sau đó, đã vì lòng từ
mà trao truyền trí tuệ của Ngài cho muôn loài. Vì không có ý định xây
dựng một tôn giáo để đóng vai giáo chủ, Đức Phật hoàn toàn không có
thiên kiến chủ quan trong việc thiết lập nghi thức sinh hoạt, chỉ căn cứ
vào nhu cầu thực tiễn của Tăng đoàn mà ấn định luật cho Tăng chúng. Rất
nhiều trường hợp, chính cộng đồng chấp nhận Tăng đoàn của Đức Phật đã
có những đóng góp cho việc xây dựng truyền thống sinh hoạt của Tăng
đoàn. Truyên thống an cư là một minh chứng cụ thể nhất.
Dưới
thời Đức Phật, không khí truy cầu chân lý ở Ấn Độ hết sức nhiệt náo.
Nhiều giáo đoàn rao giảng các luận thuyết khác nhau về sự hình thành vũ
trụ, về bản chất của cuộc sống… Nhiều người từ bỏ đời sống gia đình tham
gia sinh hoạt cúa các giáo đoàn, sống cuộc sống khổ hạnh hay truy lạc
tùy theo niềm tin của mình với mong ước thực hiện chân lý giải thoát. Họ
đi khắp xứ Ấn Độ để truyền giáo và thu phục tín đồ. Tuy nhiên, vào mùa
mưa, họ có thể quy tụ lại với nhau ở một số trú xứ nhất định hoặc giải
tán chờ đến lúc tập họp lại. Mặt khác, trong thời gian liên kết với các
giáo đoàn loại này, vị tu sĩ vẫn có những liên hệ với gia đình. Tăng
đoàn của Đức Phật hoàn toàn khác. Tỳ-kheo thuộc Tăng đoàn của Đức Phật
hoàn toàn sống theo hạnh viễn ly, lấy trung đạo làm phương trâm, thực
hiện việc khất thực để duy trì thọ mạng, tài sản chỉ có ba y một bát,
buổi sáng vào làng khất thực, trước giờ ngọ tìm chổ thọ thực, thời gian
còn lại thực hành quán niệm hay thiền định để hiều rõ lời Phật dạy và
chứng đạt chân lý. Cuối cùng, các Tỳ-kheo nghỉ chân dưới một gốc cây có
tán lá, một tảng đá, hay một hang động, gần nơi có nước, không quá xa
làng mạc, ở chỗ tránh được rủi ro về ác thú, cướp bóc… Đặc biệt, các
Tỳ-kheo không được ở quá ba đêm tại cùng một chổ. Đây là biện pháp nhằm
triệt để tiêu diệt tâm sở hữu, vì ngay cả chỗ nghỉ chân giữa nơi khoáng
dã cũng không phải là “gốc cây, tảng đá, hay hang động của tôi” để có
thể củng cố quan niệm ngã sở. Như thế, trong giai đoạn đầu, Tăng đoàn
của Đức Phật hoàn toàn không có trú xứ nhất định. Vào mùa mưa, các Tỳ
kheo cũng vào làng mạc khất thực và điều này có nhiều bất tiện. Mùa mưa
là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, trời mưa làm nước tràn ngập mặt đất ảnh
hưởng đến hang ổ của các loài bò sát, côn trùng. Khi đi lại trong mùa
mưa, các Tỳ-kheo làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cối, có thể dẫm
dạp lên côn trùng hay bò sát nhỏ mà không biết, lại có thể vì các loài
nọc độc tấn công; ngoài ra thói quen ngủ nơi khoáng dã của các Tỳ-kheo
không thực hiện được. So sánh với việc an trú trong mùa mưa của các giáo
đoàn khác, dân chúng chỉ trích việc đi lại trong mùa mưa của Tăng đoàn
Đức Phật. Công nhận sự chỉ trích đó là chính đáng, Đức Phật thiết lập
quy định cho các Tỳ-kheo được tìm chổ trú ngụ trong ba tháng mùa mưa.
Điều khác biệt với những giáo đoàn khác nằm ở chổ, đệ tử Phật an cư ba
tháng không chỉ để tránh đi lại trong mùa mưa, mà còn tận dụng thời gian
ở yên một chổ để thực hiện việc tu học và giáo hóa một cách tích cực.
Thực
ra, từ chổ hằng ngày các Tỳ-kheo đi chung với nhau theo từng nhóm nhỏ
vài ba người vào làng mạc khất thực trong buổi sáng rồi đến trước giờ
ngọ tìm một chổ nghỉ ngơi, thọ thực, kinh hành, thiền định, quán tưởng,
tu học… đến chổ tập trung một số khá đông Tỳ-kheo vào một nơi sống chung
với nhau trong suốt ba tháng mùa mưa, đáng lẽ đã đòi hỏi Tăng đoàn của
Đức Phật phải có sự chuẩn bị và đặt ra cho Tăng đoàn rất nhiều việc phải
giải quyết. Tuy nhiên, Tăng đoàn của Đức Phật đã có những cơ duyên
thuận lợi. Vào năm thứ ba kể từ khi Đức Phật chứng đạo, Tăng đoàn đã quy
tụ cả ngàn Tỳ-kheo. Bấy giờ Đức Phật và chúng đệ tử đi lên phía Bắc đến
xứ Ma-kiệt-đà trú ở một ngọn đồi ngoài thành Vương Xá. Sự xuất hiện của
một đoàn Ty-kheo đông đảo sinh hoạt có quy củ đã khiến Tăng đoàn giành
được sự ngưỡng mộ của dân chúng. Tiếng tăm của Tăng đoàn đã vang đến tai
vị vương chủ xứ Ma-kiệt-đà là vua Tần-bà-sa-la. Vị vua này đã từng gặp
Đức Phật khi Ngài còn tu khổ hạnh. Biết người tu khổ hạnh đó chính là
thái tử Tất-đạt-đa dòng Thích-ca ở thành Ca-tỳ-la-vệ. Nhà vua thỉnh Đức
PHật cùng Tăng đoàn vào thành nhận sự cúng dường và được nghe Đức Phật
thuyết pháp. Hoàn toàn kính phục và mến mộ trí tuệ và uy đức của Phật,
nhà vua Tần-bà-sa-la xin quy y và dâng cúng khu rừng trúc làm trú xứ cho
Tăng đoàn. Nhà vua cho xây tịnh xá và cung cấp đầy đủ tiện nghi để Đức
Phật và chúng Tỳ-kheo có nơi an trú, nơi đó gọi là tịnh xá Trúc Lâm.
Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch năm ấy ( lịch Ấn Độ gọi là tháng
Vesakha). Đức Phật và chúng Tỳ-kheo đã thực hiện mùa an cư đầu tiên của
Tăng đoàn tại đó.
Sau
mùa an cư này, Đức Phật cùng chúng đệ tử vượt sông Hằng trở lại thành
Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ vua Tịnh Phạn là phụ thân của Đức Phật cùng toàn
thể hoàng gia đều xin quy y với Phật làm đệ tử tại gia ; ngoài ra một số
lớn các vị hoàng tử đã xin gia nhập giáo đoàn. Khi rời Ca-tỳ-la-vệ với ý
dịnh trở lại an cư tại thành Vương Xá thì Tăng đoàn của Đức Phật được
một vị trưởng giả là Cấp-đô-độc mời thỉnh về thành Xá-vệ thuộc xứ
Câu-tac-la để an cư tại tịnh xá Kỳ viên được xây dựng trên ngôi vườn của
thái tử Kỳ Đà mà ông đã mua được với cái giá “tấc đất, tấc vàng”.
Lịch
sử ghi nhận sau mỗi mùa an cư đều có các vị Tỳ-kheo chứng đắc thánh
quả. Qua các mùa an cư đó, quy tắc về việc tổ chức an cư đã được ấn định
thật tỉ mỉ. Do Tăng đoàn đã phát triển đến hàng ngàn người, Đức Phật
cho phép các Tỳ-kheo tụ tập thành từng nhóm với quy mô thích hợp. Tự xây
dựng lều làm nơi cư ngụ trong mùa mưa. Ở một khu đất rộng rãi, các lều
làm bằng vật liệu nhẹ có thể được dựng thành từng dãy và có thể dựng
thành gác cao hai hay ba tầng, có phòng rộng làm chỗ hội họp. Mỗi trú xứ
có một phạm vi được ấn định bởi các đường ranh gọi là cương giới. trong
phạm vi đó các Tỳ-kheo sinh hoạt tập thể suốt ba tháng theo các quy
định nghiêm ngặt. Một tập được công nhận là Tăng- già phải hội đủ bốn vị
Tỳ-kheo, trong đó phải có vị đã từng dự an cư trong các mùa mưa trước
làm thượng thủ. Tăng-già không hạn định số lượng tối đa. Khi Đức Phật đã
chấp nhận phát triển Ni giới, các quy định về an cư cho Tỳ-kheo Ni cũng
được quy định thật chặt chẽ. Với những quy định về an cư, từng bước
Tăng đoàn của Đức Phật trở thành một giáo đoàn có đời sống định cư, thực
sự thể hiện tinh thần nhập thế thông qua việc giáo hóa hàng bạch y
trong thời gian tu tập miên mật suốt ba tháng tại một nơi cố định.
Trải
qua hơn 2.500 năm truyền bá và phát triển truyền thống an cư mùa mưa
của Tăng đoàn Phật giáo vẫn được duy trì. Tuổi đạo của một vị tu sĩ được
tính theo số mùa an cư mà vị ấy đã tham dự. Trong mùa an cư, chẳng
những chư Tăng Ni có điều kiện thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức,
tăng trưởng Giới Tịnh Tuệ, xứng đáng làm ruộng phước cho hàng Phật tử
tại gia, mà chính những người Phật tử tại gia cũng có điều kiện thực
hiện vai trò “ cận sự”. Trong lúc chuẩn bị mùa an cư, Phật tử cúng dường
các phẩm vật cần thiết giúp chư Tăng Ni tu tập suốt ba tháng. Trong quá
trình an cư của chư Tăng Ni, Phật tử thường xuyên lui tới tham học,
giúp đở việc tổ chức sinh hoạt của chư Tăng Ni, nhờ đó tạo được công đức
thiết thực trong hành trình tu học. Nhiệt tâm của hàng Phật tử tại gia
góp thêm một động lực khiến chư Tăng Ni tinh cần trau giồi giới đức. Sự
tinh cần của chư Tăng Ni củng cố tín tâm của hàng Phật tử tại gia. Khi
hiểu rõ ý nghĩa của truyền thống an cư, một mùa an cư được tổ chức và
thực hiện chu đáo thực sự sẽ mang lại lợi lạc cho mọi người con Phật, dù
xuất gia hay tại gia.
KHÁNH UYÊN
(VHPG 131)