Ngay sau khi thông tin về việc một người khổng lồ công
nghệ trên thế giới đang tiếp cận Đàm Đức Anh với lời đề nghị "quá hấp
dẫn" được anh chia sẻ cung cấp trên trang Facebook, những cái tên như
Google, Facebook, Microsoft… liền được đưa vào danh sách đoán già đoán
non. Bởi lẽ trước đó, Đàm Đức Anh đã ngồi ở vị trí CEO của rất nhiều
công ty tên tuổi như Vietnamnet Media Group, Vietnamnet Star, UniTel…
Gần đây nhất là vị trí Giám đốc đối ngoại của Yahoo! phụ trách quan hệ
chính phủ, truyền thông và công chúng. Trong làng công nghệ, những người
làm được công việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lẽ đó, chuyện Đàm
Đức Anh được chọn và anh sẽ chọn doanh nghiệp nào khiến không ít người
tò mò.
CEO quá cô độc
- Nhìn lại, anh có bao giờ nuối tiếc khi quyết định rời bỏ Yahoo!?
Tôi thích một triết lý như thế này: "Nếu điều gì xảy ra
thì đó là điều cần phải xảy ra". Tôi gia nhập Yahoo! vào thời điểm công
ty bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Với một đội ngũ
quản lý giỏi, Yahoo! đã gặt hái nhiều thành công trên nhiều phương
diện: thương hiệu, doanh số, lợi nhuận, quan hệ chính phủ - truyền thông
- công chúng và trở thành công ty internet quốc tế đầu tiên và duy nhất
được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Yahoo! Việt Nam cũng đã xây dựng
được một văn phòng đẹp và hiện đại bậc nhất. Tuy nhiên, sau 25 tháng,
tôi cảm thấy sự cống hiến đã đủ và đã đến thời điểm tôi bắt đầu một sự
khởi đầu mới. Nếu còn tiếp tục, tôi thấy khả năng sáng tạo của mình sẽ
bị cùn mòn đi và thiếu động lực để phát triển tiếp.
- Anh lại vừa từ chối lời mời từ một người khổng lồ để dồn sức cho Media One. Anh đang theo đuổi tham vọng gì?
Từ khi tập thiền, tôi tập cho mình một thói quen mới là
không đưa ra những kế hoạch, dự định quá xa xôi. Tôi chỉ sống trọn vẹn
với hiện tại và hay biết mọi thứ xảy ra xung quanh mình và làm những
việc mà tôi thấy cần phải làm. Ở thời điểm này, tôi chỉ có thể tiết lộ
một phần công việc mình đang chuẩn bị: đó là triển lãm đầu tiên và lớn
nhất về thiết bị di động tại Việt Nam - Mobile Vietnam 2012 do Media One
Sài Gòn phối hợp với Bộ TT-TT đồng tổ chức. Chúng tôi cũng chuẩn bị
tung ra các sản phẩm độc đáo về công nghệ tương tác trong thời gian thực
như: Augmented Reality, 3D Mapping…
- Đã từng có những lớp doanh
nghiệp công nghệ của Việt Nam ấp ủ chiến lược khẳng định thương hiệu ở
mức độ quốc tế, nhưng dường như chặng đường còn xa. Là người hiểu
chuyện, anh có thể lý giải đâu là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp
này?
Tài sản lớn nhất của các doanh nghiệp công nghệ chính là
con người. Vì thế họ mạnh hay yếu, thành công hay không thành công tùy
thuộc vào hệ thống quản lý nhân sự của mình. Peter Drucker từng nói,
thực chất của công việc quản lý là "loại bỏ mọi chướng ngại tác động đến
việc phát huy tài năng của nhân viên ". Trong bối cảnh thị trường ngày
càng khó khăn, đây chính là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp công
nghệ có thể chiếm được ưu thế cạnh tranh và phát triển lớn mạnh.
Tôi đã từng làm việc trong những công ty công nghệ của
Việt Nam mà ban đầu chỉ có 40 người, sau 5 năm đã phát triển tới cả
1.000 người. Giống như người khổng lồ trong chiếc áo chật, họ bắt đầu
chững lại và suy thoái từ đây bởi không quản lý được yếu tố con người,
không còn tạo ra được động lực sáng tạo cho nhân viên và buộc phải đối
mặt với tình trạng chảy máu chất xám hàng loạt.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, câu nói: "Cá lớn nuốt
cá bé" không còn hoàn toàn đúng nữa mà có thể được thay bằng "Kẻ đi
nhanh nuốt người đi chậm". Những người khổng lồ như Yahoo!, Google,
Facebook đều có tuổi đời còn khá trẻ so với các ông lớn khác, nhưng họ
nhanh chóng thành công và trở thành những thế lực toàn cầu nhờ các ưu
điểm của hệ thống quản lý nhân sự ưu việt. Đây chính là điều các doanh
nghiệp công nghệ Việt Nam cần học tập.
- Vậy anh đã áp dụng những điều đó vào các công ty của mình, cụ thể là tại Media One như thế nào?
Tất cả những điều tôi học hỏi được từ những thành công
hay thất bại trong sự nghiệp quản lý của mình đều được chọn lọc và áp
dụng phù hợp với môi trường của Media One. Có nhiều điều để nói lắm,
nhưng hãy chờ xem những sản phẩm của chúng tôi nhé. Sản phẩm của Media
One chính là bộ mặt của chúng tôi.
- Anh từng trải qua những vị trí quản lý ở nhiều loại hình doanh nghiệp. Điều gì là áp lực lớn nhất với anh?
Tôi từng trải qua các vị trí cấp trung và cấp cao ở các
tập đoàn trong và ngoài nước. Vị trí khó làm nhất chính là CEO, giám đốc
điều hành. Có một câu nói đại ý: "Làm sếp là được thấu hiểu ít nhất và
bị săm soi nhiều nhất" và tôi thấy đúng với vị trí CEO. Một CEO giống
như một vị thuyền trưởng với gánh nặng trách nhiệm chất đầy hai vai và
không được sơ sẩy dù chỉ một phút vì tàu có thể va vào đá ngầm trên hải
trình của nó. Áp lực quá nhiều và quá ít sự cảm thông, chia sẻ từ những
người còn lại. CEO quá cô độc! Tôi từng có thời gian không còn muốn dính
dáng đến công việc này.
Sống với thiền
Ngoài
công việc, niềm vui của Đàm Đức Anh mỗi tuần là đi dẫn thiền ở các câu
lạc bộ. Với anh, thiền là một nghệ thuật sống, một môn khoa học tâm
linh. Nó bổ trợ và giúp cho cuộc sống của anh cân bằng và vì lẽ đó anh
mới chia sẻ những trải nghiệm thú vị này với những người khác. Trên các
trang cá nhân, anh nói về thiền nhiều hơn là công việc. Nhiều người vì
thế mà chột dạ: "Đàm Đức Anh có khi đang tính chuyện chuyển nghề từ kinh
doanh sang dạy thiền". Nghe xong điều đó, Đức Anh chỉ cười và nhận mình
là "người dẫn thiền" chứ không phải "thiền sư".
- Cơ duyên nào đưa anh đến với thiền?
Tôi đến với thiền từ cách đây 25 năm, từ khi 10 tuổi.
Năm 1987 tôi đã được nghe GS Trần Phương nói về rất nhiều đề tài, từ vật
thể bay không xác định (UFO), người ngoài hành tinh cho đến các hiện
tượng siêu nhiên, siêu nhân nhưng phần mà tôi bị cuốn hút nhất là nói về
năng lực siêu phàm của các vị Lạt ma đến từ Tây Tạng, cái nôi của Mật
Tông. Điều kỳ lạ là như từ trong tiềm thức, khi về nhà tôi lần lượt nhớ
được các bước để ngồi kiết già hoa sen đến quán tưởng về tha lực từ bên
ngoài đi qua đỉnh đầu xuống xương cụt. Cần lưu ý là thời đó, không có
sách báo hay tài liệu gì về phương pháp thiền này và cũng không có ai
dạy thiền cả. Tất cả những gì tôi làm được là nhờ khả năng tưởng tượng
của tôi được dẫn dắt bởi một mối liên hệ bí ẩn nào đó.
Mãi đến năm 2010, do những nhân duyên đưa đẩy, tôi đến
với Vipassana (Thiền Minh Sát hay còn gọi là thiền Tuệ), một phương pháp
thiền giản dị, trong sáng giúp phát triển trí tuệ trên nền tảng giáo lý
thâm sâu, vi diệu. Càng tập càng thích, tôi quyết định gác lại tất cả
công việc và dành tới 100 ngày thiền tập ở Myanmar với những vị thiền sư
danh tiếng thế giới như: U Tejaniya, Pa-Auk Sayadaw. Trở về Việt Nam,
tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi sống khác đi, cho đi nhiều hơn và càng
ngày tôi nhận được càng nhiều hơn. Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc
với cuộc sống hiện tại mà mình đang có.
- Trong thời buổi kinh tế
khó khăn này, nhiều doanh nhân đã tìm đến tâm linh để lấy lại thăng bằng
và cầu mong sóng gió sớm qua. Trong những lớp dạy thiền của anh, hẳn có
nhiều doanh nhân tham gia?
Nếu tính gộp 2 câu lạc bộ mà tôi đang dẫn thiền gồm có
Cơn bão triệu phú và Sống thiền thì hiện tại có khoảng hơn 100 người đến
nghe tôi trao đổi và chia sẻ về thiền mỗi tuần. Trong số này có cả
những người có học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ, còn doanh nhân và quản
lý doanh nghiệp cấp cao và cấp trung thì rất nhiều. Họ có trí, có lực
nhưng gặp khủng hoảng về tâm do khó khăn chồng chất trong thời buổi kinh
tế suy thoái. Là một nhà quản lý, tôi đồng cảm với họ. Là một người đã
có những trải nghiệm sâu sắc về thiền, tôi giúp họ điều chỉnh lại cuộc
sống. Trong quá trình chia sẻ, mọi người đã học cách sống trọn vẹn với
thực tại, ghi nhận mọi thứ như chúng đang là, sống tỉnh thức và an nhiên
dù cuộc sống có biến đổi như thế nào đi chăng nữa và nhiệt tâm phát
triển trí tuệ. Kết quả là phần lớn những người tham dự rất vui mừng
trước những gì đã đạt được, thậm chí có người bị trầm cảm nặng đã chữa
được căn bệnh này. Không những thế, những thành viên này đã tự kết nối
với nhau thành một hình thức "networking" hiệu quả và gần đây tôi có
nghe họ chia sẻ là đã có những hợp đồng được ký kết với nhau trong quá
trình tham gia tập thiền chung nữa kia. Điều này thật thú vị, có phải
không?
- Vâng, quả thật là rất thú
vị. Vậy còn với một CEO rong ruổi khắp mọi nơi để trải nghiệm và nói
chuyện về thiền như anh thì chuyện công ty và kinh doanh sẽ quản lý như
thế nào? Chẳng lẽ anh cũng để nó "tùy duyên" giống anh?
Tùy duyên là như thế nào nhỉ? Là hiểu được mọi sự vật,
hiện tượng đều do duyên sinh, nằm trong mối quan hệ chi phối của định
luật nhân quả và vì thế đừng cố can thiệp và hãy để cho mọi thứ được vận
hành một cách tự nhiên. Đói thì ăn, mệt thì ngủ, thấy những việc cần
làm thì làm, không làm nhiều việc cùng lúc, không chồng chéo, ôm đồm,
không cố gắng quá sức để đạt được một điều gì cả. Tôi phân định rất rạch
ròi thời gian biểu cho công việc kinh doanh và chia sẻ thiền. Một tuần
có 7 ngày thì 5 ngày tôi dành cho công việc, 2 ngày cuối tuần tôi dành
cho gia đình và đi chia sẻ về thiền. Với thời gian biểu này, cuộc sống
của tôi vô cùng cân bằng và tôi hài lòng với những gì mình đang có.
Ðại gia và chân dài
- Không chỉ làm ông chủ của
công ty công nghệ và đi dạy thiền, tôi nghe nói anh còn dính dáng đến
nhiều chân dài trong làng showbiz. Thực hư chuyện này là như thế nào?
Nói "dính dáng với chân dài" rất mập mờ và dễ bị hiểu
sai. Phải nói một cách rõ ràng là tôi từng làm việc với nhiều cô gái đẹp
và nổi tiếng, nhưng chỉ là trong mối quan hệ công việc. Hay nói đúng
hơn, tôi là người mạnh dạn cộng tác hoặc sử dụng "chân dài" trong công
việc liên quan đến công nghệ. Ngọc Oanh (Á hậu Việt Nam), Vũ Thu Phương
(Siêu mẫu Việt Nam), Ái Châu (Á hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh), Hương
Giang (Hoa hậu châu Á), Phạm Ngọc Thạch (Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam) là
những cái tên tôi từng cộng tác hoặc tuyển dụng vào công ty vì công
việc kinh doanh. Tôi thấy những cô gái này rất có cá tính, ý chí vươn
lên, óc suy nghĩ nhạy bén cộng với một ngoại hình đẹp. Còn sự kết hợp
nào tuyệt vời và đầy cảm hứng hơn thế?
Thực ra giới showbiz với tôi chẳng có gì xa lạ. Từ những
năm 1994-1995, khi tôi mới 17-18 tuổi và đang còn là học sinh PTTH, tôi
đã từng làm ông bầu hoặc đồng tổ chức của những chương trình văn hóa
nghệ thuật lớn nhất của học sinh - sinh viên Hà Nội thời bấy giờ, với
lượng người tham dự lên tới 15.000-30.000 người/chương trình như: Night
of Passion, Sơn ca New Wave, Quần Anh Hội… Tôi dám bỏ tiền ra mời những
diva như: Thanh Lam, Mỹ Linh và những "chân dài" đình đám thời đó như:
Thúy Hằng - Thúy Hạnh, Nguyễn Thu Hương, Bảo Ngọc, Hải Yến, Mai Thu
Trang... Với một chương trình "đầy sao" chúng tôi đã thắng lớn về doanh
thu.
- Có vẻ như anh cũng có năng khiếu làm bầu sô đấy chứ. Tại sao anh không theo đuổi con đường đó?
Tôi nghĩ mình đã làm rất tốt công việc đó. Bạn cần biết
cách đây gần 20 năm, bầu sô vừa là người đi xin giấy phép tổ chức biểu
diễn, vừa viết và thiết kế thông điệp quảng cáo vừa lên khung và dàn
dựng chương trình, vừa chỉ đạo nghệ thuật và kiêm luôn điều phối phát
hành vé. Tất cả trong một. Thời đó, hầu như chẳng có ai có nghề bầu sô
cả nên nếu làm là chắc thắng.
Nhưng tôi quan niệm, trong suốt cuộc đời mình chỉ gắn bó
với những gì mình làm tốt nhất và phải có đam mê nữa. Chính vì thế mà
tôi đã chọn con đường dấn thân vào ngành truyền thông và công nghệ thông
tin thay vì trở thành một người của giới showbiz. Đây mới thực sự là
thứ tôi thích nhất.
- Vậy khi chuyển sang kinh doanh công nghệ, những "chân dài" ấy đóng vai trò như thế nào trong chuyện kinh doanh của anh?
Tôi vừa đọc cho bạn một danh sách các "chân dài" thuộc
hàng verdette, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông ở Việt Nam.
Nhưng chắc bạn và nhiều người chưa biết, Phạm Ngọc Thạch từng giúp tôi
bán các sản phẩm hệ thống viễn thông di động trong tòa nhà cao ốc (IBS),
Ái Châu và Hương Giang từng giúp tôi thực hiện việc mua bán bản quyền
âm nhạc trên điện thoại di động và hệ thống truyền thông đa phương tiện…
Với Ngọc Oanh, tôi là người sản xuất và trực tiếp viết kịch bản với
Ngọc Oanh làm MC cho chương trình Xem Euro (2004) cùng người nổi tiếng,
chương trình tương tác truyền hình - tin nhắn di động đầu tiên của Việt
Nam. Bạn thấy không, những mối quan hệ của tôi như vậy có hàm lượng chất
xám rất cao đấy chứ?
- Câu chuyện "đại gia và
chân dài" lúc nào cũng nóng. Có vẻ như đồng tiền và sắc đẹp chẳng thể
nào tách rời được nhau. Trong câu chuyện này, theo anh, ai được ai mất
nhiều?
Nếu tôi không nhầm thì cụm từ "chân dài - đại gia" có
xuất xứ từ điện ảnh, sau đó được báo chí truyền thông sử dụng với tần
suất cao, nhưng mang ý nghĩa không tích cực cho lắm và phần lớn là bị
hiểu sai nữa. Hình như họ thấy, dùng "trai tài - gái sắc" thì không ăn
khách nên phải sử dụng cụm từ này?
Theo quan điểm của tôi, nếu một người đàn ông tài giỏi,
làm giàu bằng sức sáng tạo và khả năng lao động của mình thì anh ta hoàn
toàn xứng đáng được hưởng những thành quả đó, thậm chí là mưu cầu hạnh
phúc với một người đẹp. Mặt khác, một người đẹp chẳng có gì sai trái khi
yêu một người đàn ông tài năng, có sự nghiệp vững chắc và có khả năng
bao bọc và lo lắng cho tương lai của mình. Nhưng nền tảng cốt lõi vẫn
phải dựa trên tình yêu chân thật, trong sáng. Trên thực tế, "đại gia"
không nhất thiết phải đi với "chân dài" cũng như "chân dài" không nhất
thiết phải đi với "đại gia". Vừa rồi, bạn cũng thấy đấy, Priscilla Chan
đã làm đám cưới với Mark Zuckerberg, người sáng lập và điều hành mạng xã
hội Facebook, một trong những người giàu nhất thế giới với 19 tỷ USD.
Chân cô ấy có dài đâu mà vẫn cưới được tỷ phú đấy thôi?
Chúng ta tự tạo ra một hệ quy chiếu với những chuẩn mực
do truyền thông dựng lên rồi gán các giá trị lên cho các đối tượng nằm
trong tầm ngắm của hệ quy chiếu này. Câu chuyện "chân dài - đại gia" vốn
đã bị hiểu sai, quá ồn ào và tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.
Đã đến lúc minh định rõ ràng mối quan hệ này.
- Với cá nhân anh thì sao?
Tôi nghĩ mình nằm ngoài mối quan hệ này vì hai lý do:
thứ nhất, tôi không phải là một đại gia. Thứ hai, mối quan hệ của tôi
với các "chân dài" chỉ đơn thuần là công việc. Nhưng nếu một ai đó gán
mác chân dài cho cô gái mà tôi đang yêu, tôi cũng đành chịu thôi. (Cười)
- Xin cảm ơn anh!
Bài và ảnh: Bích Ngọc