Chùa Bửu Minh

Nhìn sàn nhà bừa bãi quần áo, bàn học của con vương vãi đồ dùng, trong khi cậu nhóc 7 tuổi thì luôn mồm réo mẹ cho uống nước, chị Dung nóng bừng mặt. Vừa mắng con chị vừa ân hận vì mình đã quá nuông chiều con nên ra nông nỗi này.


> Cách dạy con 'nhàn tênh' của người Pháp / 3 điều bạn không bao giờ nên làm hộ con mình

Chị Dung (Thụy Khuê, Hà Nội) tâm sự, sau vài năm chữa hiếm muộn chị mới sinh được mụn con trai nên từ nhỏ chị rất nuông chiều cháu. Tất cả mọi việc cá nhân bé hầu như không phải tự làm bao giờ: từ xúc ăn tới rót nước uống, mặc đồ... Ngay cả việc nói năng, nếu thấy ai hỏi mà con ngại ngùng, chị thường trả lời thay vì nghĩ "trẻ con, ép nó nói phải tội".

Khi con lớn hơn chút, vào mẫu giáo lớn, nghe cô giáo góp ý bé ở lớp ăn rất chậm và không biết cách xúc, trong khi các bạn khác đã làm thành thạo, chị Dung cũng muốn rèn con cách tự ăn. Nhưng lúc thấy con ăn chậm và vương vãi, chị lại tặc lưỡi: "Ở lớp con đã không được chăm, về nhà lại thế nữa thì thể nào cũng yếu, còi".

Cũng vì lý do này, khi con vào lớp 1, cả hai mẹ con đều stress, không phải vì bé chậm đọc chậm viết mà bởi con không biết xin phép cô khi muốn đi vệ sinh, không thể tự ăn trong giờ nghỉ trưa... Ở nhà, cháu cũng không tự sắp xếp sách vở hay làm bất cứ việc gì.

"Có lúc mình muốn vỡ cái đầu. Giờ muốn bắt đầu dạy con tự lập mà không biết bắt đầu từ đâu, khi cháu đã quá quen được phục vụ mọi thứ rồi", chị Dung than thở.

Bé Tú, 7 tuổi, con gái chị Liên - một bà mẹ Việt hai con ở Thụy Sỹ - có thể nấu được nhiều món. Ảnh: Blog của Mẹ Liên ròm.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, bố mẹ nào cũng lo lắng cho con và muốn chăm sóc con tốt nhất, nhưng nuông chiều, làm thay con mọi việc chỉ tạo cho trẻ thói quen ỉ lại và gặp khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới.

Bà cho rằng, dạy con tự lập bắt đầu từ lúc trẻ còn rất nhỏ, và điều quan trọng là người mẹ phải vượt qua được chính mình. "Chỉ một việc nhỏ là rèn con ăn nhưng không phải ai cũng làm được. Người thì sợ con xúc lâu, làm đổ đồ ăn, người lại xót xa sợ con đói, ăn không đủ", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo bà, trong việc này, nên cho trẻ ăn cùng bữa với các thành viên trong gia đình, hướng dẫn con cách xúc, ban đầu bé có ăn lâu hay làm rơi vãi đồ ăn thì cũng không cần quá bận tâm. Sau khi cả nhà đã ăn xong, cho con thêm 15-20 phút nữa, nếu trẻ không ăn hết cũng dọn đi, không cần ép bé hay tỏ ra sốt ruột, quát mắng. "Trẻ đói sẽ muốn ăn, đó là bản năng sinh tồn và bố mẹ đừng vô tình tước mất", bà nói.

Nhà tâm lý cho biết, trẻ con rất "nhạy", nếu thấy bố mẹ quá sốt sắng, nuông chiều, chúng sẽ sinh yêu sách, ỷ lại.

"Nếu rèn cho con vào nếp, sau này mẹ sẽ nhàn hơn và trẻ có ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm sẽ dễ thành đạt hơn trong cuộc sống", nhà tâm lý chia sẻ.

Chia sẻ trên Webtretho, thành viên có nicknam Jonhtom tâm sự, bé nhà chị mới 2 tuổi nhưng đã biết làm được nhiều việc: Tự đi vệ sinh, tự xúc cơm, chơi đồ chơi xong là cất vào chỗ quy định, khi ngã đau là tự đứng dậy ngay, không nhõng nhẽo hay đòi người khác đỡ dậy.

Để có được "thành quả" này, mẹ đã phải rèn bé từ khi con chưa tròn tuổi. Mỗi lần chơi xong, con thường vứt đồ lung tung thì mẹ nhắc, và hướng dẫn bé cất đồ chơi vào một chiếc rổ, thậm chí thực hiện nguyên tắc 'nếu con không cất đồ gì thì lần sau không chơi'. Mấy lần đầu, mẹ sẽ cùng làm với con và khen ngợi khi bé hoàn thành tốt. Dần dần, con quen nếp, không cần mẹ nhắc nữa.

Ngoài ra, lúc nhỏ, mỗi lần ngã, dù không đau, bé cũng không chịu đứng dậy mà cứ chổng mông lên kêu gào. Mẹ nhất định không đỡ lên mà chỉ khuyến khích: 'con trai mẹ giỏi lắm, tự đứng lên được đấy', và bé làm ngay....

Chị Liên (một bà mẹ hai con đang sống ở Zurich, Thụy Sĩ) thì chia sẻ, nhiều mẹ dạy con nhưng không hướng dẫn cụ thể, và rồi lúc con lúng túng, làm không đúng thì lại la mắng, phàn nàn. Thực tế, muốn con biết tự làm nhiều việc, mẹ cần kiên nhẫn và cụ thể, từng bước một.

"Dạy con tự lập không có nghĩa là con phải làm hết mọi thứ trong khi mẹ đứng chỉ tay năm ngón. Tập cho con biết tự lập không dễ dàng, mà chính ra điều đó còn tập cho mình tính kiên nhẫn, không được la hét", chị nói.

Phó giáo sư Nguyễn Công Khanh, Đại học sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, có thể để trẻ tham gia giúp việc nhà hết mức có thể ngay khi trẻ 2-3 tuổi. Lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… tìm nhiều việc vừa sức để trẻ làm giúp. Cha mẹ hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, tự rửa tay, buộc dây giầy, cài cúc áo, tự gấp quần áo cất vào tủ, tự dọn dẹp đồ chơi…

Khi bé được 4-6 tuổi, bạn có thể dạy bé cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo của bé, lau bàn ghế, giường tủ... thậm chí hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Trẻ con rất thích được cọ rửa đồ. Những đứa trẻ 4 - 5 tuổi còn rất thích công việc phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào các ngăn tủ.

Khi bé 5–6 tuổi, bé có thể giúp việc rửa chén, bát. Bố mẹ hãy hướng dẫn con cách làm từng công đoạn và giao từng phần việc cụ thể, chẳng hạn như gạt thức ăn thừa vào thùng rác, tráng bát bằng nước sạch... Khi trẻ 7-8 tuổi, chúng có thể tự mình chuẩn bị một bữa ăn...

Vương Linh

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/03/quen-day-con-tu-lap-me-lanh-du/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage