Sao
lại có chư tăng ở phương trên và phương dưới? Vì trong số chư tăng mười
phương có rất nhiều vị là thánh hiền tăng, thánh hiền tăng là những bậc
thánh nhân đã chứng quả, có vị chứng sơ quả A-la-hán, có vị chứng nhị
quả, tam quả cho đến tứ quả A-la-hán, hoặc có người là bậc Bồ-tát… quả
vị không giống nhau. Bậc thánh nhân chứng quả có thể từ phương trên
xuống, cũng có thể từ phương dưới lên, chư Phật cũng ở trong mười
phương. Cho nên chùa chiền được gọi là của thập phương thường trụ, là
nơi chiêu đãi chư tăng trong mười phương.
Trong số một trăm
vị tăng nhất định có một người tu đạo chân chính, trong một nghìn vị
tăng nhất định có một vị chứng quả A-la-hán. Ở những đại tùng lâm, khi
chư tăng quá đường ăn ngọ có lúc đến mấy trăm người, hoặc mấy nghìn
người không cố định. Nếu ba nghìn người thì sẽ có ba vị chứng quả
A-la-hán ở trong đó, chẳng qua là quí vị không biết ba vị nào mà thôi.
Vị A-la-hán cũng không cố ý khiến quí vị nhận ra Ngài, Ngài có vô số
hình tướng khác nhau. Lúc hiện ra một vị oai đức lớn, có oai khiến
người nể sợ, có đức khiến người kính trọng. Hoặc khi hiện thành một
người có dáng vẻ rất khờ khạo, vừa ngu dốt lại thô lỗ, khiến ai nhìn
qua đều không muốn gặp lại nữa, nhưng đâu ai biết người đó chính là một
vị A-la-hán. Cho nên vị A-la-hán có xuất hiện trước mặt quí vị, quí vị
cũng không nhận ra Ngài, đợi khi Ngài đi rồi, quí vị nhớ lại những hành
xử của Ngài mới biết đó chính là một vị A-la-hán, lúc ấy quý vị có đi
tìm khắp nơi cũng không tìm được Ngài. Không chỉ A-la-hán như thế mà
Bồ-tát cũng vậy, vì thế nên nói: “Đối diện bất thức Quán Thế Âm”, nghĩa
là tuy đối diện nhưng quí vị cũng không nhận ra Ngài là Bồ-tát Quán Thế
Âm.
Ở núi Thiên Thai
tại Trung Quốc có ngôi chùa tên Quốc Thanh. Xưa kia có một vị thái thú
(giống như trưởng huyện ngày nay), một lần, ông chuyện trò với hòa
thượng Phong Can trụ trì chùa Quốc Thanh:
-Xưa nay Bồ-tát
thường thị hiện đến nhân gian, La-hán cũng thế. Hiện tại có rất nhiều
hòa thượng như thế, nhưng tôi cũng chưa nhìn thấy một vị La-hán hay
Bồ-tát nào cả .
Hòa thượng Phong Can đáp:
-Ông muốn thấy
Bồ-tát và A-la-hán không? Dễ lắm, trong nhà bếp sau chùa chúng ta có
một người nấu cơm đó chính là Bồ-tát Văn-thù, còn vị nấu nước chính là
Bồ-tát Phổ Hiền.
Thái thú lại hỏi:
-Hai vị ấy tên gì?
-Một vị tên Hàn Sơn, còn vị kia là Thập Đắc.
Thái thú mừng rỡ:
-Thế thì tôi phải diện kiến các Ngài một lần.
Phương trượng bảo:
-Được, nếu ông thích gặp thì cứ đi gặp.
Thái thú đến nhà bếp hỏi:
-Ở đây vị nào tên là Hàn San và Thập Đắc vậy?
Có mấy vị chỉ tay nói:
-Hai người ấy chính là Hàn Sơn và Thập Đắc.
Thái thú nhìn qua
thấy tướng mạo hai vị rất xấu, đầu tóc bù xù, râu ria bờm xờm, nói một
cách đơn giản là chẳng khác nào những kẻ lập dị thời hiện đại. Nhưng
những kẻ lập dị thời hiện đại luôn có ma quỉ bám theo, trên thân luôn
toát ra một luồng khí đen, còn hai vị này trên thân tỏa ra ánh sáng sắc
vàng.
Nếu quí vị có được
thiên nhãn thông thì sẽ thấy những kẻ lập dị thời hiện đại ma khí càng
lớn thì hắc khí càng mạnh, phía sau luôn có ma quỉ đi theo họ, còn nếu
không có thiên nhãn thông thì đương nhiên quí vị sẽ không biết gì, song
quí vị cũng còn một điểm để nhận biết đó là những ma quỉ đi theo kẻ lập
dị luôn toát ra một mùi rất hôi. Bản thân kẻ lập dị không biết, nhưng
những người bình thường khác đều có thể nhận ra.
Thái thú tuy thấy
hai vị ấy nhơ nhớp xấu xí, nhưng vì tin lời của Hòa thượng phương
trượng, hòa thượng đã nói hai vị ấy chính là Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát
Phổ Hiền, vì thế nên ông hướng về hai vị ấy quì xuống đảnh lễ. Hai vị
vội hỏi:
-Ông làm gì thế? Sao lại lạy chúng tôi?
Thái Thú thưa:
-Hòa thượng phương trượng đã mách với con hai vị
chính là Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền, kính xin nhị vị Bồ-tát từ
bi hóa độ cho con!
Hai vị nghe thế nói:
-Phong Can lắm mồm mép! ông ấy thật đa sự, toàn nói bừa!
Thế là hai Ngài lùi
lại, nhưng Thái thú cứ tiến tới, hai Ngài lùi mãi lùi mãi đến vách đá
Nguyệt Quang núi Thiên Thai. Thái Thú tận mắt nhìn thấy hai Ngài đi vào
trong vách đá. Thì ra vách đá có cửa, cửa vừa mở hai Ngài liền đi vào
trong, cánh cửa nhanh chóng khép lại. Thái thú muốn đi theo vào nhưng
không kịp, ông liền nói to:
-Hai Ngài hãy độ đệ tử! Xin phát tâm từ bi cứu độ đệ tử!
Hàn San, Thập Đắc liền nói:
-Di-đà không bái mà đuổi theo chúng tôi làm gì?
Thái Thú thưa:
-Ai là Đức Di-đà?
Hàn San, Thập Đắc bảo:
-Hòa thượng Phong
Can chính là hóa Thân của Đức Phật Di-đà đến thế giới này để giáo hóa
chúng sinh, sao ông không mau đi lễ bái Ngài? Đuổi theo chúng tôi làm
gì?
Thái Thú nghe nói vui mừng:
-Ồ! Hòa thượng phương trượng vốn là hóa thân của Đức Phật Di-đà!
Nói xong, cánh cửa
trên vách đá liền khép lại, Thái Thú cũng không vào được. Thế là Thái
Thú trở về đi gặp phương trượng, ông muốn cầu Hòa thượng phương trượng
độ cho ông, nhưng vừa vào phòng phương trượng thì Hòa thượng phương
trượng đã viên tịch, ngồi xếp bằng ngay ngắn vãng sanh. Đây thật đúng
là đối diện mà để lỡ qua.
Bồ-tát Văn Thù và
Bồ-tát Phổ Hiền đã đi rồi, Đức Phật Di-đà cũng đã viên tịch, nhưng may
mắn là ông rất dụng công tu hành, nghe nói sau này ông tu hành rất tốt!
Trích từ bài giảng Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Ban phiên dịch Vạn Phật Thành