Chùa Bửu Minh

Cửa thiền có nói: "Vô thường tấn tốc, sinh tử đại sự." Sinh tử (sống chết) là phiền não lớn nhất của chúng sinh, cũng là cội nguồn luân hồi, lại là quá trình mà mỗi con người đều phải trải qua, gộp thêm lão, bệnh trong "tám khổ"[1]

 của đời người, đã chiếm hết một nửa. Pháp Phật dạy chúng ta phải nhận thức sinh tử, nghĩa là muốn chúng ta thay đổi cách nhìn tiêu cực, thông qua việc tu trì, lấy thái độ đúng đắn đối diện với sinh tử, xử lý sinh tử, cho đến giải thoát sinh tử, thì đời người mới có thể có được hạnh phúc thực sự. Dưới đây lần lượt trình bày cách nhìn của Phật giáo đối với vấn đề sinh, lão bệnh, tử.

Sự quý giá của sinh mệnh

Sinh mệnh (mạng sống) là do tinh cha huyết mẹ và nhân duyên nghiệp thức hòa hợp tạo thành. Trong kinh Tu hành đạo địa, mô tả chi tiết quá trình phát dục của thai nhi cho đến đủ loại khổ đau[2] trong thời kỳ trưởng thành thai nhi trong cơ thể người mẹ; còn kinh Tạp a-hàm thì lấy hình ảnh "rùa mù và bọng cây (nổi trên mặt nước)" để hình dung thân người khó cầu khó được, là lấy quan niệm của Phật giáo nhân gian để cỗ vũ cách ứng xử của những người sẽ làm mẹ và gia đình của họ, cần chuẩn bị chu đáo với thân tâm khỏe mạnh vững vàng, trân trọng và chào đón sinh mệnh mới sẽ chào đời.

Thứ 1, phụ nữ có thai ăn uống không được khác thường, thực phẩm phải có chất dinh dưỡng phong phú, cần tránh những thức ăn đồ uống có tính kích thích.

Thứ 2, nếu gặp phải lúc sức khỏe không tốt, tránh tự động uống thuốc, phải theo hướng dẫn kê toa của bác sĩ.

Thứ 3, trước khi sinh phải kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, thực hiện theo những chỉ dẫn giáo dục sức khỏe của nhân viên y bác sĩ.

Thứ4, sinh hoạt bình thường, tránh lao động quá mức, có chế độ nghỉ ngơi đầy đủ.

Thứ5, vận động thích hợp, chú ý đến an toàn, tránh xách cầm, di chuyển các vật nặng hoặc leo trèo chỗ cao dốc.

Thứ 6, hằng ngày đi đứng nằm ngồi nên thường niệm thánh hiệu "Quán Thế Âm Bồ-tát". Trong phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát phổ môn ghi: Giả sử muốn cầu con gái, sẽ sinh con gái xinh đẹp đoan trang. Đây là sự dưỡng thai vô cùng kỳ diệu.

Thứ7, thường thực hành bố thí, từ bi, ái ngữ, có thể làm cho lòng dạ càng thêm mềm mỏng, có ích cho sự trưởng thành của thai nhi.

Thứ8, thời gian mang thai nên giữ tâm tính hòa đồng lạc quan, đồng thời có thể đến tự viện tham gia các khóa tu chung, hoặc làm công quả (tình nguyện viên), mở rộng phạm vi sinh hoạt.

Thứ9, sau khi thai nhi ra đời, người mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên tránh sát sinh, kiêng ăn các thực phẩm có chất kích thích.

Thứ10, sau khi thai nhi ra đời, có thể thỉnh pháp sư quy y hoặc đặt tên cho con.

Chăm sóc sức khỏe cho người già yếu

Lão (già) là hiện tượng tự nhiên tuần hoàn của sinh mệnh, trong kinh ghi chép, lúc người già, do mức độ về thần sắc, sức lực, các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), tuổi thọ suy yếu nên khiến con người cảm thấy phiền não khổ đau[3]; có người tuy thân đã già nhưng tâm không già, tiếp tục học tập các tri thức, kỹ năng; lại có người tích lũy kinh nghiệm một đời, cống hiến sức lực, giống như trong Khí Lão quốc duyên[4]thuộc kinh Tạp bảo tạng, người già đã giải đáp các vấn nạn và thử thách của vị Thiên Thần cho quốc vương, đã chứng tỏ được trí tuệ của sinh mệnh. Làm thế nào mới có thể đối diện sự già nua mà vẫn không tỏ ra sợ hãi:

Thứ 1, buổi sáng niệm thập niệm pháp: Tức là sáng sớm thức dậy xưng niệm thánh hiệu Phật Bồ-tát, làm cho tín ngưỡng trở thành nơi gửi gắm và hy vọng trong trái tim con người.

Thứ2, buổi tối một cây nhang: Tức là ban đêm trước khi đi ngủ tĩnh tọa mười hoặc hai mười phút, làm cho tâm được yên tĩnh.

Thứ3, trước khi ăn cơm năm quán tưởng: Tức là khi ăn cơm trong tâm phải mang lòng biết ơn, giữ tâm trạng hoan hỷ vui vẻ, ăn nhiều những món thanh đạm, không tăng thêm gánh nặng cho ruột, dạ dày.

Thứ4, đời sống nên buông xuống: Suy nghĩ đến công danh, tình cảm, được mất của đời người, như mây khói thoáng qua không có thực, rồi từ từ buông bỏ chấp trước.

Thứ5, già chết không đáng sợ: Chết như việc thay quần áo, như việc chuyển chỗ dời nhà, như một giấc ngủ, sắc thân tuy đã hỏng, nhưng chân tâm Phật tính không giảm sút, chỉ cần tích cực vun đắp phước, tăng trưởng huệ mạng, tất có tương lai tươi sáng.

Thứ6, trong tâm thường ăn năn hối cải: Con người không phải thánh hiền, ai có thể không phạm phải sai lầm? Con người đến độ tuổi già, ít nhiều biết phản tỉnh những sai lầm trong đời, mà cảm nhận sâu sắc những hối lỗi và nuối tiếc, nếu có thể chân tâm sám hối, thì hệt như dùng nước sạch tẩy gột, nhân cách liền được thăng hoa, trong tâm cũng được sáng trong.

Thứ7, bố thí có thể hỷ xả: Con người đến tuổi già, luôn có cảm giác cần có tiền bên mình mới có cảm giác an toàn, hoặc để phòng tài sản cho con cháu. Thực tế, "Vạn ban đới bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân". Có nghĩa là, sau khi chết không thể mang theo thứ gì được, ngoài cái nghiệp bám theo chiếc thân héo hon này. Nếu gặp trường hợp con cháu bất hiếu tranh giành tài sản, lại càng khó xử. Ngại gì mà không đem của cải là vật ngoài thân dùng để bố thí rộng rãi mười phương, vun đắp sâu dày phước đức, đời sau được sinh vào chốn thiện lành, cũng có thể che chở cho con cháu.

Thứ8, phát tâm thường phụng sự: Sau khi nghỉ hưu, không gian sinh hoạt rộng rãi, thời gian lại nhiều, có thể phát tâm vào đội ngũ tình nguyện, phụng sự vì con người, nhằm mở rộng phạm vi sinh hoạt, lại có thể kết duyên lành rộng rãi với con người.

Thứ9, dí dỏm hằng tươi cười: Người đời nói "nhất tiếu giải thiên sầu", tức là một nụ cười hóa giải được ngàn nỗi sầu ưu. Luôn luôn giữ tâm tình vui vẻ thoải mái, không chỉ có ích cho sự hài hòa và thăng bằng thân tâm, còn có thể tăng thêm hoan hỷ cho nhân gian.

Thứ10, muốn khỏe mạnh cần vận động: "Phạn hậu thiên bộ tẩu, hoạt đáo cửu thập cửu", nghĩa là sau khi ăn cơm xong đi bộ ngàn bước, có thể sống đến chín mươi chín tuổi. Vận động có thể gân cốt linh hoạt, làm cho thân tâm hoạt động.

Chăm sóc bệnh tật       

Con người ăn ngũ cốc hoa màu, sẽ có lúc sinh bệnh. Trong kinh Phật y từng nhắc đến, nguyên nhân con người có thể sinh bệnh có: ngồi lâu không ăn, lao động quá sức, ăn uống không điều độ, sầu muộn, dâm dục, oán giận, nín đại tiểu tiện, nín thở, nín phóng khí v.v…Phải đối diện với tứ đại (đất, nước, lửa, gió)[5] không hòa hợp như thế nào?

Thứ1, sinh hoạt, ăn uống cố gắng phải giữ quân bình.

Thứ2, trong nhà cần an tĩnh, không khí cần trong sạch mát mẻ.

Thứ3, khi có bệnh nguy cấp không được uống thuốc bừa bãi, tin tưởng đồng thời phối hợp hợp lệ việc khám và chữa bệnh của bác sỹ, uống thuốc đúng giờ.

Thứ4, dựa vào bệnh trạng thực hiện vận động hồi phục sức khỏe thích hợp.

Thứ5, dựa vào bệnh trạng bổ sung lượng nước, nghỉ ngơi, vệ sinh đúng lúc.

Thứ6, trong tâm không khởi lên lòng ngờ vực, cáu giận, hoảng sợ, lo âu.

Thứ7, tâm thường xưng niệm hiệu Phật, xa rời khủng bố, khiến tâm an định, nhận được Phật lực gia trì.

Thứ8, phải có tâm thế làm bạn với bệnh tật, dần dần buông bỏ chấp trước đối với thân thể.

Thứ9, nếu là bệnh nghiệp chướng, thì nghĩ nó được tạo nên do những việc làm vô minh xấu ác từ vô thỉ, tâm sinh ăn năn, hổ thẹn, nội tâm tịnh hóa được nhân lên, bệnh tình được giảm bớt.

Thứ10, nếu gặp bệnh tình hiểm nghèo, nên nghĩ có sinh ắt có tử, phát nguyện theo Phật vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc, phát tâm Bồ-đề, mong ngày trở lại.

Ngoài bệnh tật thân thể ra, trong tâm chúng ta cũng có các khổ não như tham, sân, si, mạn, nghi, sợ hãi, sầu ưu. Đức Phật cũng dạy chúng ta đối trị bằng phương pháp của giới định tuệ.

Xử trí tử vong    

Thơ cổ có nói: "Nhãn kiến tha nhân tử, ngã tâm cấp như hỏa, bất thị cấp tha nhân, khán khán luân đáo ngã." Nghĩa là, mắt thấy người khác chết, lòng ta nóng như lửa đốt, không phải đốt người khác, trông chừng đến phiên ta. Có người thọ hết về trời, có người phước tận đọa lạc, có người bất ngờ mất mạng, lại có người sống chết đến đi tự nhiên. Tâm thế đối diện với "tử vong" (cái chết), đại đa số người ta đều tỏ ra sợ hãi hơn cả sự hiểu biết, hoặc là "vị tri sinh, yên tri tử" (lúc sống còn chưa rõ, đâu biết việc sau khi chết), cự tuyệt đàm luận. Thực tế, dọc đường suối vàng (âm phủ) không phân già trẻ, cái chết hoàn toàn không phải chỉ dành riêng cho người tuổi già, vì thế, đối diện tử vong cần:

Thứ1, tư duy sắc thân tứ đại là mối nguy dễ vỡ bất tịnh, là nhân duyên hòa hợp, đối diện với sự biến hóa mọi vật trên thế gian, buông bỏ chấp trước.

Thứ2, tư duy sinh tử bình đẳng, có sinh tất có tử, thà tiếp nhận bằng tâm bình thường, còn hơn chống cự nó, hoặc giải thoát bằng sức tu trì.

Thứ3, tư duy tử vong như ra khỏi lao ngục, giải thoát gông xiềng của thân thể.

Thứ4, tư duy chết như thăng quan (dời đến chỗ ở tốt), từ ngôi nhà hư cũ dời đến tòa nhà cao sang mới mẻ.

Thứ 5, tư duy chết như thay áo, thay đổi bộ quần áo rách cũ trên thân thể. 

Thứ 6, tư duy chết như đi nước ngoài, có thể đến quốc độ Tây phương Cực Lạc.

Thứ 7, tư duy chết như thay cũ đổi mới, thế nội hàm của sinh mệnh.

Thứ 8, tư duy chết không phải là một sự kết thúc, mà là bắt đầu một hành trình sinh mệnh khác.

Thứ9, tư duy Phật – Pháp - Tăng, cõi lòng đặt xuống nhẹ nhỏm, không khởi lên tham ái, sợ hãi, căm hận.

Thứ10, tư duy Tịnh độ cảnh đẹp, vui vẻ muốn đi, thường ở nước Phật, thong dong tự tại.

Vật có bốn tướng, gồm tướng sinh (phát sinh), tướng trụ (tồn tại tiếp diễn), tướng dị (biến hóa), tướng diệt (diệt vong); con người cũng có bốn tướng, gồm tướng sinh (ra đời), tướng lão (già yếu), tướng bệnh (bệnh tật), tướng tử (chết). Đây là đạo lý phổ quát vận động của vạn vật trên cõi đời này, gọi là "bình thường tâm thị đạo", nếu có thể đối đãi sự thay thế và chuyển hóa của sinh mệnh này bằng cái tâm bình thường, thì chúng ta càng có thể xử lý tốt vấn đề sinh lão bệnh tử, từ đó càng thêm trân trọng sự đáng quý của sinh mệnh.

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb Từ thư Thượng Hải, tr.173-177



[1] Tức sinh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, và năm ấm sí thạnh khổ.

[2]Thụ thai, là lúc thức ký thác thai mẹ, trong bụng mẹ chật hẹp bất tịnh; chủng tử (hạt giống), là thức ký thác di hài cha mẹ, hạt giống thức ấy theo hơi thở ra vào, không được tự tại; tăng trưởng, là trong bụng mẹ, trong lòng lo lắng vô cùng, thân hình dần được hình thành, sống ở dưới sinh tạng (ngũ tạng - hệ thống hô hấp và tuần hoàn), trên thục tạng (lục phủ - hệ thống bài tiết và tiêu hóa), kẹp giữa như ngục; xuất thai, là lúc mới hạ sinh có gió lạnh gió nóng thổi vào thân và ngoại vật tiếp xúc thân thể như áo quần, da dẽ non mềm, như bị vật chích; chủng loại, phẩm chất con người có bần phú quý tiện, tướng mạo có tàn khuyết đẹp xấu v.v.

[3]Kinh Phân biệt thánh đế thuộc Trung A-hàm nói: “Chúng sinh lúc già, đầu bạc răng rụng, thân thể cường tráng ngày một suy yếu, lưng khom chân tàn, chống gậy mà đi, bắp teo da giãn, các căn chậm chạp, nhan sắc xấu xí, thân tâm chịu sự đau đớn tột cùng, là cái khổ của sự già nua.”

[4]Nước này quy định: “Nếu có người già, cần phải trục xuất.” Có một vị đại thần không nhẫn tâm bỏ rơi cha, bèn đào sâu làm một căn phòng giấu trong đó, để tiện phụng dưỡng cha. Sau này, Thiên Thần dò hỏi quốc vương với các câu hỏi khó, vua không thể trả lời được, tìm chúng thần trong triều, đều được vị đại thần này giải đáp một cách thỏa đáng. Vua hỏi làm sao có được tài năng trí tuệ như thế, vị này đáp thành thật rằng, là được cha chỉ dạy, cho nên mới có thể giải đáp các vấn đề khó đó được. Vua nghe xong, bèn bỏ lệnh cấm, hạ lệnh dân chúng cả nước phải phụng dưỡng người già để tận hiếu đạo.

[5]Ở đây chỉ thân người có được là do tứ đại là đất, nước, lửa, gió hợp thành.Đất lấy thể rắn làm tính, như lông tốc, răng mống, da thịt, gân cốt trong thân người đều thuộc nó. Nước lấy ẩm ướt làm tính, như nước miếng, nước mũi, nước mắt, mủ máu, nước bọt, đàm, đại tiểu tiện đều thuộc nó. Lửa lấy khô nóng làm tính, như hơi ấm trong thân người thuộc nó. Gió lấy chuyển động làm tính, như hơi thở ra vào trong thân người và thân chuyển động thuộc nó. Nếu tứ đại không điều hòa, dễ dẫn đến bệnh tật. Theo Nam Hải ký quy nạp nội pháp truyệnquyển 3 chép, nếu đất tăng thêm, thân thể trầm trọng; nước tích tập quá nhiều, thường có nước mắt nước mũi; lửa quá dồi dào, đầu ngực nóng lên; gió loạn động, hơi thở bóp nghẹt. Nếu tứ đại rời rạc hư hỏng, tức dẫn tới tử vong, cho nên nói tứ đại giả hợp.

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=5736&SubID=2&ID=6


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage