Chùa Bửu Minh

Đã thành truyền thống, mỗi năm người áo lam đều chúc tết các anh chị em một chữ gì đấy. Năm nay hòa niềm vui chung trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc người áo lam xin kính chúc quý anh chị em Lam viên khắp nơi một chữ ĐIỀN khai bút đầu xuân Quý Tỵ.


người áo lam - huynh trưởng gđpt - gia đình phật tử

Trong tiếng Hán, chữ điền nghĩa là ruộng đất. Theo quan niệm của người xưa trời tròn đất vuông, nên chữ điền có hình vuông. Trên mảnh đất chung người xưa kẻ ngang vạch dọc, chia đất thành bốn mảnh vuông vắn bằng nhau. Trẻ nít ngày nay cũng biết trái đất hình cầu, những cái sâu sắc của ông bà ta ngày xưa không phải ở kiến thức mà ở cái thâm thúy từ ý tới hình, diễn tả khái niệm phức tạp một cách hết sức đơn giản.

Đến tận bây giờ "mảnh đất" trong tâm linh người dân Việt là một tài sản quý báu. Người Việt thường bảo “con trâu là đầu cơ nghiệp” nhưng trước khi "lạc nghiệp" người ta phải "an cư". Ở thôn quê, muốn ăn chắc mặc bền người nông dân phải có mảnh ruộng, miếng vườn trồng trọt; ở phố xá người dân thành thị phải có miếng đất cắm dùi mới an tâm làm việc. Điền - đất không phải là biểu tượng của sự thành đạt mà là biểu tượng của sự bền vững ổn định.

Đối với gia đình riêng, người áo lam xin chúc các anh chị em Lam viên sự vững chải của chữ điền ()trong chữ phú (富) (1). Năm mới chúc các anh chị vạn sự như ý, của ăn của để mua đất cất nhà. Song người áo lam cũng xin phẩy thêm bộ thị (thần) vào chữ phú (2) chúc các anh chị đừng quên tu tập tinh cần, trưởng dưỡng dạo tâm. Giàu có về vật chất hẳn là điều tốt nhưng tuyệt vời hơn nữa là hãy làm điều thiện để phước (福) báu đầy kho đó mới là cái kế bền vững muôn đời. Đó mới là "mảnh đất tâm linh" mà người áo lam chúc các anh chị “tậu” lấy cho chính mình.

Ngày nay Gia Đình Phật Tử chia năm xẻ bảy, nội ma ngoại chướng nổi lên, không phải đơn vị nào cũng có "mảnh đất cắm dùi". Hiểu được điều đó người áo lam cũng xin chúc các đơn vị gia đình khắp nơi một chữ điền với cái nghĩa trú xứ thanh tịnh trong sự bảo bọc của quý tăng ni. Đất đai không tự nhiên mà có đất đai do bàn tay khai phá của con người. Gia Đình Phật Tử không phải tự dưng mà tồn tại hơn 60 năm nay. Để có được một mảnh đất màu mỡ người nông dân phải một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Để có được một nơi an ổn sinh hoạt trong tình thương rộng lớn Phật pháp các anh chị đã đổ không biết bao nhiêu tâm huyết, xương máu.

Công việc của người Huynh Trưởng so với người nông dân có nhiều điểm tương đồng. Người nông dân gieo hạt bón phân tưới nước để có một mùa vụ bội thu lúa chín vàng đồng. Người Huynh Trưởng cũng phải gieo trồng vun bồi những hạt giống trên mảnh đất phước điền, Trưởng phải biết tưới tẩm hạt giống ấy bằng những câu chuyện, bài pháp. Trưởng phải hiểu những hạt giống ấy cần gì, muốn gì, có sâu bệnh gì, khắc phục ra sao? Những mầm non nào Trưởng phải nâng niu, những chiếc lá nào Trưởng cần phải vặt bỏ. Nếu chẳng khéo thì không chỉ làm hỏng những hạt giống tốt mà di hại truyền đời của nó không sao nói hết. Nghiệp này nặng gánh lắm nghe. Biết rằng công việc này khó khăn vô cùng người áo lam xin chúc các anh chị thân thể khỏe mạnh, đạo tâm vững vàng, trí tuệ thăng hoa để giúp đỡ đàn em trên đường tu học.

Người có hiểu đạo tất biết "hạnh của đất". Hạnh của đất là chuyển hóa, chuyển rác thành hoa chuyển hôi thối thành quả ngọt. Hạnh của đất là từ bi dung chứa, dung được những điều khó dung trong thiên hạ. Chữ điền đơn giản, dễ viết, dễ hiểu bằng phẳng là thế lại chứa trong lòng nó

Lưỡng nhật (日) bình đầu nhật,
Tứ sơn (山) điên đảo sơn,
Nhị vương (王) tranh nhất quốc,
Tứ khẩu (口) tung hoành giang (3)

Nếu trong cái mảnh đất "be bé" đó, hai mặt trời bằng mặt không bằng lòng, bốn ngọn núi cao chót vót chẳng ai nhường ai, hai ông vua giành nhau một khoản giang sơn, bốn cái miệng không biết khẩu hòa tung hoành ngang dọc thì trời long đất lở, anh em xào xáo ngư ông đắc lợi.

người áo lam xin chúc tổ chức cái "hạnh của chữ điền" dung nạp và chuyển hóa. Lúc đó không có ông mặt trời nào, núi non bằng phẳng, hai ông vua tự nhiên biến mất, bốn cái miệng nhỏ hợp thành miệng to mười người như một chung sức chung lòng, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (4). Mong lắm thay!

Cuối cùng xin tặng các anh chị em lam viên miếng bánh chưng ngày tết chữ điền của Lang Liêu vuông vắn, mặn mà, dung dị thấm đẫm một mảnh hồn dân tộc.

Người Áo Lam


(1) chữ phú (富) ở trên gồm bộ miên (mái nhà) che chở chữ nhất (một), khẩu (miệng), phía dưới cùng là chữ điền (đất) ý nói dưới một mái nhà mà anh em cha mẹ chồng vợ mỗi người có một mảnh ruộng riêng mình cày cấy trồng trọt thì gia đình ấy đích thị giàu có.

(2) chữ phước (phúc - 福) thoát thai từ chữ phú gồm chữ nhất (một), bộ khẩu (miệng), chữ điền ()nhưng thêm vào bộ thị (thần) ý nói gia đình giàu có về mặt đạo tâm đích thị là có phước báu.

(3) tương truyền đời Trần, muốn thử nhân tài đất Việt sứ Tàu ra bài thơ này. Trạng nguyên Nguyễn Hiền lúc đó chưa tròn 15 tuổi giải được câu đố. Đó là chữ điền (田) vì chữ điền gồm hai chữ nhật (日) đặt kế nhau, bốn chữ sơn (山) châu đầu vào nhau, hai chữ vương (王) ghép chữ thập, và bốn chữ khẩu (口) đặt cạnh nhau vuông vắn.

(4) đây là cách chiết tự của người áo lam. Chữ điền (田) gồm một chữ khẩu (口) lớn bao bọc chữ thập (十) ở giữa. :)

DIEN

http://www.nguoiaolam.net/2013/02/chu-ien-khai-but-au-xuan-quy-ty.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage