Chùa Bửu Minh

Đường Đến Hạnh Phúc


Lama Zopa Rinpoche, Minh Chánh chuyển ngữ

Hầu hết chúng sanh, bất kể họ mong muốn có hạnh phúc bao nhiêu, phần lớn tiêu phí thời gian của họ để hủy diệt nguyên nhân của hạnh phúc và bất kể không muồn khổ đau bao nhiêu, họ đổ xô gây tạo nguyên nhân của khổ đau. Tất cả điều này xảy ra bởi vì họ thiếu hẳn phương tiện và trí tuệ.


Tât cả nhân loại, thậm chí ngay cả những sinh vật nhỏ bé, cũng đều muốn có hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Vấn đề lớn nhất của chúng ta là mặc dù muốn có hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không biết những gì thực sự tạo nên hạnh phúc; mặc dù không muốn khổ đau, nhưng chúng ta cũng  không biết những gì gây nên khổ đau. Đó là vấn đề lớn nhất của chúng ta.

          Hầu hết chúng sanh, bất kể họ mong muốn có hạnh phúc bao nhiêu, phần lớn tiêu phí thời gian của họ để hủy diệt nguyên nhân của hạnh phúc và bất kể không muồn khổ đau bao nhiêu, họ đổ xô gây tạo nguyên nhân của khổ đau. Tất cả điều này xảy ra bởi vì họ thiếu hẳn phương tiện và trí tuệ.

          Nguyên sơ của nhân loại trên địa cầu này vốn không có tâm ý ác độc và tàn bạo như ngày nay. Kết quả, các hành vi miệng và thân của họ không trở nên bạo động và gây hại như con người ngày nay mà chúng ta đã nhìn thấy xung quanh mình, do vậy, cuộc sống của họ yên bình hơn nhiều. Nhưng dần dần, khi vọng tưởng sân hận, cố chấp, kiêu mạn và đố kỵ của họ càng sanh khởi thường xuyên và mạnh mẽ hơn, thì tâm của họ càng trở nên độc ác, tiêu cực và gây hại, đồng thời các hành vi về miệng và thân thân của họ cũng trở nên tàn bạo và phá hoại hơn. Bất kể chúng ta đã có được sự phát triển ngoại tại bao nhiêu trong những thời điểm đó, cuộc sống đơn thuần chỉ trở nên bận rộn và nguy hiểm hơn; bất kể mọi thứ vật chất phát triển ra sao, như vũ khí hạt nhân, thay vì mang lại hòa bình thực sự, tất cả chúng đều đem đến mối đe dọa nguy hiểm hơn.

          Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho hiện tượng ngoại tại về các vấn đề này; nguyên nhân thực sự là yếu tố nội tại—tâm không lành mạnh, bất mãn, cố chấp và sân hận v.v Mặc dù con người đảm bảo sự phát triển ngoại tại với kỳ vọng nó mang lại hạnh phúc, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Hạnh phúc thực sự không đến từ hiện tượng ngoại tại mà đến từ yếu tố nội tại, tâm.

          Ví dụ, nhiều người có tất cả mọi thứ vật chất mà họ cần và mong muốn—thức ăn ngon, quần áo đẹp, căn phòng sang trọng v.v—không phải là hạnh phúc tất yếu. Họ trở nên đau khổ và thất vọng bởi vì cảm thấy không hài lòng nhưng không biết tại sao; bởi vì cũng không hiểu ý nghĩa của cuộc sống con người, nên một số trong họ nghỉ rằng không có gì vui cả, hoàn toàn chán nản và tự sát. Tất cả các vấn đề như vậy đều xuất phát từ tâm, yếu tố nội tại, cố chấp. Thay vì mang lại thỏa mãn và hạnh phúc, tất cả những vật chất hào nhoáng ngoại tại chỉ càng mang đến bất mãn hơn.

          Tương tự, đối với khổ đau sanh khởi từ các vấn đề do người khác gây nên—kẻ thù, các thành viên trong gia đình, người đồng hương—dù giết hết tất cả những người khác trên trái đất này, thậm chí tất cả chúng sanh khác, và chỉ mình sót lại, thì chúng ta vẫn không kinh qua hạnh phúc hoặc an vui. Chấm dứt khổ đau và tiếp nhận hạnh phúc hoàn toàn không phụ thuộc vào việc khiến cho tất cả người khác, tất cả chúng sanh khác trên trái đất biến mất. Bởi vì làm như vậy sẽ không mang lại an vui hạnh phúc cho tâm hồn mà chỉ cho thấy rằng đây không phải là phương pháp đúng đắn, không phải cách để có được hạnh phúc. Chỉ sống cô độc một mình mà không có người khác, bạn bè hoặc những chúng sanh khác xung quạnh, chúng ta sẽ cảm thấy hiu quạnh và rất bất hạnh. Các vấn đề đó cũng khởi lên từ bên trong, từ yếu tố nội tại, bám chấp. Ngay cả khi có được các đối tượng vật chất hoặc bạn bè thân thiết mà mình muốn, nhưng sau một thời gian, chúng ta trở nên chán chường và mất hứng thú. Điều này cũng xuất phát từ yếu tố nội tại, tâm bất mãn, cố chấp.

          Cơ thể vật lý của chúng ta chết đi, không tồn tại, không có nghĩa là đau khổ của chúng ta chấm dứt, tâm không ngừng hoạt động khi cơ thể ngưng hoạt động. Mặc dù thân không tồn tại nữa, nhưng tâm của chúng ta vẫn chịu khổ đau—khi tâm nằm dưới sự kiểm soát của vọng tưởng vô minh, cố chấp và sân hận, thì nó không thoát khỏi khổ đau. Chính các vọng tưởng là đau khổ tồi tệ nhất, là nguồn gốc của mọi vấn đề mà con người và động vật phải kinh qua. Các vọng tưởng giống như gốc rễ của cây cối—nếu không có gốc rễ, thì không có nhánh, lá hoặc trái, yếu tố tạo ra nhiều hạt giống hơn. Vì thế, nếu không có gốc rễ của vọng tưởng—vô minh, cố chấp và sân hận—thì sẽ không có bất cứ vấn đề nào mà con người và những chúng sanh khác kinh qua, chẳng hạn như bệnh tật, già yếu, chết chóc v.v...

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/giac-ngo-giai-thoat/14500-duong-den-hanh-phuc.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage