.org/thichphotue-00.htm