Phải ngay nơi các căn mà sống, mà nhận được việc của mình. Ngược
lại ngay đó không nhận, cứ lăng xăng ngược xuôi theo những hình bóng
bên ngoài thì ngàn đời không vào cửa được.
Thiền
là gì? Là một cuộc sống bình thường tỉnh thức. Vì vậy các thiền sư nói
ăn cơm, mặc áo, đi nghỉ là thiền. Cho nên nói đến thiền tức là nói đến
cái tự mình, nói cái ngay nơi đây, rất gần gũi với chúng ta, chứ không
phải thứ gì xa xôi ở bên ngoài hết. Nhiều vị cho rằng người tu thiền
phải là người thông minh, có hiểu biết ghê gớm lắm, nghe một hiểu mười,
hỏi mười đáp trăm v.v… Quan niệm như vậy chưa đúng. Bởi vì có nhiều vị
tăng rất thông minh, nhưng khi bị Thiền sư gạn lại thì không có lối
thoát.
Như ngài Hương Nghiêm là đệ tử của tổ Bá Trượng, có kiến
thức và đạo hạnh sâu dày, rất được người trong tùng lâm quí trọng. Sau
khi tổ Bá Trượng quy tịch, tổ Qui Sơn là vị đệ tử lớn, đang chủ trì ở
núi Qui giáo hóa đồ chúng rất đông, là vị nối tiếp tông phong của tổ Bá
Trượng. Do đó ngài Hương Nghiêm đến với tổ Qui Sơn. Trong tình thì là
huynh đệ, nhưng bấy giờ ngài Qui Sơn trở thành bậc thầy. Cho nên ngài
Hương Nghiêm giữ lễ với tổ Qui Sơn giống như thầy trò.
Một hôm
tổ Qui Sơn hỏi thế này: “Ta nghe ngươi ở chỗ tiên sư là người rất thông
minh, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Bây giờ ta hỏi ngươi một
câu”. Ngài Hương Nghiêm chờ đợi lắng nghe câu hỏi. Ngài Qui Sơn hỏi:
“Ngươi thử nói cho ta nghe một câu trước khi cha mẹ sanh là gì?”. Ngay
đó ngài Hương Nghiêm bí, không nói được nên xin phép tổ Qui Sơn lui ra.
Về phòng, Ngài tìm hết trong sách vở ngữ lục từ xưa tới giờ đã học
nhưng vẫn không có câu trả lời. Cuối cùng dẹp quách hết văn tự chữ
nghĩa, Ngài nói: “Thôi bây giờ ta đành làm một vị tăng cơm cháo qua
ngày vậy”, tức là làm vị tăng bình thường, không muốn học thiền học đạo
gì nữa hết. Quyết định như vậy rồi, Ngài y áo lên đảnh lễ tổ Qui Sơn và
trước khi từ giã ra đi, một lần nữa Ngài thưa với tổ Qui Sơn:
- Xin Hòa thượng từ bi vì con mà nói phá.
Tổ Qui Sơn bảo:
- Ta nói cho ngươi nghe thì được rồi, nhưng sau này ngươi sẽ chửi ta.
Cuối cùng ngài Qui Sơn cũng không nói. Ngài Hương Nghiêm đành trở lui
về chỗ cũ của quốc sư Huệ Trung trên núi Bạch Nhai, cất cái chòi lá,
sống một mình trên đó, không mong cầu gì nữa. Một hôm nhân cuốc đất dọn
dẹp chung quanh, Ngài cuốc nhằm hòn sỏi khiến nó văng trúng bụi tre
phát ra một tiếng “tróc”, ngay đó Ngài liền ngộ. Ngộ gì thì sau này mỗi
chúng ta có công phu tu hành tự sẽ biết, chớ chỗ này không ai nói với
ai được hết.
Ở đây tôi muốn nói văn tự chữ nghĩa khôn khéo,
thuyết hay giảng giỏi… những việc này chưa dính dáng gì tới thiền cả.
Phải quay lại nhận cái của mình, phản quan tự kỷ mới là điều quan
trọng. Cho nên các giác quan của người tu Phật hay tu thiền phải luôn
sáng suốt, không bị bít lấp, lẫn lộn gì hết. Nghĩa là con mắt nhìn sáng
tỏ, lỗ tai nghe rõ ràng. Mọi âm thanh như tiếng trống, tiếng kèn,
tiếng người, tiếng chim, tiếng xe… tất cả tiếng động bên ngoài đều nghe
rõ ràng, không lẫn lộn. Sáu căn đều thế, không phần nào lầm lẫn cả.
Công phu như vậy nhất định chúng ta sẽ vào cửa, sáng được việc của
mình.
Khi ngộ đạo rồi, ngài Hương Nghiêm có làm ba bài kệ về ba
cái Chiếu. Thứ nhất là Bản lai chiếu tức là chiếu xưa nay. Thứ hai là
Tịch chiếu, tức chiếu mà lặng. Thứ ba là Thường chiếu tức chiếu mãi.
Chúng tôi sẽ tuần tự nói từng bài một.
Bản lai chiếu Nghĩ tâm khai khẩu cách sơn hà,
Tịch mặc vô ngôn dã bị ha.
Thư triển vô cùng hựu vô tận, Quyện lai tuyệt đích dĩ thành đa.
Tạm dịch: Chiếu xưa nay Nghĩ vừa mở miệng cách sơn hà, Nín lặng không lời cũng bị la. Tung ném thôi thì vô cùng tận, Thu về tuyệt dấu cũng hà sa.
Như tôi đã nói, người sống được với cái chân thật của mình rồi thì có
vô số diệu dụng hay thần dụng. Từ chỗ chúng ta không quên tính giác,
không mê theo ngoại cảnh bên ngoài và vọng tưởng bên trong, mà có thần
dụng. Nếu chúng ta muốn có thần dụng trong đời sống sinh hoạt bình
thường, thì điều kiện không thể thiếu là chúng ta đừng mê, đừng chạy
theo cảnh.
Câu đầu Nghĩ vừa mở miệng cách sơn hà, nghĩa là
người vừa dùng miệng để nói, để diễn tả về con người chân thật thì đã
cách xa ngàn trùng. Bởi vì cái đó không thể diễn tả bằng ngôn ngữ,
không thể dùng mắt cha mẹ sanh mà thấy được, chỉ có cách tỉnh táo mới
nhận được thôi. Phật tử ngồi thiền, tụng kinh, làm tất cả việc công đức
với tâm tỉnh giác, đừng dong ruổi ngược xuôi, đừng vọng động đảo điên
thì tất cả những việc làm ấy đều là Phật sự, đều chân thật. Cho nên
người có tỉnh là có lực dụng, có diệu dụng. Mà người có diệu dụng là có
thể nấu cát thành cơm, rõ ràng như vậy. Nếu không có lực dụng, chúng
ta tu đời nào thành Phật? Cho nên ngài Hương Nghiêm bảo chỗ này không
thể dùng miệng hay ngôn từ mà nói được.
Nín lặng không lời cũng
bị la. Nói không được mà bây giờ nín cũng không được nữa, vậy phải làm
sao đây? Đó là lý do các vị Thiền sư thường dùng những thủ thuật lạ
đời để tạm chỉ cho chúng ta nhận lại cái chân thật không thể thốt nên
lời ấy. Bởi vì nói và nín là hai, là đối đãi. Đã là đối đãi tức thuộc
pháp sanh diệt, nếu pháp sanh diệt thì không phải là cái chân thật. Cho
nên Thiền sư không chấp nhận nói, cũng không chấp nhận nín.
Tung ném thôi thì vô cùng tận, thu về tuyệt dấu cũng hà sa. Nghĩa là đối
với người đã tỉnh táo sáng suốt, không bị vọng động kéo lôi, làm chủ
mình rồi thì nói cũng được, nín cũng được, tung ném mặc tình, cần thì
tung ra, không cần thì thu về. Tất cả mọi hành động, mọi việc làm đều
đúng, đều là thần dụng hết.
Qua bài kệ Chiếu xưa nay, chúng ta
thấy cốt tủy của việc tu hành là phải tỉnh, đừng mê, làm chủ được mình,
chứ không có gì khác. Nói thần dụng, nói nắm lại tung ra, nói giấu
kín, nói hằng sa, nói vô vàn những ngôn từ như thế, cuối cùng cũng chỉ
là tỉnh, đừng mê. Bây giờ quí vị ngồi đây cũng tỉnh, lát nữa đi về cũng
tỉnh, lúc nào cung tỉnh thì được rồi. Tỉnh để làm gì? Tỉnh để đừng mê.
Tại sao chúng ta sợ mê? Vì mê thì bị nghiệp dẫn đi trong đường khổ,
ngược xuôi trong sanh tử. Rõ ràng như vậy thôi.
Kế đến là bài:
Tịch chiếu Bất động như sơn vạn sự hưu, Trừng đàm triệt để vị tằng lưu. Cá trung chánh niệm thường tương tục, Nguyệt kiểu thiên tâm vân vụ thu. Tạm dịch: Chiếu vắng lặng Sừng sững như non muôn việc thôi, Đầm lặng nước yên chửa dậy mòi. Niệm mà không niệm thường chẳng dứt, Trăng tỏ ngàn tâm mây ráng trôi.
Bài này rất hay! Sừng sững như non muôn việc thôi, nghĩa là những giả
cảnh giả tướng bên ngoài không làm gì được người đã làm chủ tâm mình,
vững chắc như núi. Thành ra người giác ngộ lúc nào cũng sừng sững như
non muôn việc thôi, không bị lay động bởi bất cứ hiện tượng nào.
Đầm lặng nước yên chửa dậy mòi. Giống như đầm lắng trong, yên lặng
không có sóng mòi gì hết, nhưng hiện bày tỏ rõ tất cả mọi thứ phản
chiếu vào nó. Niệm mà không niệm thường chẳng dứt, trăng tỏ ngàn tâm
mây ráng trôi. Như trong kinh Viên Giác, Phật dạy giáo pháp của Như Lai
như ngón tay chỉ mặt trăng, người trí nhân ngón tay chỉ mà thấy được
mặt trăng thật. Người không trí thì nhận lầm ngón tay là mặt trăng. Ở
đây nói niệm mà không niệm tức tu mà không tu, giác mà không giác chi
hết, chỉ thầm thầm sống lại, nhận lại cái chân thật ngay nơi mình. Nên
ngôn ngữ là phương tiện giúp hành giả tự chứng nghiệm chỗ chân thật.
Nhận được rồi thì giống như mặt trăng tỏ rạng, không bị một áng mây mù
nào che phủ hết. Mặt trăng của mình không mất, lúc nào cũng tỏ rạng thì
còn gì đẹp bằng!
Tới chiếu thứ ba là:
Thường chiếu.
Tứ oai nghi nội bất tằng khuy, Kim cổ sơ vô gián đoạn thùy? Địa ngục thiên đường vô biến dị, Xuân hồi dương liễu lục như ty. Tạm dịch: Chiếu mãi Trong bốn oai nghi thiếu chỗ nào, Mật mật thầm thầm gián đoạn sao? Thiên đường địa ngục cùng không khác, Liễu biếc xuân sang gió rạt rào.
Người bất động rồi thì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, lúc nào
cũng thầm thầm lặng lặng, hiện hữu không vắng thiếu. Không vắng thiếu
cái gì? Không vắng thiếu ông Phật trong nhà. Người này đối với thiên
đường địa ngục không thích, không ngán, không thấy khác. Nghĩa là không
bị động, không can dự gì đến mọi thứ bên ngoài. Chừng ấy đối với họ
nơi đâu cũng là Liễu biếc xuân sang gió rạt rào. Khung trời mùa xuân
thì hoa lá xinh tươi, gió xuân rào rạt. Thật không còn gì vui thú bằng!
Đó là ba cái chiếu của ngài Hương Nghiêm.
Thường chúng ta sống như người sợ bóng của mình, nhưng lại cứ ngược
xuôi chạy ngoài nắng, để trốn cái bóng của mình. Việc tu cũng vậy, ta
nghe nói bất động rồi cứ mở miệng tụng bất động, gặp ai cũng hô hào
“bất động”, mà trong tâm thật tình không có phút giây nào bất động.
Muốn bất động thì phải dẹp hết những loạn động, để tâm lắng yên, không
vọng tưởng điên đảo nữa. Phải từng bước thực tập tu hành đàng hoàng,
chớ không thể nói suông trên đầu môi. Người chỉ biết nói suông khác nào
kẻ chạy ra nắng trốn bóng của mình. Vì vậy tu bao lâu cũng không hết
khổ, không hết đảo điên.
Muốn đừng bị cái bóng của mình rượt
thì chỉ ngồi trong nhà mát là xong ngay. Chúng ta sợ sanh tử khổ đau mà
cứ cắm đầu gây tạo những nghiệp nhân đi trong sanh tử khổ đau thì bao
giờ mới hết khổ. Rõ ràng chúng sanh đã bị luân hồi sanh tử nhiều đời,
khổ sở điêu đứng nên lúc nào cũng dễ khóc lóc, sợ sệt. Vậy mà chúng ta
cứ gây bừa những nghiệp nhân không tốt để rồi bị cái khổ vây khốn mãi.
Bây giờ chỉ dừng tâm ý tạo nghiệp lại, đừng tạo nghiệp xấu nữa, lóng
lặng tâm cho trong sạch thì đâu có nghiệp nào dẫn đi nữa. Như vậy có
phải nhẹ nhàng an vui không? Chỉ có dừng lại là yên thôi, mà ta không
chịu dừng thì làm sao yên được!
Cổ nhân nói: Thân với người
quân tử thì kẻ tiểu nhân tự sợ, mà gần tiểu nhân thì người quân tử tự
xa. Nghĩa là mình gần gũi với người quân tử thì kẻ tiểu nhân sợ mình.
Còn gần kẻ tiểu nhân thì người quân tử tự lánh xa mình. Biết vậy, nhưng
có mấy ai sống được như thế. Bởi con người thường thích kẻ khác vuốt ve
dua nịnh, mà không ưa những ai thẳng thắn xây dựng mình. Nghe bùi bùi
lỗ tai là nói người đó thương mình rồi, cho nên hôm nào đó mở cửa để
người ta vào lấy hết đồ đạc, tài sản. Đó là gì? Đó là chạy theo thinh
sắc… để cuối cùng giặc ngũ trần lục dục vào cướp hết tài sản nhà mình.
Cho nên thường ngày chúng ta phải thực hành công phu liên tục, tỉnh
liên tục, mới có thể chiến thắng được nội ma ngoại ma, chứ không phải
dễ dàng đâu.
Cho nên người sống được với cái lặng lẽ, cái bất
sanh bất diệt rồi thì không dính dáng gì tới những hiện tượng bên
ngoài. Chúng ta biết mình có cái đó, bây giờ làm sao sống được với nó,
bớt những thứ lăng xăng tạo nghiệp, đó là tu. Việc làm này nhỏ xíu
thôi, nhưng phải là người có tâm tu chí cốt mới làm nổi. Cho nên tu
thiền dễ mà khó, không phải chuyện đơn giản. Nó đòi hỏi chúng ta phải có
ý chí, làm hoài, làm hoài, chừng nào được mới thôi. Ví dụ chúng ta
đang tu thiền theo sự hướng dẫn của Hòa thượng Trúc Lâm, bây giờ có ai
đến nói “Tôi chỉ cho anh hay chị pháp này, tu trong vòng một tháng thôi
sẽ thành Phật ngay”. Quí vị sẽ trả lời với người đó thế nào? Nếu là
người giữ vững lập trường, sẽ nói “Xin cám ơn! Tôi có việc của tôi, tôi
làm theo việc của tôi”. Người gan như thế, kiên cường như thế nhất
định sẽ thành công.
Sở dĩ chúng ta ngược xuôi hoài là vì hay
đổi thay. Bữa nay tu thiền, ngày mai tu mật. Cứ lăng xăng vào cửa này
ra cửa kia như thế thì biết bao giờ mới đến đích được. Chúng tôi thường
nói, trong đạo Phật có rất nhiều pháp môn, quí vị tu pháp nào cũng
tốt, miễn tu đúng và kiên định với pháp tu ấy là được. Chứ ngược xuôi
hoài thì khó có thể thành tựu được đạo nghiệp. Người thế gian thường nói
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, nghĩa là chỉ cần tinh chuyên một nghề
thôi tự khắc ta sẽ được vinh hiển. Chúng ta không tinh một nghề nào
hết thì làm sao vinh hiển được? Nay đi bán, mai làm thầy, không có việc
nào chắc thực hết thì không bao giờ thành đạt.
Người tu thiền
phải là người gan dạ, không vì hoàn cảnh mà đổi thay hay thoái tâm
Bồ-đề. Được như thế nhất định chúng ta sẽ thành công. Có mấy điều khiến
chúng ta dễ thoái thất, tôi xin nêu lên đây cho tất cả quí vị cùng tham
khảo.
Thứ nhất là không có thiện hữu tri thức, tức chúng ta tu
mà không được sự hướng dẫn chân chánh, không có những bạn đồng tu,
không gặp duyên tốt hỗ trợ khi ta đang tu. Trong những trường hợp này,
chúng ta thường hay đổ thừa, nói tôi cũng muốn tu lắm chứ, nhưng vì
vướng cái này nó bận cái nọ… thôi thì hẹn mai mốt. Ở đây tôi tạm gọi
chung là thiếu thiện hữu tri thức. Thiện hữu tức là người bạn tốt, tri
thức tức là người biết mình, những bậc thầy hướng dẫn cho mình. Nếu
thiếu điều này thì trên con đường tu hành, chúng ta khó phát huy tánh
Bồ-đề, việc tu hành thường xuyên đình trệ.
Thứ hai là sự hiểu
biết sai lầm. Dù chúng ta có thầy tốt bạn tốt, mà kiến thức của mình
không đúng, nhất là cách áp dụng pháp, phương thức tu hành sai lệch, sẽ
dẫn đến kết quả không đúng. Ví dụ như mục đích cuối cùng Phật dạy chúng
ta là tu để thành Phật, để giác ngộ giải thoát. Nhưng bây giờ chúng ta
hiểu sai, muốn tu để thành tiên bay lên trời, thụ hưởng ngũ dục tùy
thích. Do hiểu sai nên dù cố công tu cách mấy, cuối cùng kết quả cũng
không được rốt ráo viên mãn như Phật muốn dạy chúng ta. Đức Phật thường
dạy chúng ta phải hiểu Phật rồi mới đến với Phật. Phật tử theo đạo
Phật thì phải hiểu pháp môn tu, nắm cho thật vững đường lối tu mới
không bị lay chuyển bởi những sự hướng dẫn khác.
Thứ ba là tinh
tấn liên tục. Nếu chúng ta không siêng năng liên tục thì công phu
chẳng đi tới đâu hết. Làm việc gì mà một nắng mười mưa thì chẳng ra làm
sao cả. Bữa nay thức tới khuya ngồi thiền tụng kinh, nhưng ngày mai đã
đóng cửa ngủ từ chiều rồi. Tu như vậy mà muốn được thành Phật thành tổ
thì khó quá. Chúng tôi lưu ý Phật tử là siêng năng tu mà siêng năng
liên tục, chứ không phải một ngày một bữa, kiểu bước tới ba bước lại
lùi hai bước thì chẳng tới đâu hết. Cho nên tinh tấn là một điều kiện
tiên quyết cho việc tu tập của chúng ta đi tới thành công.
Điểm cuối cùng là chúng ta phải điều phục được những vọng động trong
tâm. Nói gì thì nói, những dấy niệm lăng xăng, những vọng động không
ngừng, chúng ta phải điều phục được nó. Nói điều phục là sao? Là điều
hòa và khắc phục nó. Nói thế không có nghĩa là chúng ta hủy diệt tư
tưởng, không dám suy nghĩ gì cả. Điều quan trọng là ta phải biết làm
chủ tư tưởng, trong một phạm vi nào đó ta có thể suy nghĩ để hoàn thành
công việc cần thiết, nhưng xong việc là ngưng ngay, không để suy nghĩ
lảng vảng trong tâm mãi. Như vậy gọi là từng bước khắc phục được vọng
tưởng. Không phải nói thân này gia rồi bỏ cho nó chết, nó chết đi thì
lấy gì mà tu! Chúng ta biết thân giả nhưng khéo lợi dụng nó, tạo điều
kiện để thân tâm điều hòa, có sức khỏe tốt mới nỗ lực tu liên tục cho
đến thành công được. Từ cái thân giả này chúng ta tu để được cái thân
thanh tịnh chân thật.
Đó là bốn điểm quan trọng, chúng ta cần
phải lưu tâm mới có thể kiện toàn công phu tới nơi tới chốn. Nên nhớ
sau khi hiểu Phật pháp rồi nhất định phải có công phu, cuối cùng mới
khai mở tâm sáng suốt giác ngộ, điều phục được tất cả những lăng xăng
của mình. Giác ngộ giải thoát là gì? Tức là không lầm không mê những
vọng tưởng lăng xăng nữa. Nói giải thoát tức là không bị hệ lụy buộc
ràng bởi bất cứ thứ gì cả.
Chúng ta học Phật đều biết rõ, ngay
trong đời sống này, lúc còn sinh tiền tỉnh táo đây, mình có thể thực
hiện được những điều như đã nói. Tu thiền thì kỵ nói đạt nói chứng,
nhưng quả thực nếu chúng ta tu đúng thì không nói giải thoát tự nhiên
cũng là người giải thoát rồi. Không lầm mê theo cảnh, không ngược xuôi
lăng xăng là sống với đạo, là người bất động. Việc tu không giao hẹn tới
chừng nào, mà ngay đây chúng ta có thể thực hiện liền.
Phật
dạy mạng sống trong hơi thở, muôn pháp đều vô thường, chúng ta không tu
ngay trong mỗi niệm hiện tiền thì đợi đến chừng nào? Cho nên người học
Phật, tu Phật phải áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình ngay bây
giờ. Có thế mới không sợ quỷ dữ vô thường đến bất cứ lúc nào, không sợ
bị chìm nổi trong cõi thế gian như mộng huyễn. Lúc nào chúng ta sáng
suốt tỉnh táo là giải thoát được lúc đó.
Thượng tọa Tiểu Tỉnh nói về lý huyễn qua một bài kệ rất hay:
Huyễn nhân hưng huyễn huyễn luân vi, Huyễn nghiệp năng chiêu huyễn sở tri. Bất liễu huyễn sanh chư huyễn khổ, Giác tri như huyễn huyễn vô vi.
Tạm dịch: Người huyễn nghiệp huyễn huyễn xoay vần, Nghiệp huyễn hay vời quả lụy thân. Mê lý huyễn sanh nhiều huyễn khổ, Ngộ ra như huyễn huyễn thành chân.
Phật dạy ba cõi duyên sinh như huyễn, không thiệt nên hợp tan là lẽ
thường. Người huyễn nghiệp huyễn huyễn xoay vần. Nếu chúng ta nhận ra
được mọi sinh hoạt trong đời thường như huyễn thì sẽ hiểu rõ câu này.
Người huyễn, nghiệp cũng huyễn, cái huyễn ấy xoay vần mãi. Nghiệp huyễn
hay vời quả lụy thân, tuy nhiên như thế, nói là huyễn nhưng quả thật
nó đang làm khổ mình đây. Những khổ lụy, vướng mắc đeo đuổi chúng sanh,
không ai vượt thoát nổi, nên mới nhăn nhó than khổ đó. Thành thử nghe
nói pháp huyễn trên văn tự thôi, chứ chưa có công phu thì chưa thấu
triệt được các pháp duyên sanh như huyễn đâu.
Chúng ta chưa
phải là người thấy được tất cả những hiện tượng đó “luân vi”, tức là
xoay vần như thế nào cả. Phật bảo chúng sanh chìm nổi trong lục đạo luân
hồi giống như vòng tròn xoay. Cứ xoay lên xoay xuống hoài, không có gì
cố định, không ngừng lại một chỗ nào cả. Tuy nó huyễn nhưng người
không thấu đạt, không vượt ra khỏi vòng tròn huyễn này thì khổ sở triền
miên, không biết bao giờ mới chấm dứt.
Mê lý huyễn sanh nhiều
huyễn khổ. Chữ “Mê” có nghĩa là quên, chúng ta bỏ quên hoặc mờ mịt cái
chân thật của mình. Vì thế ta lượm đỡ những cái không thật, không phải
của mình mà xài. Đã nắm trong tay rồi thì ngỡ là của mình, bởi vậy nên
khổ. Như Phật nói cái nhà này không thật, nó là giả hợp, nhưng chúng ta
cứ cho nó thật nên cố công gầy dựng, rồi chấp giữ. Ta đâu biết rằng
cho dù nó chắc chắn cỡ nào rồi cũng sẽ đổi thay, sẽ hoại diệt vì bản
chất nó là pháp hữu vi vô thường. Khi thấy nó đổi thay hoại diệt thì
mình khổ vì sợ mất.
Thân này cũng vậy. Nói thân như huyễn không
thật, do tứ đại giả hợp v.v… nhưng mình vẫn thầm nhận nó là thật. Bởi
vậy nên thân lỡ mất, lỡ hư bệnh hoặc nó thiếu cái gì thì mình khổ. Giả
dụ như chúng ta đang yên ổn thế này, nhưng bất chợt có một tai nạn xảy
đến, bác sĩ bảo phải tháo bớt cái chân hay cái tay thì ta khổ dữ lắm.
Điều này tôi đã chứng kiến. Một lần lúc tôi còn nhỏ, được cùng các huynh
đệ lớn đi thăm một nữ Phật tử bị tai nạn. Khi gặp quí thầy, cô khóc
thôi là khóc, vì bác sĩ cho hay chân của cô bị tháo khớp tới trên đầu
gối, nghĩa là cô chỉ còn có một chân rưỡi thôi. Chúng tôi chứng kiến
nỗi khổ của vị Phật tử ấy rõ lắm. Quí thầy đến thăm, thấy sự khổ dàn
trải trước mắt nhưng không giúp gì được cho cô hết. Quả là nghiệp của
ai người đó phải tự cưu mang, tự chuyển hóa vậy thôi.
Chúng
sanh vì cứ nhận thân này, tâm này là của mình nên gỡ bỏ phần nào cũng
khổ. Nếu lúc đó có một vị Thiền sư nào đến khai đạo bảo thân của con là
thân bất sanh bất diệt, nó không có tay chân mặt mày gì hết, vô hình
vô tướng, có lẽ cô này sẽ bớt khổ đôi chút. Thường trong những lúc khổ
đau tận cùng, người ta có thể chợt nhận ra đạo lý cao cả siêu việt, từ
đó sẽ hết khổ. Đáng tiếc lần đó chúng tôi còn quá nhỏ nên bất lực trước
nỗi khổ của một vị Phật tử, không giúp gì được cho cô.
Qua
bài kệ của Thượng tọa Tiểu Tỉnh, chúng ta bình tĩnh nhận lại cái gì
thật, cái gì giả để đừng bị pháp huyễn xoay vần nữa. Dù thân giả hợp
này có gì đi nữa thì cái bất sanh bất diệt hằng hữu nơi mình đâu có mất
mát bao giờ. Song khổ nỗi chúng ta ít khi nào nhận như vậy. Do đó
Thiền sư nhắc nhở chúng ta, từ huyễn pháp sinh ra pháp huyễn xoay vần
tạo ra không biết bao nhiêu khổ lụy. Sở dĩ có những hiện tượng như vậy
là do mình mê. Bây giờ muốn hết khổ, hết bị cuốn trôi trong pháp huyễn
thì ta gắng đừng mê nữa. Nghĩa là phải có trí tuệ để thấy rõ được cái
nào thật cái nào giả. Nếu người thấy được cái thật rồi thì cái giả
chẳng làm gì được họ hết.
Giống như người đang có số tài sản
khoảng vài chục triệu, họ tự cho mình cũng khá giả rồi. Song nếu hôm
nào họ phát hiện ra trong nhà có một khối ngọc hằng trăm ngàn tỉ được
cất giấu dưới lòng đất, họ đào lên và toàn quyền sử dụng khối ngọc ấy.
Chừng đó con số vài chục triệu trước kia có nghĩa lý gì đâu? Hoặc đem
cúng dường Tam bảo hoặc cứu giúp đồng bào bị lũ lụt hết số tiền ấy cũng
chẳng thấm tháp gì so với tài sản vô giá họ hiện có. Do vậy người ấy
không mang tâm lo lắng, sợ sệt, khổ sở vì trong tay của mình có cả bạc
tỉ bạc ức.
Cho nên câu chót ngài Tiểu Tỉnh dạy: Ngộ ra như
huyễn huyễn thành chân. Nghĩa là người ngộ rồi thì sống tự tại, sống
với tất cả huyễn pháp giả tạm không thật trên thế gian, mà tâm vẫn an
lạc bình thường, không bị hề hấn, bị lay chuyển bởi những hiện tượng
đổi thay nào. Đó là con người bất động.
Qua bài kệ này, chúng
ta nhận ra cách tu chủ yếu là phải đừng mê. Chữ “mê” ngoài ý nghĩa
thông thường là mờ mịt tăm tối, nó còn có nghĩa là quên nữa. Nói mê tính
giác tức là bỏ quên tính giác của mình. Sở dĩ ta bỏ quên là do mờ mịt,
không nhận ra. Bây giờ chúng ta tu như thế nào miễn đừng mê là được.
Đừng nhận cái giả cho là thật, cái giả biết là giả, cái thật biết là
thật. Nhận và sống với cái thật của mình thì tức thời hết khổ, dễ như
trở bàn tay thôi.
Vì vậy ở đây ngài Tiểu Tỉnh nói ngộ ra rồi
thì cái huyễn thành chân. Ngộ ra rồi thì an lạc bình thường, huyễn và
không huyễn không còn là vấn đề nữa. Như trong tay ta có những viên kim
cương giá trị vô lượng, thì năm ba ngàn đồng không có gì quan trọng
cả. Sở dĩ chúng sanh khổ là vì lo sợ bị mất mát, bị thiếu thốn. Bây giờ
biết rõ mình không mất mát, không thiếu thốn thứ chi hết thì còn khổ
cái gì nữa? Hôm nào quí vị thử ngồi thiền được những phút giây an ổn,
thử xem cái khổ làm sao vô cửa nhà mình được. Có người khóa kín cửa mà
khổ nó chui vô hồi nào không hay là vì tâm trạng cứ luôn sợ sệt, toan
tính, thấy mình mất mát thế nọ thế kia. Rồi vì thế mà mất mình, quên đi
tính giác cho nên cái khổ hiện tiền. Cho nên muốn hết khổ, không gì
hơn là tỉnh giác, nhận lại cái chân thật ngay nơi mình, đừng mê lầm
theo huyễn cảnh bên ngoài nữa.
Mùa xuân chỉ đến khi trong tâm
chúng ta vắng bặt mọi thứ ưu phiền sầu não. Nếu cứ ôm ấp những nghiệp
nhân đảo điên trong tâm thì cho dù ta đang đứng giữa ngàn hoa muôn sắc,
gió xuân phất phới, ta vẫn cảm thấy nhiệt não luôn thiêu đốt tâm can.
Mùa xuân như vậy không còn là mùa xuân nữa, mà đó là bầu trời ảm đạm tăm
tối bởi những đám mây vô minh che phủ. Chúng tôi hy vọng tất cả quí vị
hãy đón nhận mùa xuân miên viễn ngay trong tâm mình, với ánh sáng tràn
đầy của trí tuệ giác ngộ giải thoát.
Thích Nhật Quang
(Thiền Viện Thường Chiếu)