Càng về cuối năm, trời đêm càng tối hơn. Những đốm sáng lửa hắt lên và vì thế mà
đêm được tỏ hơn, rạng hơn nhờ sự tương phản. Tháng chạp âm lịch mình nhằm vào
tiết mùa xuân, nhưng dường như đêm tháng chạp thì vẫn còn duyên nợ với tiết mùa
đông của năm cũ nên nó tối om om, chỉ cần có một ánh lửa nhỏ nào đó cháy lên thì
ngay lập tức bóng đen như vỡ tan đi. Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ tiếng trẻ con
hò reo khi nhìn thấy lửa đêm tháng chạp. Thằng bạn gọi ánh lửa ấy là “mắt lửa”
nhìn xuyên qua đêm. Nó nói cứ tới độ này thì Tổ tiên về ăn tết với gia đình, các
Ngài khai khẩn khai canh cũng về ăn tết với làng, mắt lửa chính là mắt của hiện
thân người đi trước. Trẻ con đứa nào cũng sợ ma, nhưng lại thích cái cách giải
thích của thằng bạn, bởi Tổ tiên mình dù mất đi rồi nhưng không phải là ma! Và
những ánh mắt lửa trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
1. Bắt đầu từ giữa tháng chạp, lũ trẻ chúng tôi đi tới mấy quán sửa xe đạp kiếm
cái lốp và săm xe người ta bỏ đi. Chúng tôi đem về giấu sau bụi chuối nương nhà,
đến tối thì huýt sáo gọi nhau ra đồng làng. Cánh đồng những đêm hôm đó tối lắm,
lúa vụ đông-xuân mới gieo hai mươi ngày nên còn thấp. Chúng tôi dắt nhau men
theo những chân ruộng ra tới giữa đồng, ở đây như một thung lũng lúa nhìn bốn
phía đều có nhà người dân. Cắm một chiếc cọc tre cao tầm người, chúng tôi móc
chiếc lốp xe lên đó rồi châm lửa đốt. Cái lốp xe nhựa cao su cứng dai nên châm
hơi khó đỏ, một lúc sau lốp bắt lửa và cháy, đến khi đó thì đố mà dập cho nó tắt
được. Khi ánh lửa bắt đầu bén cháy, cả lũ trẻ nhảy nhót hò reo cháy rồi cháy
rồi! Màn đêm đang đen đặc bỗng dưng lộ ra một đốm lửa phừng phừng lên, mắt lũ
trẻ trong đêm cũng rói lên những niềm vui. Một đứa cầm tấm tôn sắt mỏng, đứa kia
cầm cái dùi tre gõ kêu thèng thèng như chuông. Một đứa khác lại cầm cái hộp
nhựa, rồi một đứa nữa cầm cái dùi đánh vào thùng thùng như trống. Tất cả đứng
trên bờ ruộng, bên kia ánh lửa cháy rực lên soi sáng những khuôn mặt trẻ thơ.
Cánh đồng như thể đang vào một mùa vũ hội cuối năm. Từ trong xóm, nhà ai rim mứt
gừng chuẩn bị đón tết, mùi gừng quyện đường lan ra tới tận giữa đồng; lại có nhà
ai đang đánh trứng đỗ bánh thuẫn, mùi trứng thơm ngào chạy ra chơi cùng lũ trẻ
con.
Lốp xe cháy lên màu lửa đẹp và lạ, ở đoạn chân lửa thì nó có màu vàng, khúc ngọn
thì màu đỏ; nhìn vào cứ như lửa là đôi mắt chim công, vuốt nhọn sắc lẽm, hay là
một lưỡi kiếm chém đi những xui xẻo trong năm qua. Lửa lốp xe lan nhanh nhưng
cháy rất chậm, chốc sau toàn cái bánh xe đã đỏ cháy tạo thành một chiếc vòng lửa
giữa đồng. Đứng xa nhìn sẽ thấy chiếc vòng này như một con mắt lửa tròn trịa, ở
giữa mắt là một cái tròng đen, xung quanh lửa hắt lên thành những sợi lông mi
bằng lửa.
Thằng bạn nói mình dùng lửa, dùng tiếng động của thùng của tôn, tiếng hò hét…là
để đánh thức cánh đồng làng trổi dậy, đánh thức những cây lúa đừng ngủ quên mà
hãy cố gắng cho hạt vào mùa tới. Trò chơi trẻ con ấy thành ra một thứ tín ngưỡng
tuổi thơ rất đẹp và ý nghĩa.
Đêm nào không có lốp xe thì chúng tôi đan những con tít bằng rơm. Ở quê, cứ xong
mùa nhà ai cũng có một cái đống rơm to và cao cỡ mái nhà, rơm này dùng làm chất
đốt và cho trâu bò ăn vào mùa lạnh. Trẻ con chúng tôi chạy đi rút trộm rơm (nghe
đâu trong tất cả các loại trộm thì trộm rơm không có tội!), hoặc mỗi đứa tự về
rút rơm nhà mình để chơi, cái kiểu “phá nhà” của người quê thì cũng chừng ấy là
cùng, như Hoàng Cầm trong bài thơ Cây tam cúc có câu ”rút
trộm rơm nhà đi trải ổ”. Sau đó mấy đứa tập hợp
lại và bắt đầu bện tít. Đan tít rơm cũng gần như đàn bà đan tít tóc, tức là lấy
từng nắm rơm rồi bện chéo qua lại cho nó thành ra một con tít to cỡ bắp chân,
dài cỡ sải tay. Tít rơm cháy lên có khác với cái lốp xe là ở chỗ khi cháy xong
nó còn lại một cục than hồng bằng rơm đỏ ngòm, nhét vào đó củ khoai thì lúc sau
mùi vỏ khoai cháy ngậy lên mùi thơm quê nhà, đó là lúc lấy khoai ra bóc chia
nhau ăn.
Cánh đồng làng tôi những đêm tháng chạp như đã biến thành một xứ sở nào đó thuộc
về huyền thoại, có tiếng cười trẻ thơ, tiếng khua chiêng trống, có mùi thơm dân
dã, và đặc biệt là có ánh lửa xoáy vào mắt trẻ thơ. Chúng tôi nhìn lửa bằng đôi
mắt ngây ngô, lửa cũng nhìn lại chúng tôi, bất chợt nhận ra lửa chính là đôi mắt
của sự hồn nhiên và sức mạnh.
2. Trong bếp nhà người quê, từ sau ngày tết ông Táo luôn luôn có lửa, một ánh
lửa khác hẳn. Cứ đến sáng ngày hai ba tháng chạp thì mạ tôi mua về một tượng đất
gạch nung có ba hình người dính liền nhau, hoá ra đó chính là tượng Táo quân,
hay còn gọi là Thần bếp. Đến tối mạ thắp nhang, đặt bộ tượng đó vào trong bếp,
từ hôm đó cho tới hết mấy ngày tết thì bếp nhà tôi hầu như đỏ lửa suốt. Mạ nói
mấy ông Táo này mới về nên còn lạnh lắm, phải nấu nướng để các ông được ấm! Tôi
biết là mạ nói đùa cho vui thôi, nhưng tôi nghĩ tục lệ giữ lửa đỏ thường xuyên
trong dịp tết là một nét đẹp của người Việt mình. Giữ lửa, ấy cũng chính là giữ
gìn ánh sáng văn hoá dân tộc mãi mãi bền vững.
Càng gần đến tết, mạ càng bận rộn hơn; sáng chợ, chiều nương, tối bếp – đó là ba
điệp khúc của mạ. Những buổi tối năm xưa, còn ánh đèn tù mù, tôi vẫn nhớ như in
là mình rất thích chạy xuống bếp ngồi chơi với mạ, xem mạ làm bánh thuẫn, rim
mứt gừng. Cái khuôn đồng đổ bánh thuẫn được đặt trên bếp than hồng, mỗi lượt
bánh đổ được đúng mười hai cái. Đổ bánh thuẫn cần có cái cảm tính nhạy để biết
khi nào bánh vừa tới mà mở nắp ra, tức cái lúc mà phía dưới bánh vừa vàng rộm,
phía trên bánh thì nứt ra làm ba là được. Bếp than đỏ rực hồng, trên cái nắp của
khuôn bánh cũng được rải một lớp than mỏng để bánh chín đều. Hơi lửa than phả
ngay vào mặt tôi ấm đến nóng ran, nhưng tôi vẫn thích được ngồi xem mạ đổ bánh.
Chốc chốc, mạ cho tôi một chiếc bánh nhủ ăn thử xem đã vừa ngọt chưa. Than dùng
đổ bánh thuẫn phải là thứ than tốt, khi đỏ nó phát ra những tiếp kêu lép tép và
lửa nhói lên những ánh sao ở các cạnh hòn than.
Đêm hai chín tết, nhà tôi soạn lá chuối, nếp, nhân đậu để gói bánh. Đến khuya
thì gói vừa xong, ông tôi kê lên ở góc vườn sau bếp ba hòn đá vuông, đặt cái
thùng to lên trên, xếp bánh vào, đổ nước và bắt đầu nhen lửa ở dưới. Củi nấu
bánh là các gốc tre già mà ông đã đào được từ đầu tháng chạp và đem phơi khô.
Ông nói nấu bánh phải bằng gốc tre này thì lửa mới đượm để bánh dẻo. Những hôm
đó tôi hay thức cùng ông ngồi canh bánh. Góc vườn tối um, gió chỉ thoáng rất
nhẹ, tôi ngồi trong lòng ông nội, hai tay ông đưa ra khoác lấy thằng cháu. Trước
mặt tôi lúc ấy là bếp lửa đang cháy đỏ, tôi cảm nhận mình được bọc giữa rất
nhiều những nguồn ấm áp ngày chạp, lửa và tình yêu thương. Hai ông cháu ngồi
canh nồi bánh, rồi tôi ngủ thiếp đi trong vòng tay ông lúc nào chẳng hay. Cho
tới khi mở mắt thì thấy ánh lửa phía trước ập vào mắt; ngước đầu lên, ông tôi
vẫn thức, ông nhìn tôi cười, cả nụ cười của ông cũng như có thứ lửa hiền hậu và
ấm áp không gì sánh được.
3. Mâm cỗ giao thừa vừa cúng xong thì ông tôi phát hoả giấy vàng bạc và đồ hàng
mã; dĩ nhiên, cúng những thứ nầy chỉ với ý nghĩa tượng trưng thôi chứ ông nội
tôi không hề mê tín, không cho phép đốt nhiều. Tôi ôm mớ vàng bạc giấy áo ra
trước sân nhà, châm lửa và đốt, ngọn lửa đầu tiên của năm mới cháy lên từ những
thứ thiêng liêng – đó là ánh sáng của lòng hiếu kính.
Châm lửa, đống giấy bùng cháy sáng lên cả một vùng sân nhà. Trong khi đó, ông
tôi ném muối hạt lên trên, lửa gặp muối nên càng cháy rực hơn và phát ra tiếng
kêu lách tách. Tôi cảm giác như những hạt muối bị lửa đốt chảy ra ngấm vào lưỡi
mình mặn mà đến lạ! Còn ánh lửa thì bùng lên thành một chiếc lưỡi liếm vào mơn
man tiết xuân. Những tàn giấy cháy chưa hết cứ cầm lấy lửa và bay lên trời như
những bông hoa khai xuân.
Cấm đốt pháo đi rồi, những cái tết sau đó có buồn hơn, nhưng ánh lửa đêm trừ
tịch thì vẫn không tắt được. Nhang vẫn còn đỏ trên mâm cỗ giao thừa, mắt lửa đó
nhìn xuyên qua năm mới với sự tin an và phước trưởng.
Những ánh mắt lửa từ trong thẳm sâu ký ức thì hôm nay, ngày cận tết, lại quay về
nhìn tôi với niềm mong mỏi. Nhẽ nào lửa gọi tôi về ủ ấm tháng ngày hôm xưa?
Minsk 1.2009