Mới chiều thứ hai mà ông anh rể của tôi
đã ghé nhà, đây là chuyện lạ vì có mỗi khi về thăm thì luôn là hai vợ
chồng vào cuối tuần hay mỗi khi giỗ quảy. Càng lạ hơn hôm nay anh không
vô nhà mà dựng chống xe trước cửa, rồi í ới kêu tôi ra giúp một tay…Trên
yên xe anh ràng một sợi dây thun quanh chiếc thau to màu đỏ, đậy hờ
trên đó là miếng vải không đủ che hết bộ lông xù trắng của con chó Nhật.
Con chó nằm dưới tấm vải khẽ trở mình đưa đôi mắt trắng đục buồn bã
nhìn tôi như đã sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy ra. Thật ngạc nhiên
nhưng chưa kịp hỏi han gì thì anh đã giục tôi phụ bê cái thau vào nhà…
Con chó khoanh đuôi nằm im trong thau ở
góc sân. Vuốt ve con chó một lúc, ông anh rể mới cho biết, nó là của bà
chủ nhà nơi công ty anh thuê văn phòng. Bà bệnh và nhập viện sau ba ngày
thì qua đời. Sinh thời là Phật tử thuần thành, bà cụ sống neo đơn nên
đã nhờ nhà chùa thu xếp phần hậu sự cho mình, đám tang của cụ tiến hành
nơi vãng sanh quán nhà chùa. Suốt ba ngày quàng tại đó con chó cũng được
đưa sang, nó nằm bẹp bên quan tài, dỗ dành lắm nó mới liếm láp chút
sữa. Ngày đưa tang con chó cũng được đi theo, khi chiếc thang máy từ từ
đưa cái áo quan xuống hầm để vào lò hỏa, con chó cuống quýt chạy vòng
quanh như muốn nhảy theo xuống, may mà người ta kịp giữ lại… Giờ cụ đi
rồi không có ai chăm sóc, thương quá nên anh mới mang về nhà tôi gởi tạm
rồi kiếm người nuôi hộ. Thật tình vì rất quý anh cho nên tôi nhận tạm
chứ nhà tôi chưa bao giờ nuôi chó vả lại nếu không nhận thì căn hộ nhỏ
của anh lấy chỗ đâu mà cưu mang nó…
Hôm sau, tôi ra quán cà phê ở đầu hẻm để
hỏi thăm thì có người cho biết là anh Thành bán tạp hóa gần đó có ý
muốn nuôi chó. Vậy là tôi liền đi sang gặp anh. Anh Thành nói, để xem
coi có thích con chó hay không rồi quyết định. Về nhà tôi bưng hẳn cả
cái thau và con chó sang cho anh. Nhìn mặt con chó một lúc anh Thành lắc
đầu nguầy nguậy, anh nói là tưởng chó còn nhỏ chứ con này già yếu quá
rồi, lại mang nhiều bệnh tật nên anh không nhận. Nghe anh nói tôi mới
nhìn kỹ, đúng là nó già thật. Con mắt phải của nó bị kéo màn mờ đục. Hàm
răng không biết bao nhiêu cái nhưng hình như cũng đã rụng nhiều. Còn
hai đôi chân mềm oặt giờ đây gần như không còn đỡ nổi cái thân hình gầy
nhom của nó. Tình hình thật nan giải, tôi nghĩ có lẽ mình mang về, rồi
từ từ tính sau vậy. Từ nãy giờ bà Ba là dì ruột của anh Thành ngồi sau
chiếc tủ kiếng quan sát và nghe hết trao đổi giữa tôi và anh Thành. Bà
Ba cũng bước ra xem con chó. Tôi biết và mua hàng của bà Ba từ hồi còn
tiểu học. Bà Ba không lập gia đình, từ xưa đến giờ bà sống với và bán
hàng cho chị Hai là mẹ của anh Thành. Bà Ba hay tâm sự với những người
quen là từ ngày chị Hai mất đi thì mọi chuyện trong gia đình đều do vợ
anh Thành quán xuyến. Tánh tình chị Thành thì không giống với mẹ anh vì
vậy mà bà Ba buồn, mâu thuẫn chuyện nhà và buôn bán xảy ra hoài, những
ngày xưa hạnh phúc không còn nữa. Bà Ba buồn và hay nói là rất muốn về
quê nhưng còn ngại vì không còn người thân thích ở dưới nữa …
Nghe tôi kể về hoàn cảnh con chó, bà Ba
nhìn nó rất lâu và nó cũng nhìn bà với ánh mắt như cầu cứu một cách lạ
kỳ. Rồi bà đưa tay nựng nó và nói “Con là chó cái à…Khổ thân con chưa,
thôi về sống với ta nhé, ta sẽ thay thế bà chủ của con”. Nói xong bà bế
con chó vào lòng rồi quay sang cảm ơn tôi. Như hiểu được tiếng người,
con chó rùng mình mừng rỡ, đôi mắt mờ đục của nó ngước nhìn bà đầy vẻ
biết ơn. Bà Ba đòi trả tiền “xăng xe” cho tôi vì đã đem con chó đến, tôi
thoái thác không dám nhận vì bà nhận nuôi đã quý hóa và may mắn cho con
chó lắm rồi…Tôi gọi điện thoại báo cho ông anh rể biết, anh ta mừng lắm
rồi hẹn sẽ đến để cảm ơn và thăm con chó…
Mọi chuyện rồi cũng trôi đi trong vô vàn
cái hối hả quay cuồng của cuộc sống. Những thúc bách cơm áo gạo tiền
làm cho người ta quên nhiều thứ vì vậy mà chuyện con chó rơi vào quên
lãng cũng là thường tình. Sau cái lần tôi cùng ông anh rể đến cảm ơn bà
Ba thì cũng cả năm sau tôi mới có dịp ghé vô tiệm anh Thành…Trong lúc
mua hàng, nhìn quanh không thấy bà Ba, và cái tủ kiếng ngày nào cũng
không thấy. Tiệm của anh bây giờ trông sạch sẽ và tươm tất hơn. Mua hàng
xong tôi hỏi thăm về bà Ba và con chó. Gương mặt đang vui vẻ của anh
bỗng đượm buồn, anh nói là con chó đã chết lâu rồi!
Ngạc nhiên và nhận ra mình vô tâm quá. Tôi hỏi tiếp:
- Bà Ba đâu anh?”
- À..dì giận vợ chồng tôi bỏ về quê rồi! Anh trả lời, rồi liền tiếp:
- Em hỏi thì tôi mới nói: Dì ba thương
con chó lắm, báo hại nó bệnh liên miên, ba tháng trời cứ hai ba ngày là
phải thuê xe ôm chở nó đi khám bệnh chích thuốc, tự nhiên em cho con chó
mà chẳng khác nào cho cục nợ!”
Nghe anh nói xong, tôi cũng chẳng biết
mình phải nói gì. Vì bỗng dưng bà chủ của con chó qua đời, rồi bỗng dưng
ông anh rể mang nó về nhà tôi và bỗng dưng có người nhớ đến ý định nuôi
chó của anh Thành rồi cũng bỗng dưng bà Ba nhận nuôi và lại bỗng dưng
nó chết và bà Ba về quê…Mọi cái như một xâu chuỗi nhân duyên tan hợp,
mình không hề có chủ đích nhưng nó vẫn cứ xảy ra như một bàn tay vô hình
sắp đặt…Rồi bỗng dưng lúc đó tôi lại nghĩ, không biết có còn ai thân
thích mà dì Ba lại về quê? Chỉ nghĩ được đến vậy, rồi như có chút hụt
hẫng thoáng qua trong lòng, tôi chào anh ra về…
Rồi lại nhân duyên tan hợp, trong một
lần đi về tỉnh công tác, tình cờ tôi gặp bà Ba ngay khu chợ quê bà. Bà
mừng lắm, vì lâu rồi mới gặp người quen, bà hỏi thăm đủ chuyện. Nghe
nhắc đến con chó, mắt bà ánh lên tình cảm thật thiết tha. Bà nói: “Cảm
ơn cậu đã mang nó đến, nó chính là hình ảnh tương lai của tôi”. Hết sức
ngạc nhiên tôi hỏi: Sao dì nói vậy? Bà tiếp: Tôi đặt nó tên là “Ngộ” bởi
nó biết thân phận mình, suốt thời gian sống với tôi nó trở thành người
tri kỷ. Chữa bệnh xong mắt nó đã sáng lại và đôi chân bình phục rất
khỏe, tuy nhiên vô thường đến thì nó cũng phải ra đi. Như cảnh tôi đây
khi già yếu mắt mờ thân bệnh, không đủ duyên để sống cùng với gia đình
đứa cháu, tôi có khác gì nó đâu. Vật và người đồng cảnh ngộ nên tôi
thương và cưu mang nó như thể thương cho chính cái thân phận mình. Và có
lẽ vì phước báu ấy nên nay tôi được sư thầy cho nương tựa ở cửa chùa. Ở
đây tôi đã biết kinh kệ và sống đúng với bản thể của mình. Và thật kỳ
diệu, con mắt phải của tôi trước đây bị kéo màn nay đã sáng hẳn, cặp
chân yếu ớt của tôi nay đã đưa tôi đi bộ thoải mái hằng ngày. Về đây tôi
nhận ra nhiều thứ, tranh giành hờn giận chỉ là phù du, điều đáng quý
nhất là những ngày còn lại tôi được nương nơi cửa Phật để đoạn trừ phiền
não của chính mình… Mà nè cậu ơi, thân phận của người hay vật nơi trần
thế, tưởng là rất khác nhưng suy cho cùng nếu như phước đức kém thì cũng
chẳng có gì khác nhau đâu…
Hoàng Dũng Hùng