Do đó, Đức Thế Tôn dạy rằng: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng (Phàm
cái gì có hình tướng đều là hư ảo, tạm bợ - Kinh Kim cang). Tướng
ở đây không chỉ đơn thuần là tướng trạng bên ngoài mà còn mang bóng dáng của
dòng tâm ý dao động, phóng dật trong mỗi chúng ta. Quả thật, vì sự sống luôn
luôn đổi thay không đứng yên một chỗ nên con người mới có thể lớn khôn, trưởng
thành và tạo dựng sự nghiệp cơ đồ. Tuy nhiên, sự đổi thay đó đem lại khổ đau
hay hạnh phúc là tùy thuộc vào thái độ sống của mỗi người ở thời điểm hiện tại.
Nếu bạn biết sống thuận theo quy luật vận hành tất yếu của tự nhiên mà không
phản kháng hoặc quy ước, định đoạt theo nhận thức chủ quan của mình, thì dù mọi
thứ đổi thay như thế nào đi nữa, vẫn là vẻ đẹp tuyệt vời cho bạn!
Vô thường là
một thực tại sinh động và mới mẻ như dòng sông đêm ngày trôi chảy mà không ước
hẹn hoặc dừng lại bất cứ ở nơi đâu. Vạn vật nương tựa vào nhau để làm nên sự
sống, nhưng lại không có cái ta quy ước ràng buộc hay tách biệt riêng lẻ. Tuy
chúng biến đổi muôn hình vạn trạng khác nhau nhưng vẫn thong dong và tùy thuận
để thích ứng với mọi hoàn cảnh, điều kiện đang có mà không quy định phải là
hoặc sẽ là để cung ứng thỏa mãn cho cái ta riêng biệt.
Đời sống của
con người quả là tiến trình đổi thay bất tận; thân thể ta từ khi mới sinh ra
trọng lượng chỉ được vài ba cân thôi, và cứ thế năm tháng trôi qua thân thể
ngày càng cao lớn và trọng lượng tăng dần đến mấy mươi cân. Nhận thức ta cũng
vậy, lúc tuổi còn trẻ thì suy nghĩ hời hợt nông cạn, đến khi khôn lớn ta được
tiếp xúc với mọi người và học ra nhiều điều từ cuộc sống nên khả năng hiểu biết
cũng được thêm phần sâu sắc. Hoàn cảnh xã hội cũng thay đổi không khác; trước
đó là một vùng đất hoang sơ, trống trải nhưng nay lại trở thành khu dân cư đông
đúc, nhiều công trình được xây dựng đồ sộ, nguy nga... Hoặc ngược lại, trước
đây ở nơi đó là một thành phố xinh đẹp nhưng nay đã biến thành bãi rác khổng lồ
bởi nạn động đất, sóng thần gây ra. Như vậy, thân tâm và hoàn cảnh đều chuyển
đổi theo thời gian, không có cái gì thực sự tồn tại lâu dài. Chính vì lẽ đó cho
nên trong kinh Bát đại nhân giác, Đức Thế Tôn dạy rằng: Điều thứ nhất
là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, mọi thứ trên thế gian này đều thay đổi,
những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người
do tập hợp của Năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không
ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền…(Nhật tụng thiền môn năm 2000,
Thiền sư Nhất Hạnh, tr.89-90).
Con người do
bốn đại là đất, nước, lửa, gió kết hợp lại mà hình thành và có đầy đủ năm yếu
tố là sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Khi hết điều kiện
nhân duyên thì con người sẽ chuyển sang một hình dạng khác. Ngày hôm nay đời
sống có tốt đẹp hoặc ngày mai có tươi sáng hay không là đều tùy thuộc vào thái
độ ứng xử của bạn trong thời điểm hiện tại. Nếu hàng ngày bạn tiếp xúc và học
hỏi với các bậc hiền nhân đức độ thì nhận thức của bạn sẽ được thay đổi theo
chiều hướng tích cực tươi sáng, ngược lại bạn thường tiếp cận với môi trường
thiếu lành mạnh thì hạt giống bất thiện tiêu cực trong bạn sẽ có cơ hội nảy mầm
và sinh trưởng. Vì thế, ngay trong hiện tại bạn cần phải biết thường trực quán
chiếu về tính chất vô thường hư ảo của các pháp một cách sâu sắc, để thấy rõ
hành tung diễn biến của cái ta và sở hữu của ta. Khi tâm hồn
trong sáng và thấy rõ các pháp thì cái ta tham ái chấp thủ không có cơ hội để
bám víu và hình thành sở hữu.
Thói quen của
con người là thường ưa thích mọi việc xảy ra thuận theo ý mình mong muốn, cho
nên khi sở hữu được một cái gì đó thì vui mừng hớn hở, đến lúc thiếu vắng mất
mát thì lại buồn phiền khổ đau. Và như thế, hạnh phúc chỉ hiện hữu trong một
thời gian ngắn ngủi ít ỏi. Chính vì cái nhìn hạn hẹp như vậy cho nên ta không
có cơ hội để tiếp xúc với những vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên, đất trời. Nhiều
quốc gia, mỗi năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và mùa nào cũng có vẻ đẹp và
giá trị như nhau, tuy nhiên do cách nhìn của mỗi người sai khác nên họ cho rằng
mùa này tốt đẹp hơn còn mùa kia thì tệ hại. Thực chất, nếu tâm tư bạn mang đầy
dằn vặt lo âu thì bạn không thể nào tiếp xúc được với vẻ đẹp toàn diện của các
pháp. Cho nên thi hào Nguyễn Du mới nói rằng: Cảnh nào cảnh chẳng đeo
sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Hoàn cảnh xưa nay vẫn diệt sinh -
đến rồi đi, thời tiết thì có khi nắng khi mưa. Trời nắng có cái hay của nắng,
còn trời mưa cũng có vẻ đẹp riêng của mưa. Nắng hay mưa đều là chất liệu quý
giá để làm nên sự sống này, nếu thiếu vắng một trong hai thứ đó thì con người,
cỏ cây, đất đá, chim muông và cầm thú không thể tồn tại. Vì vậy, sầu khổ là do
tâm ý ta dao động, phân biệt vẽ vời hiện thực theo nhận thức chủ quan cá nhân
cho nên cái đẹp tự nhiên của các pháp bị che lấp và vắng bóng.
Thực ra, phiền não khổ đau chỉ xuất hiện khi ta ước muốn
chiếm hữu, nắm giữ các đối tượng ưa thích hoặc loại trừ những gì mình không
mong muốn. Các pháp diễn ra trong đời sống này luôn vận hành đúng với nhân quả
tương ứng mà mỗi người tự tạo ra. Pháp vốn bình đẳng và tự do không ràng buộc
hay bám trụ vào đâu cả, nhưng ngược lại con người thì đưa ra quy trình, khuôn
mẫu để chọn lựa, nắm bắt. Trong khi đó, pháp luôn luôn biến đổi không ngừng làm
sao ta có thể nắm giữ lại được cái gì? Cùng với ý nghĩa này, Đức Thế Tôn hỏi
Rahula rằng:
- Này
Rahula, Ông nghĩ thế nào?
- Con mắt
là thường hay vô thường?
- Bạch Thế
Tôn, là vô thường.
- Cái gì
vô thường là khổ hay lạc?
- Bạch Thế
Tôn, là khổ.
- Cái gì
vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái
này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
- Thưa
không vậy, bạch Thế Tôn.
(Kinh Trung
bộ III, tr.624).
Thật rõ ràng,
vô thường đưa đến khổ đau chỉ vì ta vướng kẹt vào cái tôi và sở hữu
của tôi. Mỗi khi cái thấy không được trong sáng (vô minh) thì bạn sẽ không
thể sống tùy thuận vô thường mà chỉ muốn chọn lựa, nắm giữ những gì tốt đẹp và
mong nó thường còn mãi mãi nên hệ quả là dẫn đến bất toại ý, khổ đau. Trong khi
đó, vô thường là diễn biến của pháp không như mình cho là, quy định phải
là hay mong ước sẽ là. Vì vậy, vô thường làm cho cái
ta ảo tưởng không thể nào toại nguyện nên ta thấy khổ.
Khổ là do lăng xăng tạo tác nên không thấy được vô thường. Nếu không có cái
ta ảo tưởng luôn cho là, quy định phải là hay mong ước sẽ là thì vô thường
là bản chất tự nhiên của pháp không đem đến đau khổ. Nhận thức được sự
thật này thì cái ta tà kiến tham ái chấm dứt - đoạn tận tham
sân si là Niết-bàn - nên thấy pháp như nó đang là, hoàn toàn không
có bản ngã.
Vì vậy, sống
tùy thuận theo vô thường chính là buông xuống cái ta tham ái chấp thủ, để cho
tâm hồn rỗng lặng trong sáng và tự do. Việc gì tới thì bạn căn cứ vào hiện thực
ấy để giải quyết, khi xong rồi thì buông ra. Mỗi khi tâm hồn thực sự rảnh rang
bình lặng, bạn sẽ tiếp xúc được với sự sống mới mẻ đích thực, và lúc bấy giờ
bạn không còn có ý niệm chọn lựa cái này hoặc loại bỏ cái kia. Vì cả hai khuynh
hướng ấy đều do cái ta ảo tưởng bày vẽ ra và càng không thể thành lập vì sự
sống vốn không ngừng biến chuyển. Thấu rõ được điều này, bạn hoàn toàn tự do tự
tại sống tùy duyên thuận theo sự đổi thay của các pháp mà không kháng cự, tránh
né hoặc khổ não bởi vô thường.