Chùa Bửu Minh

Chúng tôi đặt vấn đề này trong bối cảnh các đại hội đại biểu Phật giáo các cấp nhiệm kỳ 2012 -2017 đang được chuẩn bị ở nhiều địa phương, hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII, cùng là khi đang có những tiếng nói trẻ hóa nhân sự điều hành Giáo hội.


Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đặc thù một tổ chức tôn giáo, có những hoạt động mang tính chất tâm linh, thì tất yếu sẽ có những băn khoăn về vấn đề “đức” khi hướng đến một thế hệ lãnh đạo trẻ.

Trong thực tế, và cũng không chỉ riêng gì ở Phật giáo, việc đánh giá “đức” xét ra khó hơn nhiều lần so với đánh giá tài.

Đánh giá phẩm chất “đức”… không có văn bằng, nên phát sinh ra nhiều thước đo, nhiều chuẩn đánh giá. Trong Phật giáo Việt Nam, vẫn có xu hướng đồng nhất “đức” với giáo phẩm, hạ lạp, tức là chịu sự chi phối trước hết từ tuổi tác, chức vụ đã đảm nhiệm.

Chư vị hòa thượng lớn tuổi, hạ cao, do đó, vẫn được quan niệm là người có đức trọng. Nói đến chư tôn đức, chúng ta đều có xu hướng nghĩ đến chỉ chư vị hòa thượng.

Trong cách nghĩ như vậy, thì xu thế trẻ hóa nhân sự, sẽ vấp phải một trở ngại. Phải chăng, ở các nhà tu hành trẻ tuổi, có thể gồm cả người tu tại gia, đức vẫn luôn là một ẩn số hoặc đã là một kết luận chưa hội đủ mức độ cần thiết để lãnh đạo Phật giáo. Tư duy như vậy, có lẽ, sẽ dẫn tới mâu thuẫn trong chính Phật giáo.

Nếu nghĩ cuộc sống chỉ trong quan niệm một kiếp, thì khái niệm đức phải được bảo đảm bởi quá trình của gần hết đời người là điều khả dĩ, tuy rằng điều này không giúp ích cho việc hoàn thiện năng lực của một bộ máy, vốn luôn cần những nhà lãnh đạo trẻ, có năng lực, sức khỏe, không bị hạn chế bởi vấn đề của tuổi tác.

Nhưng đối với Phật giáo, cuộc sống đâu chỉ giới hạn giữa hai thời điểm sinh ra và chết đi. Trái lại, quan điểm xem cuộc sống chỉ có một đời là đoạn kiến. Và trên cơ sở đoạn kiến để đánh giá đức chắc chắn là sai lầm.

Với cái nhìn của đạo Phật, tuổi là yếu tố có giá trị hết sức tương đối. Bởi cuộc sống là vô thủy vô chung và gắn liền với nghiệp. Một người mới sinh cũng có thể là người có đức, do kết quả của thiện nghiệp nhiều đời nhiều kiếp.

Cuộc đời Đức Phật là một trường hợp điển hình cho cách tư duy như vậy, dù quan niệm theo cách nào: ngài đắc đạo trong kiếp sống sau cùng, hay việc đắc đạo chỉ là sự thị hiện. Với thiện nghiệp của vô vàn đời kiếp tích tụ, việc quan niệm đức của Phật từ giới hạn từ khi sơ sinh và khi đã là một vị lão niên là điều vô nghĩa.
Cũng vậy, đối với hầu như tất cả mọi người, vì ai ai cũng đều trải qua không biết bao nhiêu kiếp trước.

Vì vậy, đối với Phật giáo, đức là điều vẫn có thể có đối với người trẻ tuổi, hơn nữa đối với người tu hành. Đó là đức từ thiện nghiệp của rất nhiều đời kiếp đã kết tụ, mà nếu chỉ thêm năm, bảy mươi năm trong kiếp người hiện tại, thì có chăng chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ trong quá trình dài.

Có điều, hầu như tất cả chúng ta đều là người chưa chứng đắc, một cách khác, người phàm mắt thịt, nên không thể thấy được cái đức ở người tu hành trẻ tuổi dù là có thể có, và có thể còn hơn cả những vị nhiều tuổi hơn.

Từ đó, chúng ta có thể có sự nhìn nhận lại điều được cho là đức người tu hành phải luôn đi với tuổi đời, tuổi hạ.

“Đức” của Phật giáo càng khác với khái niệm hạnh kiểm hay đạo đức của thế gian.

Trở lại vấn đề, như đã nói, với mắt trần người phàm, đức, theo như quan niệm Phật giáo, là một ẩn số.

Vì vậy, cùng với sức khoẻ, với năng lực, điều chúng ta có thể trông cậy để tìm đến một thế hệ nhân sự lãnh đạo Phật giáo trẻ, chính là tài trí và hạnh kiểm.

Lý Thương Ẩn (đời đường), qua hiện tượng Pháp sư Trí Huyền, tuổi thiếu niên đã giảng thông Bát Nhã, cũng đã để lại cho chúng ta hôm nay bài thơ ca ngợi, trong đó có câu:

“Sa di thuyết pháp Sa môn thính/Bất tại niên cao tại tánh linh” (Sa-môn nghe pháp Sa-di nói/Chẳng trọng tuổi cao, trọng tánh linh!).


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage