Chùa Bửu Minh

Sự hồi sinh của văn hóa Phật giáo xứ Nghệ


Thích Thanh Thắng - Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN

Phật giáo xứ Nghệ đang hồi sinh, đó là điều mọi người có thể dễ dàng cảm nhận được qua lối sống thường nhật của người dân nơi đây ngay sau khi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An được thành lập.




Qua những chuyến đi khảo sát thực tế tại Nghệ An, chúng tôi đã chứng kiến nhiều chuyển biến trong đời sống tinh thần của người Phật tử, ở điều kiện hết sức khó khăn về không gian thờ tự, cũng như quan niệm chưa đầy đủ về vai trò giá trị của văn hóa Phật giáo trong cộng đồng mà từ lâu vốn có nhiều đứt gãy, gián đoạn.

Thực tế, văn hóa Phật giáo vẫn luôn được bảo lưu và thể hiện khá đậm nét trong đời sống ứng xử của người dân xứ Nghệ. Từ “Bụt”, một vốn từ cổ trong dân gian được người dân nơi đây nhắc đến nhiều hơn các địa phương khác.

Một phần hồi ức quá khứ ấy, tưởng như ít liên quan, nhưng lại gắn bó mật thiết với một giai đoạn lịch sử khó quên khi chùa chiền bị bỏ hoang và xuống cấp. Người dân đã liên tục ý thức về không gian thờ Bụt là thiêng liêng cần sớm phục hồi, đồng thời nhìn ra những chuỗi hành vi có thể đúc kết thành những câu chuyện nhân quả báo ứng đậm chất dân gian về việc chùa chiền bị mất mát, hoang tàn đổ nát.

Cái mất mát, hoang tàn đổ nát ấy phần nào làm cho các giá trị văn hoá Phật giáo được hiểu một cách khác đi, hoặc chưa thể nhìn nhận đầy đủ và khách quan về vai trò của Phật giáo trong mô hình làng xã truyền thống.

Do quá trình phân hoá tư tưởng, nhiều những giá trị văn hóa truyền thống bị hiểu sai và trở thành đối tượng phải điều chỉnh, trong khi chính bản thân nó, nhẽ ra phải được khôi phục đầy đủ để tương quan nhiều hơn với lối sống ứng xử của cộng đồng.

Thực tế chùa chiền ở Nghệ An phần lớn chỉ là những ngôi nhà tạm thờ Phật, thiếu thực thể tham gia sinh hoạt, thiếu các phương tiện tối thiểu để hoằng pháp và truyền bá văn hóa Phật giáo.

Như vậy, quá trình quản lý tín ngưỡng tôn giáo cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đó là khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị văn hóa Phật giáo, một nhân tố văn hóa cơ bản để gắn kết cộng đồng trên tinh thần khoan dung và hòa hợp.

Có nghĩa rằng, các cơ chế điều hành, quản lý cả ở phía chính quyền lẫn giáo hội cần uyển chuyển, thích nghi hơn với hoàn cảnh, bởi những giá trị văn hóa Phật giáo được người dân mặc nhiên thừa nhận, từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể tách rời, tồn tại song hành cùng với các giá trị truyền thống khác.Giá trị văn hóa xác lập nên các chuẩn mực ứng xử của cộng đồng.

Sự nhầm lẫn giữa các tập tục lạc hậu và các giá trị văn hóa nền tảng đã tạo ra những quan niệm chưa thật trùng khít và tương thích với nhau, vì vậy dẫn đến những kết luận và ứng xử vội vã trong cả phục hồi lẫn hạn chế các giá trị văn hóa Phật giáo.

Do đó, có nơi thì thúc đẩy quá nhanh mà thiếu sự chọn lọc, có nơi thì e ngại dù đã có đầy đủ các điều kiện chủ quan và khách quan để phục hồi.

Có thể nhận ra những chênh lệch này trong việc xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa, và văn hóa Phật giáo vẫn còn được hiểu là một “giá trị cổ” bất động...

Bản thân văn hoá ứng xử phải trải qua quá trình lâu dài để tương thích với đời sống và hình thành giá trị. Ngay cả những giá trị hiện có của thời đại, nếu chưa thích nghi và phù hợp với lối sống cộng đồng thì chính bản thân nó cũng phải vận động để tự điều chỉnh.

Sự điều chỉnh không ngừng này sẽ tạo ra các giá trị bền vững hơn. Ở các cấp độ nhận thức khác nhau, người dân xứ Nghệ hiện nay tiếp nhận hay phản ứng trực diện với sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, không phải vì sự nhạy cảm về giá trị, mà bởi đối mặt trước các định kiến, thành kiến đã bám rễ, nên người ta ít nhiều còn cảm thấy ngại ngùng, phân tán trong các nỗ lực phục hồi.

Ở đây, cần nhìn nhận những giá trị văn hóa trong chiều hướng đối kháng, tức vẫn có không ít người nhìn nhận Phật giáo như một sinh hoạt lạc hậu, gắn với mê tín dị đoan. Do đó, với trách nhiệm của mình, hệ thống quản lý cần tạo nhiều điều kiện hơn để thúc đẩy Phật giáo vùng trống này phát triển, hội nhập và thích nghi với thời đại mới.

Thực tế, đối kháng văn hóa luôn luôn diễn ra, bởi bản thân sự đối kháng là quá trình để hình thành xu hướng tiếp nhận hay bài tha. Hơn nữa, đời sống vẫn tồn tại những giá trị giả, tức những hình thức giá trị thiếu sự tham dự đầy đủ vào tổng thể nền văn hóa, dẫn đến không đủ khả năng để dung nạp những tư tưởng, giá trị phong phú khác, hình thành các ốc đảo tôn giáo cực đoan với những yêu sách không có điểm giới hạn.

Sự đối kháng văn hóa thể hiện thông qua những ứng xử trực tiếp trong đời sống. Nếu văn hoá còn chưa được nhìn nhận là bản sắc phong phú của xã hội loài người, với nhiều hình thức sinh hoạt được thực tiễn đúc kết và có đời sống riêng, thì bản thân nó ít nhiều sẽ nảy sinh đối kháng giá trị.

Tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân ngày càng khá giả, nhu cầu hưởng thụ gia tăng đã nảy sinh các quan niệm khác nhau về nhu cầu hưởng thụ, về sự khổ hạnh, tiết chế ham muốn... Trong khi thực tế, văn hóa là những giá trị sống tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà mọi người đều có thể chọn lựa để gắn bó với nó như một quyền sống cơ bản. Văn hóa là mối tương quan, giao hòa, không phải là định mệnh cho số phận, hay phải có những điều kiện ràng buộc khắt khe mang tính giáo điều.

Phật giáo được hồi sinh trên quê hương Nghệ An bởi chính những giá trị văn hóa được thử thách, giao thoa, tiếp biến trải hàng nghìn năm, nên giá trị ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng tính cách thuần thiện, nhân hậu cho mảnh đất này.

Có thể nhận thấy điều đó qua các hình thức thờ cúng tổ tiên kết hợp với thờ Phật, qua cái chắp tay nguyện cầu, câu niệm Phật và những bữa chay thanh đạm, ấm áp tình người.

Phật giáo xứ Nghệ đang đươc đánh thức. Hiểu sự hồi sinh này như hiểu về một giá trị sống khoan dung, không bị khép kín, không khuyến khích cực đoan tôn giáo, hay hiểu sự hồi sinh này như một sự cởi mở hơn trong quản lý tôn giáo.

Dĩ nhiên, cần nhận thức đầy đủ ở cả hai vế quan trọng này. Từ trong lịch sử, xét về tổng thể, ở thời cực thịnh, Phật giáo cũng không lấn át vai trò ảnh hưởng của nhà nước, nên vương quyền và giáo quyền luôn được kết hợp một cách hài hòa.

Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng, thời Trần xuất hiện tình trạng lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tỳ khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa (Kiến văn tiểu lục). Công việc hộ quốc và hộ pháp là trách nhiệm của toàn dân, không phân biệt tăng tục, sang hèn.

Đó là những điểm tựa lịch sử định hướng cho toàn bộ hành xử của người Phật tử đối với quê hương, đất nước, tạo nên bản sắc riêng cho Phật giáo Việt Nam.

Trong mặt bằng chung về nhận thức tôn giáo, Phật giáo được giới học giả khắp nơi trên thế giới hiểu như là tôn giáo hiện đại, hòa bình, thì ở một số nơi tại Việt Nam Phật giáo vẫn còn bị bỏ quên, chưa thể hàn gắn được những rạn nứt, đứt gãy văn hoá trong quá khứ. Rõ ràng ở đâu diễn ra sự mất cân bằng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, thì ở đó dễ xuất hiện các xu hướng tôn giáo cực đoan.

Do đó, để tạo ra sự cân bằng, những giá trị văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo cần được làm sáng tỏ thêm những ý nghĩa văn hóa, lịch sử đích thực của nó trong truyền thống gắn bó thủy chung với vận mệnh dân tộc.

Với một xã hội nông nghiệp có tín ngưỡng đa thần, việc tin vào thần thánh và các giá trị thiêng liêng của người Việt đều nhằm lý giải những quan niệm khác nhau của chính họ về công đức của thần thánh đối với sinh mệnh đất nước. Có những chuẩn giá trị chung để đo lường vai trò của các vị nhân thần này thông qua công đức của họ đối với nhân dân, quê hương xứ sở, nên dù không theo một thế giới quan thần thánh nào, thì bản thân người Việt vẫn có thần thánh ngự trị trong niềm tin và khát vọng hòa bình, no ấm của họ.

Cũng chính đặc điểm này mà Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã được lý giải bằng tinh thần của người Việt. Sự cộng tồn giữa Nho, Phật, Lão và các loại hình tín ngưỡng dân gian khác trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng minh ở Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo, không cuồng tín về giá trị tôn giáo, không cực đoan đến mức triệt tiêu các giá trị đối lập.

Nhìn nhận về giá trị văn hoá Phật giáo là nhìn vào sự khác biệt nhất định trong tổng thể các mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn khái niệm “Phật tử” (con Phật) khác xa với sự sắp đặt thứ bậc quan hệ trong ứng xử Nho giáo và các ứng xử cộng đồng khác. Bởi những ai tự xưng mình là Phật tử thì bản thân họ đã chấp nhận sống trong một môi trường bình đẳng về quan hệ. Dù quan hệ làng xã có phân cấp các giá trị giàu nghèo, thứ bậc đến đâu chăng nữa, thì đến cửa Phật các giá trị đó cũng sẽ mờ đi.

Sự giác ngộ về chân lý, đạo đức tu hành được đánh giá cao hơn hẳn các giá trị của địa vị hay vật chất. Để xóa nhòa khoảng cách giàu nghèo, sự gia tăng các bất mãn xã hội, cũng như sự hủy hoại môi trường sống, nên chăng bắt đầu nhận thức từ các giá trị văn hóa mang tính chất nền tảng này của Phật giáo, mà điểm đầu tiên là tôn trọng sự sống theo tinh thần bất tổn hạin hại.

Lợi ích cộng đồng và sự hài hoà trong các quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, tỏ ra không gặp gỡ với các hình thức tôn giáo khép kín, mang tính định mệnh, giáo điều, trao quyền quyết định của con người cho các lực lượng ngoài con người nắm giữ.

Từ cổ đến nay, sức mạnh tôn giáo và quyền lực cai trị là bất đối xứng, vì thế trong các hoàn cảnh khác nhau, các giá trị cần phải điều chỉnh để tiến tới một sự hoà giải ở cấp độ nhận thức, mang đến các giá trị chung cho cộng đồng. Cả hai cách, đặt tôn giáo lên trên xã hội và pháp luật, cũng như đặt công cụ cai trị một cách tùy tiện lên trên các tôn giáo khác nhau, đều tạo ra những khập khễnh, chông chênh trong đời sống ứng xử. Bản thân giá trị cần được nhìn nhận và đánh giá ở mức độ tự do thể hiện những quyền căn bản cho ý chí, niềm tin của mình mà không chịu sự áp đặt của bất cứ hệ giá trị nào. Văn hoá không bao giờ là sự áp đặt giá trị, bởi áp đặt văn hoá thì sớm hay muộn cũng nảy sinh đối kháng văn hóa. Mức độ phân hóa đầu tiên thường thể hiện ở dạng câu hỏi bạn chọn lối sống nào, hay bạn theo tôn giáo nào.

Dĩ nhiên, có những giá trị “chọn”, “theo” đó là một định mệnh ngay từ khi họ sinh ra, không có nhiều sự tự do trong lựa chọn.

Những giá trị khác nhau đang có những tác động đến cấu trúc không đồng đều của nền văn hóa, vì thế đã tạo ra những khác biệt phong phú trong nhận thức về giá trị. Cùng một làng quê, nhưng quan niệm về thần thánh và các giá trị đạo đức, tu tập cũng khác nhau. Do đó, các giá trị văn hoá cũng cần được khai thác để trở thành sức mạnh mềm, không chỉ bảo vệ cho sự ổn định của cấu trúc làng xã Việt Nam mà còn là tiền đề cho những đối kháng văn hoá ở phạm vi khách quan, tức soi chiếu cho những hành vi lệch chuẩn đối với lợi ích cộng đồng, dân tộc.

Có những cú sốc văn hoá biểu hiện ngay trong hành vi ứng xử bạo lực, và sự cạnh tranh tôn giáo thiếu lành mạnh đã làm mất đi những giá trị cộng tồn trong cộng đồng làng xã. Có người hiểu và quy giản rằng sự xung đột trong đời sống chủ yếu là sự xung đột giữa phát triển kinh tế và văn hoá.

Tuy nhiên, thời đại nào mà không có sự ngự trị đáng nghi ngại của đồng tiền, nhưng thay đổi thói quen tiêu cực của cộng đồng, hướng đế những giá trị phong phú và đa sắc hơn phải kể đến vai trò của văn hóa ứng xử, trong đó các chuẩn mực giá trị tôn giáo giữ vai trò hết sức quan trọng.

Sự hoang tàn của Phật giáo xứ Nghệ vừa mang trong nó những vết thăng trầm của lịch sử, nhưng cũng chính nó lại nêu bật những giá trị của khoan dung của Phật giáo. Phật giáo chấp nhận sự vô thường ấy bằng tâm thái hy vọng “cây khô nở hoa”, hơn là đay nghiến quá khứ để tạo ra những bất ổn, loạn động trong xã hội. Một khi người ta sẵn sàng từ bỏ nguyên tắc tôn giáo, từ bỏ cam kết hòa hợp với các giá trị văn hóa truyền thống, thì khi ấy người ta sẽ bất tín với các giá trị. Trong môi trường tương quan, một khi bất tín với các giá trị, cũng đồng nghĩa với việc người ta không thể hiểu được giá trị của chính mình.

Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ đang vượt qua những ngại ngùng, dị biệt để đọc hiểu quá khứ của chính mình, đồng thời ứng xử phù hợp với điều kiện hiện tại và hướng về tương lai tốt đẹp của quê hương xứ sở.


Nguon:  http://www.phattuvietnam.net/van-hoa/20127-s%E1%BB%B1-h%E1%BB%93i-sinh-c%E1%BB%A7a-v%C4%83n-h%C3%B3a-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-x%E1%BB%A9-ngh%E1%BB%87.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage