Tại sao tổ chức trễ như vậy so với trong nước? Tại vì tìm cho ra được
một nhà hát còn trống chỗ vào một đêm thứ bảy là cực kỳ vô vọng: tất cả
các nhà hát đều đã lên chương trình kín mít từ đầu năm. May sao nhà hát
Les Gémeaux ở Sceaux đặc biệt dành cho một đêm thứ bảy, nhưng phải đợi
cho đến giữa tháng 6.
Sceaux là một thành phố sang trọng nằm sít ranh giới phía nam Paris.
Les Gémeaux là một nhà hát hiện đại, âm thanh cực tốt, vừa tầm 500 chỗ
ngồi. Tưởng thế là đủ, không ngờ 500 vé bán hết sạch ngay khi đêm hát
được loan báo trên mạng, khiến rất nhiều khách hâm mộ đã không vào nghe
được. Khánh Ly, Đức Tuấn, Thanh Hải, Hồng Anh và một ban hợp xướng trẻ
trung đã mang lại cho khán giả một đêm nhạc phong phú với tình cảm mặn
nồng dành cho Trịnh Công Sơn.
Dưới đây, chúng tôi trích đăng 5 lời giới thiệu ngắn viết cho chương
trình đêm hát của anh Cao Huy Thuần. Huế và Khánh Ly là trọng tâm của
các lời giới thiệu.
GS. Cao Huy Thuần (trước) và ca sĩ Khánh Ly (sau)
Lời 1: Tiếng hát Khánh Ly
Thưa Quý Vị,
Thưa các anh chị,
Tôi rất hân hạnh đã được nhiều lần gặp gỡ các anh chị để cùng nhau
chia sẻ cảm tình chung đối với TCS. Với thời gian và tuổi tác, đáng lẽ
tôi không nên lên sân khấu nữa. Vậy mà lại cũng phải lên, lần này không
phải chỉ vì TCS. Chính là vì Khánh Ly.
Cho đến hôm qua, tôi chưa bao giờ gặp Khánh Ly. Nhưng, với Khánh Ly,
đâu có cần gặp mới quen. Giữa chị, và công chúng yêu mến chị, không phải
chỉ có giọng hát. Còn có cả một chiều sâu lịch sử. Một lịch sử oai
hùng. Một lịch sử thương đau. Một lịch sử Điện Biên. Một lịch sử Plei
Me, Chu Prong. Một lịch sử đầy tình ca, kể cả tình ca người mất trí. Một
lịch sử vang vọng tiếng ru, kể cả đại bác ru đêm. Lịch sử đó nằm không
phai trong tim. Cho nên trong tim ai cũng có Khánh Ly.
Đối với riêng tôi, hơn thế nữa, Khánh Ly không phải chỉ là giọng hát
lịch sử. Chị còn là người viết văn. Chị viết văn rất hay. Nhiều lần tôi
tự hỏi : tôi cảm động vì chị, không biết có phải vì giọng hát hay vì lời
văn. Tôi nói thế, không phải là để bốc chị lên thành văn sĩ. Tôi nói,
là vì một ý nghĩ mà tôi chắc không sai : phải là một người biết vui buồn
với cây bút mới thấm được lời ca của TCS và mới truyền được cái chất
thơ ấy qua giọng hát. Có thể mỗi người mê giọng hát của Khánh Ly một
cách khác nhau. Nhưng chắc ai cũng thấy giọng hát của chị đặc biệt ở một
chỗ bí truyền của TCS : chị hát rất rõ lời, mỗi chữ là mỗi tiếng sỏi
rơi vào hồ nước. Giọng hát ấy và lời thơ ấy gặp nhau, đâu có phải chỉ vì
chị là ca sĩ ? Đâu có phải tình cờ ? Ấy còn là văn chương gặp văn
chương.
Tôi còn thêm một lý do nữa để cảm nhận thấm thía giọng hát của Khánh
Ly. TCS là người duy nhất lên sân khấu với giọng Huế. Có lẽ tôi là người
thứ hai, nhưng may cho các anh chị là tôi không hát. Huế là nguồn cảm
hứng bất tận của TCS, là mẹ, là người yêu, là mơ mộng, là chiếc nôi. Mỗi
chữ của TCS đều là Huế. Cho nên phải thấm cái chất Huế đó của TCS mới
giao hoan được với lời hát của anh. Mà Khánh Ly … Có lẽ kiếp trước chị
lọt lòng đâu đó ở Huế cho nên kiếp này chị mới tình tự được với Huế như
thế này :
"Tôi là gái Bắc, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lạ lùng làm sao, tôi không
nhớ Hà Nội bao nhiêu, không yêu Sài Gòn lắm. Mà chỉ xót xa đến Huế … Vậy
mà tôi yêu Huế … Dù tôi chỉ biết Huế sau Tết Mậu Thân và không quá mười
lần ghé Huế. Nhưng tôi yêu Huế bởi vì từ Huế tôi mới biết thế nào là
tình yêu."
Các anh chị thân mến, nhan đề của đêm hát hôm nay là "Mười năm với
TCS". Tôi nghĩ : không ai với TCS bằng Khánh Ly. Họ đã hòa quyện với
nhau trong tiếng hát. Họ đã cùng hiến hai cuộc đời thanh xuân của nhau
để cùng tạo dựng chung huyền sử của một thời đại, trong đó cái chết và
tình yêu là hai nhân vật không rời nhau - chết trần truồng mình không
manh áo nhưng nằm chết như mơ.
Chất thơ, chất Huế, cái chết, tình yêu … Khánh Ly sẽ mang lại cho
chúng ta tất cả không khí đó, bắt đầu bằng mưa Huế trong ba bài mưa. Mưa
Huế là mưa dầm, nhưng mưa Huế trong TCS không phải vậy, đôi khi là mưa
hồng, vì mưa ươm nắng, đôi khi là mưa bốn mùa, và không phải do ý trời
mà do mệnh lệnh của Người - của một Người mang cái tên duy nhất trong
TCS là Em.
Lời 2: Bàn chân dưới mưa
Khi nãy, tôi vừa nói với các anh chị rằng tôi rất lấy làm tiếc cho
các anh chị là tôi sẽ không hát. Không hát thì đọc vậy. Lời của TCS hát
cũng hay mà đọc cũng hay. Tôi xin đọc một bài để làm ví dụ : bài "Cho
đời chút ơn". Tôi đọc một đoạn nhỏ, đoạn TCS ngắm một người đẹp đi bên
kia phố. Anh thấy anh đi theo, theo từng gót chân, như chiếc lá bay
theo, như giọt nắng bay theo :
Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ.
Môi thiên đường / Hót chim khuyên
Ôi tóc trầm / Ướp vai thơm
Ta nghe đời / Rất mênh mông
Trong chân người / Bước chầm chậm.
Một bài hát ca tụng người đẹp. Ai cho đời chút ơn ? Những người con
gái xinh đẹp. Ơn gì ? Mang lại cái đẹp cho cuộc đời, như mùa xuân đem
mơn mởn cho vũ trụ.
Bài hát là một bức tranh vẽ người đẹp tiêu biểu trong TCS. Có môi, mà
lại là "môi thiên đường". Có tóc, có vai, vai đã thơm mà còn được ướp
thêm mùi trầm của tóc. Có tà áo phơn phớt nắng bình minh. Cả người là
phấn thơm, thơm cả khu rừng. Nhưng … nhưng … tất cả những cái đẹp đó đều
quỳ xuống để muôn tâu một nhan sắc chỉ riêng có trong TCS : hai bàn
chân. Người đẹp trong TCS là đẹp ở bàn chân. Bởi vì, trong bước chân ấy,
ngự giá một cái đẹp lạ lùng. Cái gì ? Cái "chầm chậm". "Dù em khẽ bước
không thành tiếng / Cõi đời bao la vẫn ngân dài". Người con gái bước đi
chầm chậm để mang trong hai bàn chân tất cả "mênh mông" của cõi đời.
Tôi không dám nói đây là bức tranh Huế ngày xưa - nghĩa là của thời
TCS, thời chúng tôi. Thế nhưng có một người cứ thành khẩn quả quyết đó
là bức tranh Huế. Người đó là Khánh Ly. Tôi lại đọc Khánh Ly :
"…
Vậy mà tôi yêu Huế. Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép,
nhẹ nhàng. Có một cái gì đó thật mong manh, như tơ, như sương khói, như
một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm
tưởng như họ không phải là một sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo,
chập chờn. Chỉ một tiếng động khẽ, dù là tiếng rơi của một chiếc lá,
cũng đủ làm tan biến đi tất cả … Như thế là yêu đấy, mà lại yêu nhiều
mới khổ chứ".
Không phải cô gái Huế nào cũng vậy, anh chị đừng lầm mà bán nhà.
Nhưng đúng đó là mẫu người đẹp trong TCS. TCS vẽ người đẹp, tương đối ít
khi vẽ môi. Có : "Nắng có hồng bằng đôi môi em / Nắng có còn hờn ghen
môi em". Có : "Một hồn yếu đuối / một bờ môi thơm". Có : "Môi em cho ta
một cánh hồng / Lụa là phút ấy chưa quên". Có, kể cả những "môi đốm
lửa", "môi lửa cháy", "môi rồ dại" chen lẫn với "môi hồng nhạt", "môi
hồng đào". Có, nhưng lạ quá, thi sĩ của tình yêu gì mà ít khi cho người
ta hôn nhau. Mà hễ hôn là hôn rất bi thảm : "Có chút lệ nhòa / Trong
phút hôn nhau". Hôn, là lúc bắt đầu và cũng là lúc chấm dứt tình yêu.
Bởi vì, "đã có nghìn trùng / trên môi người tình / đã dấu nụ tàn / bên
trong nụ hồng / có chớm lạnh lùng / trên môi nồng nàn". Cho nên, môi ấy,
khi hôn nhau lần đầu đã thấm mùi vị của hôn nhau lần cuối. "Đời sẽ buồn
như một chiều nao / Hôn nhau lần cuối hôn nhau lần đầu. Đời sẽ là chưa
vội tình sâu / Hôn nhau lần cuối hôn nhau lần đầu".
Đôi môi không phải là vương quốc trong tranh TCS. Thua cả vai gầy.
Thua cả mắt xanh xao. Thua cả bàn tay, "bàn tay trau chuốt cho thêm ngàn
năm". Thua cả năm ngón tay, năm ngón tay "xuân nồng", "năm ngón tay
thiên thần ru vào cô đơn". Và thua xa, tất nhiên thua xa, làm sao sánh
được, với đôi bàn chân ! TCS đem ngai vàng từ trên đôi môi của thiên hạ
xuống dâng cho hai bàn chân không bao giờ vội vàng. Không bao giờ vội
vàng, vì lúc nào cũng như thầm thì nói chuyện. Nhất là nói chuyện với
mưa, "mưa thì thầm dưới chân ngà". Đó là bàn chân dưới mưa của Diễm
trong Diễm Xưa, mà Khánh Ly đã từng ca tụng với tất cả thần cảm của một
tâm hồn thấm hiểu điệu vui, điệu buồn, điệu lãng mạn, điệu nhớ nhung của
mưa Huế, điệu liêu trai nơi nét đẹp mà TCS gọi là nét đẹp hoàng cung.
Lời 3: Dù đến rồi đi
Khi nãy, tôi đã nói về bàn chân như là hoàng hậu của tất cả nhan sắc.
Bây giờ, tôi xin nói thêm : bàn chân và bước chân là linh hồn trong
những bài hát hay nhất của TCS. Chẳng hạn bài "Tình Nhớ" :
Những bước chân mềm mại / Đã đi vào cuộc đời /
Như từng viên đá cuội / Rớt vào lòng biển khơi.
TCS đã dùng bàn chân để nói về tình yêu. Bởi vì bàn chân là để đi. Mà
đi, có thể là đi xa, cũng có thể là đến gần. Đến gần, rồi đi xa : thế
là tình yêu. Bàn chân là bước đi của tình yêu, là tình yêu được linh hồn
hóa.
Bên nhà vừa in một cuốn sách với mấy trăm bức thư tình của TCS. Đọc
thì cũng vui vui, nhưng đối với một người nghệ sĩ, con người thực không
phải là con người xương thịt, mà là con người trong sáng tác. Họ khóc
cười trong sáng tác. Họ thở than trong sáng tác. Và họ yêu trong sáng
tác. Thư riêng của TCS có thể làm cho người đọc hiểu thêm chút nào về
tâm trạng của TCS trong một quãng thời gian nào đó, nhưng đó chỉ là tình
yêu của TCS đối với một người, không phải là tình yêu nói chung. Khi
nói rằng TCS là thi sĩ của tình yêu thì chỉ có một TCS ấy thôi, là TCS
trong những bài hát. Và trong những bài hát thì tình yêu là vậy đó,
không có tên của một người con gái nào, chỉ có những bước chân, những
bước chân của đi và của đến, phần nhiều là của đến và của đi.
Tôi lại xin đọc một bài, một bài hay, rất đơn giản và rất hay, bài "Hoa vàng Mấy Độ" :
Đây là đến : "Em đến bên đời / Hoa vàng một đóa / Một thoáng hương bay / Bên trời phố hạ / Nào có ai hay / Ta gặp tình cờ".
Và đây là đi: "Em đến nơi này / Bao điều chưa nói / Lặng lẽ chia xa / Sao lòng quá vội / Một cõi bao la / Ta về ngậm ngùi".
Một người đi, một người về. Và đây là nhớ nhung đau buốt của người về : "Trong lòng nỗi nhớ / Ngày tháng trôi qua / Cơn đau mịt mù ".
Còn gì lại sau cuộc đến và cuộc đi ? "Một vết thương thôi / Riêng cho một người".
Tình yêu là vậy thôi, cực kỳ đơn giản. Là vậy thôi, một bước chân. "Ngày nào vừa đến / Đã xa muôn trùng / Ngày nào vừa đi / Lạnh lùng bước chân".
Trong những bước chân đó, có những bước chân rất tàn nhẫn. Đó là bước chân phụ bạc :
"Hai mươi năm xin trả nợ dài / Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Em phụ tôi một thời bé dại / Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi".
Có những bước chân tàn nhẫn hơn nữa. Đó là bước chân gian dối :
"Tình khâu môi cười / Hình hài xưa đã thay / Mặn nồng xưa cũng phai /
Tình chia nhau gian dối / Tình đày tình đôi nơi".
Tình yêu là vậy, trong TCS của chúng ta. Bao giờ cũng vậy, "Từ lúc đưa em về / Là biết xa nghìn trùng".
Vậy thì kết luận là thế nào trong cuộc chơi mà một người đã để lại
vết thương cho một người? Một lời nói đã bay trong gió ? Một "tuổi đá
buồn" ngồi lại làm đá ngây ngô ?
Giải pháp thông thường nhất là quên. Nhưng đâu có dễ quên ?
"Tình ngỡ đã quên đi / Như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã đi xa / Nhưng người vẫn quanh đây".
Quên không được, mà nhớ thì khổ. Chỉ có một môn thuốc thần này mà
thôi, tôi nghĩ chúng ta nên bắt chước TCS : hãy "tạ ơn". Tạ ơn những
bước chân đến. Tạ ơn cả những bước chân đi. Dù phụ bạc. Dù gian dối :
"Dù đến rồi đi / tôi cũng xin / tạ ơn người / tạ ơn đời /
Tạ ơn ai / đã cho tôi / tình sáng ngời / như sao xuống từ trời"
Từ đó mà ai hát TCS cũng thấy trong tiếng hát một con người nhân ái,
nhân hậu, độ lượng. Dù em phụ bạc, tôi vẫn ru em ngàn năm, ngàn năm,
như Khánh Ly sẽ ru với "Tuổi đá buồn", "ngàn năm ngàn năm, ru em muộn
phiền ru em bạc lòng". TCS yêu cuộc đời, nhưng cũng biết cuộc đời là ảo
tưởng. TCS yêu tình yêu, nhưng cũng biết tình yêu là ảo tưởng, có đấy
rồi không đấy. Chỉ có một tình yêu bất tận mà thôi, có đến và không hề
đi : đó là tình yêu nghệ thuật. Tình yêu đó đã khiến TCS viết được câu
máu thịt thế này : "Khánh Ly, một người bạn của định mệnh, vĩnh viễn
thương yêu nhau".
Lời 4: Vũ trường và đại bác
Năm 1965, TCS đã thấy những dấu vết đầu tiên của chiến tranh nơi
thành phố : xác chết phơi ven đường, phụ nữ đi tìm xác, trực thăng chở
thương binh, thanh niên chạy trốn lính … Anh bắt đầu trực nhận và viết
ra những "phi lý", "vô nghĩa", "vô lý cùng cực" của chiến tranh. Bài
"Xin Mặt Trời Ngủ Yên" được hát vào năm đó, mang một chút hơi hướng của
chinh chiến vào lời ca :
"Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè / Ngựa hồng đã mỏi vó / Chết trên đồi quê hương /
Ôi quê hương thần thoại / Thuở hồng hoang đã thấy / đã xanh ngời liêu trai".
Chinh chiến sẽ đưa quê hương vào thuở hồng hoang ? Câu hát chưa rõ
nghĩa lắm. Nhưng câu sau đã bắt đầu nói lên nhân tính trước nguy cơ hủy
diệt :
"Ôi nhân loại / mặt trời / và em thôi / này đôi môi xin thương người /
Ôi nhân loại / mặt trời trong tôi".
Một ly kỳ của "văn hóa" Sài Gòn ngày xưa : bài hát có mùi thuốc súng
lại được phổ biến lúc đầu trong các vũ trường. Tôi vinh danh sự ly kỳ
lịch sử đó ở đây, vì chính trong thế giới vũ trường mà TCS bắt gặp tiếng
hát của định mệnh để đưa tiếng hát đó chào đời với Ca Khúc Da Vàng.
Đó là năm 1965, TCS 26 tuổi, đang yêu và được yêu, đang là một con
đôm đốm mời được một ngôi sao xuống đất để cùng mình thắp sáng cả địa
cầu. Nhưng chuyện thần tiên của con đôm đốm với ngôi sao bao giờ cũng
kết thúc vào buổi sáng mai : sao bay lên trời và đôm đốm trần truồng sâu
đất. TCS mang tuyệt vọng vào vũ trường và ở đấy anh gặp tiếng hát. Giá
như chiến tranh không ập tới, không chừng TCS cứ mãi ướt mi với những Mỵ
Nương. Nhưng chiến tranh đã nâng tầm vóc của anh lên cao, đã biến tình
ca của anh thành thánh ca của hòa bình, đã làm con đôm đốm thành TCS.
Tiếng hát bắt gặp cùng lúc với chiến tranh là Khánh Ly. Đêm
20-3-1965, ở Đà Lạt, anh ngồi nghe Khánh Ly hát một bài ướt đẫm lãng
mạn, rất nổi tiếng ở Việt Nam hồi đó, bài "Et j'entends siffler le
train". Đó là một trong hai bài hát đã làm TCS thổn thức canh trường
trong suốt một quãng đời thơ dại, "thơ dại ra đi không nhớ gì tôi".
Bài hát kia, cũng đầm đìa nước mắt, là bài "J'irai pleurer sous la
pluie". Trong bài hát, có anh chàng si tình, chờ mưa để đứng dưới mưa mà
khóc. Tại sao phải khóc dưới mưa ? Tại vì để giấu nước mắt. Tôi dịch
bài hát để các anh chị hiểu và sống lại cái thời lãng mạn của TCS ngày
xưa, nghĩa là của chúng ta, cái thời mà ai cũng đã từng "lên xe tiễn em
đi" và "khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em" :
Nếu anh muốn khóc
Anh sẽ giấu em
Vì anh tự phụ
Không muốn em thấy
Giọt buồn đời anh
Dưới mưa anh khóc.
Anh đợi mưa đến
Anh đợi cơn giông
Nước mắt nước mưa
Dưới mưa anh khóc.
Anh vẫn yêu em
Nhưng em đâu thấy
Giọt buồn đời anh
Dưới mưa anh khóc.
Mưa rơi trên mặt
Nhưng đâu xóa được
Kỷ niệm của em
Em đâu biết anh
Yêu em tha thiết
Em đâu biết em
Làm khổ đời anh.
Nhưng anh sẽ đi
Cười vui trong nắng
Mặt trời tháng năm.
Ngày ấy thương ôi
Bây giờ chưa đến.
Số phận đời anh
Còn trong tay em
Và anh sẽ chờ
Dưới mưa anh khóc.
Bài trước, "Et j'entends siffler le train", thì các anh chị thuộc
quá rồi. Nhưng tôi cũng xin dịch để chảy thêm chút nước mắt nữa với các
người tình khốn khổ :
Lòng anh nghĩ, em yêu, thà như thế
Thà xa nhau không lời tiễn biệt nhau
Lòng anh đau, gặp làm gì nhau nữa
Nhưng, em yêu, tiếng còi tàu đang thét
Buồn bao nhiêu còi giữa đêm thâu.
Anh nghĩ đến em, một mình, quạnh quẽ
Trên sân ga, giữa người vẫy tay nhau
Và anh nghe tiếng còi tàu đang thét
Buồn bao nhiêu còi giữa đêm thâu.
Anh toan chạy đến em, toan gọi tên tha thiết
Nhưng đành im, nói chẳng nên lời
Em đã xa rồi, em xa anh quá
Có bao giờ em trở lại em ơi !
Lòng anh nghĩ, em yêu, thà như thế
Thà xa nhau không lời tiễn biệt nhau.
Nhưng giờ đây, ôi, còn gì đâu nữa
Còn gì đâu khi tình đã xa khơi.
Và anh nghe tiếng còi tàu đang thét
Suốt đời anh tiếng còi thét, em ơi !
Khánh Ly đang ở sau màn và chắc đang nghe tôi đọc thơ tình. Nếu các
anh chị muốn, tôi đề nghị Khánh Ly vui lòng hát lại một bài hát ngày
xưa, để nhớ lại kỷ niệm 56 năm về trước, để 56 năm với TCS.
Các anh chị hãy tưởng tượng : nhà hát này là một vũ trường, một trong
những dạ khách ngồi kia là TCS, và xa xa vọng về tiếng đại bác, ru đêm
và ru tiếng hát Khánh Ly.
Lời 5: Hòa bình
Các anh chị thân mến,
"Khi đất nước tôi thanh bình" là câu đầu của bài "Tôi sẽ đi thăm".
TCS tuyên bố sẽ đi thăm hầm chông, mộ chí, nghĩa địa, kể cả mã tấu. Và
anh tuyên bố thêm : "Khi đất nước tôi không còn giết nhau / Trẻ con đi
hát đồng dao ngoài đường".
Khi lấy câu hát đầu của bài hát này để làm nhan đề cho Phần 2 của
chương trình đêm nay, tôi có nghe một ý kiến, nói rằng bài hát này ngây
thơ quá, vẽ ra một TCS quá ngây thơ. Trời ơi ! - tôi nói - Có gì đẹp
bằng ngây thơ ! Ta thường ca ngợi : một đôi mắt ngây thơ, một vầng trán
ngây thơ, một nụ cười ngây thơ … Vậy thì một lời hát ngây thơ của một
bài đồng dao ngây thơ là quá đẹp đi chứ !
Mà chắc gì TCS ngây thơ ! Chắc gì có ai định nghĩa "hòa bình" đúng hơn hình ảnh "trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường" !
Tôi xin phép các anh chị được làm một cụ đồ nghiêm túc, khắc khổ -
nghĩa là trái ngược với ngây thơ - để định nghĩa chữ "hòa bình" theo lối
chiết tự. Chữ "hòa" có bộ khẩu bên phía phải. Khẩu là cái miệng. Trước
hết, cái miệng phải cần ăn. Hòa bình là tình trạng dân chúng ai ai cũng
có đủ cơm mà ăn. Nhưng cái miệng không phải chỉ biết ăn. Nó còn biết
nói. Cấm nói, ấy không phải là hòa bình rồi. Hòa bình là tình trạng ai
ai cũng có thể nói lên được điều mình mơ ước. Chưa hết, cái miệng không
phải chỉ biết ăn, biết nói, mà còn biết hát nữa. Cấm hát, cam đoan cả vũ
trụ này sẽ nổi loạn, trước hết là chim chóc, trước hết là rừng thông,
trước hết là giọt mưa trên lá. Ấy vậy mà hát TCS, chỗ này chống, chỗ kia
đối, chỗ nọ xì xào, da vàng da đỏ. Hòa bình chỗ nào ?
Chiến tranh chấm dứt rồi. Điều đó không có nghĩa rằng hòa bình không còn là giấc mơ.
Cám ơn các anh chị, tôi xin chấm dứt nhiệm vụ mua vui của tôi ở đây.
Cao Huy Thuần (Theo Liễu Quán Huế)