Không chỉ từ những giai thoại
hay giá trị giáo dục từ cuộc sống của những bậc thầy vĩ đại mới làm nên
những mạch sống đầy sức mạnh cho tâm thức, mà với tất cả những gì được
xem cuộc đời của những bậc thầy đã từng có những khoảnh khắc sống cùng
với đó cũng đều chứa đủ tính thiêng liêng bất tuyệt.
Đối với Bồ tát Quảng Đức, cuộc đời của
Ngài là một huyền thoại đi ra từ sự thật với những gì rất cuộc đời. Một
nhân cách được tôn vinh bằng hạnh nguyện được cụ thể hóa hết sức cao
cả.
|
Những di vật của Bồ tát Thích Quảng Đức được trưng bày tại triển lãm chùa Long Sơn (TP Nha Trang). |
Ngài không dấn bước qua các miền núi tuyết tĩnh lặng để trao
dồi nội lực tâm linh, mà Ngài đi qua những miền đất khô cằn của địa lí
và những khô cằn trong cách xử sự của tâm thức để trau dồi tâm kiên định
của một hành giả đại thừa và thực hiện sức mạnh đánh thức tâm tư một
cách kì lạ. Ngài đã dấn bước rất nhiều nơi, cuộc đời của Ngài cũng liên
quan đến rất nhiều điều cần gợi đến. Không chỉ những điều thiêng liêng
như trái tim bất diệt của Bồ tát, hoặc chiếc xe đưa Ngài làm nên sứ
mạng, hay bất cứ những kỉ vật chính ngay lúc ngọn lửa thiêng ở điểm tỏa
ra cao nhất từ tâm hồn Ngài; mà ngay những di vật rất nhỏ ẩn mình ở rất
nhiều nơi cũng đủ gợi lên những tôn ngưỡng không thể nói hết, vì đó cũng
là hồn thiêng của một cuộc đời bất diệt từ hạnh nguyện.
Những di vật ở Khánh Hòa có liên quan
đến Bồ tát hiện tại không nhiều và không lớn về mặt hình thức, nhưng có
thể nói đó đều gắn liền với một giai đoạn rất lớn từ chặng đầu trong
cuộc hành trình dấn thân của Bồ tát.
Hầu như những mảnh ghép nhỏ đầu tiên
làm nên một cuộc đời lớn nằm tản mác nơi rất nhiều nơi tại quê hương của
Ngài. Dù nhỏ, nhưng đó là vết tích của hành trạng bao la tìm thấy ở một
hành giả Đại thừa với tư tưởng Pháp Hoa mà Bồ tát đã cả cuộc đời hành
trì trọn vẹn. Một buổi chiều trong chuyến về những nơi mà Bồ tát đã từng
lưu tích để vận động tập hợp những tôn vật cho triển lãm ở lễ tưởng
niệm Ngài.
Chúng tôi thật sự trải nghiệm rất
nhiều điều trong ước mong tìm kiếm những điều thiêng liêng và trải lòng
tôn kính Ngài thật không sao tả hết. Ngôi làng quê nơi Ngài sanh ra,
đến nay vẫn yên lành và thôn dã như bao ngôi làng nghèo khác của Việt
Nam. Đi qua vùng đất đầy nắng và gió này, có thể hình dung được nỗi khắc
nghiệt và nghèo khổ mà con người nơi đây phải sống. Một cậu bé lên bảy
yếu đuối và gầy còm có lẻ vì quá thiếu thốn sự chăm sóc những dưỡng chất
cần thiết cho một sự phát triển trong một hoàn cảnh như thế là chuyện
tất nhiên.
Nhân duyên bịnh đau đã đưa ngài đến
với hoàn cảnh nuôi dưỡng hạt giống xuất thế để rồi những gì dõng mảnh
nhất được phát thể ra một cách đáng kinh ngạc cho cả thế gian. Giếng
nước là hình ảnh duy nhất thời xa xưa của Ngài còn lưu lại tại ngôi nhà
Tổ phụ của Ngài. Cối đá lọc nước thôn giả rất đặc thù của xứ đá dành
riêng cho đời sống trong vùng nước phèn nhiễm này vẫn nằm ngay bên cạnh
giếng. Nó khơi dậy rất rõ nếp sinh hoạt của một gia đình bần nông ở một
vùng nông thôn nghèo khó. Thế mà hình ảnh và di tích ấy như vẫn hàm chứa
một hồn sống của quá khứ để rồi trở nên rất có giá trị cho hiện tại này
bằng những cơ sở rất chân thực về một bậc thầy. Nếu những giếng ngọc ở
vùng đất Kinh Bắc được tin rằng nuôi dưỡng một làng điệu quan họ có nét
đặc biệt mà không nơi nào có được, thì có lẻ giếng nước này được tin như
là một phần đã nuôi dưỡng một nhân cách hùng hồn nằm ngoài mọi sự diễn
đạt.
Chùa Long Sơn- Vạn- Ninh, nơi Bồ tát
xuất gia, qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, cũng như qua nhiều giai
đoạn trùng tu, vì nhiều yếu tố khác nhau nên không có sự lưu giữ và bảo
tồn một cách trọn vẹn, đã mất đi rất nhiều di tích có liên quan đến Bồ
tát. Những di vật hiện nay của Ngài ở tại đây, đang được cố gắng tập hợp
lại từ những vị hào lão địa phương. Đặc biệt có những mộc thư, những ấn
dấu và thủ xích rất có giá trị tâm linh. Tất cả những di vật này đều là
những đóng góp rất quí cho chương trình triển lãm. Chúng tôi được xem
bộ Y phục của Ngài với những nét chỉ đã sờn rách và cả bức mộc thư của
Ngài rất cũ kĩ tại chùa Linh Sơn- Vạn Ninh.
Đặc biệt, ở chùa Pháp Hải, có một bức
tượng tranh Bồ tát Quan Âm, trong những năm chiến tranh, hỏa thiêu tàn
rụi cả ngôi chùa, nhưng bức tượng vẫn nguyên vẹn không cháy…Còn rất
nhiều những điều có liên quan đến một cuộc đời lớn như Bồ tát nằm ở rất
nhiều nơi không chỉ ở Khánh Hòa mà ở rất nhiều vùng mà Bồ tát đã từng
lưu chân hành đạo như: Gia Định, Hà Tiên, Cai Lậy, Nam Vang (Cam-pu-
chia), Núi Lớn.v.v..mà vẫn chưa được tập hợp hết để những giá trị ấy
thực hiện được những giá trị tôn kính đúng với chính những gì đã được
gởi hồn sống của Bồ tát trong đó.
Rất cần sự hằng lưu dấu tích của một
bậc thầy đầy thật cảnh và hết sức chân thật gần gũi đời thường như vậy.
Vì những bất cập mang tính tự phát trong việc bảo quản những giá trị này
mà có những điều phiền phức và thiếu giá trị ý nghĩa phát sanh trong
việc lưu giữ của nhiều cá nhân. Không cần phủ lên hay tìm cách tôn vinh
những lớp màu tô vẻ bằng những giá trị về những chứng tích không thuộc
với chính nó để bày tỏ sự tôn kính sự vĩ đại này, vì trong đó đã chứa
hàm tất cả những gì của sự vĩ đại rồi. Im lặng của làng quê và của chính
con người được sanh ra từ đất Khánh Hòa trầm mặc, lại có một sức mạnh
nội lực thật vô biên. Cái sức mạnh đã làm cho mọi sức mạnh đều phải phủ
phục trước ngọn đuốc thiêng liêng của Ngài mà không thể diễn đạt được
hết bằng lời.
Thiết mong biết bao, một trung tâm
tưởng niệm về Bồ tát để làm nơi hướng đến chiêm ngưỡng và tôn kính trong
lòng tăng, ni và phật tử khắp nơi, và để cả những ai lưu tâm đến Ngài
trên khắp thế giới này biết nơi để tìm về lễ bái. Nơi đó không chỉ là
những di vật, mà còn có cả trái tim Ngài được tôn thiết để mọi người
kính lễ. Một hành trạng, một cuộc đời đã làm nên những điều thiêng liêng
chứa cả trong trái tim đó, nhưng bao chục năm qua sự bảo tồn và lưu tâm
như thế nào, vẫn không được biết đến.
Thật là trọng kính một di vật thiêng
liêng như vậy. Hậu thế thật có lỗi khi hàng triệu người muốn được chiêm
bái TRÁI TIM BẤT DIỆT nhưng lẽ nào vẫn chỉ là "di vật" được "đóng băng"?
Theo Phatgiao.org.vn