Trong tu hành và phụng
sự, theo Thế Tôn, nếu không có chánh kiến thì
lập tức rơi vào tà kiến, đã ‘tà kiến là ác, không lành’ và những gì được dẫn dắt bởi
tà kiến thật ‘không đáng quý’, ‘không nên ưa thích’.
Theo Thế Tôn, nếu không có chánh kiến thì
lập tức rơi vào tà kiến
Chánh kiến là những gì? Căn bản là: Nhận thức rõ và tin
sâu vào quy luật Nhân quả-Nghiệp báo; Tin hiểu sâu sắc vào Bốn Thánh đế; Thấy
rõ thực tính Duyên khởi của các pháp; Các pháp đều do Duyên sinh nên vô thường,
vô ngã. Ngoài ra, những nhận thức và quan điểm được xác chứng thông qua các dấu
ấn Chánh pháp như Vô thường - Khổ - Vô ngã cũng được gọi là Chánh kiến. Những
nhận thức và quan điểm ngược lại thì lập tức rơi vào tà kiến, dẫu nhân danh bất
cứ ai hay bất kỳ kinh sách nào.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp
Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
- Chúng sanh tà kiến, sự nhớ
nghĩ, quy hướng, và các hành khác của họ đều không đáng quý. Người thế
gian không (nên) ham thích. Vì sao thế?
Vì tà kiến ấy chẳng lành. Ví như có hột
trái đắng. Nghĩa là hột trái đắng, rau đắng, hột rau đay, hột
tất-địa-bàn-trì và các hột đắng khác. Nếu ở trên đất tốt trồng các hột
này,
sau đó nảy mầm vẫn đắng như cũ. Vì sao thế? Vì hột này vốn đắng. Chúng
sanh tà kiến này cũng
như thế. Việc làm của thân hành, khẩu hành,
ý hành, sự quy hướng, nghĩ nhớ và các hạnh khác của họ, tất cả không
đáng quý.
Người thế gian không (nên) ham thích (ưa chuộng). Vì sao vậy? Vì tà
kiến là ác, không lành. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên trừ tà kiến, tập hành
chánh kiến.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm
17. An ban [2],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.232)
Phật giáo truyền vào Việt Nam đã trên dưới 2.000 năm. Trải
qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử đất nước, cộng với quá trình tiếp
biến, giao lưu, hội nhập với văn hóa bản địa trong tinh thần phương tiện đã tạo
nên một Phật giáo Việt Nam với những bản sắc đặc thù. Dấu ấn dung thông tam
giáo (Phật - Lão - Khổng) trộn lẫn những tín ngưỡng, tập tục của văn hóa bản địa
hiện vẫn tồn tại rõ nét trong nhiều lĩnh vực của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Vậy Phật giáo Việt Nam nói chung hay cá nhân mỗi người
con Phật Việt nói riêng, có ai đã từng tự hỏi: Những nhận thức và quan điểm nào
vốn không phải của Phật giáo đang tồn tại não trạng của Tăng Ni, những tập tục
dân gian nào đang hiện hữu
trong chùa chiền
Việt là phi chánh kiến?
Nếu đó là pháp phương tiện thì cũng cần nhớ rằng, phương tiện chỉ mang tính thời
điểm, giai đoạn mà thôi. Qua các thời điểm và giai đoạn lịch sử nhất định thì
phương tiện kia có thể dẹp bỏ. Đã không bỏ phương tiện mà còn nhận lầm là cứu
cánh là một tà kiến tai hại.
Thiết nghĩ, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cần bình tâm để
phát huy tuệ giác nhằm thấy rõ những tầm gửi tà kiến đang đeo bám trên đại thọ
bồ-đề. Nhìn từ xa, cây bồ-đề có vẻ sum suê xanh tốt nhưng xem kỹ nếu có quá
nhiều tầm gửi thì sớm muộn gì cây bồ-đề kia sẽ héo úa, thậm chí phải chết khô, ngã
gục. Thế Tôn đã dạy, hạt đắng dù có trồng
trên đất tốt thì kết quả vẫn là nhiều
hạt đắng hơn mà thôi. Ở đây,
tà kiến chính là hạt
đắng. Nhận thức và quan điểm sai Chánh pháp, tà kiến thì dẫu có dốc hết sức,
hết lòng; dẫu có nhân danh Phật sự hay gì gì đi chăng nữa thì tà kiến cũng
‘không đáng quý’, ‘là ác, không lành’.
Vì thế, cần trau dồi pháp học và pháp hành để phát huy
Chánh kiến. Có Chánh kiến rồi thì chúng ta cần nêu cao Bi - Trí - Dũng, mạnh dạn
xóa bỏ tà kiến. Cũng như phát hiện ra tầm gửi thì cần nhanh chóng cắt bỏ để cho
bồ-đề ngày càng lớn mạnh hơn.
Quảng Tánh