Thật ra phần lớn trong chúng ta bận rộn rất nhiều và chưa có cơ hội để
ngồi lại và làm việc tính sổ ấy. Khi tính sổ như vậy, chúng ta có thể
học được rất nhiều từ những kinh nghiệm thương yêu, khổ đau và hạnh phúc
của chúng ta.
Chúng ta thương cha, thương mẹ, thương con, thương cháu, thương trời,
thương đất. Chúng ta thương nhiều thứ lắm. Mỗi người trong chúng ta nên
để ra chừng bẩy ngày không làm gì hết, chỉ ngồi chỉ tính sổ thương yêu
mà thôi.
Ta phải nhìn cho sâu, phải thành thật, để có thể bắt đầu thấy được bản
chất của tình thương cũng như của những khổ đau, khó khăn, và hạnh phúc
mà tình thương ấy đã đem tới. Từ đó chúng ta sẽ rút ra những kinh
nghiệm và sẽ chuyển hóa được tình thương để tình thương ấy bớt gây đau
khổ cho mình và cho người, và cũng để bắt đầu tạo thêm hạnh phúc cho
mình và cho người mình thương.
Chúng ta thương, nhưng thực sự ít ai biết được bản chất của tình
thương. Nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm và quán chiếu thì chúng ta
sẽ có cơ hội nhiều hơn để hiểu biết và chuyển hóa bản chất của tình
thương trong ta.
Nhà văn Pháp Antoine de St. Exupéry, tác giả quyển "Hoàng Tử Bé" (Le
Petit Prince), có nói: "Thương nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng
nhìn về một hướng" ("Aimer, ce n"est pas se regarder l"un l"autre, c"est
regarder ensemble dans la même direction."). Chúng ta thử xét xem lời
tuyên bố của ông có đúng không?
Tôi nghĩ là thương nhau mình có thể ngồi nhìn nhau được chứ, miễn là
đừng ngồi suốt ngày mà thôi! Lâu lâu phải nhìn nhau, phải nhận diện rằng
người thương của mình có mặt. Nhìn nhau ở đây có nghĩa là công nhận sự
có mặt của người kia.
Nếu thương mà không công nhận sự có mặt của người kia thì người kia sẽ
tủi chết, và sẽ nghĩ là mình không thực sự được thương. Người kia sẽ
nói: "Anh ấy không bao giờ để ý đến tôi, anh không bao giờ nhìn mặt tôi,
anh không bao giờ ý thức là tôi đang có mặt!" Như vậy không được. Cho
nên chúng ta đừng nghe cái ông nhà văn đó xúi dại.
Chúng ta phải biết nhìn nhau và phải tập nhìn có chánh niệm. Nhìn như
thế nào và nói như thế nào để người kia biết mình thực sự có mặt cho
người đó và người đó thấy sự có mặt của mình đang được công nhận và trân
quý. Nếu người mình thương làm như mình không có mặt trên cõi đời này,
thì mình sẽ có cảm tưởng là mình không thực sự được thương, là mình đang
bị người ấy bỏ quên. Nhìn nhau, vì vậy rất quan trọng.
Sư Ông Làng Mai