Chùa Bửu Minh

(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt ở Tây phương, thế nên trước hết chúng ta hãy hiểu vô minh nghĩa là gì. Truyền thống Phật giáo phân biệt hai loại vô minh: vô minh bẩm sinh và vô minh văn hoá (truyền thống). Vô minh bẩm sinh là căn cứ của sinh tử và là tính chất để định nghĩa chúng sinh bình thường.


 Nó là vô minh, sự không biết về bản tính chân thực của chúng ta và bản tính chân thực của thế giới, và nó đưa đến sự mắc bẫy vào những vọng tưởng của tâm thức nhị nguyên.


Nhị nguyên nói lên những đa cực và những lưỡng phân. Nó phân chia sự thống nhất không vết nối của kinh nghiệm thành đây và kia, đúng và sai, anh và tôi. Căn cứ trên những phân biệt ý niệm này, chúng ta phát triển những yêu chuộng biểu lộ ra như bám lấy và ghét bỏ, những phản ứng thói quen, những cái này lập nên hầu hết cái mà chúng ta đồng hoá như là chính chúng ta. Chúng ta muốn cái này không muốn cái kia; tin điều này, không tin điều kia; kính trọng điều này hay khinh bỉ điều nọ. Chúng ta muốn lạc thú, tiện nghi, sức khoẻ và danh tiếng, và cố gắng trốn tránh khổ đau, nghèo nàn, nhục nhã và không tiện nghi. Chúng ta muốn những điều ấy cho chính chúng ta, và chẳng để ý gì những người khác. Chúng ta muốn một kinh nghiệm khác với cái chúng ta đã có, hay chúng ta muốn bám vào một kinh nghiệm và tránh những thay đổi không thể tránh sẽ đưa đến sự hoại diệt kinh nghiệm này.

Có một loại vô minh thứ hai là do bị văn hoá quy định. Nó tạo thành từ những tham muốn và ghét bỏ được cơ cấu hoá trong một nền văn hóa và được làm thành điều luật trong những hệ thống giá trị. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, người Ấn giáo tin rằng ăn thịt bò là sai và thích hợp hơn là ăn thịt heo. Người Hồi giáo tin rằng thích hợp hơn là ăn thịt bò nhưng họ bị cấm ăn thịt heo. Người Tây tạng thì ăn cả hai. Ai đúng? Người Ấn giáo nghĩ rằng những người Ấn giáo là đúng, người Hồi giáo nghĩ những người Hồi giáo là đúng, và người Tây tạng nghĩ những người Tây tạng đúng. Những niềm tin khác nhau khởi từ những thiên chấp và lòng tin là thành phần của văn hoá – không phải từ trí tuệ căn bản.

Một thí dụ khác có thể được tìm thấy trong những xung đột nội tại của triết học. Có nhiều hệ thống triết lý được định nghĩa bởi sự bất đồng ý với một hệ thống khác trên những điểm tinh tế. Dù cho bản thân hệ thống được phát triển với ý định dẫn đưa người ta đến trí tuệ, chúng sản sinh ra vô minh bởi vì những người theo chúng bám chấp vào một cái hiểu nhị nguyên về thực tại. Điều này không thể tránh trong một hệ thống ý niệm bởi vì tâm thức ý niệm tự nó đã là một biểu lộ của vô minh.

Vô minh văn hoá được phát triển và bảo tồn trong những truyền thống. Nó thấm khắp mọi phong tục, ý kiến, hệ thống giá trị và toàn bộ tri thức. Cả hai bên, những cá nhân và những văn hoá chấp nhận những yêu chuộng này một cách căn bản đến độ chúng được xem là lương tri chung hay định luật thiêng liêng. Càng lớn lên, chúng ta càng bám luyến vào những niềm tin khác nhau, vào một đảng phái chính trị, một hệ thống y khoa, một tôn giáo, một quan niệm sự vật là thế nào. Chúng ta qua trường sơ cấp, trung học, và có thể đại học và trong một nghĩa mỗi bằng cấp là một phần thưởng cho việc phát triển một vô minh nguỵ biện hơn nữa. Giáo dục tăng cường thêm thói quen nhìn thế giới qua một thấu kính nào đó. Chúng ta có trở nên một chuyên gia trong một quan kiến sai lầm, trở nên rất chính xác trong cách hiểu của chúng ta, và tuỳ thuộc vào những chuyên gia khác. Điều này cũng có thể là trường hợp trong triết học, khi người ta học những hệ thống trí thức chi tiết và phát triển tâm thức thành một dụng cụ tra vấn sắc bén. Nhưng cho đến khi nào vô minh bẩm sinh được thâm nhập, người ta chỉ phát triển một thiên chấp được huân tập, chứ chẳng phải trí tuệ căn bản.

Chúng ta trở nên bám luyến vào thậm chí những cái nhỏ nhất: một loại xà phòng riệng biệt hay một kiểu tóc cắt theo lối nào đó. Trên một phạm vi rộng lớn, chúng ta phát triển những tôn giáo, những hệ thống chính trị, những triết học, tâm lý học và những khoa học. Nhưng không có ai được sinh ra với niềm tin rằng ăn thịt bò hay thịt heo là sai hay một hệ thống triết lý là đúng và cái khác là sai hay tôn giáo này là đúng tôn giáo kia là sai. Những điều này phải được học. Sự trung thành ủng hộ những giá trị riêng biệt là kết quả của vô minh văn hoá, nhưng xu hướng chấp nhận những quan kiến giới hạn phát sinh trong sự nhi nguyên, nó là biểu lộ của vô minh bẩm sinh.

Điều này không xấu. Nó phải là như vậy. Những bám chấp của chúng ta có thể dẫn đến chiến tranh nhưng chúng cũng biểu hiện như là những kỹ thuật ích lợi và những nghệ thuật khác nhau có lợi lớn lao cho thế giới. Bao giờ chúng ta chưa giác ngộ, chúng ta còn tham gia vào nhị nguyên, và điều đó cũng tốt. Ở Tây tạng có câu nói, “Khi ở trong thân của một con lừa, hãy thưởng thức vị của cỏ”. Nói cách khác, chúng nên cảm kích và hân thưởng cuộc đời này bởi vì nó tràn đầy ý nghĩa và có giá trị tự thân, và bởi vì đó là cuộc đời chúng ta đang sống.

Nếu chúng ta không cẩn thận, những giáo lý có thể được dùng để hỗ trợ cho vô minh của chúng ta. Người ta có thể nói rằng người nào đắc được một cấp độ cao cấp là xấu hay có chế độ ăn uống kiêng cữ là sai lầm, nhưng đó không phải là điểm cốt yếu chút nào. Hay người ta có thể nói vô minh là xấu hay đời sống bình thường chỉ là sự ngu ngốc sinh tử. Nhưng vô minh chỉ là sự che ám tâm thức. Tham luyến vào nó hay ghê tởm nó cũng là trò chơi cũ kỹ của nhị nguyên, diễn bày trong lĩnh vực của vô minh. Chúng ta có thể thấy nó phổ biến như thế nào. Dù cho những giáo lý phải làm việc với nhị nguyên – chẳng hạn bằng cách khuyến khích sự gắn bó với cái thiện và ghét bỏ cái bất thiện – một cách nghịch lý chúng dùng nhị nguyên của vô minh để đáng bại vô minh. Cái hiểu biết của chúng ta phải vi tế biết bao nhiêu và chúng ta có thể dễ dàng lạc mất biết bao nhiêu! Đây là tại sao thực hành là cần thiết, để có kinh nghiệm trực tiếp hơn là chỉ phát triển hệ thống ý niệm khác để thi thiết và bảo vệ. Khi những sự vật được nhìn từ một viễn cảnh cao hơn, chúng là bình đẳng. Từ viễn cảnh của trí tuệ bất nhị, không có gì là quan trọng hay không quan trọng.

WANGYAL RINPOCHE TENZIN
Đương Đạo

dịch từ The Tibetan Yogas fo Dream and Sleep.

NXB Snow Lion Ithaca, New york, 1998
VHPG số 61

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=293


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage